Năm 2013 - kinh tế châu Á sẽ ra sao?

07:00 | 22/12/2012

789 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Năm 2012, châu Âu vẫn loay hoay trong khủng hoảng, còn Mỹ trong trạng thái phục hồi trầy trật. Trong bối cảnh đó, châu Á dường như bắt đầu ngấm đòn của khủng hoảng từ phương Tây với biểu hiện là kinh tế mất đà tăng trưởng.

Năm 2012, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đạt 7%, mức thấp nhất trong 13 năm trở lại đây. Tình trạng sa sút của kinh tế Trung Quốc đã ảnh hưởng xấu đến kinh tế các nước trong khu vực bởi Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn của các nước này. Tại Ấn Độ, năm 2012 kinh tế rơi xuống mức tăng trưởng thấp nhất trong 9 năm trở lại đây. Chỉ có vài nền kinh tế có thể trụ được như Thái Lan, Indonesia và Malaysia, nhờ vào ngành dịch vụ và xây dựng.

Tình hình 2012 tuy u ám là vậy, nhưng năm 2013, các chuyên gia cho rằng, kinh tế châu Á sẽ lấy lại đà tăng trưởng, nhờ những nền kinh tế có ảnh hưởng mạnh trên thế giới sẽ khởi sắc trong năm mới. Năm 2013, kinh tế Mỹ có nhiều khả năng tái tăng trưởng, Trung Quốc cũng đã tiến hành nhiều biện pháp để lấy lại đà tăng trưởng như giảm lãi suất chủ chốt, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cũng tạo điều kiện cho các ngân hàng được cho vay nhiều hơn, các biện pháp ổn định xuất khẩu cũng đã được áp dụng như giảm thuế cho các nhà xuất khẩu hay đơn giản hóa thủ tục hải quan.

Các nhà lãnh đạo châu Á dự báo tăng trưởng bình quân toàn châu lục trong năm 2013 là 4,8%

Ngược với Trung Quốc, dự báo kinh tế Nhật Bản sẽ khó khăn trong năm 2013 vì sẽ không còn tận dụng được ưu thế của việc tái xây dựng thời hậu thảm họa sóng thần, đồng yen sẽ tiếp tục mạnh lên, gây ảnh hưởng nhiều đến xuất khẩu. Thêm vào đó, khủng hoảng ngoại giao với Trung Quốc sẽ còn dư chấn.  

Dự báo, tăng trưởng bình quân toàn châu Á sẽ là 4,8% trong năm 2013. Trung Quốc và Lào được xếp vào số các nước đạt nhịp độ tăng trưởng từ 8% trở lên, mức cao nhất trong khu vực. Indonesia thuộc nhóm tăng trưởng trong khoảng 6-7,9%. Giới chuyên gia nhận định sớm muộn Indonesia sẽ thay Trung Quốc trở thành “công xưởng” của thế giới vì Trung Quốc mới quyết định tăng lương cho công nhân, khiến thị trường giá rẻ của nước này dần dần không còn rẻ.

Việt Nam, Myanmar, Thái Lan và Philippines được dự báo sẽ thuộc nhóm tăng trưởng 4-5,9%, riêng Việt Nam là 5,5%. Kinh tế Nhật Bản cũng sẽ có tăng trưởng, nhưng chỉ ở mức dưới 2%.

Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ vừa công bố dự báo hàng năm về tình hình thế giới năm 2050. Báo cáo này tập trung vào 6 xu hướng sẽ định hình thế giới trong những năm tới.

Thứ nhất, nền kinh tế toàn cầu dễ gặp khủng hoảng. Thế giới cần các biện pháp quyết liệt để kiềm chế các khoản nợ ngày càng tăng tại các nước phát triển. Thị phần toàn cầu của các tài sản tài chính được phân bổ đều hơn. Sự biến động giá hàng hóa sẽ tác động xấu đến Trung Quốc và Ấn Độ - những quốc gia vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu. Độ dài của chu kỳ kinh doanh sẽ trở nên ngắn hơn nhiều và kém “suôn sẻ” hơn.

Thứ hai là, khoảng trống quản trị. Tầng lớp trung lưu ngày càng tăng tại các nước đang phát triển sẽ làm tăng nhu cầu đối với quy định của pháp luật và trách nhiệm của chính phủ. Hiện tượng biến đổi khí hậu sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng khan hiếm nước, có thể khiến một số chính phủ sụp đổ.

Thứ ba là, tiềm năng xung đột gia tăng. Những căng thẳng đang gia tăng khi hệ thống quốc tế trở nên phân mảnh hơn và những tiêu chuẩn hợp tác hiện nay không còn được ủng hộ. Sự cạnh tranh để giành các nguồn lực sẽ tiếp tục tăng, trong lúc các cuộc tấn công trên mạng cũng tăng lên.

Thứ tư là, bất ổn khu vực lan rộng hơn. Dân số tại Trung Đông ngày càng trẻ hơn và tỷ lệ thất nghiệp gia tăng. Trong khi đó, chi phí quốc phòng tại châu Á đang tăng. Tầng lớp trung lưu ngày càng đông ở Mỹ Latinh sẽ đụng độ với chủ nghĩa dân túy tại các quốc gia đó. Nếu sử dụng chỉ số sức mạnh toàn cầu mới, Trung Quốc sẽ vẫn vượt Mỹ, nhưng vào năm 2040 chứ không sớm hơn.

Thứ năm là, ảnh hưởng của các công nghệ mới. Ba lĩnh vực công nghệ sẽ có sự đổi mới lớn. Thứ nhất, công nghệ thông tin khi khả năng lưu trữ ngày càng trở nên rẻ hơn. Thứ hai, công nghệ người máy và chế tạo, đã ảnh hưởng đến chi phí lao động trên toàn thế giới. Và công nghệ nguồn lực, sẽ phải tăng để bù đắp cho sản lượng hoa màu ngày càng giảm.

Cuối cùng là vai trò của Mỹ. Nước Mỹ vẫn tiếp tục chi phối trong một số lĩnh vực như quân sự, năng lượng, đầu tư trực tiếp nước ngoài, nghiên cứu, phát triển và nhân lực. Thị phần của Mỹ trên thị trường dầu mỏ sẽ ngày càng tăng. Tuy nhiên, đến năm 2050, sức mua của Trung Quốc sẽ lớn hơn Mỹ.

H.Phan

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc