Myanmar: Chiến trường năng lượng Đông - Tây mới

14:00 | 13/11/2012

2,623 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Thế giới đang chú ý đến Myanmar không chỉ đây là một trong những điểm đến đầu tiên của Tổng thống Mỹ Barack Obama sau khi tái cử mà còn bởi quốc gia này sở hữu nguồn tài nguyên dầu mỏ và khí đốt dồi dào, cùng vị trí địa chính trị quan trọng đang trở thành một nhân tố quan trọng trong chiến lược “trọng tâm châu Á” của Mỹ và chính sách năng lượng của Trung Quốc…

Những biến chuyển trên chính trường Myanmar và sự chú ý đặc biệt của Mỹ tới “mảnh đất màu mỡ cuối cùng của châu Á” gần đây đã khiến quốc gia này trở thành “một trọng tâm mới” trong chính sách năng lượng của các cường quốc nói riêng của công ty dầu mỏ thế giới nói chung, từ Đông sang Tây, từ phương Tây cho đến châu Á.

Bí ẩn tiềm năng dầu khí

Trải qua gần nửa thế kỷ dưới sự cai trị của chính quyền quân sự, bị phương Tây trừng phạt và chìm đắm trong những mâu thuẫn sắc tộc, xung đột phe phái và gần như chỉ có Trung Quốc “chơi” với, Myanmar là một nước “hơi khép kín, biệt lập và khó hiểu” trong mắt cộng đồng quốc tế. Thậm chí, trữ lượng dầu khí của nước này dù được coi là tiềm năng nhưng con số chính xác cũng vẫn là một bí ẩn. Phát hiện dầu mỏ đầu tiên của Myanmar là vào năm 1853, sớm hơn Mỹ đến 6 năm. Nhưng con số trữ lượng công bố trong những dữ liệu trước đây thu thập với các thiết bị cũ là không đáng tin cậy. Và ngoài ra, tài liệu của mỗi một tổ chức, cơ quan khác nhau lại có những đánh giá khác nhau.

Cuối năm 2010, thống kê của BP xác định trữ lượng khí đốt xác minh của Myanmar ở mức 334,14 tỉ m3, chiếm 0,2% trữ lượng toàn thế giới. Trong khi đó, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), cũng vào năm 2010, liệt Myanmar vào vị trí thứ 37 thế giới về trữ lượng khí đốt tự nhiên với 283,2 tỉ m3. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Năng lượng Myanmar Than Htay, tiềm năng khí đốt tự nhiên của Myanmar còn triển vọng hơn nhiều với trữ lượng ước tính đạt 637,1 tỉ m3.

Myanmar có nguồn tài nguyên dầu khí và khoáng sản dồi dào chưa được khai thác

Bên cạnh đó, cũng theo Bộ Năng lượng Myanmar, trữ lượng dầu mỏ chứng minh của Myanmar ở trên bờ là 104 triệu thùng và ngoài bờ là 35 triệu thùng, trữ lượng dầu mỏ hồi phục thậm chí còn có thể lên tới hơn 200 triệu thùng. Ngoài ra, với sản lượng khai thác 19.600 thùng dầu thô và gần 42 nghìn m3 khí mỗi ngày, Myanmar đứng thứ 75 về sản lượng khai thác dầu thô và 36 về sản lượng khai thác khí đốt toàn cầu trong năm 2010.

Căn cứ vào những con số đó, có thể thấy Myanmar không phải là nước giàu có tài nguyên dầu khí cho lắm nhưng sức hấp dẫn thì không thể phủ nhận. Thực tế, nhiều năm bị phương Tây cấm vận khiến công tác thăm dò đánh giá trữ lượng dầu khí của Myanmar vẫn còn nhiều thiếu sót, đồng nghĩa với việc vẫn còn có những phát hiện dầu khí mới đã, đang và sẽ được tìm ra. Ví dụ, Công ty Dầu lửa Miến Điện, một liên doanh với Công ty Dầu khí Quốc gia Myanmar (MOGE) và Sinopec (Trung Quốc) hồi tháng 1/2012 đã công bố một phát hiện khí đốt khổng lồ ở khu mỏ Pahtolon, miền Trung Myanmar mà theo truyền thông nước này, có trữ lượng ước tính 25,74 tỉ m3 khí và 7,16 triệu thùng condensate.

Khi Trung Quốc không còn là “người chơi chính”

Trong quá khứ, Trung Quốc có thể “yên vị” là đối tác hàng đầu của Myanmar và sự thực, siêu cường này đã tranh thủ tạo dựng được cho mình một hệ thống cơ sở cung cấp năng lượng quan trọng cho mình ở Myanmar. Ở khu vực vịnh Bengal - nơi được cho là cực kỳ giàu tài nguyên dầu khí, Trung Quốc đã rót hàng tỉ USD đầu tư khai thác dầu khí và hiện tại đang xây dựng hai đường ống, một dẫn dầu thô, một dẫn khí đốt tại nơi này. Ngoài ra, Bắc Kinh còn đang nuôi kế hoạch xây dựng hệ thống đường ống dẫn dầu từ Myanmar sang Trung Quốc sao cho đáp ứng 20% nhu cầu tiêu thụ dầu khí của quốc gia này.

Có thể nói, Myanmar chính là một trong những chìa khoá năng lượng của Trung Quốc không chỉ bởi nguồn tài nguyên dầu khí, khoáng sản tiềm năng mà còn bởi hơn 80% lượng dầu thô nhập khẩu của Trung Quốc phải đi qua eo biển Malacca - vùng biển vốn nổi tiếng bởi nạn cướp biển. Nếu Trung Quốc có thể xây dựng một hệ thống dẫn dầu từ Myanmar đủ mạnh sang Trung Quốc, thì quốc gia này sẽ không phải lo chuyện tàu bè đi qua eo biển Malacca nữa. Thêm vào đó, dầu khí được vận chuyển thẳng từ Myanmar sang Trung Quốc, sẽ tiết kiệm được chi phí vận chuyển đáng kể do khoảng cách địa lý gần hơn.

Tuy nhiên, kể từ khi các cường quốc phương Tây nới lỏng các lệnh cấm vận với Myanmar, tình hình đã khác - Naypyidaw đã mở cửa và sẵn sàng cho các cuộc đàm phán, kêu gọi đầu tư nước ngoài, đặc biệt vào lĩnh vực dầu khí. Vòng đấu thầu thăm dò 18 lô dầu khí trong tháng 7/2011, trước khi được Hoa Kỳ nới lỏng các biện pháp trừng phạt, là vòng đấu thầu chính thức đầu tiên được tổ chức trong 5 năm trở lại đây của Myanmar. Và cho tới nay, qua một số lần mở thầu nữa, bên cạnh các công ty dầu khí Trung Quốc, đã có rất nhiều công ty năng lượng quốc tế đang đầu tư hoặc tìm kiếm cơ hội đầu tư vào nước này, trong đó có Total (Pháp), Petronas (Malaysia), PTT (Thái Lan), Jubilant (Ấn Độ) và sắp tới có thể là Shell (Hà Lan), Chevron (Mỹ)…

Hy vọng phất lên, đổi đời nhờ ngành công nghiệp năng lượng của Myanmar là có cơ sở, tuy nhiên, không phải không có những trở ngại. Ngành công nghiệp này đang vấp phải rào cản “lòng tin” từ phía các nhà đầu tư nước ngoài. Các công ty dầu khí Mỹ và châu Âu luôn bày tỏ lo ngại về vấn đề về tính minh bạch và độ khả tin của ngành công nghiệp năng lượng Myanmar, cũng như là những liên hệ của ngành này với giới quân sự. Gần đây nhất, bà Aung San Suu Kyi, chủ nhân của giải thưởng Nobel Hòa Bình khuyến cáo các doanh nghiệp không nên làm ăn với Công ty Dầu khí Quốc gia Myanmar (MOGE) do thiếu tính minh bạch và trách nhiệm.

Thêm vào đó, Mỹ mặc dù đã xóa bỏ lệnh cấm vận với Myanmar nhưng Washington yêu cầu các công ty phải công bố toàn bộ thông tin khi “bắt tay làm ăn” với nước này. Thực tế, mới đây, Myanmar đã phải trì hoãn một cuộc đầu thầu khai thác dầu và khí đốt tại Myanmar dự kiến diễn ra trong tháng 9 sau khi các công ty dầu mỏ châu Âu như: ConocoPhillips, Hess Corp, Royal Dutch Shell, BP , BG Group và Tập đoàn Woodside Petroleum của Australia ngỏ ý muốn tham gia đấu thầu. Giải thích lý do cho động thái này của chính phủ Myanmar, một quan chức trong ngành Dầu khí Myanmar tiết lộ, các tập đoàn dầu khí châu Âu thường đặt ra những tiêu chuẩn ngặt nghèo về tính minh bạch, môi trường, xã hội và các tác động đến hệ sinh thái. Vì vậy, Myanmar cần thêm thời gian để hoàn thiện các quy định nhằm hợp lý hóa các tiêu chuẩn trên.

Khẳng khái nhìn nhận các hạn chế của mình và tích cực hoàn thiện các cơ chế luật pháp hỗ trợ đầu tư nước ngoài, với sự nới lỏng cấm vận của Mỹ và cải cách chính trị, kinh tế ngày càng quyết liệt ở Myanmar, ngành công nghiệp dầu khí của Myanmar chắc chắn sẽ thu hút được sự quan tâm của nhiều công ty năng lượng quốc tế với dòng vốn đầu tư khổng lồ.

Đến năm 2011, đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực dầu khí của Myanmar đạt 13,8 tỉ USD với 104 dự án, chiếm 31,48% và đứng thứ 2 trong cơ cấu đầu tư nước ngoài vào Myanmar, sau ngành điện.


Linh Phương (tổng hợp)

 

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps