Mùa thu nay khác rồi

07:00 | 02/09/2016

526 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Câu thơ ấy trong bài “Đất nước” của Nguyễn Đình Thi được viết những dòng đầu tiên vào năm 1947 và mãi cho đến năm 1955 mới hoàn thành. Đã mấy chục năm trôi qua, nhưng lần nào đọc lên cũng khiến ta xúc động, bồi hồi. Cả bài thơ với trường cảm xúc lớn, như tác giả nói, đó là tiếng nói của tâm hồn với chính nó.
mu a thu nay kha c ro i

Thu nay là mùa thu Bính Thân - 2016. Một câu hỏi chợt đến với tôi, thu nay có gì khác xưa? Vẫn là mây trắng, nắng vàng, trời xanh cao vời vợi. Vẫn là những gương mặt thân yêu, những người lao động cần lao, hàng xóm tắt lửa tối đèn có nhau. Mỗi người tự cảm nhận cái “khác” riêng.

Mới rồi chúng tôi dự một cuộc hội thảo quốc tế “Quy chế pháp lý của đảo, đá trong luật pháp quốc tế và thực tiễn Biển Đông”. Học giả trong nước cùng gần 30 học giả đến từ các nước trong khu vực và trên thế giới. Ngôn ngữ khác nhau, trình độ phát triển kinh tế, văn hóa khác nhau, nhưng nhận thức về những diễn biến phức tạp trên Biển Đông, xác định ai là kẻ gây ra những trận bão trên biển thì lại khá đồng thuận. Và tôi chợt nghĩ mọi sự khác biệt đều có thể tìm đến tiếng nói chung, đó là sự thật, đó là lẽ phải.

Sự thật và lẽ phải được Chủ tịch Hồ Chí Minh nói trong bản “Tuyên ngôn Độc lập” cách nay 71 năm: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Sự thật hiển nhiên như vậy nhưng nó luôn bị tấn công, luôn bị xuyên tạc. Ví như chuyện tranh chấp trên các đảo, đá Biển Đông. Một học giả nước ngoài đã nói về sự “khác” rất lạ lùng này. Rằng có những quốc gia cậy thế làm càn, biến vùng không tranh chấp thành vùng có tranh chấp. Rồi người ta bất chấp cả công lý, bất chấp cả phán quyết của Tòa án. Nhưng luật pháp quốc tế và lương tâm nhân loại sẽ phán xét. Lịch sử là suy ngẫm và phát triển. Tương lai là do sự định liệu của mỗi công dân, mỗi quốc gia hôm nay. Không có một tương lai cho một quốc gia siêu cường nào đó dựa vào sự ngạo mạn và bất chấp lẽ phải.

Phải khác! Suy nghĩ ấy ta đọc thấy trong lời nói, việc làm của mỗi người dân đất Việt. Nhưng rõ hơn là sau Đại hội lần thứ XII của Đảng, sau khi Chính phủ mới (nhiệm kỳ 2016-2021) được kiện toàn. Văn kiện Đại hội XII thể hiện tinh thần đổi mới một cách thật sự. Làm sao để danh từ “đổi mới” đi vào cuộc sống như một “động từ”. Đổi mới nghĩa là làm, làm thật quyết liệt, bớt nói những điều đạo lý, trừu tượng; đề cao vai trò cá nhân, tinh thần phụ trách của người lãnh đạo. Tất cả mọi chủ trương, đường lối đều hướng đến đích: Phấn đấu sớm đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Phải khác! Người dân nhận thấy từ Quốc hội đến Chính phủ và bộ máy chính quyền các cấp đang có những chuyển động mạnh mẽ trong cung cách quản lý, điều hành. Chuyển động theo hướng hành động, vì dân, phục vụ dân chứ không phải là bộ máy cai trị dân, bộ máy đặc quyền, đặc lợi. Lúc này chúng ta càng thấm thía lời Bác: “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”.

Dân có thể được hưởng hạnh phúc không khi kinh tế phát triển nhưng lại phá hủy môi trường tự nhiên, môi trường văn hóa? Hạnh phúc sao được khi gánh nợ của đất nước tăng cao, sản phẩm làm ra vẫn chủ yếu là sản phẩm thô, khai thác từ tự nhiên, khả năng cạnh tranh thua kém rất nhiều so với các nước trong khu vực? Dân không thể yên lòng khi “nhìn đâu cũng thấy nhũng nhiễu”, nhìn đâu cũng thấy những “ông vua con”. Đảng đã chỉ rõ căn bệnh nặng nề trong bộ máy công quyền: tham nhũng, quan liêu. Kẻ tham nhũng vặt có bộn tiền tiêu xài thỏa thích và để cống nạp kẻ tham nhũng lớn. Từ đây mà đẻ ra vô số thói hư tật xấu như kéo bè kéo cánh, hách dịch, trù dập, vô cảm, tìm đủ mọi cách “chạy” cho được yên thân, được thăng quan tiến chức.

Thu nay, ta cùng suy nghĩ về giá trị vĩnh hằng của “Tuyên ngôn Độc lập”: Quyền sống và quyền tự do của con người, suy rộng ra là quyền tự do của mọi quốc gia, dân tộc. Làm sao cho dân giàu, nước mạnh là kế sách muôn đời. Thắng giặc ngoại xâm, hai tiếng Việt Nam vang lên kiêu hãnh trên khắp năm châu. Thắng giặc nghèo với thành tựu 30 năm đổi mới, thế giới ngợi ca cũng đã nhiều. Nhưng nhìn sang các nước trong khu vực, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore... thấy mình còn thua chị kém em nhiều quá. Xin dẫn chuyện Hàn Quốc, từ một nước luôn phải lo “xin việc”, tìm mọi cách kéo các doanh nghiệp nước ngoài để họ thuê lao động. Nay thì Hàn Quốc bắt đầu khan hiếm lao động. Họ, tự khi nào, trở thành người “cho việc”. Năm 2016 này trong dòng người xếp hàng “xin việc” số đông lại là người Trung Quốc, Thái Lan...

Còn Việt Nam ta? Nói như nghị quyết thì, thành tựu phát triển còn chưa tương xứng với tiềm năng; chưa bền vững cả về kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường. Đó là những điều đáng suy nghĩ trong ngày tết Độc lập. Chưa bền vững nghĩa là còn giật gấu vá vai, ăn xổi ở thì, hoặc làm kinh tế mà cứ như đi trên dây, trông chờ may rủi. Nghĩa là ở một góc khuất nào đó cái anh chàng bút lông, bút sắt thi thoảng lại trỗi dậy tranh cãi, thậm chí đâm lén người khổng lồ máy tính.

Dân tộc ta đã thắng giặc ngoại xâm bằng sức mạnh văn hóa. Đó là một tổng kết cô đọng. Sức mạnh văn hóa ấy biểu thị tập trung nhất ở truyền thống yêu nước, đoàn kết dân tộc; trọng đạo lý làm người, trách nhiệm cá nhân đối với cộng đồng, với Tổ quốc.

“Mùa thu nay khác rồi!”. Ta cùng gửi gắm trong câu thơ bao điều khát vọng và nguyện ước thiêng liêng!

Hải Đường

Năng lượng Mới 553+554

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc