Na bở bỗng dưng thành hàng hiếm, hoa lạ Trung Quốc 33 triệu đồng/bông tranh nhau mua

06:33 | 20/08/2018

322 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong tuần qua, trên thị trường, giá cả nhiều mặt hàng biến động lạ. Khác với mọi năm, giá na, nhất là na bở "bỗng dưng" được giá. Trong khi đó, hoa sen núi tuyết -một loại hoa nhập ngoại cũng đang được giới thượng lưu săn lùng với giá cao ngất ngưởng vì có nhiều công dụng hữu ích về sức khỏe, làm đẹp.

Tranh nhau mua sen tuyết Trung Quốc 33 triệu đồng/bông

Na bở bỗng dưng thành hàng hiếm, hoa lạ Trung Quốc 33 triệu đồng/bông tranh nhau mua
Hoa sen núi tuyết nảy mầm ở nhiệt độ 0 độ C, sinh trưởng trong điều kiện 3-5 độ C, và chịu được lạnh -21 độ C.

Theo giới thiệu của một số người chuyên bán hoa sen núi tuyết (hay còn gọi hoa thiên sơn tuyết), loại này là loại thảo dược quý, có rất nhiều công dụng như tăng cường sinh lực, chống ung thư, mệt mỏi, chống lão hoá, làm đẹp...

Thị trường hiện nay có 3 loại: Sen tuyết mọc tự nhiên ở Tân Cương, Tây Tạng (Trung Quốc); loại trồng ở vùng Bhutan thuộc dãy Himalaya; một loại dân tự trồng.

Cụ thể, đắt đỏ nhất là loại mọc tự nhiên có giá khoảng 33 triệu đồng/bông, mỗi bông nặng khoảng 30-40 gram.

Chị Hải Yến, một người nhận đặt hoa sen núi tuyết chia sẻ: “Tôi đi Tây Tạng từ năm ngoái, muốn nhập về bán mà quá đắt nên không ôm nổi. Hiện ai có nhu cầu đặt thì tôi gom hàng. Khách đặt sen tuyết từ vùng Bhutan thì 1 tuần là có hàng, tuy nhiên lượng khách cũng không nhiều, đa số là khách “ruột” sành ăn hoặc mua làm quà biếu”.

Bên cạnh đó, anh Trần Tùng (quận Long Biên), chủ một cửa hàng bán thảo dược quý cho biết: “Lý do mà loại hoa này có giá cao vì càng ngày càng khan hiếm. Năm 2007, Tân Cương tuyên bố loài hoa trắng mọc trên núi tuyết này là thực vật bảo vệ cấp quốc gia. Việc khai thác tuyết liên phải trong vùng quy hoạch, do cơ quan quản lý thực vật hoang dã cấp phép nên để tiêu thụ giá sẽ rất cao”.

Tuy nhiên, một vài người đã từng mua và sử dụng loại hoa sen tuyết này để pha trà uống nhằm chữa bệnh cho biết, chúng cũng không giúp bệnh tình thuyên giảm. Hơn nữa, việc bỏ ra vài chục triệu đồng chỉ để mua về pha trà uống cũng rất lãng phí.

Na bở thành hàng “hot”, giá cao vẫn đắt hàng

Na bở bỗng dưng thành hàng hiếm, hoa lạ Trung Quốc 33 triệu đồng/bông tranh nhau mua
Na bở hiện có giá bán cao gấp đôi so với na dai trên thị trường.

Trong thời gian dài, người dùng mặc định na dai là loại ngon nhất, hơn hẳn so với na bở. Thế nhưng gần đây, na bở đang "hot" trở lại trên thị trường.

Khảo sát của phóng viên cho thấy, hiện trên thị trường, trong khi giá na dai dao động từ 35.000 – 65.000 đồng/kg thì na bở có giá thấp nhất từ 80.000 – 90.000 đồng/kg. Cá biệt loại quả to, ngon, đặc sản vùng núi Hà Giang, Lạng Sơn có giá lên đến 130.000 đồng/kg.

Theo chị Yến (Bắc Ninh), chị thích ăn na bở vì khẩu vị riêng. Chị chia sẻ: "Mọi người thích ăn na dai nhưng tôi lại thích na bở. Cũng giống như có người thích ăn mít mật, người thích mít dai vậy. Tôi thấy vị na bở ngọt thanh, mát nhưng giờ tìm mua không hề dễ chút nào”.

Chuyên bán hoa quả tươi, đặc sản trên mạng, chị Mai (Tân Mai, Hà Nội) cho hay: “Đôi ba năm trở lại đây, na bở bỗng được ưa chuộng, khách hỏi mua nhiều nhưng quả thực giờ tìm một vườn na bở rất khó. Dù nhiều người hỏi nhưng mỗi ngày cửa hàng tôi chỉ về được khoảng 20kg”.

Lý giải về việc na bở trở nên “hiếm có khó tìm”, một tiểu thương cho biết, chủ yếu do các chủ vườn trồng na không trồng loại quả này nữa. Thứ nữa là quả na bở không được chuộng phổ biến, có chăng chỉ một nhóm người.

Thứ ba là vận chuyển tốn công và khó hơn na dai, do na bở chín sẽ trở nên bở nhũn, khó đi đường ô tô dài ngày, thêm nữa lại khó bảo quản lâu nên chúng tôi không muốn nhập bán.

Giá rau xanh tăng gấp đôi, đồ khô “cháy hàng”

Na bở bỗng dưng thành hàng hiếm, hoa lạ Trung Quốc 33 triệu đồng/bông tranh nhau mua
Các mặt hàng rau xanh tăng giá gấp đôi do nhu cầu tăng cao và cả tác động của mưa bão.

Tại hầu hết các khu chợ truyền thống và siêu thị trên địa bàn thủ đô, người dân nhộn nhịp mua sắm các mặt hàng thực phẩm như thịt, cá, các loại rau và đồ khô để chuẩn bị cho dịp cúng rằm tháng bảy âm lịch.

Nếu tại các siêu thị, giá rau xanh được giữ ở mức bình ổn thì tại chợ truyền thống, nhiều loại rau xanh đã tăng gấp đôi do nhu cầu tăng cao và tác động của mưa bão.

Chị Phan Thị Mơ, một tiểu thương bán rau tại chợ Nguyễn Phúc Lai cho biết các loại rau củ như súp lơ, cà rốt, su su,… đều tăng giá gấp rưỡi đến gấp đôi ngày thường, lượng khách mua hàng cũng tăng cao nên bán đắt hàng.

Tuy nhiên, dù đông khách nhưng giá các mặt hàng đồ khô về cơ bản cũng không tăng. So với những ngày trước đó thì đa phần khách hàng mua với số lượng lớn các mặt hàng như miến, trứng, tôm khô, cá khô và các loại gia vị.

Theo Dân trí

Các công ty Đài Loan chuẩn bị ‘kế hoạch B’ trong chiến tranh thương mại Mỹ-Trung
Buôn lậu gần 500 triệu đô la Mỹ hàng giả, 33 hoa kiều Trung Quốc bị khởi tố