Một ngày trước bầu cử Tổng thống Mỹ:

Mỹ và chính sách năng lượng “trên trời dưới đất”

15:00 | 05/11/2012

1,474 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Obama muốn phát triển nguồn năng lượng mới, Romney thì nói phải đào nhiều dầu hơn nữa. Hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ đưa ra hai lời giải khác nhau theo cách nói của báo chí Mỹ là trên trời và dưới đất, cho một câu hỏi ‘Làm sao để Mỹ độc lập năng lượng trong 10 năm nữa’?

 

Giải quyết bài toán năng lượng của Mỹ: đề tài tranh cử giữa hai ứng cử Romney và Obama

Khi nào Mỹ hết phụ thuộc năng lượng?

Nước Mỹ luôn muốn chứng tỏ hình ảnh một siêu cường hùng mạnh, vững chãi tuyệt đối và không phải phụ thuộc vào bất kỳ một quốc gia nào khác. Nhưng sự thật là trong lĩnh vực năng lượng, Mỹ lại phụ thuộc vào rất nhiều vào các quốc gia lớn, nhỏ trên khắp thế giới. Để bảo đảm trọn vẹn quyền lực của một siêu cường và trấn an dư luận, chính quyền Mỹ gần đây đang nỗ lực thực hiện một cuộc “cách mạng năng lượng Mỹ” nhằm đáp ứng các mục tiêu về an ninh năng lượng tại quốc gia này, tiến tới một nước Mỹ độc lập về năng lượng.

Nếu Mỹ muốn hoàn thành mục tiêu độc lập về năng lượng thì quốc gia này phải ngừng ngay nhập khẩu khoảng 8 triệu thùng dầu thô mỗi ngày từ nước ngoài. Mỹ phải tự đáp ứng nhu cầu năng lượng trong nước bằng cách tăng sản lượng khai thác dầu mỏ và khí gas thiên nhiên, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nhiên liệu, chú trọng đến phát triền nguồn năng lượng tái tạo.

Khái niệm “độc lập về năng lượng” được hiểu là khi nguồn cung dầu mỏ cả trong lẫn ngoài nước bị đóng băng thì nước Mỹ vẫn hoàn toàn có khả năng tự đáp ứng được nhu cầu năng lượng trong nước. Chỉ khi người dân Mỹ, chính phủ Mỹ gần như không phải chịu bất kỳ một sức nặng ảnh hưởng nào từ dầu mỏ (cho dù đó có là từ nguồn cung dầu mỏ trong hay ngoài nước) thì nước Mỹ mới là một quốc gia hoàn toàn “độc lập về năng lượng”. Tuy nhiên xét trong khai niệm trên, nước Mỹ có chút nhận thức lệch lạc. Người Mỹ quá quan tâm đến yếu tố nước ngoài khi nhập khẩu dầu mỏ. Với họ, nếu Mỹ nhập khẩu dầu mỏ từ nước ngoài thì Mỹ đang phụ thuộc vào nguồn cung dầu mỏ từ quốc gia đó. Chính quan điểm ấu trĩ trên đã khiến họ quên đi bản chất cốt lõi của vấn đề.

Ngay sau khi Mitt Romney chính thức được chọn làm ứng cử viên tổng thống trong đại hội đảng Cộng hòa, Nhà Trắng đã đưa ra quy định chung về tiết kiệm nhiên liệu cho các xe hơi sẽ được chế tạo trong tương lai, để tới năm 2025 thì tất cả sẽ đáp ứng đúng tiêu chuẩn.

Theo quy định này các xe trên toàn nước Mỹ sẽ chỉ tiêu thụ 1 gallon xăng để chạy được 54,5 dặm (87km) nghĩa là hiệu quả gấp đôi so với mức hiện nay và như vậy tiết kiệm được 1.700 tỷ USD tiền nhiên liệu cho Mỹ vào năm 2025. Tổng thống Obama nói rằng: “Tiêu chuẩn nhiên liệu này là bước tiến quan trọng nhất mà chúng ta thực hiện để giảm sự lệ thuộc vào dầu lửa ngoại quốc, tăng cường an ninh năng lượng cho Mỹ và giúp cho kinh tế của các gia đình trung lưu”. Chính quyền Obama đã được sự ủng hộ của các công ty chế tạo lớn, kể cả “Ba ông lớn” ở Detroit (GM, Ford, Chrysler) về tiêu chuẩn nhiên liệu giai đoạn 2017-2025. Theo ước lượng, các công ty xe hơi sẽ tốn 157 tỷ USD để phát triển và sản xuất các xe với động cơ mới. Trung bình mỗi xe sẽ đắt hơn khoảng 3.000 USD nhưng số tiền này được bù lại bằng nhiên liệu tiết kiệm.

Những người Cộng hòa chống lại quy định này của chính quyền Obama, theo lời Dân biểu Darrell Issa, California: “Quy định do chính quyền Obama đưa ra thiệt hại cho giới tiêu thụ vì bắt họ lái những chiếc xe đắt tiền và kém an toàn hơn”. Ông cho rằng chính quyền đã “bí mật” thỏa thuận với các hãng xe hơi, thiếu nghiên cứu khoa học, tham khảo với các giới và chỉ nhằm mục tiêu chính trị làm vừa lòng các nhóm bảo vệ môi trường. Ứng cử viên Mitt Romney thì cho rằng: “Cách đúng nhất là sản xuất xe mà dân chúng muốn chứ không phải chính quyền bảo các hãng xe phải làm xe như thế nào”.

Nhưng Bộ trưởng Giao thông Vận tải Mỹ, Ray Lahood, nói với các phóng viên nói rằng gần đây Ford và Chrysler đã đạt nhiều tiến bộ về xe tiết kiệm xăng. Theo ông, dân Mỹ bây giờ muốn dùng xe ít tốn xăng và hãng xe đã đáp ứng được nguyện vọng ấy.

Hai ứng cử viên Tổng thống đều đề ra chính sách năng lượng mà theo họ sẽ đưa Mỹ đến sự độc lập về năng lượng vào năm 2020

Người muốn trên trời, kẻ đòi dưới đất

Năng lượng chính là một đề tài của cuộc tranh cử. Ngày 23/8, ứng cử viên tổng thống đảng Cộng hòa Mitt Romney đề ra chính sách năng lượng mà theo ông sẽ đưa Mỹ đến sự độc lập về năng lượng vào năm 2020 nghĩa là sau hai nhiệm kỳ của ông, nếu ông đắc cử. Ðây không phải là một mục tiêu mới, các tổng thống hay ứng cử viên tổng thống trong hai thập niên vừa qua đều đã có những ý kiến và chủ trương tương tự. Tổng thống đương nhiệm Barack Obama đã từng nhiều lần khẳng định và cổ vũ sự độc lập năng lượng, không để bị lệ thuộc vào thị trường cung ứng dầu thô từ Trung Ðông và các nước ngoài. Tuy nhiên về phương cách thực hiện lý tưởng ấy, có sự khác biệt hoàn toàn giữa đường lối của hai đối thủ Cộng hòa và Dân chủ; Obama tìm hướng giải quyết nhu cầu năng lượng của nước Mỹ ở trên trời còn Romney ở dưới lòng đất, theo một cách nói của các giới truyền thông nước này.

Chính sách năng lượng của ứng cử viên Mitt Romney không làm các giới quan sát ngạc nhiên; ông và đảng Cộng hòa có liên hệ mật thiết với các đại công ty công nghiệp dầu khí và đã thu được hơn 7 triệu USD trong một bữa tiệc gây quỹ ở Texas hồi giữa tháng 8/2012. Ông bênh vực chủ trương dành cho các tiểu bang quyền quyết định thăm dò và khai thác dầu khí. Theo ông: “Các tiểu bang có nhiều khả năng phát triển, quy định và bảo trợ các chương trình năng lượng căn cứ theo tài nguyên, tình trạng địa chất và những quan tâm của địa phương”. Trong chủ trương gia tăng sản lượng dầu nội địa, ông chấp thuận xây dựng đường ống dẫn dầu Keystone XL từ miền Tây Canada đến các nhà máy lọc dầu ở Texas. Tuy vậy để làm giảm lo ngại của các giới bảo vệ môi trường, ông nói thêm rằng sẽ không chấp nhận cho sản xuất năng lượng trên những khu đất liên bang đã được quy hoạch cấm khoan dò dầu khí.

Trong lời phát biểu ngày 15/12 vào thời điểm giá dầu thô lên cao, Tổng thống Obama đã khẳng định rằng không một nhà lãnh đạo Mỹ nào có khả năng đơn phương giải quyết một vấn đề vốn còn phải tùy thuộc vào cơ chế vận hành của thị trường thế giới. Và ông đề cao chủ trương tìm kiếm phát triển những nguồn năng lượng mới: “Chúng ta không thể có được một chính sách năng lượng ở thế kỷ trước, và đã ràng buộc Mỹ trong quá khứ. Chúng ta cần một chiến lược cho tương lai, một chiến lược toàn diện trong thế kỷ 21 bằng cách phát triển mọi nguồn năng lượng có thể tạo lập ra”. Tuy nhiên điều đó không dễ dàng và không mau chóng đạt tới.

Nhưng chính sách năng lượng mà ứng cử viên Mitt Romney vừa đề ra không nhắm tới tương lai ấy. Mục tiêu độc lập năng lượng cho Mỹ trong 10 năm tới cũng mới chỉ là một mục tiêu nhất thời không lâu dài lắm, nếu tin rằng bất cứ những mỏ dầu nào đến một lúc cũng cạn kiệt không thể khai thác mãi. Ông Romney chắc chắn cũng phải nghĩ như thế, nhưng khi đưa ra ý kiến, ông có lý do khác, cụ thể là vấn đề tranh cử. Bầu cử là chuyện tháng 11 này và cử tri bỏ phiếu cho cuộc bầu cử ấy chứ không phải cho năm 2020 và với họ giải quyết được nhu cầu bây giờ mới là điều để quan tâm. Nói cách khác, đây là nội dung kinh tế, chủ đề mà ứng cử viên Cộng hòa tin rằng có kết quả đưa đến chiến thắng trong mùa bầu cử năm nay.

Tuyên bố tại Hobbs, trung tâm dầu khí của New Mexico, ông Mitt Romney hứa hẹn rằng chính sách năng lượng mới sẽ tạo ra 3 triệu việc làm và đem lại thu nhập hơn 1.000 tỷ USD cho chính quyền liên bang và tiểu bang. Kế hoạch ông đưa ra là mở thêm nhiều khu vực khoan dầu dọc duyên hải Ðại Tây Dương và dành rộng quyền cho các tiểu bang kiểm soát sản xuất năng lượng ở lãnh thổ liên bang. Vùng duyên hải Ðại Tây Dương cho đến nay vẫn là khu vực chưa được phép khoan dò dầu khí. Tại Ðại Hội Ðảng Cộng hòa 4 năm trước, năm 2008, người ta đã thấy có khẩu hiệu khuyến khích khoan thêm các mỏ dầu ở Mỹ: “Drill, baby, drill”. (Khoan, khoan đi, chú bé).

Nhà báo Bryan Walsh viết trên tạp chí Time: “Cái hoàn toàn sai trong chính sách năng lượng của ông Romney chính là mục tiêu. Ông ta cổ vũ sự độc lập năng lượng như là phương cách để thúc đẩy nền kinh tế và giảm chi tiêu cho những gia đình trung lưu. Nhưng chừng nào Mỹ còn phải lệ thuộc vào dầu mỏ thì không thể độc lập, dù là dầu từ đâu tới. Dầu thô trao đổi trên thị trường toàn cầu và dầu quốc nội chỉ ảnh hưởng từ ít đến không có. Một sự gián đoạn sản xuất tại một nước nào cũng đều làm xăng ở Mỹ tăng giá và chúng ta không thể an lành với dầu trong vịnh Mexico. Chuyển bớt nhập khẩu dầu từ Arập Xêút và Canada có thể tốt về chính trị nhưng đừng nghĩ rằng sẽ tác động nhiều đến giá ở các cây xăng, vì Canada cũng chẳng muốn hạ giá dầu thô”. Walsh viết tiếp: “Trong ít năm gần đây, chúng ta đã sản xuất thêm dầu thô nội địa, nhưng không làm giá xăng hạ xuống bao nhiêu nếu không phải là còn tăng lên. Chúng ta không thể 'drill, baby, drill' mà có năng lượng rẻ”.

Khi vận động tranh cử tại miền Ðông Ohio giáp giới West Virginia, vùng khai thác mỏ than, ông Romney đã khuyến khích hoạt động của các nhà máy nhiệt điện đốt bằng than và cho rằng Mỹ sẽ không cần mua dầu của Venezuela hay Trung Ðông vào năm 2020 nếu sử dụng hết các nguồn năng lượng nội địa. Những quan điểm này ngược hẳn với chủ trương của phía đảng Dân chủ và Tổng Thống Obama đả kích ông Romney là “coi thường vấn đề năng lượng sạch”. Tổng thống Obama đã thúc đẩy chương trình phát triển điện gió ở nhiều tiểu bang như Iowa, Colorado và đề nghị Quốc hội gia hạn giảm thuế chi các công ty chế tạo turbin gió, nhưng ông Romney không ủng hộ kế hoạch này. Theo lập luận của chính quyền Obama, ngành công nghiệp Mỹ có ưu thế khoa học kỹ thuật về chương trình phát triển điện gió và sẽ giúp thuộc kỹ thuật tạo ra nhiều công việc làm cho dân Mỹ. Trung Quốc là một trong những quốc gia trên thế giới chú trọng phát triển điện gió và vẫn mua nhiều trang thiết bị của Mỹ.

Thống đốc Cộng hòa Bob McDonnell tiểu bang Virginia cổ vũ việc khai thác đầu khí ngoài khơi Ðại Tây Dương với kết quả giúp cho kinh tế Virginia và North Carolina phát triển. Chính quyền Obama đã đưa ra dự án cho các công ty khởi sự tiến hành khảo cứu địa chất và khoan dò dầu khí trên thềm lục địa Ðại Tây Dương, tuy nhiên chưa cấp phép nhượng khu khai thác ít nhất là tới năm 2017. Ông Romney tố cáo chính quyền Obama làm chậm việc sản xuất dầu nội địa để làm lợi cho các công ty năng lượng sạch (gió, năng lượng mặt trời). Nhưng nữ phát ngôn viên Lis Smith ban tranh cử của Tổng thống Obama chỉ trích kế hoạch năng lượng của Romney là “một bước thụt lùi”. Theo Nhà Trắng, sản xuất dầu nội địa đã gia tăng rất nhanh trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Obama và lần đầu tiên từ 13 năm, Mỹ chỉ còn lệ thuộc dầu nước ngoài ở mức dưới 50% và tới năm 2025 sẽ giảm tới 1/3.

Tổng Thống Obama khẳng định: “Sản xuất dầu lửa gia tăng. Sản xuất khí đốt gia tăng. Nhưng năng lượng của chúng ta sẽ còn tăng gấp đôi nhờ gió và mặt trời. Ðó là năng lượng sạch, năng lượng tái sinh, năng lượng nội địa và giúp tạo ra công ăn việc làm trên toàn nước Mỹ”. Ông cũng đề cao sự phát triển các nguồn năng lượng mới cũng như sản xuất xe hơi với động cơ tiêu thụ ít năng lượng.

Ngay cả Tổng giám đốc ExxonMobil, Rex Tillerson cũng phải công nhận, năng lượng tái tạo sẽ là hướng đi của tương lai. Không chỉ thân thiện với môi trường, năng lượng tái tạo còn hứa hẹn đem lại tiềm năng vô hạn cho nhân loại. Nhưng quan trọng nhất vẫn là chính phủ các quốc gia trên thế giới luôn dành nhiều ưu tiên và chú trọng quy hoạch năng lượng tái tạo như một nguồn cung năng lượng chủ chốt trong tương lai.

Vậy điều gì sẽ xảy ra khi Trung Đông ngừng xuất khẩu dầu thô cho Mỹ? Vấn đề đơn giản ở đây là cung và cầu, ExxonMobil sẽ không đời nào bán giá dầu của mình thấp hơn giá dầu thô chung của thế giới. Người dân Mỹ sẽ không thể trông chờ một “nghĩa cử cao đẹp” hay “tinh thần yêu nước quên mình” từ bất kỳ công ty khai thác dầu mỏ nào trong nước cả.

Khi giá dầu thô tăng lên quá cao thì mọi chuyện có thể lại xoay chiều rất nhanh. Người dân trước kia luôn gây sức ép lên chính phủ để sớm đạt được “một nền độc lập về năng lượng” nay lại sẵn sàng mua nhiên liệu giá rẻ mà chẳng thèm quan tâm nó được sản xuất tại Mỹ hay tại Trung Đông. Niềm kiêu hãnh của người dân Mỹ về một cường quốc hàng đầu thế giới, không bị phụ thuộc vào bất kỳ quốc gia nào sẽ tạm thời gạt qua một bên để phục vụ lợi ích cá nhân.

S.Phương-H.Phan