Mỹ sẽ trở thành nước khai thác dầu lớn nhất thế giới

09:51 | 13/11/2012

4,239 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) – Việc bùng nổ khai thác khí đá phiến ở Mỹ sẽ đưa nước này vượt qua Arab Saudi và Nga để trở thành nước khai thác dầu mỏ lớn nhất toàn cầu vào nửa cuối thập kỷ này, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo trong bản báo cáo hàng năm của mình World Energy Outlook.

>> Khí đá phiến đang "chia rẽ" châu Âu

Khai thác dầu mỏ và khí đốt từ đá phiến sét ở Hoa Kỳ có thể giúp nước này tự túc được năng lượng trong tương lai

Báo cáo mới nhất của IEA cho biết Mỹ có thể gần như tự túc được về năng lượng vào năm 2035, đánh dấu một sự đảo ngược đáng kể của các xu hướng nhìn thấy ở hầu hết các nước nhập khẩu năng lượng.

Chỉ mới một năm trước, IEA đã dự kiến là đến cuối thập kỷ này sẽ chỉ có Nga và Arab Saudi tham gia vào cuộc đấu tranh giành ngôi vị thủ lĩnh.

“Theo dự kiến, cho đến khoảng năm 2020, Hoa Kỳ sẽ trở thành nhà khai thác dầu lớn nhất trên thế giới. Kết quả là nhập khẩu dầu của Hoa Kỳ (hiện đang cung cấp 20% cho nhu cầu cả nước) sẽ tiếp tục suy giảm, và vào khoảng năm 2030, Hoa Kỳ sẽ trở thành nước xuất khẩu ròng về dầu mỏ”, IEA nhận định.

Vào năm 2035 Mỹ sẽ mua ở nước ngoài không quá 2 triệu thùng dầu mỗi ngày, ít hơn 75% so với thời điểm hiện tại. Theo đánh giá của Bộ Năng lượng Hoa Kỳ, so với dự báo trước đó của IEA, sản lượng khai thác dầu trong nước đã tăng 7% - trung bình là 10,76 triệu thùng/ngày.

Bên cạnh đó, theo báo cáo này, Mỹ sẽ vượt qua Nga và trở thành nhà khai thác khí đốt lớn nhất vào năm 2015.

Theo IEA, chính sự phát triển của công nghệ khai thác mới – đáng chú ý nhất là kỹ thuật fracking (bẻ gãy thủy lực) và khoan ngang đã mở khóa nguồn tài nguyên hydrocarbon ẩn trong những cấu tạo đá phiến sét mà trong suy nghĩ của con người trước đây là không thể khai thác, phục hồi được. Sự bùng nổ, bắt đầu từ khai thác khí đốt và sau là khai thác dầu mỏ từ đá phiến sét đã làm nên cuộc cách mạng năng lượng ở Hoa Kỳ.

Và sự hồi sinh trong khai thác dầu mỏ và khí đốt của Mỹ đang thúc đẩy hoạt động kinh tế “bằng giá điện và giá khí đốt rẻ hơn, đem lại lợi thế cạnh tranh cho các ngành công nghiệp của Mỹ”.

Tuy nhiên, cũng có nhiều nhà phân tích khác đã cảnh báo sự bùng nổ dầu mỏ của Mỹ vẫn còn đang ở giai đoạn trứng nước và không thể đảm bảo rằng nó sẽ tiếp tục tăng trưởng. Fatih Birol, nhà kinh tế trưởng của IEA, lưu ý rằng sự sụt giảm giá dầu toàn cầu sẽ ảnh hưởng đến việc khai thác dầu, nhất là khi chi phí cho việc khai thác dầu từ đá phiến đòi hỏi một mức giá thị trường cao. Trong khi đó, chi phí khai thác dầu ở Arab Saudi lại rẻ hơn nhiều.

Báo cáo của IEA cũng đưa ra nhận định việc tăng vị thế của Mỹ trên thị trường dầu mỏ hoàn toàn không có nghĩa làm giảm vai trò của OPEC, mà trái lại, IEA đang mong đợi thị phần của OPEC trong sản lượng khai thác dầu toàn thế giới sẽ tăng từ 42% hiện nay lên 50% vào năm 2035.

Nhìn chung, nhiên liệu hóa thạch vẫn sẽ giữ vai trò chủ đạo trong cơ cấu tiêu thụ năng lượng thế giới vào những thập kỷ tới, IEA dự kiến.

Theo đánh giá của cơ quan này, nhu cầu dầu mỏ toàn cầu đến năm 2020 sẽ tăng 7 triệu thùng / ngày từ mức 87,4 triệu thùng/ngày trong năm 2011, và đến năm 2035 sẽ vượt quá 99 triệu thùng / ngày.

Giá dầu trung bình vào năm 2035 so với giá hiện hành sẽ tăng lên 125USD/thùng, nghĩa là vào khoảng 215USD/thùng.

Người tiêu dùng năng lượng lớn nhất trong những năm tới sẽ là Trung Quốc, vào năm 2035, nhu cầu nước này sẽ tăng 60%, trong khi ở các nước phát triển, bao gồm cả OECD, tiêu thụ năng lượng cho giai đoạn này chỉ tăng 3%.

Tiêu thụ khí đốt tự nhiên trên thế giới đến năm 2035 sẽ tăng thêm 50%, lên 5 nghìn tỷ m3, IEA dự đoán. Gần một nửa số lượng sản xuất khí đến thời điểm này sẽ được cung cấp từ các mỏ phi truyền thống, chủ yếu nằm tại Mỹ, Australia và Trung Quốc.

Theo dự kiến, nhu cầu than trong 23 năm tới sẽ tăng 21%, những quốc gia chính tiêu thụ than sẽ là Trung Quốc và Ấn Độ.

Linh Phương (Theo VOR, FP)