Mọi cử tri đều có thể chất vấn?

14:03 | 14/05/2012

301 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nên chăng, bộ phận tổ chức họp Quốc hội có thể nghĩ tới một cách nào đó để các vị có trách nhiệm trả lời chất vấn có thể nghe được những câu hỏi trực tiếp của những cử tri bình thường nhất?...

Ngày 24/4/2012, Bộ trưởng Bộ GTVT đã giải trình trước Ủy ban Pháp luật của Quốc hội về thực trạng vi phạm hành chính và các giải pháp khắc phục trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Tại cuộc họp này, diễn ra một việc khá đặc biệt gây sự chú ý cho người dân: vị chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã mở điện thoại, đọc to tin nhắn của một cử tri nhờ ông chuyển đến Bộ trưởng Bộ GTVT, nguyên văn: “Sao không bắt những chủ đầu tư làm cầu, đường kém chất lượng để hư hỏng bỏ tiền ra sửa mà lại thu tiền của dân? Dân khổ quá rồi, đừng thu thêm phí nữa”.

Kỳ họp mới của Quốc hội đang đến gần, cử tri cả nước đang mong đợi và kỳ vọng (Ảnh minh họa)

Từ khi Bộ trưởng GTVT đưa ra chủ trương thu thêm các loại phí, dư luận xã hội đã phản ứng theo hướng không đồng tình. Mọi ý kiến đã được phản ánh nhiều trên các phương tiện truyền thông, trong các cuộc gặp gỡ giữa đại biểu Quốc hội và cử tri. Nhưng việc cử tri đặt câu hỏi trực tiếp với Bộ trưởng bằng hình thức nhắn tin qua vị có trách nhiệm ở Quốc hội thì đây là lần đầu tiên. Trong bối cảnh hiện nay, đó là một câu hỏi rất “nóng”, nếu không nói là “nóng” nhất bởi được đặt ra đúng lúc, đúng chỗ, đúng đối tượng tiếp nhận và có trách nhiệm phải trả lời. Lại “nóng” bởi đó là ý nghĩ, khúc mắc của đại đa số người dân. Câu hỏi trên thể hiện một tinh thần trách nhiệm, làm chủ rất cao của cử tri, chứ không phải là biểu hiện của sự bất mãn hay bất cứ tâm lý tiêu cực nào.

Cũng ghi nhận việc làm rất có trách nhiệm của vị chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, bởi vì chỉ cần “quên” hoặc xem thường câu hỏi của cử tri trên, điều họ hỏi đã không đến được tai Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải. Và vị Chủ nhiệm đã đọc nguyên văn, chứ không truyền đạt lại tinh thần, nội dung câu hỏi.

Trong nhiều kỳ họp Quốc hội những năm gần đây, đã diễn ra chất vấn và trả lời chất vấn. Việc này qua mỗi kỳ Đại hội lại được Quốc hội rút kinh nghiệm, cải tiến nên ngày càng đổi mới, đạt chất lượng cao, được người dân cả nước đồng tình, hoan nghênh. Nhưng mới chỉ là đại biểu Quốc hội chất vấn, dẫu các câu hỏi cũng có thể đồng thời là thắc mắc của dân. Còn dân trực tiếp chất vấn, dù chỉ là qua điện thoại (tất nhiên, vì không thể có mặt ở nghị trường) thì đây là lần đầu tiên. Từ sự việc đặc biệt, mới mẻ này, nên chăng, bộ phận tổ chức họp Quốc hội có thể nghĩ tới một cách nào đó để các vị có trách nhiệm trả lời chất vấn có thể nghe được những câu hỏi trực tiếp của những cử tri bình thường nhất. Đương nhiên, việc tiếp nhận và trả lời cần được chọn lọc và tập trung vào các nhóm vấn đề quan trọng, đang “nóng”, chứ không thể phân tán, tràn lan.

Được như vậy, chắc chắn hiệu quả của nội dung chất vấn sẽ được nâng cao và cũng phản ánh rõ bản chất ưu việt của Quốc hội ta, Nhà nước ta: của dân, do dân, vì dân. Kỳ họp mới của Quốc hội đang đến gần, cử tri cả nước đang mong đợi và kỳ vọng.

Ninh Bình