Mỗi năm Việt Nam có 40.000 người chết vì thuốc lá

14:35 | 31/05/2011

980 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Kết quả cuộc điều tra toàn cầu về sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành năm 2010 cho thấy: Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ nam giới hút thuốc cao nhất trên thế giới với 47,4% nam giới và 1,4% nữ giới.

Nguy cơ tử vong hàng đầu

Mặc dù những năm gần đây, nhận thức của người dân về tác hại của hút thuốc lá đã có nhiều chuyển biến tích cực xong trên thực tế tại Việt Nam vẫn còn hơn 20% số người hút thuốc lá tại phòng làm việc, 40% hút thuốc tại nơi có biển cấm, 73% nhân viên hút thuốc tại công sở… Ngoài ra, tình trạng vi phạm các quy định cấm quảng cáo, khuyến mãi thuốc lá hầu như không được thực thi triệt để.

Hút thuốc ngay cạnh biển cấm của bệnh viện.

Theo kết quả điều tra ở 1.443 điểm bán thuộc 10 tỉnh/ thành phố trên cả nước trong năm 2010 cho thấy: 97% điểm bán vi phạm ít nhất một quy định cấm quảng cáo khuyến mãi, tỷ lệ vi phạm hầu như không được cải thiện so với năm 2009; 32,6% điểm bán vi phạm đồng thời cả quy định cấm quảng cáo và khuyến mãi tăng 3,7% so với năm 2009. Đặc biệt 100% số điểm bán tại các thành phố lớn như TP.HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa…, vi phạm ít nhất một lần cấm quảng cáo hoặc khuyến mãi.

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hằng năm trên thế giới có 5,4 triệu người chết do hút thuốc chủ động và khoảng 600.000 người chết do hút thuốc thụ động. Ở Việt Nam, theo ước tính mỗi năm có khoảng 40.000 người tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá – gấp 3 lần số người chết vì tai nạn giao thông.

WHO dự báo nếu Việt Nam không có các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá mạnh và hiệu quả thì đến năm 2030 số ca tử vong hằng năm do cách bệnh liên quan đến thuốc lá sẽ tăng đến 70.000 người. Con số này sẽ gấp gần 4 lần số ca tử vong do tai nạn giao thông.

Thuốc lá là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh tật và tử vong trên thế giới. Theo những nghiên cứu gần đây cho thấy, những người hút thuốc lá có thể mắc phải 25 loại bệnh khác nhau như ung thư phổi, ung thư thanh quản, ung thư khoang miệng, ung thư da, các bệnh tim mạch… Ngoài ra, những người không hút thuốc nhưng hít phải khói thuốc của người khác cũng có nguy cơ mắc nhiều bệnh nghiêm trọng đặc biệt là đối với phụ nữ và trẻ em.

Theo bà Phan Thị Hải, Phó chánh Văn phòng Chương trình Phòng chống tác hại thuốc lá của Bộ Y tế cho biết: Theo kết quả nghiên cứu mới đây cho thấy trong mỗi điếu thuốc lá có chứa 7.000 chất độc hóa học và 70 chất gây ung thư. Ở nước ta tỷ lệ những người mắc bệnh ung thư phổi có liên quan đến thuốc lá chiếm 96,8%/ năm. Và hằng năm, thuốc lá là tác nhân gây ra cái chết cho hơn 40.000 người dân.

Phòng chống thuốc lá: Cần quyết liệt hơn nữa

Bất chấp những cảnh báo về tác hại của thuốc lá, nhiều người vẫn ngang nhiên hút thuốc ở nơi công cộng.

Tại Hội nghị đánh giá 10 năm thực hiện Nghị quyết số 12/2000/NQ-CP tổ chức ngày 27/5, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu khẳng định, hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá tại Việt Nam bước đầu đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Theo đó, tỷ lệ người sử dụng thuốc lá trong nam giới đã giảm từ 56% năm 2001 xuống còn 47% năm 2010 và nữ giới đã giảm từ 1,8% xuống còn 1,4%. Bên cạnh đó, việc thực hiện môi trường không khói thuốc đã có những tiến bộ hơn so với 10 năm trước, hành vi hút thuốc không còn được nhiều người chấp nhận như trước kia.

Để giảm thiểu tác hại của việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá tới sức khỏe, kinh tế, xã hội và môi trường, ngày 14/8/2000, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 12/2000/NQ-CP, phê duyệt chính sách quốc gia về Phòng chống tác hại thuốc lá 2000-2010.

Nghị định đã góp phần định hướng toàn diện cho Chương trình Phòng chống tác hại thuốc lá Quốc gia trong 10 năm qua nhằm giảm nhu cầu sử dụng, tiến tới kiểm soát và giảm thiểu mức cung cấp các sản phẩm thuốc lá, giảm tỷ lệ mắc và chết do các bệnh liên quan đến thuốc lá.

Đặc biệt, với những nỗ lực của Bộ Y tế và các cơ quan chức năng trong chiến dịch giảm thiểu tình trạng hút thuốc lá ở Việt Nam như: cấm mọi hình thức quảng cáo, khuyến mãi và tài trợ thuốc lá, cung cấp các cảnh báo sức khỏe, cấm bán cho trẻ vị thành niên, bảo vệ con người chống lại việc hút thuốc lá thụ động, tăng giá và thuế, và các biện pháp khác để điều tiết việc sử dụng thuốc lá,… nhận thức của người dân đã có những chuyển biến rất tích cực. Cụ thể, 95,7% cộng đồng nhận thức được tác hại của thuốc lá, 87% người dân biết về các tác hại của thuốc lá thụ động…

Việt Nam đã có quy định cấm quảng cáo và khuyến mại thuốc lá dưới mọi hình thức. Quy định cấm quảng cáo sản phẩm thuốc lá trên các phương tiện thông tin đại chúng đã được thực hiện…

Biểu dương những kết quả của ngành đã đạt được, tại hội nghị, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng đã chỉ ra những điểm còn tồn tại về công tác phòng chống tác hại của thuốc lá mà Bộ Y tế cần khắc phục như việc cần phải có những kết quả đánh giá hằng năm để đưa ra các giải pháp điều chỉnh kịp thời.

Việc in cảnh báo về tác hại của thuốc lá trên bao bì sản phẩm thuốc lá mới chỉ in cảnh báo sức khỏe bằng chữ chiếm diện tích rất nhỏ của bao thuốc mà chưa có tác động mạnh mẽ bằng hình ảnh.

Cũng tại hội nghị, đại diện của nhiều Bộ Ngành cũng đưa ra ý kiến cho rằng: việc hỗ trợ cai nghiện bằng thuốc lá mới chỉ dừng lại ở việc xây dựng mô hình thí điểm và xây dựng tài liệu hướng dẫn mà chưa có điều kiện triển khai rộng. Quy định cấm bán thuốc lá cho người dưới 18 tuổi chưa thực hiện được, công tác chống buôn lậu thuốc lá còn gặp nhiều khó khăn…

Ngoài ra, mức thuế thuốc lá ở Việt Nam hiệm chiếm 45% giá bán lẻ, mức thuế này thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ 65-85% do Ngân hàng Thế giới khuyến cáo và so với mức thuế đã đạt được ở các nước có chính sách kiểm soát hiệu quả.

Hiện nay, giá trung bình của một bao thuốc lá chỉ là 5.500 đồng (khoảng 0,29 cent), khiến Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có giá bán thuốc lá rẻ nhất. Các cuộc khảo sát gần đây của Điều tra toàn cầu về sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành cho thấy rằng 73% người trưởng thành nói họ ủng hộ việc tăng thuế thuốc lá. Trong số những người trưởng thành không hút thuốc lá, 67% bị tiếp xúc với khói thuốc lá ở nhà và 49% tại nơi làm việc.

Về vấn đề này, TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Chánh văn phòng Chương trình Phòng chống tác hại thuốc lá của Bộ Y tế cho rằng: Việc thực thi quy định môi trường không khói thuốc lá chưa thực sự đạt được mục đích như mong muốn, vì vậy chúng tôi đề nghị xây dựng thành luật để thực hiện hiệu quả hơn. Bác sĩ chỉ chữa bệnh cho người bệnh trong bệnh viện, chứ không thể đi xử phạt những người vi phạm hút thuốc lá tại các bệnh viện. Nếu như việc cấm hút thuốc lá được quan tâm như việc thực thi đội mũ bảo hiểm, đốt pháo… thì chắc chắn mỗi năm sẽ giảm đi rất nhiều người bệnh về thuốc lá và giảm đi gánh nặng cho bệnh viện, cho ngành Y tế và cho cả xã hội.

Thanh Ngọc