Mỹ - Nga tranh thủ tìm kiếm đồng minh tại Trung Đông

06:40 | 21/07/2022

407 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Ngay sau khi ông Biden rời khỏi Trung Đông, Tổng thống Putin đã đến thăm khu vực này, nhất là những quốc gia mà Mỹ đang muốn nhắm vào cùng các đồng minh khu vực.
Mỹ - Nga tranh thủ tìm kiếm đồng minh tại Trung Đông

Ngày 16/7, Tổng thống Mỹ Joe Biden kết thúc chuyến công du Trung Đông sau khi dự thượng đỉnh tại Jeddah, miền tây Arab Saudi, với 6 thành viên Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh: Arab Saudi, Các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, Qatar, Oman, Koweit và Bahrein. Ngoài ra còn có 3 quốc gia Ả Rập quan trọng khác là Ai Cập, Iraq và Jordani cũng tham dự hội nghị này.

Phát biểu trước hội nghị, Tổng thống Biden cho biết Mỹ sẽ không để Trung Đông trở thành “một khoảng trống” để cho Trung Quốc và Nga có thể lợi dụng thời cơ để lấn sân. Mỹ không rời bỏ Trung Đông là thông điệp chính của nước Mỹ trong hội nghị này. Theo AFP, an ninh và quốc phòng là một chủ đề chính của Hội nghị Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh. Một trong các mục tiêu chính của Tổng thống Joe Biden trong chuyến công du Trung Đông lần này là thiết lập một mặt trận chung để đối phó với các tham vọng của Iran.

Trong một tuyên bố chung, Mỹ và Arab Saudi khẳng định tầm quan trọng của việc không để chính quyền Iran sở hữu vũ khí hạt nhân. Hãng tin Reuters dẫn tuyên bố chung cho biết Tổng thống Biden nhấn mạnh đến cam kết của Mỹ hậu thuẫn Ryad trong việc bảo đảm an ninh và chủ quyền lãnh thổ của Arab Saudi, và tạo điều kiện để vương quốc này có được những phương tiện cần thiết để bảo vệ người dân, bảo vệ lãnh thổ chống lại các đe dọa từ bên ngoài. Hai bên cũng nhấn mạnh đến việc cần nỗ lực ngăn chặn việc Iran can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác trong khu vực, ủng hộ các hoạt động khủng bố, thông qua các nhóm vũ trang, gây bất ổn khu vực.

Theo đài truyền hình nhà nước Arab Saudi, Mỹ và Arab Saudi cũng ký kết 18 thỏa thuận chiến lược trong hàng loạt lĩnh vực như năng lượng, đầu tư, viễn thông, y tế nhân chuyến đi của ông Biden.

Theo Reuters, chuyến công du này của nguyên thủ Mỹ là nhằm khôi phục mối quan hệ song phương đã bị sứt mẻ nghiêm trọng sau vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi năm 2018. Theo nhận định của Reuters, chính những chao đảo địa chính trị do cuộc chiến ở Ukraine đã thúc đẩy ông Joe Biden phải nối lại quan hệ với Arab Saudi, quốc gia xuất khẩu dầu mỏ số 1 thế giới và ngày càng có xu hướng thắt chặt quan hệ với Nga và Trung Quốc.

Trước những mong muốn này của Nhà Trắng, chính quyền Arab Saudi thông báo mở cửa không phận cho “tất cả các hãng hàng không”, một cử chỉ tỏ thiện chí đối với Israel cho đến giờ vẫn chưa được Riyad công nhận. Chuyến bay đưa Tổng thống Mỹ đi từ Tel Aviv đến Jeddah, là tuyến nối trực tiếp đầu tiên giữa Israel và Arab Saudi. Tổng thống Biden đã ca ngợi việc Arab Saudi mở lại không phận nước này cho máy bay Israel là một “quyết định lịch sử”. Về phần mình, Israel cho biết “không phản đối” việc chuyển giao hai đảo chiến lược trên Hồng Hải cho Arab Saudi.

Theo giới quan sát, các động thái này có nhiều khả năng mở đường cho việc bình thường hóa quan hệ giữa Israel và Arab Saudi. Nhà Trắng cũng hoan nghênh việc Arab Saudi đạt thỏa thuận kết nối hệ thống mạng lưới điện của các quốc gia vùng Vịnh với Iraq, quốc gia vốn phụ thuộc nặng nề vào năng lượng từ Iran, mối đe dọa số một của Mỹ và Israel tại khu vực.

Mỹ - Nga tranh thủ tìm kiếm đồng minh tại Trung Đông

Tuy nhiên, chặng dừng chân tại Arab Saudi của ông Biden đặc biệt gây nhiều tranh cãi, vì Arab Saudi bị chỉ trích mạnh mẽ sau vụ sát hại nhà báo Mỹ Kamal Khashoggi cách đây vài năm. Hình ảnh về cú "chạm tay" của ông Biden với thái tử Mohammed ben Salman đã làm dấy lên nhiều bất bình trong báo giới. Theo New York Times, chính sách đối ngoại của ông Joe Biden không có học thuyết rõ ràng và phạm vi hành động của ông chỉ hạn chế ở Trung Đông. Đối với các phương tiện truyền thông Mỹ, Tổng thống Biden từ trước đã ý thức được rằng chuyến đi của ông sẽ không được tất cả ủng hộ, nhưng ông hy vọng rằng các kết quả của chuyến đi, đặc biệt là việc giảm giá dầu, sẽ đủ để biện minh cho bất kỳ thỏa hiệp nào và khôi phục, dù chỉ một chút, hình ảnh của ông trong mắt dân chúng. Tuy nhiên, ông Biden vẫn chưa đạt được điều đó. Cuộc thăm dò ý kiến gần đây nhất cho thấy 2/3 cử tri đảng Dân chủ không muốn ông Biden tái tranh cử tổng thống.

Đúng vào lúc Tổng thống Mỹ công du Trung Đông, Hải quân Iran chính thức cho ra mắt hải đội đầu tiên với nhiều tàu ngầm và chiến hạm có khả năng mang máy bay không người lái. Trong thời gian gần đây, Iran thường xuyên bị Mỹ và Israel cáo buộc sử dụng máy bay không người lái để tấn công vào các lực lượng Mỹ và tàu thuyền có liên hệ với Israel hiện diện tại vùng Vịnh. Cùng với tên lửa đạn đạo, máy bay không người lái của Iran là một đe dọa quân sự mà Washington và Jerusalem đặc biệt lo ngại.

Những căng thẳng mới này diễn ra trong bối cảnh các cuộc đàm phán về hạt nhân Iran bế tắc từ 4 tháng nay, và Iran đang có nhiều bước tiến nhanh hơn bao giờ hết trong chương trình hạt nhân của mình. Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran tố cáo điều mà Tehran xem là “những cáo buộc dối trá”, “vô căn cứ” của Tổng thống Mỹ Biden nhắm vào chương trình hạt nhân của Iran. Tehran chỉ trích Washington về chính sách đầy tham vọng và mong muốn gây căng thẳng trong vùng.

Ngay sau khi ông Biden rời Arab Saudi, ngày 19/7, Tổng thống Nga Vladimir Putin thăm Iran, nơi ông có cuộc họp tay ba với đồng nhiệm Iran và Thổ Nhĩ Kỳ. Sau hội nghị thượng đỉnh Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, nguyên thủ quốc gia 3 nước này đã thông qua một tuyên bố chung về tình hình ở Syria.

"Tuyên bố chung được thông qua tái khẳng định cam kết tăng cường hợp tác ba bên giữa Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ vì lợi ích đạt được, bình thường hóa bền vững và khả thi tình hình ở Syria", ông Putin nói.

Đối với giới quan sát, việc hai nguyên thủ Nga - Mỹ cùng đến Trung Đông trong gần như cùng một lúc là dấu hiệu phản ánh cuộc đọ sức giữa Washington và Moscow đang càng lúc càng gay gắt. Việc Tổng thống Biden chọn đi thăm Israel và nhất là Arab Saudi không phải là vô tư vì ở Trung Đông, đó là hai quốc gia được coi là “kẻ thù không đội trời chung” của Iran, nước đang đối kháng với Mỹ và ngày càng xích lại gần Nga kể cả trên vấn đề cuộc chiến tranh Ukraine. Đối với Washington, trong bối cảnh một trục liên kết Moscow - Tehran càng lúc càng trở nên chặt chẽ, cần phải nhanh chóng có biện pháp ứng phó và việc hình thành và củng cố điều có thể gọi là tam giác an ninh Mỹ - Israel - Arab Saudi đã trở thành cần thiết.

Theo chuyên gia Pháp Dominique Moisi, cố vấn đặc biệt của Viện Nghiên cứu Montaigne tại Paris, với việc Nga mở cuộc chiến ở Ukraine kể từ ngày 24/2, Mỹ đã bị buộc phải thay đổi cách nhìn về thế giới nói chung và Trung Đông nói riêng. Ông Moisi cho rằng thế giới bắt đầu bước vào một cuộc chiến tranh lạnh mới bao gồm cả một cuộc chiến tranh nóng ở phía đông châu Âu và trong tình thế mới đó, Mỹ đang khám phá lại tính chất tối cần thiết của Trung Đông.

Theo chuyên gia Pháp, cho đến gần đây, Mỹ từng cho rằng mình có thể độc lập với Trung Đông về nhiên liệu hóa thạch. Thế nhưng, với cuộc khủng hoảng năng lượng phát sinh từ cuộc chiến ở Ukraine, Mỹ đã nhận thức được rằng họ cần đến thiện chí của Arab Saudi để hạn chế đà tăng giá năng lượng vào thời điểm nguồn cung cấp từ Nga có thể ngưng. Một trong những mục tiêu chuyến thăm Arab Saudi của ông Biden là thuyết phục Riyad mở van dầu để ổn định giá năng lượng.

Bên cạnh đó, với tham vọng hạt nhân ngày càng gia tăng của Tehran, ý tưởng về một tam giác an ninh giữa Washington, Tel Aviv và Ryad, dường như là điều cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh phe bảo thủ thống trị tại Iran ngày càng kiên quyết hơn trong việc sát cánh cùng với Nga trong việc chống lại Mỹ, Israel và Arab Saudi. Ngay từ trước ngày nổ ra cuộc chiến tranh Ukraine, khi đi thăm Nga vào tháng 1/2022, Tổng thống Iran đã không ngần ngại cho rằng hai nước cần tạo ra một “sức mạnh tổng hợp” để “chống lại chủ nghĩa đơn phương của Mỹ”.

Tóm lại, theo nhận định của chuyên gia Moisi, khi mở cuộc chiến ở Ukraine, Nga không chỉ đánh thức các khái niệm phương Tây, NATO và Liên minh châu Âu, mà còn khiến Mỹ nhận ra rằng Trung Đông là quân cờ quan trọng trên bàn cờ của thế giới và Washington không thể rời bỏ khu vực này cho những tham vọng của chính Nga, Trung Quốc, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ.

Mỹ cố tái khẳng định ảnh hưởng ở Trung ĐôngMỹ cố tái khẳng định ảnh hưởng ở Trung Đông
Bốn dấu hiệu rạn nứt giữa Mỹ và các đồng minh dầu mỏ Trung ĐôngBốn dấu hiệu rạn nứt giữa Mỹ và các đồng minh dầu mỏ Trung Đông
Lý do các nước Trung Đông không Lý do các nước Trung Đông không "nối gót" Mỹ trừng phạt Nga

H.Phan

AFP