Mỹ chuyển vũ khí tối tân gì đến châu Á?

07:06 | 18/04/2015

3,475 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong chuyến thăm Nhật Bản và Hàn Quốc vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter khẳng định Lầu Năm Góc đang chuyển qua châu Á các loại vũ khí tối tân nhất. Vậy đó là loại vũ khí gì?

Năng lượng Mới số 414

Tuyên bố tại Hàn Quốc ngày 10-4, Bộ trưởng Carter nói Mỹ đang triển khai ở châu Á các loại vũ khí “tối tân và hiệu nghiệm nhất”. Đó là máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm F-35 và một số đơn vị chiến tranh trên mạng của quân lực Mỹ.

Máy bay chiến đấu F-35 Lightning II là loại vũ khí còn đang phát triển với dự án sản xuất gần 2.500 chiếc cho đến năm 2037, bao gồm cả máy bay dùng trong quân lực Mỹ và các nước đồng minh. Chương trình quy mô tốn kém nhiều chục tỉ USD trong giai đoạn nghiên cứu phát triển và đã trải qua nhiều sửa đổi, cải tiến kỹ thuật, cuối cùng có thể sẽ không được thực hiện đầy đủ như dự định vì còn tùy thuộc vấn đề ngân sách do Quốc hội chấp thuận.

Mỹ chuyển vũ khí tối tân gì đến châu Á?

Máy bay tàng hình F-35 Lightning II

Cho đến nay mới có 115 chiếc được đưa vào hoạt động trong không quân, hải quân, thủy quân lục chiến Mỹ. F-35 là máy bay đắt tiền nhất từ xưa đến nay, trị giá mỗi chiếc trên dưới 100 triệu USD khi đi vào giai đoạn sản xuất hàng loạt. Thuộc thế hệ thứ 5 của các máy bay chiến đấu, F-35 có khả năng “tàng hình” trang bị các phương tiện điện tử và hệ thống vũ khí tối tân nhất không từng có ở bất kỳ loại máy bay nào trên thế giới từ trước đến nay.

Theo truyền thông Nga gần đây thì F-35 khó chống lại tên lửa S-400 có hệ thống điện tử tránh được các phương pháp gây nhiễu sóng và bay với vận tốc 17.000km/giờ khi bắn hạ một máy bay ở xa 400km. Cuối tháng 11-2014, lần đầu tiên Tổng thống Putin chấp thuận bán cho Trung Quốc 6 Tiểu đoàn S-400, mỗi tiểu đoàn có 8 ống phóng đặt trên xe di động cùng với một trung tâm điều khiển, giàn radar và 16 tên lửa thay thế.

Cũng tại Hàn Quốc, lần đầu tiên ông Carter nói đến việc triển khai một số đơn vị chiến tranh mạng. Bộ Tư lệnh Chiến tranh mạng (USCYBERCOM) là một phân bộ của Bộ Tư lệnh Chiến lược Mỹ (STRATCOM), được thành lập năm 2009, đặt căn cứ ở Fort Meade, Maryland. Đây là một ngành ít được công chúng biết đến. Năm 2010, người ta nghe nói về “con bọ điện toán” Stuxnet, có lẽ đã được hỗn hợp phát triển với tình báo Israel. Stuxnet hoạt động bằng cách xâm nhập các hệ thống máy điện toán sử dụng hệ điều hành Microsoft Windows. Con bọ này đã do thám, thu thập thông tin và phá hoại khoảng 1/5 máy ly tâm của Iran dùng cho chương trình phát triển nguyên tử.

USCYBERCOM có chi bộ thuộc 4 quân binh chủng Mỹ: lục quân, không quân, hải quân và thủy quân lục chiến. Hình thành bằng sự tập trung phối hợp hoạt động của nhiều cơ quan phụ trách những công tác khác nhau, trong đó hầu hết liên quan đến tình báo, nhiệm vụ của USCYBERCOM gồm hai phần chính là phòng thủ và tấn công. Cho đến nay chưa có căn bản pháp lý và quy định quốc tế chính thức được thỏa thuận hay công nhận về quyền hạn hành động trong lãnh vực này.

Tướng Keih Alexander, cựu Giám đốc NSA và là Tư lệnh USCYBERCOM đầu tiên, nói: “Cách duy nhất để chống hoạt động tội phạm và do thám trên mạng là chủ động ra tay trước”. Tuy nhiên ông xác định: “USCYBERCOM không phải là nỗ lực quân sự hóa không gian ảo. Cơ quan này cần dung hòa giữa sự bảo vệ tài nguyên quân sự với sự riêng tư của cá nhân”. Nhiều quốc gia trên thế giới cũng theo cách của Mỹ tổ chức những cơ quan tương tự. Anh đã chuẩn bị một lực lượng quân sự trên mạng. Tháng 12-2009, Hàn Quốc thông báo thành lập Bộ Tư lệnh chiến tranh trên mạng để đối phó với Triều Tiên. Năm 2010, Trung Quốc thành lập một bộ phụ trách phòng thủ chiến tranh trên mạng và bảo vệ an ninh thông tin.

Nếu chiến tranh nóng ở châu Á chưa xảy ra trong tương lai gần, thì sắp tới những va chạm hay xung đột cỡ nhỏ giữa các quốc gia sẽ không phải là ít trên mạng, nhưng có thể vì trên không gian ảo nên công chúng khó thấy hết. Hiện nay, nhiều nhóm khủng bố cũng có khả năng chiến tranh trên mạng.

H.Phan (tổng hợp)

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc