Tăng trưởng tín dụng âm:

Mừng vì nền kinh tế vắng bóng những “bầu” Kiên!

19:00 | 20/03/2013

756 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Không còn những “ma trận” trên thị trường tài chính – ngân hàng khiến nhiều khoản vay bị thổi phồng, quay vòng để lũng đoạn thị trường, tăng trưởng tín dụng âm vì vậy cần được nhìn nhận một cách tích cực!

Ngân hàng giờ không có khách "sộp" kiểu "bầu" Kiên.

Những ngày qua, đang có khá nhiều luồng ý kiến bày tỏ lo ngại mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% trong năm 2012 sẽ rất khó thực hiện. Tuy nhiên, nếu nhìn lại những diễn biến trên thị trường tài chính – ngân hàng vài năm gần đây thì xem ra, tăng trưởng tín dụng âm trong 2 tháng đầu năm có lẽ nên mừng chứ không đáng lo!

Theo thống kê mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 15/2/2013, tăng trưởng tín dụng vẫn còn âm 0,18 – 0,2%. Lý giải cho tình trạng này, theo các chuyên gia là do hoạt động sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế còn gặp khó, số lượng doanh nghiệp còn “khỏe” đáp ứng tiêu chuẩn cho vay của ngân hàng rất hiếm. Thậm chí, nếu còn “khỏe”, còn lực thì cũng chẳng đi vay vì lãi suất cho tuy đã giảm nhưng vẫn còn ở mức cao.

Từng một thời gian dài, câu chuyện “nhóm lợi ích” hay những “ma trận” trên thị trường tài chính – ngân hàng với sự chi phối của một hay một nhóm cá nhân có tầm ảnh hưởng tại các ngân hàng đã nắn dòng vốn “chảy” vào các công ty sân sau để thực hiện các thương vụ thâu tóm, đầu tư. Điều này cũng đã được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh tại Hội nghị ngành ngân hàng đầu năm 2013 khi đề cập tới tình trạng “tài sản thế chấp một đồng thì đưa lên vài trăm đồng để lấy tiền ra”.

Chia sẻ của Thủ tướng cho thấy, bên cạnh vấn đề đạo đức, pháp lý thì câu chuyện tăng trưởng tín dụng cũng cần phải được nhìn nhận lại.

Trong một phân tích gần đây, TS Vũ Đình Ánh khi nói đến vấn đề trên đã bày tỏ quan điểm rằng: Không nên quá ồn ào với chuyện tín dụng tăng thấp.

Vị này phân tích: Tại sao cứ phải tăng trưởng tín dụng mỗi năm mấy chục phần trăm thì mới đảm bảo tăng trưởng kinh tế mấy phần trăm? Điều đáng quan tâm nhất hiện nay là quy mô tín dụng đang ở mức 125% của GDP và một bộ phận lớn của kênh vốn tín dụng đã bị sử dụng bừa bãi, khi doanh nghiệp đầu cơ vào bất động sản, chứng khoán mà không tạo ra tăng trưởng kinh tế thực chất. Vì thế, lạm phát cứ triền miên từ năm này đến năm khác”.

Ông dẫn ví dụ: Một doanh nghiệp đã vay 1 tỉ đồng, dự kiến sẽ lãi 1 triệu đồng trong năm tới nhưng vì sử dụng vốn thiếu cẩn trọng, không những không lãi mà còn có nguy cơ mất vốn vay, nếu bây giờ lại đòi ngân hàng cho vay thêm 100 triệu nữa, chỉ để làm ra 1 triệu đồng tiền lãi là không thể chấp nhận được. Vì thế, trong bối cảnh hiện nay, càng gia tăng tín dụng, càng đẩy nền kinh tế rơi vào tình trạng bất ổn vĩ mô.

Đó là một thực tế mà nền kinh tế đang phải đối diện và minh chứng cụ thể nhất chính là “ma trận” của “bầu” Kiên trong năm 2012 và đang được các cơ quan chức năng làm rõ.

Như Petrotimes phản ánh, thông qua việc lập 3 công ty con, rồi dùng pháp nhân của 3 công ty này để phát hành trái phiếu để mang đi thế chấp ngân hàng vay vốn, rồi dùng chính số vốn đó đi mua cổ phần của ngân hàng, số cổ phần đó tiếp tục lại được mang đi thế chấp vay vốn. Vòng xoáy đó diễn ra liên tục, khiến dòng vốn tín dụng tăng trưởng tại những ngân hàng này phình to.

Và nếu ngân hàng cũng tham gia chu trình này khi mang chính số cổ phiếu thế chấp của doanh nghiệp đi vay trên thị trường liên ngân hàng rồi cho đi vay tiếp thì khối tín dụng sẽ càng khổng lồ.

Nói như vậy để thấy rằng, tăng trưởng tín dụng những năm trước ẩn chứa rất nhiều rủi ro bởi cùng một tài sản nhưng đã được bản thân các doanh nghiệp, ngân hàng mang đi vay, quay vòng hết ngân hàng này sang ngân hàng khác lấy số vốn lớn hơn gấp nhiều lần giá trị thực vốn có của nó. Và tình trạng nợ xấu gia tăng như hiện nay là hoàn toàn dễ hiểu, đặc biệt là khi phần lớn số vốn mà các cá nhân, doanh nghiệp huy động được đã đổ vào bất động sản, chứng khoán,…

Một điểm đáng lưu ý nữa, giá trị của những khoản vay đằng sau những “ma trận” hay vòng quay vốn kiểu như “bầu” Kiên thường có giá trị không nhỏ, có khi lên tới cả tỉ đồng. Vậy nên, khi tăng trưởng tín dụng âm, tức là các khoản vay cho khối tư nhân, cá nhân, tập thể hoặc tổ chức công cộng sụt giảm, chúng ta cần phải xem xét kỹ.

Tăng trưởng tín dụng “khủng” có thật sự tác động đến sự phát triển của nền kinh tế hay không cũng cần phải tính toán lại. Trở lại câu chuyện “bầu” Kiên, dư luận xã hội vẫn đang đặt câu hỏi là: Cả trăm tỉ, thậm chí có thể lên tới cả ngàn tỉ đồng nhân vật này “hút” được từ ngân hàng đã “chảy” đi đâu?

Đáp án câu hỏi trên chưa rõ nhưng có một điều chắc chắn là “dòng tiền” trên đã không chảy vào các lĩnh vực sản xuất hàng hóa, tức không làm ra sản phẩm cho xã hội!

Minh chứng cho nhận định này là con số thống kê lên tới 60% tài sản thế chấp cho các khoản vay là bất động sản. Và chắc chắn, nếu khối tài sản thế chấp này được quay vòng trong “ma trận” này thì chắc chắn, tăng trưởng tín dụng những năm qua chính là quả “bom nguyên tử” đối với hệ thống ngân hàng.

Qua đó để khẳng định rằng, mức tăng trưởng bình quân lên tới 33% như những năm trước đây vô hình chung giờ đang trở thành áp lực đe dọa nợ xấu gia tăng! Và việc tăng trưởng tín dụng âm những tháng đầu năm 2013 như vậy nên mừng chứ không nên lo!

Thanh Ngọc