Sẽ có đụng độ vũ trang trên Biển Đông, nếu...

10:38 | 31/10/2015

12,623 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong lịch sử, mỗi khi Mỹ thực hiện chính sách “tự do hàng hải” là một lần có đụng độ vũ trang. Lần này, với Trung Quốc, chuyện gì xảy ra tiếp theo sự kiện Mỹ đưa khu trục hạm USS Lassen vào khu vực Trường Sa.
my cu thuc hien tu do hang hai la co dung do vu trang Hạm trưởng Lê Bá Hùng chỉ huy tàu Mỹ áp sát đảo nhân tạo?

Năm 1981, không lâu sau khi Lầu Năm Góc tung ra báo cáo định kỳ về những thách thức trong tự do hàng hải, Mỹ quyết định “hiện thực hóa” bằng việc đưa hai hàng không mẫu hạm đến vịnh Sidra mà Libya tuyên bố chủ quyền toàn bộ. Phản ứng dữ dội của Libya đã dẫn đến cuộc không chiến khiến hai chiến đấu cơ Libya bị hạ.

Năm 1988, khi Mỹ củng cố khái niệm tự do hàng hải tại Hắc Hải, cách không xa bán đảo Crimea, cuộc đụng độ giữa hải quân Mỹ và Liên Xô cũng xảy ra. Hai tàu Mỹ bị đụng độ.

Lần này, với Trung Quốc, chuyện gì xảy ra tiếp theo sự kiện Mỹ đưa khu trục hạm USS Lassen vào khu vực Trường Sa vào ngày 27-10-2015?

Từ những vụ nắn gân

Một thập niên qua, hải quân và không quân Mỹ - Trung đã “chạm mũi” nhau nhiều lần. Cách đây vài tháng, Mỹ đã đưa máy bay do thám P-8 vào không phận quốc tế phía trên các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng. Vài ngày trước khi Tập Cận Bình sang Mỹ (cuối tháng 9-2015), hai chiến đấu cơ Trung Quốc cũng bay gần máy bay do thám Mỹ RC-135 tại Hoàng Hải.

Tháng 8-2014, chiến đấu cơ Trung Quốc J-11 thậm chí bay cách một chiếc P-8 chỉ 6m! Tháng 9-2015, 5 tàu chiến Trung Quốc lọt vào khu vực 12 hải lý thuộc duyên hải Alaska vào ngay thời điểm Tổng thống Barack Obama kinh lý bang này.

Không chỉ các cuộc chạm trán mang tính thăm dò, phát biểu hai bên cũng biểu thị rõ thái độ và chủ kiến. Không lâu sau khi Tập phát biểu tại Mỹ rằng, Trung Quốc không có ý định quân sự hóa khu vực, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng Bắc Kinh có quyền xây những “căn cứ quân sự” cho “mục đích phòng vệ” tại các đảo tranh chấp.

Phần mình, Mỹ nhắc đi nhắc lại quyền tự do hàng hải. Cần nhấn mạnh, tự do hàng hải là một khái niệm mang tính chính sách của Mỹ, không phải là một phát biểu suông. Nó nằm trong khuôn khổ chính sách quốc phòng lẫn an ninh kinh tế của Mỹ từ sau Thế chiến thứ hai. Nó nằm trong cái gọi là “Chương trình Tự do hàng hải” của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ.

Các hoạt động của Hải quân Hoa Kỳ đều tuân theo những nguyên tắc của chương trình này. Năm 2014, Mỹ thực hiện các hoạt động tự do hàng hải (freedom of navigation operation-FONOP) nhằm bác bỏ tuyên bố chủ quyền và “lệnh” cấm giao thông hàng hải đối với 19 quốc gia, trong đó có Trung Quốc.

Tháng 3-2015, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ lại “nói to” về tự do hàng hải: “Kể từ thời lập quốc, Mỹ luôn khẳng định quyền lợi sống còn trong việc bảo vệ và duy trì tự do hàng hải và luôn kêu gọi quân đội các nước bảo vệ lợi ích này”.

my cu thuc hien tu do hang hai la co dung do vu trang
Sự kiện USS Lassen đánh dấu một bước đi cứng rắn cụ thể hơn của Washington đối với Trung Quốc?

Năm 2002, Trung Quốc ký Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (Declaration on Conduct of the Parties in the South China Sea-DOC).

Điều 3 DOC nói rõ: “Các bên tái khẳng định sự tôn trọng và cam kết của mình đối với quyền tự do hoạt động hàng hải và bay trên vùng trời Biển Đông như đã được quy định bởi các nguyên tắc được thừa nhận phổ biến trong luật pháp quốc tế, kể cả Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982”.

Điều 4 ghi: “Các bên liên quan chịu trách nhiệm giải quyết các tranh chấp về lãnh thổ và về quyền thực thi luật pháp bằng các phương tiện hòa bình mà không viện đến sự đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, thông qua các cuộc tham vấn thân thiện và những cuộc đàm phán bởi các quốc gia có chủ quyền có liên quan trực tiếp, phù hợp với những nguyên tắc được thừa nhận phổ quát của luật pháp quốc tế, kể cả Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982”.

Điều 5 ghi: “Các bên chịu trách nhiệm thực hiện sự tự kiềm chế trong việc thi hành các hoạt động có thể gây phức tạp hoặc leo thang tranh chấp, ảnh hưởng tới hòa bình và sự ổn định, kiềm chế không tiến hành đưa người đến sinh sống trên những hòn đảo hiện không có người sinh sống, trên các rạn đá ngầm, bãi cát ngầm, đảo nhỏ và những yếu tố khác và phải được xử lý những khác biệt của mình bằng phương pháp có tính xây dựng”…

Trung Quốc ngạo mạn và ngang ngược, đã phá bỏ các cam kết DOC. Tháng 5-2009, Bắc Kinh thông báo với Liên Hiệp Quốc rằng, họ “có chủ quyền không thể tranh cãi trên các đảo ở Biển Đông”. Tháng 7-2010, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng họ có “bằng chứng lịch sử và pháp lý” cho tuyên bố chủ quyền của mình.

Tháng 11-2013, Bắc Kinh áp đặt vùng nhận biết phòng không (ADIZ) tại Đông Hải, không chỉ chồng lấn ADIZ Hàn Quốc và Nhật trong đó có không phận Senkaku mà còn yêu cầu tất cả máy bay đi vào “ADIZ” của họ phải báo cáo và tuân theo sự hướng dẫn của không lưu Trung Quốc! Phản ứng, Mỹ đưa 2 oanh tạc cơ B-52 vào…

Tiếp đó, tháng 12-2013, Trung Quốc bắt đầu kế hoạch xây đảo nhân tạo tại 7 địa điểm ở Biển Đông. Cuối năm 2014, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng việc xây dựng “chủ yếu nhằm cải thiện điều kiện sống và làm việc của những người Trung Quốc sống trên đảo”.

Tháng 4-2015, sau khi ảnh vệ tinh cho thấy rõ một đường băng đang xây trên một trong những hòn đảo nhân tạo trên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc, lần đầu tiên ngửa bài: Hoạt động của họ là nhằm “đáp ứng những yêu cầu quân sự cần thiết”.

Ngày 20-5-2015, thế giới đã thấy hệ thống quân sự tại các đảo nhân tạo Trung Quốc như thế nào, khi nhóm phóng viên CNN tháp tùng trên chiếc P-8 và nghe rõ cảnh báo từ phía Trung Quốc rằng P-8 phải lập tức rút đi vì đang bay vào “vùng cảnh báo quân sự”.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter, sau đó tuyên bố: “Mỹ sẽ bay, giao thông hàng hải và hoạt động tại bất cứ nơi nào luật quốc tế cho phép” và rằng “việc biến một hòn đá chìm thành sân bay không thể đủ căn cứ để tuyên bố chủ quyền hoặc hạn chế đi lại trên không phận lẫn hàng hải”.

Ngày 11-8-2015, đại sứ Trung Quốc tại Philippines Triệu Giám Hoa lên tiếng: “Tự do hàng hải không có nghĩa cho phép nước khác thâm nhập vào không phận vùng biển có chủ quyền… không có nghĩa tàu chiến và máy bay được tự do đi vào…”.

Tất cả cho thấy Trung Quốc không còn giấu giếm ý định quân sự hóa Biển Đông và phát biểu của Tập Cận Bình về chuyện Bắc Kinh không có ý định quân sự hóa khu vực tranh chấp, chỉ là một gạch đầu hàng bổ sung vào danh sách những lời dối trá của chính quyền Trung Quốc.

Tự do hàng hải, với FONOP, trong lịch sử Mỹ, như đã nói, là vấn đề thuộc về chính sách an ninh quốc gia. Như được thuật từ Foreign Affairs (12-10-2015), năm 1801-1805, Hải quân Mỹ đã lần đầu tiên thực thi việc bảo vệ lợi ích thương mại hàng hải trong cuộc chiến Barbary (giữa Mỹ và các nước duyên hải Barbary thuộc sắc tộc Berber nằm ở Bắc Phi), khi hải tặc Barbary yêu cầu các tàu buôn Mỹ phải cống nạp mới được phép đi ngang Địa Trung Hải.

Phản ứng, cả Nội các Thomas Jefferson và sau đó là James Madison tuyên chiến. Jefferson đánh đợt đầu (1801-1805), đưa quân vào các thành phố của hải tặc (nay là Libya, Tunisia và Algeria); Madison đánh tiếp đợt hai vào năm 1815.

Đến năm 1979, thời Tổng thống Jimmy Carter, các hoạt động bảo vệ quyền tự do hàng hải mới được chính thức đưa vào chương trình “Tự do Hàng hải” (FONOP), thuộc sự giám sát của Bộ Quốc phòng lẫn Bộ Ngoại giao.

Bộ Ngoại giao chịu trách nhiệm phản đối về mặt ngoại giao; Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao tổ chức thảo luận với các đối tác nước ngoài về luật quốc tế; Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm thực hiện các chiến dịch tuần dương khẳng định quyền tự do hàng hải.

Tính đến nay, Bộ Quốc phòng Mỹ đã thực hiện nhiều vụ tuần dương vào những vùng biển thuộc các nước mà Mỹ cho rằng họ tự tuyên bố chủ quyền: 19 hải vụ năm 2013 và 35 hải vụ năm 2014 (trong đó có 19 vụ nằm thuộc vùng quản lý địa lý của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Hoa Kỳ).

Ai bắn vào chân ai?

Ngày 15-10-2015, Tân Hoa Xã bình luận: Mỹ có thể tự bắn vào chân mình nếu thực hiện các cuộc tuần dương vào những vùng biển lân cận các đảo của Trung Quốc ở Biển Đông. 12 ngày sau, ngày 27-10-2015, Mỹ đã “tự bắn vào chân mình”, bằng chuyến hải hành của khu trục hạm USS Lassen. Vấn đề tiếp theo là gì? Là một thái độ dứt khoát hơn nữa của ông Obama!

Có không ít bài báo cho biết nội bộ Mỹ chưa thống nhất trong cách xử lý vấn đề Biển Đông, giữa một bên chọn giải pháp ngoại giao (Nhà Trắng, Bộ Ngoại giao) và bên kia chọn cách tiếp cận cứng rắn (Bộ Quốc phòng, đặc biệt các bộ tư lệnh vùng).

Ngày 18-6-2015, Trợ lý Ngoại trưởng đặc trách Đông Á - Thái Bình Dương Daniel Russel còn nói: “Bởi tầm quan trọng của Biển Đông nên về cơ bản đây không phải là vấn đề giữa Mỹ và Trung Quốc”. Phát biểu này khiến giới cầm binh Hoa Kỳ tại khu vực bất bình.

Tường trình trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện ngày 17-9-2015, Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh trưởng Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương, nhấn mạnh: Ông ủng hộ thực hiện FONOP quanh các đảo nhân tạo của Trung Quốc.

Trong khi đó, cũng tại phiên điều trần trên, Trợ lý Ngoại trưởng đặc trách Châu Á - Thái Bình Dương David Shear nói rằng, các chiến dịch như vậy vẫn phải chờ đèn xanh từ Nhà Trắng, nơi không đồng ý thực hiện một FONOP trong phạm vi 12 hải lý quanh các thực thể đảo Trung Quốc kể từ năm 2012!

Có thể thấy sự kiện USS Lassen vào khu vực Trường Sa ngày 27-10-2015 là kết quả của phe ủng hộ giải pháp cứng rắn hơn đối với Trung Quốc trong nội bộ Mỹ và rằng khái niệm “tự do hàng hải”, được hiểu như một chính sách an ninh, đang bắt đầu khẳng định lại giá trị của nó đối với giới chiến lược Hoa Kỳ.

Washington phải hiểu rằng, họ đã quá chậm trong đối sách ngăn chặn chương trình quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc, quá thờ ơ hoặc đánh giá thấp trước những phát biểu không hề vô thưởng vô phạt, như phát biểu của tướng chỉ huy Hạm đội biển Bắc - Viên Dự Bá - vào ngày 15-9-2015 (ngay trước khi Tập công du Mỹ) rằng, biển Nam Trung Hoa (cách mà Trung Quốc gọi Biển Đông), như tên gọi của nó, là vùng biển thuộc Trung Quốc, như nó hằng thuộc kể từ nhà Hán vào năm 206 TCN đến nay!

my cu thuc hien tu do hang hai la co dung do vu trang Sức mạnh chiến hạm Lan Châu 'nghênh đón' USS Lassen
my cu thuc hien tu do hang hai la co dung do vu trang [Chùm ảnh] Sức mạnh tàu khu trục Mỹ đang áp sát đảo nhân tạo
my cu thuc hien tu do hang hai la co dung do vu trang Hạm trưởng Lê Bá Hùng chỉ huy tàu Mỹ áp sát đảo nhân tạo?

 

Mạnh Kim

Năng lượng Mới 470