Một năm thất bại toàn diện của Tổng thống Ukraina

07:00 | 12/06/2015

2,409 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Không những không thực hiện được những hứa hẹn khi đắc cử Tổng thống Ukraina cách đây 1 năm, mà ông Petro Poroshenko còn đang góp phần đẩy đất nước từng là một quốc gia hùng mạnh bậc nhất của Liên bang Xôviết (cũ) đến bờ vực “phá sản”, không đủ sức tồn tại, trong khi bản thân thì ngày một giàu sụ.

Năng lượng Mới số 429

Khi còn là một ứng viên trong cuộc bầu cử tổng thống bất thường trước thời hạn ở Ukraina khi ông Viktor Yanukovych bị phế truất, ông Poroshenko - khi đó được biết đến nhiều hơn với danh hiệu “tỉ phú sôcôla”, đã nêu khẩu hiệu tranh cử “Sống theo lối mới”. Ứng viên này hứa hẹn với các cử tri sẽ nhanh chóng kết thúc cuộc xung đột ở Donbass, khôi phục toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina, thu hồi Crimea, tăng lương và trợ cấp hưu trí, chống tham nhũng và xây dựng lại hệ thống tư pháp mới công bằng.

Một năm thất bại toàn diện của Tổng thống Ukraina

Tổng thống Ukraina Petro Poroshenko

Về đối ngoại, ông Poroshenko hứa ngay trong những năm cầm quyền đầu tiên, người Ukraina sẽ nhận được chế độ miễn thị thực (visa) từ Liên minh châu Âu (EU), khẩn trương kịp thời đưa vào hiệu lực thỏa thuận về khu vực thương mại tự do với EU và đến cuối nhiệm kỳ 5 năm lãnh đạo, như là kết quả của cải cách, sẽ bắt đầu cuộc đối thoại về tư cách thành viên đầy đủ của Ukraina trong EU.

Tối ngày 25-5-2014, khi vừa đắc cử Tổng thống Ukraina, ông Poroshenko còn tuyên bố hùng hồn: “Với tư cách là người đứng đầu Nhà nước, tôi mong muốn thiết lập một tập quán chính trị mới: Ngay từ hôm nay, tôi bắt đầu bán hết tài sản kinh doanh của mình”. Ông Poroshenko chỉ muốn giữ lại quyền kiểm soát với kênh truyền hình Kanal 5 vì “lý do tình cảm”.

Trên thực tế, thay vì giải quyết nhanh chóng tình hình ở Donbass, Ukraina đã lâm vào cuộc xung đột kéo dài. Nhiều chuyên gia và cộng đồng xã hội Ukraina đều có chung quan điểm rằng, Tổng thống Poroshenko không vội vàng lo chấm dứt xung đột ở Donbass, vì điều đó có lợi cho ông ta để che đậy thực trạng cải cách chậm chạp và thiếu hiệu quả.

Nền kinh tế Ukraina đang tiếp tục suy thoái, đất nước mấp mé trên bờ vực vỡ nợ và gánh chịu khó khăn nghiêm trọng về tài chính cũng như ngân sách. Tất cả các hoạt động của Kiev đều nhăm nhăm vào hướng nhận gói cứu trợ từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhằm thoát khỏi viễn cảnh phá sản không tránh khỏi. Để đổi lấy những khoản vay mới, chính quyền Ukraina đồng ý tuân theo những đòi hỏi khắc nghiệt của IMF về tiết kiệm kinh phí ngân sách. Kiev “thắt lưng buộc bụng” đến nỗi đánh cả vào quyền lợi của các công dân bình thường, đánh thuế thu nhập với cả người về hưu. Đời sống của người dân Ukraina không những không được cải thiện mà ngày càng trở nên khốn khó, kéo theo tình hình an ninh xã hội bất ổn.

Theo cựu nghị sĩ Quốc hội - bà Natalia Vitrenko, vào thời điểm hiện nay tại Ukraina, có đến 35% các nhà máy đã ngừng hoạt động, 25% doanh nghiệp bị mất thị trường và 10% công ty đã phá sản. Trong năm 2014, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Ukraina giảm 7%.

Việc đồng hryvnya (đồng nội tệ Ukraina) rớt giá kỷ lục so với đồng đôla Mỹ hồi đầu năm 2015 đã khiến các nhà đầu tư hoảng loạn tháo chạy, người dân thì đua nhau rút tiền gửi tại các ngân hàng. Tình trạng hàng hóa “khan hiếm giả” trở nên phổ biến: có lúc hàng hóa tự dưng “biến mất” khỏi các kệ hàng, sau đó khi xuất hiện trở lại thì đã có giá cao hơn.

Theo ước tính của chuyên gia kinh tế học người Mỹ Steve Hanke, dữ liệu mà Chính phủ Ukraina công bố về lạm phát hằng năm 35% hoàn toàn không phù hợp với thực tế. Mức tăng giá ở Ukraina trong năm qua lên tới 272%, mức cao nhất thế giới. Thăm dò ý kiến 20% công chức Ukraina sống bằng lương, họ đều xác nhận nhiều khi không đủ tiền mua thực phẩm trong tình hình hiện nay.

Trong khi đó, mối quan hệ giữa phương Tây và Kiev bộc lộ sự lạnh nhạt rất rõ nét qua Hội nghị Thượng đỉnh “Đối tác phương Đông” của EU diễn ra hồi cuối tháng 5-2015 ở Riga. Hy vọng của Kiev về việc qua hội nghị thượng đỉnh này có thể nhận chế độ miễn thị thực từ EU đã tan thành mây khói. Bất kể thỉnh cầu nào của Ukraina về ấn định khung thời gian cụ thể cho chế độ miễn thị thực, cho dù là tiềm năng, cũng không hề được nhắc đến một chữ trong Tuyên bố của Hội nghị Thượng đỉnh Riga.

Tình hình thực hiện lời hứa đưa Ukraina trở thành thành viên đầy đủ của EU trong tương lai gần còn bi quan hơn nữa. Kiev hy vọng ở Riga, EU sẽ đưa ra lời công nhận chính thức về triển vọng kết nạp Ukraina làm thành viên EU. Tuy nhiên, thái độ nhất loạt của các quan chức châu Âu cho người ta hiểu rằng, vào thời điểm này EU chưa sẵn sàng cho bước đi dù nhỏ bé như vậy.

Theo chuyên gia kinh tế người Nhật Daisuke Kotegawa, cựu đại diện IMF tại Nhật Bản, trong con mắt châu Âu, Ukraina ngày càng bị coi là “quốc gia vỡ nợ”, chỉ “thoi thóp” duy trì sự sống bằng những đồng tiền viện trợ của phương Tây nhờ cái “chân lính tiền tiêu chống Nga”. Nếu xu thế này tiếp diễn, thì Ukraina có nguy cơ rơi vào cảnh ngộ như “tấm gương” Hy Lạp: sẽ không thể hoàn lại số tiền vay từ IMF và những cơ cấu khác. Sự bất mãn ngày càng tăng của người dân có thể biến hóa thành bất ổn chính trị hay những hình thức cực đoan của chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa khủng bố. Tất cả những điều đó giống căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có nguy cơ lây lan sang các nước láng giềng.

Về lời hứa đoạn tuyệt với giới tài phiệt khi ngồi vào ghế Tổng thống Ukraina, hay bán hết cổ phần tài sản của mình, ông Poroshenko hình như còn “quên béng”.

Nơi tập trung tài sản của ông Poroshenko là Công ty Sôcôla Roshen, thành lập năm 1996, được coi là “nền tảng” tạo nên thương hiệu “tỷ phú sôcôla” của Tổng thống Ukraina. Giờ đây, sản phẩm của Roshen đã có mặt ở 30 nước, công ty là nhà chế biến bánh kẹo đứng hàng thứ 18 trên thế giới trong năm 2014, theo bảng xếp hạng của Tạp chí Candy Industry. Năm 2014, thu nhập của Tổng thống Poroshenko được khai là khoảng 15 triệu Euro, qua các nguồn thu từ cổ tức, lãi suất ngân hàng, tức là tăng gấp 7 lần so với năm 2013.

Trong khi kinh tế Ukraina rơi vào suy thoái, các nhà máy của Roshen tại Kiev vẫn đạt gần 1,5 triệu euro tiền lãi trong năm 2014, tăng gấp 9 lần so với năm trước. Ngân hàng đầu tư quốc tế mà ông là đồng sở hữu cũng báo lãi gấp đôi trong năm 2014, khoảng 125 triệu euro. Điều này làm dấy lên những nghi vấn về việc những cơ sở kinh doanh của ông Poroshenko đã được trao quá nhiều ưu đãi để phát triển.

Với ông Poroshenko, phải bán đi các cổ phần công ty đang làm ăn phát đạt như vậy chắc chắn là điều không dễ dàng. Có điều là ông vẫn tuyên bố chống lại việc giới tài phiệt Ukraina thao túng chính trị. Tất cả những điều này xem ra cực kỳ mâu thuẫn với nhau.

Duy chỉ một lời hứa của Poroshenko có thể được coi là bắt đầu thực thi, đó là phát triển quân đội Ukraina để phục vụ cho cuộc đối đầu quân sự không biết khi nào kết thúc với lực lượng ly khai ở miền Đông nước này. Tuy nhiên, trên thực tế, tại Ukraina lại đang diễn ra quá trình quân phiệt hóa xã hội, còn cuộc xung đột chưa được giải quyết ở vùng Donbass như cái vực không đáy đang hút lấy khối lượng lớn tiền ngân sách lẽ ra phải được chi dùng cho sự phát triển đất nước.

Theo dữ liệu của những cuộc thăm dò dư luận xã hội mới nhất, chỉ số tín nhiệm của Tổng thống Ukraina qua một năm đã giảm từ 53% xuống còn 33%. Điều đó nói lên rằng, người dân Ukraina đang ngày càng thiếu tin cậy đối với đường lối mà Tổng thống Petro Poroshenko theo đuổi.

Ánh Nguyệt