Mỹ lại chọc gai vào mắt Trung Quốc

06:10 | 01/10/2011

606 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Bắc Kinh, lẽ đương nhiên là phản ứng gay gắt trước quyết định của Mỹ việc nâng cấp máy bay tiêm kích đa năng F16 cho Không quân Đài Loan. Trong khi đó, một số nghị sĩ Mỹ lại chỉ trích Tổng thống Barack Obama nhẹ tay trong chính sách Đài Loan đối với Trung Quốc và đáng lý nên bán thẳng 66 máy bay F16 mới toanh như yêu cầu Đài Bắc, nhằm tỏ rõ quan điểm Washington trước việc 1.500 tên lửa Trung Quốc đang chĩa thẳng sang Đài Loan cũng như thái độ "giao thiệp" cứng rắn của Bắc Kinh tại khu vực…

Trong thực tế, hai năm qua, Mỹ đã bán cho Đài Loan số vũ khí trị giá gần 13 tỉ USD

Tại sao chỉ là "nâng cấp"

Một lần nữa, động thái hỗ trợ nâng cấp 145 chiến đấu cơ F-16A/B (từng bán cho Đài Loan vào năm 1992) là hành động tái khẳng định sự trở lại của Mỹ tại đấu trường Đông Nam Á vốn từng bị bỏ lỏng khi Tổng thống tiền nhiệm George W. Bush mải mê chạy theo cái bóng ma khủng bố (trong suốt thời gian dài sau sự kiện 11/9/2001, Bush đã hủy các cuộc thảo luận mua bán vũ khí hàng năm với Đài Loan; một phần không muốn làm mất lòng quan hệ với Bắc Kinh; mặt khác tranh thủ sự ủng hộ Trung Quốc trong cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ). Với Nội các Obama, đây là cú khều ngoại giao lần thứ hai dành cho Bắc Kinh. Tháng 1/2010, Washington đã chọc giận Bắc Kinh khi bấm nút khởi động hợp đồng vũ khí 6,4 tỉ USD cho Đài Loan vốn từng được bật đèn xanh thời Tổng thống George W. Bush (gồm trực thăng Black Hawk, tên lửa Patriot, 2 tàu phá mìn cấp Osprey…).

Dwight D. Eisenhower trong chuyến kinh lý Đài Bắc ngày 18/6/1960 (ảnh chụp cùng Tưởng Giới Thạch); Eisenhower là Tổng thống Mỹ duy nhất đến Đài Loan tính đến nay

Dù bị Bắc Kinh chỉ trích nhưng có thể nói việc chỉ giúp nâng cấp (và cung cấp phụ tùng cũng như một số thiết bị quân sự) chứ không bán thẳng lô chiến đấu cơ F-16C/D mới toanh (phiên bản cải tiến hiện đại hơn thế hệ F-16A/B sản xuất thập niên 1970) là thể hiện một tính toán thận trọng có phần tiết chế của Nội các Obama nhằm tránh khoét sâu trong bang giao với Trung Quốc.

Cần biết, có đến 47 trong 100 thượng nghị sĩ và 181 trong 435 dân biểu Mỹ đã viết thư từ tháng 5/2011 yêu cầu Obama bán 66 chiếc F-16C/D mà Đài Loan đã đề nghị mua từ năm 2006. Ứng cử viên tổng thống Mitt Romney (Cộng hòa) thậm chí nói rằng việc Obama “nhát gan” không dám bán chiến đấu cơ cho Đài Loan là “một ví dụ nữa cho thấy sự lãnh đạo yếu ớt của ông ấy trong chính sách đối ngoại”.

Tuy nhiên, cần để ý chi tiết rằng, thương vụ 5,85 tỉ USD lần này không chỉ là gói hợp đồng nâng cấp chiến đấu cơ mà còn cung cấp 176 dàn radar hiện đại AESA (Active Electronically Scanned Array – giúp dò tìm máy bay tàng hình, như loại J-20 mà Trung Quốc đang phát triển) cùng 140 tên lửa không đối không Raytheon AIM-9X Sidewinder thế hệ mới nhất, bom GPS (dẫn đường bằng hệ thống định vị toàn cầu), bom laser, 128 hệ thống Joint Helmet-Mounted Cueing (giúp phi công bắn mục tiêu từ mọi góc độ mà không cần xoay đầu quan sát)…

Nếu không vì những món đồ chơi lợi hại này thì Thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc Trương Chí Quân đã không nhảy dựng triệu hồi đại sứ Mỹ Gary Locke đến để “làm việc” và Bộ trưởng quốc phòng Đài Loan Cao Hoa Trụ đã không che giấu nỗi phấn khích hài lòng. Thật ra, cần nói rõ, việc Obama không đồng ý bán chiến đấu cơ mới cho Đài Loan là điều mà những người thạo chuyện đã biết từ tháng 6/2011 chứ không phải đợi đến cuối tháng 9/2011 như bây giờ.

Không quân Đài Loan vẫn phải sử dụng dàn F-16A/B lỗi thời được sản xuất từ thập niên 70

Có ít nhất hai lý do khiến Nội các Obama không bán chiến đấu cơ mới cho Đài Loan. Thứ nhất, Washington hạn chế “làm phức tạp thêm tình hình” khi cân nhắc bất kỳ động thái nào chọc giận Bắc Kinh. Một liều lượng “vừa phải” đủ để tỏ rõ quan điểm nhưng không làm trầm trọng thêm quan hệ là cách ứng xử khôn ngoan. Thứ hai, ngày càng có nhiều tình tiết cho thấy tình báo Trung Quốc đã cài người vào quân đội Đài Loan trong đó có những quan hệ bí mật giữa giới chức quân đội Đài Loan với Trung Quốc – như được tác giả J. Michael Cole thuật trên Wall Street Journal (30/8/2011).

Trong nhiều năm, Mỹ đã lưu ý việc một số viên chức quân đội Đài Loan (vừa nghỉ hưu) đến Trung Quốc để “chơi golf” và được giới chức quân đội Trung Quốc “tiếp rượu”. Đầu năm 2011, doanh nhân-kỹ sư phần mềm Đài Loan Lai Kun-chieh (35 tuổi) làm việc tại Trung Quốc đã bị bắt tội làm gián điệp (cung cấp thông tin về hệ thống tên lửa PAC-3 Patriot cho quân đội Trung Quốc; bị Tòa án tối cao Đài Loan xử 18 tháng tù vào tháng 8/2011). Trước đó, năm 2005, trong một vụ lùm xùm hơn, Ko-suen "Bill” Moo (người Đài Loan, nguyên cố vấn kinh doanh Hãng Quốc phòng Mỹ Lockheed Martin) cũng đã bị bắt và bị xử 6 năm rưỡi tù, tội tìm cách bán một động cơ F-16 cho Trung Quốc. Ko-suen "Bill” Moo được tin là thành viên thuộc một băng nhỏ nằm trong Không quân Đài Loan gọi là nhóm “bộ tứ” trong đó có cựu Bộ trưởng quốc phòng Trần Triệu Mẫn!

Tại sao Mỹ không thể bỏ Đài Loan?

Vấn đề Đài Loan luôn là đề tài tranh luận trong chính trường Mỹ. Không ít lần Mỹ nghĩ đến việc ngưng “bảo kê” cho Đài Loan để mở đường cho một chiến lược ngoại giao với Trung Quốc sao cho có chiều sâu hơn và mang lại không ít lợi ích (kinh tế lẫn chính trị). Đầu thập niên 1970, bộ sậu Richard Nixon – Henry Kissinger đã tính đến khả năng này. Ít ra chọn con cá to cũng luôn tốt hơn con cá bé.

Tuy vậy, sau nhiều cân nhắc, Mỹ đã không bỏ mà còn thắt chặt quan hệ với Đài Loan, qua Đạo luật quan hệ Đài Loan (TRA) năm 1979 với nội dung Mỹ hỗ trợ Đài Loan về mặt quốc phòng để qua đó giúp duy trì khả năng chi phối Mỹ tại khu vực. Qua thời gian, ý tưởng bỏ Đài Loan lại xuất hiện. Năm 2009, viết trên Financial Times, cựu Phó chủ tịch liên quân Hoa Kỳ, tướng Bill Owens, nói rằng TRA đã trở nên lỗi thời và toàn bộ cách tiếp cận Trung Quốc trong chính sách Mỹ cần được tái đánh giá. “Giải pháp” – Bill Owens khẳng định – “là sự tiếp cận trong quan hệ Mỹ – Trung bây giờ phải được thiết kế sao cho không còn rào cản, cạnh tranh, theo dõi dè chừng mà là hợp tác, cởi mở và tin cậy”.

Tương tự, Đô đốc Joseph Prueher (nguyên đại sứ Mỹ tại Trung Quốc, cựu tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương) cùng nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm Miller (Đại học Virginia) cũng nói rằng sự dính dáng Mỹ đối với Đài Loan, đặc biệt các thương vụ vũ khí, luôn là điểm nhạy cảm trong quan hệ với Bắc Kinh và điều này cần được xét lại. Trên chính trường, thượng nghị sĩ Dân chủ Dianne Feinstein cùng thượng nghị sĩ Cộng hòa Richard Lugar cũng thường xuyên phản đối việc bán vũ khí cho Đài Loan…

Vấn đề Đài Loan luôn là yếu tố gây tranh cãi trong quan hệ Mỹ - Trung

Một trong những lý do khiến chính sách Đài Loan được yêu cầu tính toán lại là quan hệ gần gũi hơn giữa Đài Loan với Hoa lục. Từ năm 2008 (thời điểm Mã Anh Cửu ngồi ghế lãnh đạo Đài Loan) đến nay, hơn 10 thỏa thuận kinh tế giữa hai bên đã được ký, đặc biệt Thỏa thuận khung về hợp tác kinh tế (ECFA). Mã Anh Cửu luôn nhắc đến hợp tác xuyên eo biển Đài Loan với Hoa lục (tháng 6/2011, Đài Loan đã lần đầu tiên cho phép du khách Hoa lục đi đơn lẻ đến lãnh thổ họ, không cần theo nhóm như trước kia). Xét về mặt nào đó, dường như Đài Loan bỏ Mỹ chứ không phải Mỹ bỏ Đài Loan! Tuy nhiên, chính bởi điều đó nên nhiều chính khách Mỹ vẫn tin rằng TRA là chiến lược quan trọng đối với cán cân quyền lực Mỹ tại Đông Nam Á. Làm sao có thể bỏ hẳn Đài Loan trong khi Bắc Kinh chưa tạo đủ niềm tin đối với Mỹ như một đồng minh khả tín thật sự, trong khi chính sách Bắc Kinh đối với khu vực ngày càng tỏ ra cứng rắn?

Việc bỏ Đài Loan chắc chắn dẫn đến sự hoang mang và rạn nứt khối đồng minh Mỹ tại khu vực. Các đồng minh truyền thống như Nhật và Hàn Quốc sẽ cảm thấy bất an nếu Mỹ khước từ quyền bảo trợ Đài Loan. Cuối cùng, Quốc hội Mỹ nhìn chung vẫn xem Đài Loan là một trong những tiền đồn chiến lược của Mỹ ở Đông Nam Á.

Không chỉ yêu cầu Obama phải nói thẳng với Hồ Cẩm Đào (trong chuyến kinh lý Washington tháng 1/2011) rằng Đài Loan là “đồng minh lịch sử” của Mỹ; mà tháng 6/2011, lần đầu tiên trong 7 năm, Ủy ban đối ngoại Hạ viện đã tổ chức phiên điều trần với chủ đề “Tại sao vấn đề Đài Loan là quan trọng”. Nữ dân biểu Cộng hòa Ileana Ros-Lehtinen (chủ tịch Ủy ban trên) thậm chí nhấn mạnh việc yêu cầu Quốc hội phải đưa thêm luật mới củng cố TRA, trong đó có việc hồi sinh các khoản trong Đạo luật tăng cường an ninh Đài Loan mà Quốc hội Mỹ đã không chuẩn y vào thập niên 1990.

Có một điều ai cũng có thể thấy: cục diện chính trị khu vực chắc chắn sẽ không như hiện nay nếu Trung Quốc đã có thể biến Đài Loan thành một phần chính thức của họ; nếu Đài Loan không còn là lá bài để Mỹ mặc cả với Trung Quốc các vấn đề an ninh khu vực; nếu Đài Loan mất đi vị trí chiến lược như là nút chặn cản trở sự bành trướng Trung Quốc tại biển Đông…

Ngoài ra, quan hệ quân sự Washington-Đài Bắc còn là miếng cơm đối với Mỹ. Nhiều năm qua, các thương vụ vũ khí với Đài Loan đã giúp công nghiệp quốc phòng Mỹ hốt bạc không ít. Năm 1992, bất luận chỉ trích trong nội bộ, Tổng thống George H. Bush (Bush bố) vẫn bán 145 chiến đấu cơ F-16 cho Đài Loan. Quyết định này diễn ra trong mùa bầu cử tổng thống mà Bush lại muốn kiểm điểm cử tri khi mang về một hợp đồng trị giá 4 tỉ USD và giúp ổn định công ăn việc làm cho 5.800 công nhân làm việc cho hãng General Dynamics ở các nhà máy rải rác Texas (bang nhà của Bush).

Giữa năm 2011, khi kêu gọi Tổng thống Obama bán chiến đấu cơ mới cho Đài Loan, 45 thượng nghị sĩ Mỹ cũng nhấn mạnh rằng nếu không có đơn hàng này, dây chuyền sản xuất F-16 của Lockheed Martin sẽ đóng cửa. Điều đó có nghĩa khoảng 11.000 công nhân tại 43 bang sẽ mất việc!

Đài Loan là đối tác thương mại lớn thứ chín của Mỹ và Mỹ là đối tác thương mại lớn thứ ba của Đài Loan. Mậu dịch song phương đã tăng 32% năm 2010. Mỹ cũng là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Đài Loan. Đài Bắc đã giảm thuế công ty từ 25% còn 17% để khuyến khích giới đầu tư Mỹ mở nhà máy tại lãnh thổ họ. Theo Hội đồng doanh nghiệp Mỹ – Đài Loan, 70% hàng kỹ thuật xuất khẩu từ Trung Quốc thật ra được sản xuất từ các công ty Đài Loan đóng ở Hoa lục.

M. Kim

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc