Mỗi năm EVN cần 5 tỉ USD tiền vốn

11:04 | 02/02/2012

628 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
5 năm tới, nhu cầu vốn của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khoảng 514.000 tỉ đồng. Tính theo tỉ giá hiện nay là tương đương gần 25 tỉ USD, hay nói cụ thể hơn, mỗi năm EVN cần số vốn lên tới 5 tỉ USD.

Tháng 12/2011, Tổng giám đốc EVN Phạm Lê Thanh đã báo cáo với Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại buổi làm việc với Bộ Công Thương về thực hiện nhiệm vụ 2011, kế hoạch 2012 và giai đoạn 2011-2015.

Ông Thanh đưa ra 4 kiến nghị: phải đảm bảo cung ứng đủ khí cho điện; giá điện phải đảm bảo lành mạnh tài chính cho EVN tiếp tục phát triển; đảm bảo cân đối vốn cho các dự án điện; đảm bảo giải phóng mặt bằng cho các dự án lưới điện. Trong đó, nhu cầu vốn là bài toán nhức nhối hơn cả, bởi không có vốn thì hàng loạt dự án điện sẽ chậm triển khai, và toàn bộ khâu sau như cung ứng điện cũng đình trệ theo.

Phối cảnh Thủy điện Lai Châu.

Kế hoạch của EVN đưa ra là năm 2012 sẽ đưa vào vận hành thêm 2.300 MW nguồn điện mới. Dự kiến sản lượng điện năm 2012 đạt khoảng 121,7 tỉ kWh.

Trong 5 năm (2011-2015), EVN sẽ đưa vào vận hành 40 tổ máy của 20 dự án điện, tổng công suất khoảng 11.594MW. EVN cũng sẽ khởi công 14 dự án điện, tổng công suất 12.400MW.

Nhu cầu vốn của EVN cần trong 5 năm tới là 514.000 tỉ đồng (tương đương gần 25 tỉ USD), trong đó EVN tự thu xếp được khoảng 298.000 tỉ đồng, còn thiếu khoảng 216.000 tỉ đồng.

Theo Tổng giám đốc Phạm Lê Thanh, 1 kWh điện hiện nay EVN đang lỗ 300 đồng, cộng thêm số lỗ năm 2010 là 10.162 tỉ đồng, và lỗ năm 2011 theo báo cáo của EVN là 3.500 tỉ đồng thì việc huy động vốn sẽ gặp vô vàn khó khăn.

Nhìn lại năm 2011, tổng giá trị khối lượng thực hiện đầu tư xây dựng của EVN đạt hơn 63.000 tỉ đồng, chỉ đạt 90% so với kế hoạch đầu năm. EVN cũng cho biết, giá trị giải ngân năm 2011 ước đạt 58.408 tỉ đồng, bằng 83% kế hoạch. Nguyên nhân được đưa ra là một số dự án phải giãn tiến độ do thiếu vốn thi công, thiếu nguồn vốn đối ứng trong nước để giải ngân vốn vay nước ngoài hoặc chưa khởi công trong năm 2011 như dự kiến, như: Nhiệt điện Duyên Hải 3, Nhà máy điện Ô Môn I-TM2…

Trong năm 2011, tình hình tài chính của EVN chịu tác động nặng nề do kết quả lỗ trong sản xuất kinh doanh năm 2010 để lại. Mặc dù từ 1/3/2011, giá bán điện được điều chỉnh tăng 15,28% và mới nhất là từ 20/12/2011 lại tăng thêm 5% và các nguồn thủy điện rẻ cũng được khai thác tối đa, huy động ở mức cao nhưng không bù đắp nổi chi phí mua điện giá cao và chi phí hoạt động của nhà máy chạy dầu FO, DO.

Trong khi đó, nguồn vốn vay của EVN cũng bị ngưng trệ do các ngân hàng thương mại bị hạn chế tăng trưởng tín dụng nên không giải ngân đủ theo kế hoạch đã đăng ký. Hơn nữa, do EVN mất cân đối tài chính nên các tổ chức tín dụng rất cân nhắc và e ngại không tin tưởng cho vay vốn, nhất là các nguồn vay tín dụng thương mại trong nước.

EVN có đề ra phương án phát hành trái phiếu nhưng không thực hiện được. Việc bán bớt cổ phần hoặc thoái vốn đầu tư các lĩnh vực khác gặp nhiều trở ngại.

Bằng những giải pháp ngắn hạn, EVN cũng đã có những thành công nhỏ trong việc ổn định tài chính. EVN đã được các ngân hàng cho giãn nợ khoảng 3.746 tỉ đồng. Chỉ riêng giãn nợ cho 2 dự án Thủy điện Sơn La (1.288 tỉ đồng) và nhiệt điện Vĩnh Tân (1.882 tỉ đồng) là 3.170 tỉ đồng.

EVN cũng đã kí hợp đồng vay vốn của Quỹ Bảo hiểm Xã hội Việt Nam là 6.000 tỉ đồng cho dự án Thủy điện Lai Châu; kí hợp đồng vay vốn tín dụng ưu đãi với Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) đạt 5.585 tỉ đồng cho công tác bồi thường, tái định cư dự án Thủy điện Lai Châu và chế tạo các thiết bị cơ khí trong nước, cấp vốn cho các dự án Thủy điện Tuyên Quang, Huội Quảng, Bản Chát.

Về hợp tác và vay vốn từ nước ngoài, EVN cũng đã có những hợp đồng quan trọng. Tuy nhiên những hợp đồng vay vốn này tuy được kí năm 2011 nhưng lại dùng tiền vay đó sử dụng cho năm 2012 và nhiều năm tiếp theo nên nếu chia trung bình các năm thì số tiền EVN vay được không hề lớn.

Cụ thể, EVN vay vốn ODA và vay ưu đãi đạt hơn 3 tỉ USD. Vay tín dụng xuất khẩu kết hợp ưu đãi từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (China Eximbank) đạt hơn 1,8 tỉ USD. Tổng cộng hai nguồn vay đạt 4,9 tỉ USD.

Như vậy, bài toán nguồn vốn của EVN vẫn cần nhiều thời gian nghiên cứu để đưa ra giải pháp hiệu quả và ổn định.

Đức Chính