Một bộ sách giáo khoa đang chờ... "xã hội duyệt"

06:44 | 26/04/2013

1,283 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Trên tinh thần phản biện giáo dục một cách có ý thức xây dựng, nhóm Cánh Buồm của nhà giáo Phạm Toàn đã tạo nên bộ SGK tiểu học (gồm môn Văn, Tiếng Việt, Lối sống, Tiếng Anh và Khoa học - công nghệ), nhằm mở cánh cửa hướng đến một nhà trường hiện đại.

Mở cửa hướng tới nhà trường hiện đại

Trong khuôn khổ ngày hội Sách và Văn hóa đọc vào ngày 20/4 vừa qua, nhóm Cánh Buồm (nghiên cứu và biên soạn SGK Tiểu học theo phương pháp mới) đã tặng sách miễn phí 5.000 cuốn sách dành cho những độc giả đã đăng kí trên mạng. Song song với hoạt động đó, những thành viên của nhóm Cánh Buồm đã tổ chức giao lưu cùng độc giả về bộ SGK đã và đang tạo được ấn tượng mạnh mẽ đối với phụ huynh và học sinh.

Nhà giáo Phạm Toàn - người sáng lập và lãnh đạo nhóm Cánh Buồm.

Nói về những bất cập xưa nay trong quá trình làm SGK và thực hiện giảng dạy của giáo viên với những phương pháp được cho là hiện đại, nhà giáo Phạm Toàn - người sáng lập và lãnh đạo nhóm Cánh Buồm - cho rằng, một đất nước muốn hiện đại hóa phải nhờ ở công nghiệp hóa, tuyệt nhiên không có hiện đại theo khẩu hiệu. Tương tự, một đất nước công nghiệp không thể hiện ở nhiều nhà máy, nhiều sản phẩm công nghiệp, mà phải tạo ra được những con người có một đầu óc công nghiệp, tình đoàn kết công nghiệp.

Liên tưởng tới nền giáo dục, nền giáo dục hiện đại hóa không phải cứ đi mua những thiết bị đắt tiền đem về cho trẻ em chơi, hơn hết phải tìm ra được cơ chế tự học để trẻ học tập suốt đời, để khi ra đời trở thành những người cầm quyền vẫn phải biết học.

Từ đó, nhà giáo Phạm Toàn luôn bận bịu với những triển khai hoạt động nhóm Cánh Buồm, ước muốn làm thay đổi cơ bản phương pháp dạy và học để làm sao nền giáo dục phải đào tạo ra được những con người có tư duy độc lập, sống độc lập.

Về nhóm Cánh Buồm, nhà giáo cho biết, đây là nhóm thiện nguyện viết sách giáo dục tiểu học với mục tiêu tạo dựng một nền giáo dục hiện đại vì trẻ em và cho trẻ em. Cho đến hết năm 2012, Cánh Buồm đã hoàn thành 15 cuốn sách từ lớp 1 đến lớp 5 bao gồm: Sách Văn từ lớp 1 đến lớp 5, sách Tiếng Việt từ lớp 1 đến lớp 5, sách Lối Sống lớp 1, 2, 3, sách Tiếng Anh lớp 1, 2.

Chủ trương viết sách của nhóm Cánh Buồm là viết cho xã hội duyệt, hi vọng được nghe nhiều ý kiến phản biện của chuyên gia và phụ huynh, dù được đón nhận hay không cũng đều tốt. 

Nhà giáo Phạm Toàn cho biết: "Sách hiện tại mới chỉ đạt được thang điểm 5,5 điểm của tôi, nhóm sẵn sàng nghe mọi ý kiến chê và sẵn sàng để viết lại để mỗi ngày một hay hơn. Hai năm nữa sách sẽ được hoàn thiện hơn, tôi mong lúc đó sẽ được 8 điểm. Nhưng đường lối của bản trước sau cuả nhóm là một, đó là đường lối hiện đại".

Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Văn Huyên là PGS.TS Nguyễn Bích Hà (con gái cố GS-TS Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên) đã sử dụng bộ sách của nhóm Cánh Buồm từ những phút đầu tiên, áp dụng dạy và học vào các buổi chiều, gọi là "chương trình nâng cao kiến thức". Cô Bích Hà đã từng chia sẻ:“Nhóm Cánh Buồm và chúng tôi gặp nhau nhiều điểm trong tư duy và phương pháp. Chúng tôi cùng chung mối quan ngại về chất lượng dạy học nói chung. Đặc biệt, chúng tôi cùng tin tưởng vào cái mới và phản biện xã hội”.

"Chúng tôi kiên nhẫn chờ"

Trong nền giáo dục hiện tại của nước ta, học sinh các cấp đều sử dụng chung bộ SGK của Bộ GD-ĐT làm chương trình học. Vì vậy, viết sách là một công việc không hề đơn giản, hơn nữa đây lại là viết sách cho giáo dục. Khi được hỏi, nguyên nhân vì sao nhóm Cánh Buồm lại biên soạn bộ sách này, nhà giáo Phạm Toàn cho biết: "Hiện nay nước ta cần phải đổi mới giáo dục, đã có rất nhiều ý kiến về cải cách khác nhau. Chúng tôi nghĩ rằng chúng ta cần phải thực hiện một nền giáo dục hiện đại.

Hiện đại không phải là trốn ra nước ngoài để học, hiện đại không phải là rời xa khỏi Tổ quốc ta, hiện đại là làm cho nước nhà trở nên hùng mạnh. Muốn như thế thì phải thay đổi cách nghĩ, cách học. Cách học của chúng tôi là học sinh tự làm ra kiến thức. Thầy giáo không cần phải giảng mà giáo viên tổ chức việc học của trẻ em. Cần phải làm thế nào để mỗi ngày đi học của trẻ cần phải là một ngày hạnh phúc của các em".

Bộ SGK vẫn đang đợi "xã hội duyệt".

Nhà giáo Phạm Toàn cũng cho hay bộ sách này  là sáng kiến của những người biết lo cho giáo dục. Cho biết lý do không làm một đề án gửi Bộ GD-ĐT, ông cho rằng: “Làm thế lâu lắm, chúng tôi không còn kiên nhẫn nữa. Tôi năm nay đã bước sang tuổi 82, tôi đã làm việc lâu năm trong ngành giáo dục và đã hiểu hệ thống giáo dục chậm chạp như thế nào. Vì vậy tôi đã mời các bạn trẻ dưới 30 tuổi cùng với tôi làm việc, đưa ra một bộ sách. Chúng tôi coi như bộ sách này làm một mẫu, muốn cải cách thì phải làm như thế, muốn hiện đại thì cả thầy và trò cùng phải làm việc và học như thế. Lúc nào chấp nhận thì chấp nhận, lúc nào chưa chấp nhận thì chúng tôi kiên nhẫn chờ".

Hiện đang ở cái tuổi "xưa nay hiếm", nhà giáo Phạm Toàn trăn trở: "Tôi vừa làm sách vừa huấn luyện cho các bạn trẻ. Để nếu tôi có mất đi thì cũng có những người thay thế. Gần đến độ U90 rồi, tôi còn được trời đất cho sống ngày nào thì tốt này đó".

Cũng trong khuôn khổ một buổi lễ ra mắt bộ sách giáo khoa của nhóm Cánh Buồm vào cuối năm 2012, nhà giáo Vũ Thế Khôi cũng đã chia sẻ: “Có một Hồ Ngọc Đại, một Phạm Toàn, chứ có tới 10 Hồ Ngọc Đại, 10 Phạm Toàn cũng sẽ không làm được gì chừng nào xã hội và các phụ huynh chưa nhận thức được rằng, không thể dạy như thế này nữa, không thể học như thế này nữa, không thể tiếp tục làm thui chột những tài năng của đất nước nữa”.

Nhã Anh

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.