Giải phóng mặt bằng tại Khu tập thể Cục Vận tải:

Một dự án có dấu hiệu “không ổn”

10:52 | 24/09/2015

3,803 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đó là chuyện có thật xảy ra trong công tác giải phóng mặt bằng ở Khu tập thể Cục Vận tải, phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) phục vụ dự án đường Vành đai 1 đoạn Ô Đông Mác - Nguyễn Khoái. Đây là một tuyến đường quan trọng, quá trình triển khai kéo dài 1/4 thế kỷ, được lãnh đạo thành phố đặc biệt quan tâm, đốc thúc, áp dụng nhiều cơ chế đặc thù. Thế nhưng, lại tồn tại dai dẳng tình trạng “bóp méo chính sách” gây thiệt thòi cho dân, báo cáo không trung thực với lãnh đạo thành phố, “trên bảo dưới không nghe”. Một lãnh đạo thành phố khi có mặt tại buổi cưỡng chế lần đầu đối thoại với dân đã nhận ra nhiều điều “không ổn”, chỉ đạo tạm dừng cưỡng chế để xem xét lại sự việc. Nhưng sau khi ông ra về, tình trạng “đánh võng” chủ trương của cấp trên lại tiếp tục tái diễn…    

Phát lệnh cưỡng chế đúng dịp… Tết Độc lập?

Đã có rất nhiều đơn thư khiếu nại của các hộ dân gửi đến các cơ quan chức năng suốt hai năm qua để khiếu nại, phản ánh hàng loạt vấn đề mà người dân cho là bất cập, khuất tất như: Giá đất bồi thường chỉ từ hơn 20 triệu đồng đến 55 triệu đồng/m2, chưa bằng 1/3 giá thị trường; các căn hộ ở cùng một khu tập thể, một đường nội bộ là ngõ đi chung nhưng hộ ở phía ngoài lại được bồi thường giá cao hơn; toàn bộ các công trình phụ trợ thuộc sở hữu chung, không phải là đất công cộng nhưng lại bị từ chối bồi thường; tùy tiện quy kết người dân lấn chiếm đất trong khi thực tế họ giữ nguyên trạng các căn hộ được quân đội cấp; cố tình biến đường nội bộ thành “ngõ phố 93” để bóp méo chính sách, gây thiệt thòi cho dân; kê khai, kiểm đếm, xây dựng phương án bồi thường không chính xác, thiếu công khai, minh bạch; thường xuyên né tránh không trả lời khiếu nại của dân...

mot du an co dau hieu khong on
Bức tường bao của Khu tập thể Cục Vận tải bị cưỡng chế phá dỡ

Những lá đơn mà người dân gửi từ năm 2014 đã nêu ra tới 10 vấn đề khiếu nại nhưng không được trả lời. Phải đến khi báo chí lên tiếng và có công văn chỉ đạo của ông Vũ Hồng Khanh, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội thì UBND quận Hai Bà Trưng mới có văn bản duy nhất trả lời khiếu nại của dân là Văn bản 658/UBND-GPMB ngày 17-7-2015. Tuy nhiên, công văn chỉ trả lời duy nhất một vấn đề và dẫn “chỉ đạo miệng” của một lãnh đạo thành phố làm căn cứ: “Ngày 19-6-2015, Ban Chỉ đạo GPMB thành phố có Văn bản số 454/BCĐ-NV3 trả lời: “Tại buổi họp kiểm điểm tiến độ công tác GPMB Dự án đường vành đai 1 (đoạn Ô Đống Mác - Nguyễn Khoái) ngày 10-6-2015, đồng chí Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội đã kết luận: “Các công trình, tài sản sử dụng chung như hàng rào khu tập thể, hệ thống cấp nước, hệ thống cấp điện, hệ thống thoát nước, ngõ đi chung…không bồi thường cho các hộ dân”. Người dân yêu cầu làm rõ chỉ đạo của ông Nguyễn Quốc Hùng dựa trên văn bản pháp qui nào cũng không được UBND quận Hai Bà Trưng đáp ứng. Ngay cả khi báo chí yêu cầu giải thích, ông Ninh Anh Hải, Trưởng ban Bồi thường, GPMB quận Hai Bà Trưng lại đá quả bóng trách nhiệm: “Các anh lên thành phố mà hỏi”.

Mang những thắc mắc của người dân đề nghị được làm rõ, chúng tôi được ông Trương Quang Thiều - Trưởng ban Chỉ đạo GPMB Hà Nội trả lời: “Việc giải phóng mặt bằng ở Hà Nội được chúng tôi chỉ đạo làm cẩn thận lắm, nghiêm túc lắm, tỉ mỉ lắm, khó mà có sai sót”. Ông Thiều cho gọi một chuyên viên lên. Chúng tôi đặt câu hỏi tại sao Ban Chỉ đạo GPMB thành phố là cơ quan tham mưu, chỉ đạo về GPMB mà trong văn bản số 454/BCĐ-NV ngày 19-6-2015 trả lời về việc bồi thường tại Khu tập thể Cục Vận tải lại không chỉ rõ căn cứ pháp lý, chỉ trích dẫn ý kiến ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội?! Lúc này, ông Trương Quang Thiều mới hỏi lại chuyên viên: “Có đúng như vậy không?”. Rồi ông nhắc nhở: “Làm công văn trả lời dân thì phải cụ thể, nói rõ căn cứ pháp luật chứ sao lại chỉ trích dẫn kết luận của lãnh đạo thành phố. Kiểm tra, đối chiếu với các văn bản pháp luật rồi làm công văn trả lời báo chí, trả lời người dân” - ông Thiều chỉ đạo. Tuy nhiên, đến nay, vẫn chưa thấy Ban chỉ đạo GPMB TP Hà Nội trả lời rõ vấn đề này như đã hứa.

Đỉnh điểm của sự thất vọng, bức xúc phải kể đến việc đúng dịp kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 vừa qua, chính quyền quận Hai Bà Trưng cho tống đạt quyết định cưỡng chế gửi đến các hộ dân khu tập thể. Giữa lúc người dân thủ đô tưng bừng đón Tết Độc lập, phấn khởi xem diễu binh, bắn pháo hoa thì ở Khu tập thể Cục Vận tải, quyết định cưỡng chế dán khắp cửa từng căn nhà, nơi bảng tin công cộng; máy móc phá dỡ tập kết áp sát; cán bộ quận, phường, công an, lực lượng cưỡng chế tấp nập vào ra khiến các hộ dân lòng như lửa đốt; chẳng ai còn lòng dạ nào vui đón Tết Độc lập như mọi năm.

Xin trả danh hiệu Anh hùng vì bị dọa dẫm!

Một trong những hộ dân chịu nhiều thiệt thòi trong bồi thường GPMB tại dự án phải kể đến trường hợp ông Cao Duy Thuần. Ông Thuần từng nổi tiếng là một lái xe dũng cảm thời chống Mỹ, nhân vật trong  bút ký “Đại bàng của Trường Sơn” dài hơn 20 kỳ đăng trên Báo Quân đội nhân dân, là tấm gương cho lái xe toàn quân học tập và được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Thế nhưng, khi về hưu với mức sống đạm bạc, căn hộ của ông với 51,03m2, chính quyền lên phương án bồi thường thành hai mức giá: có 35m2 bồi thường mức 31,8 triệu đồng/m2, còn 16m2 chỉ bồi thường mức 29,3 triệu đồng/m2 với lý do căn hộ chữ L. Tương tự với ông Đào Văn Mão, cạnh nhà ông Thuần, căn hộ của ông có tới 3 mức bồi thường khác nhau: 65,18m2 được bồi thường mức 31,8 triệu đồng/m2; 4,67m2 bồi thường mức 29,326 triệu đồng/m2 còn 4,6m2 đất cống nước bị quy là “lấn chiếm” không được bồi thường.

“Đảng, Nhà nước đã có chính sách rất rõ là không được cưỡng chế GPMB vào dịp lễ, tết. Thế mà Tết Độc lập, ngày Quốc khánh họ cũng chẳng tha chúng tôi. Đã thế, ông Lâm Anh Tuấn, Phó chủ tịch UBND quận khi gặp gỡ, tiếp xúc với các hộ dân còn “vừa đấm vừa xoa”, một mặt ông ấy bảo tôi phải gương mẫu này nọ, một mặt ông ấy dọa nếu không bàn giao mặt bằng, để cưỡng chế thì trâu chậm uống nước đục, phải sang Đông Anh mà… tái định cư, rồi bị trừ 200 triệu đồng/hộ chi phí thuê máy móc cưỡng chế vào tiền bồi thường đất” - ông Cao Duy Thuần bức xúc kể lại.

Ông Thuần đã phải viết đơn khẩn cấp gửi Bí thư Quận ủy Quận Hai Bà Trưng xin trả lại danh hiệu Anh hùng vì có như vậy, lãnh đạo mới chịu tiếp xúc, lắng nghe ý kiến của ông. Trong đơn, ông viết: “Sau 23 năm chờ đợi, dự án này mới được tiến hành, quá trình giải phóng mặt bằng đã thể hiện nhiều tiêu cực, gây thiệt hại to lớn cho người dân. Ngày 31-8-2015 tôi nhận được giấy mời gặp tiếp công dân để “đối thoại, giải thích, vận động gia đình chấp hành…”. Thế nhưng trước sự có mặt đông đảo các đại diện của các ban, ngành, đoàn thể của quận và phường, ông Lâm Anh Tuấn lại thông báo với các căn cứ các điều khoản, quy định để cấu thành quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế. Ông còn nhấn mạnh đồ đạc cưỡng chế với các kinh phí cưỡng chế lên tới hơn 200 triệu đồng/hộ sẽ bị trừ vào tiền bồi thường các gia đình phải chịu. Việc thu hồi đất mà bồi thường không bằng 1/3 giá trị thực tế đã khiến chúng tôi lâm vào cảnh khó, vì gia đình tôi không còn khả năng để mua nổi nhà để ở, không đủ tiền để mua tái định cư”.

Sáng 7-9, theo kế hoạch, UBND quận Hai Bà Trưng tiến hành cưỡng chế tại khu tập thể trong sự hoang mang, thất vọng tột cùng của các hộ dân. Nhưng may mắn ở phút 89, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ tịch UBND thành phố đã có mặt tại buổi cưỡng chế. Ông Đào Văn Mão, một hộ dân kể lại: “Trước có lẽ chỉ nghe cấp dưới báo cáo nên ông Hùng không rõ thực tế. Lần đầu tiếp xúc với chúng tôi, nghe chúng tôi đối thoại, chỉ rõ thực trạng thế nào là ngõ phố, thế nào là đường đi nội bộ; trình bày rõ từng bất cập, ông Hùng phải thừa nhận: “Có nghe các bác trình bày mới thấy còn nhiều vấn đề cần làm rõ. Thế này thì phải tiếp tục làm việc với bên quân đội, với Cục Vận tải, Tổng cục Hậu cần”. Sau đó, ông Hùng lệnh tạm dừng buổi cưỡng chế để tiếp tục xử lý các vướng mắc”.

Tiếp tục “dối trên lừa dưới”?

Sau khi buổi cưỡng chế bị dừng, ngày 11-9, lãnh đạo thành phố đã tổ chức cuộc họp với lãnh đạo Cục Vận tải do ông Nguyễn Quốc Hùng Phó chủ tịch UBND Hà Nội chủ trì để tháo gỡ những vướng mắc. Tại cuộc họp này, ông Nguyễn Quốc Hùng đã kết luận, chỉ đạo 3 vấn đề chính rất rõ ràng: Về cách tính và đơn giá bồi thường phải tính một mức (không áp dụng hệ số chữ T,L) và theo hướng giá cao hơn. Về diện tích các công trình phụ trợ chung, căn cứ vào chế độ chính sách hiện hành để xem xét giải quyết theo hướng bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân. Về diện tích cống thoát nước phía sau các hộ, xem xét lại để giải quyết cho phù hợp.

mot du an co dau hieu khong on
Một số nhà dân bên đường Nguyễn Khoái đã bị phá dỡ

 Thực hiện chỉ đạo trên, ngày 14-9, tổ công tác liên ngành của thành phố họp. Thành phần cuộc họp gồm: Ông Lâm Anh Tuấn - Phó chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng (chủ trì), đại diện Ban Chỉ đạo GPMB thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường, đại diện các phòng, ban của quận, đại diện UBND phường, đại diện Cục Vận tải, Ban Quản lý Dự án hạ tầng Tả Ngạn.

Cuộc họp lộn xộn như hàng tôm, hàng cá, có nhiều dấu hiệu bất thường. Vị đại diện cho Cục Vận tải tham dự cuộc họp kể lại: “Tôi không tin đây là cuộc họp liên ngành, cuộc họp của các cơ quan công quyền để giải quyết vướng mắc cho người dân. Họ mời gấp nên tôi phải bay từ TP Hồ Chí Minh ra dự họp nhưng vào cuộc họp thì ông Lâm Anh Tuấn chủ trì lại đến muộn. Họ cãi nhau từ đầu đến cuối. Sau đó ra hiện trường một lúc rồi về...đưa một tờ giấy ghi dăm câu ba điều bảo tôi ký vào biên bản. Lạ lùng là tôi đã phát biểu rõ ràng, cụ thể từng vấn đề nhưng họ ngang nhiên “phớt lờ”, không ghi ý kiến của tôi vào biên bản cuộc họp. Bức xúc quá tôi nói: “Các anh đưa tôi biên bản hay tờ giấy lộn thế này? Không ghi ý kiến của tôi nhằm mục đích gì? Nếu không ghi tôi sẽ không ký vào biên bản? Vậy mà họ vẫn không ghi”.

Không thể chấp nhận lối làm việc kỳ cục đó, ông thẳng thắn nói 4 lần làm việc với quận Hai Bà Trưng ông đều ghi âm nội dung cuộc họp và cực chẳng đã, ông phải trực tiếp cầm bút ghi và ký vào biên bản. “Tôi sợ họ lại lập biên bản báo cáo sai với cấp trên nên tôi phải ký nháy vào từng trang của biên bản”. Nội dung ông Sâm trực tiếp ghi vào biên bản như sau:

“Ý kiến của Cục Vận tải:

Thực hiện kết luận của đồng chí Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội tại cuộc họp ngày 11-9-2015 gồm những nội dung sau:

1. Về cách tính và đơn giá bồi thường: Theo một mức (không áp dụng hệ số chữ T, L), theo hướng giá cao hơn.

2. Về diện tích chung (hạ tầng), Cục Vận tải đề nghị căn cứ vào chế độ chính sách hiện hành để xem xét giải quyết theo hướng bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân.

3. Về diện tích cống thoát nước phía sau các hộ: Từ hộ bà Nguyễn Thị Lan Phương đến hộ Phạm Thúy Hằng, trên cơ sở hồ sơ do Ban Bồi thường, GPMB cung cấp, Cục Vận tải sẽ phối hợp với chính quyền địa phương (Cục Vận tải đã bàn giao, không theo dõi quản lý từ năm 1992)”.

Như vậy, ý kiến của Cục Vận tải về vấn đề này đã rõ ràng, hệ thống văn bản pháp qui để thực hiện việc bồi thường cũng đã đầy đủ. Cái chính là UBND quận Hai Bà Trưng có chịu áp dụng đúng hay vẫn cố tình lòng vòng, “câu giờ” gây khó cho dân? Tại sao lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo về đơn giá chỉ áp dụng một giá và phải vận dụng theo hướng cao hơn phương án cũ mà cuộc họp liên ngành lại không kết luận nội dung này? Việc mập mờ này có nhằm “che giấu” điều gì không? Trước đó, làm việc với phóng viên, ông Đào Trung Chính, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, bất cập trong bồi thường tại Khu tập thể Cục Vận tải rất giống với vụ việc bồi thường tại Khu tập thể Cục Bản đồ trên đường Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội). Khi thu thuế sử dụng đất thì tính theo mặt phố lớn nhưng khi bồi thường lại tính ăn theo ngõ, ngách nhỏ, gây thiệt thòi lớn cho người dân. Theo ông Chính, đây là bất cập cần tháo gỡ. Hiện Luật Đất đai đã có quy định về bồi thường với nguyên tắc quan trọng nhất, lớn nhất phải tuân thủ là làm sao giá bồi thường phải phù hợp với giá thị trường. Việc chia chữ T, chữ L trong một căn hộ như cách tính của Hà Nội là quá gây thiệt thòi cho dân, “ai lại làm thế” - ông Đào Trung Chính phê phán.

Dư luận cũng đặt câu hỏi có hay không những tiêu cực, khuất tất gì khác khiến cho việc bồi thường bị chậm trễ như vậy. Nghi vấn này là có cơ sở bởi theo thu thập của phóng viên, từ ngày 24-6-2014, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh đã có Công văn số 4532/UBND-TNMT chấp thuận đề nghị của liên ngành tại tờ trình số 502/Ttr-BCĐ về việc giải quyết vướng mắc trong thực hiện công tác giải phóng mặt bằng dự án đường vành đai 1. Ngày 18-5-2015, ông Vũ Hồng Khanh tiếp tục ký Văn bản số 3273/UBND-TNMT về việc giải quyết tồn tại, vướng mắc về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án đường vành đai 1. Trong hai văn bản này, UBND thành phố đã đồng ý với nhiều đề nghị của liên ngành liên quan tới bồi thường về đất, hỗ trợ tái định cư. Trong đó, đã chấp thuận bồi thường, hỗ trợ với một số diện tích mà chính quyền quận Hai Bà Trưng cho là các hộ dân “lấn chiếm”. Tuy nhiên, một điều khó hiểu là trong nhiều bản phương án bồi thường được lập, chính quyền vẫn không vận dụng đúng hai công văn. Lạ lùng hơn, nội dung những văn bản này đều bị giấu kín, không công khai cho các hộ dân.

mot du an co dau hieu khong on
Phần bổ sung vào biên bản của đại diện Cục Vận tải

Tại cuộc họp ngày 7-9, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo nhấn mạnh đây là một trong 2 tuyến đường thuộc danh mục các công trình trọng điểm thành phố theo kế hoạch phải hoàn thành trong năm 2015. Thành phố đã chỉ đạo quyết liệt và có các giải pháp tháo gỡ về cơ chế chính sách, nguồn vốn, quỹ nhà tái định cư… Tuy nhiên, tiến độ chậm so với mục tiêu đề ra. Các quận phải tập trung quyết liệt vào công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. Các sở ngành chức năng tùy theo chức năng, nhiệm vụ cùng chủ động phối hợp giải quyết. Lãnh đạo thành phố nói vậy, nhưng có lẽ với kiểu cách làm việc và những gì đang diễn ra ở quận Hai Bà Trưng, việc bồi thường sẽ còn là mớ bùng nhùng nếu tình trạng “trên bảo dưới không nghe” không được xử lý dứt điểm.

 

Nguyễn Văn - Lê Văn Lĩnh

Năng lượng Mới 459

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps