"Mốc son" của công nghiệp khí Việt Nam

17:08 | 19/04/2021

14,869 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Mỗi tôn giáo, mỗi dân tộc đều có những địa danh, những vùng đất thiêng trong tâm tưởng. Đối với ngành Dầu khí Việt Nam, đó là “Giếng 61 - Giếng tổ” nằm ở xã Đông Cơ, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình.
Giếng khoan 61 được đặt tại xã Đông Cơ, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình

Giếng 61 - Bước khởi đầu

Mùa đông năm 1975 rất lạnh. Cả miền Bắc chìm trong những cơn gió mùa đông bắc và mưa phùn. Trên nền trời xám xịt ở xã Đông Cơ, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình hiện lên sừng sững một giàn khoan có tháp khoan cao 50m. Đó là tháp khoan của giếng 61. Trong vùng không có một công trình nào cao hơn, trong trí nhớ của những người dân vùng Tiền Hải, lá cờ đỏ sao vàng no gió kiêu hãnh bay phần phật trên đỉnh tháp khoan là một phần ký ức không quên. Những con người trên khoan trường ấy làm việc miệt mài trong mưa gió rét buốt. Họ là những người đã hơn chục năm chân trần vác ống, lắp đặt giàn khoan khắp vùng Đồng bằng sông Hồng để phục vụ cho công cuộc trường chinh “đi tìm dầu” để làm giàu cho Tổ quốc.

Giếng khoan 61 được đặt ngay tại khu vực đỉnh của cấu tạo nằm tại xã Đông Cơ. Thiết kế giếng khoan tìm kiếm này sâu 2.400m. Sau nhiều năm tiến hành nhiều mũi khoan thăm dò, ngày 18-3-1975 đã phát hiện được vỉa khí tại cấu tạo Tiền Hải C với lưu lượng trên 100 nghìn m3/ngày đêm. Đến ngày 19-4-1981, dòng khí công nghiệp đầu tiên tại giếng đã được đưa vào buồng đốt tuabine nhiệt điện tại Tiền Hải, phát ra dòng điện công suất 10 MW hòa lưới điện quốc gia.

Theo ông Đặng Trọng Thăng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, nhờ có nguồn khí từ mỏ 61, Thái Bình đã hình thành KCN Tiền Hải. Các doanh nghiệp tại KCN Tiền Hải hoạt động trong ngành nghề sản xuất gạch ốp lát ceramic, granit, sứ vệ sinh, sứ mỹ nghệ, sứ dân dụng, sứ cách điện, thủy tinh dân dụng, thủy tinh y tế, thủy tinh màu cao cấp, xi măng trắng... Trong đó có một số sản phẩm sứ vệ sinh, gạch ốp lát đã xuất khẩu sang châu Âu, Mỹ... với doanh thu thời đó đạt tới 360 tỉ đồng, thu hút hơn 6.000 lao động, đóng góp ngân sách địa phương 9,5 tỉ đồng, đóng góp tích cực vào chuyển dịch cơ cấu, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Bình.

Đóng vai trò khai mở cho nguồn năng lượng phục vụ KCN Tiền Hải, nhưng mỏ khí Tiền Hải C là một mỏ khí nhỏ, trữ lượng tại chỗ chỉ hơn 1 tỉ m3, trữ lượng có thể khai thác chỉ khoảng 700-850 triệu m3. Về trữ lượng khai thác thì giếng 61 không phải thuộc hàng lớn, nhưng lại đặc biệt quan trọng. Vì đây là thành quả của việc định hướng phát triển ngành Dầu khí Việt Nam của Bác Hồ từ năm 1959, là thành quả của hàng nghìn con người gắn bó cả tuổi thanh xuân với những giàn khoan.

Đó là mốc son quan trọng của ngành Dầu khí Việt Nam khi lần đầu tiên khai thác được sản phẩm khí công nghiệp, mở ra triển vọng to lớn trên hành trình tìm kiếm, khai thác nguồn tài nguyên làm giàu cho đất nước, đồng thời tạo tiền đề vững chắc cho sự phát triển của ngành Dầu khí.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt tại lễ đón dòng khí đầu tiên về bờ vào năm 1995

Chương mới của ngành Dầu khí

Giếng khoan 61 có vai trò khai mở, là tiền đề cho sự phát triển toàn ngành Dầu khí nói chung và ngành công nghiệp khí nói riêng. Tháng 3-1975 phát hiện mỏ khí đầu tiên, ngày 19-4-1981 đưa dòng khí thương mại đầu tiên vào khai thác. Tháng 5-1995, dòng khí đầu tiên được đưa vào bờ từ mỏ Bạch Hổ... Những cột mốc đó mở đầu cho sự hình thành và phát triển ngành công nghiệp khí, mở ra một chương mới cho ngành Dầu khí khi bước vào lĩnh vực khí đầy tiềm năng.

Cho đến trước năm 1995, tại Việt Nam, khí đồng hành được tách ra khỏi dầu thô tại các giàn khai thác và phải đốt bỏ do chưa có điều kiện thu gom và vận chuyển vào bờ để sử dụng. Cùng với sự gia tăng sản lượng dầu khai thác, lượng khí đồng hành phải đốt bỏ ngày càng lớn, gây lãng phí tài nguyên và tăng ô nhiễm môi trường. Thực tế đó đặt ra yêu cầu cấp bách về việc triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng thu gom, vận chuyển khí đồng hành vào bờ và sử dụng cho nền kinh tế.

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đã từng bước xây dựng và lần lượt đưa các công trình khí vào hoạt động, hiện thực hóa mục tiêu khai thác, thu gom và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên khí để đáp ứng nhu cầu năng lượng, phát triển kinh tế đất nước. Tổng công ty Khí Việt Nam - CTCP

(PV GAS) được thành lập, đóng vai trò là doanh nghiệp chủ lực trong ngành công nghiệp khí Việt Nam.

Qua 30 năm phát triển, PV GAS đã xây dựng hệ thống hạ tầng ngành công nghiệp khí Việt Nam tương đối hoàn chỉnh, gồm 5 hệ thống khí với trên 1.200km đường ống khí, 3 nhà máy xử lý khí, 13 kho chứa LPG công suất gần 100 nghìn tấn, hệ thống phân phối khí, sản phẩm khí trên toàn quốc..., giá trị tài sản trên 62 nghìn tỉ đồng.

Hiện nay, mỗi năm PV GAS cung cấp nguồn nguyên liệu, nhiên liệu sản xuất gần 20% sản lượng điện, 70% nhu cầu đạm cả nước và nhiên liệu cho nhiều khu công nghiệp; chiếm lĩnh 100% thị trường khí khô, 65% thị trường LPG toàn quốc; khẳng định vai trò trên thị trường quốc tế trong xuất khẩu và kinh doanh LPG. Hệ thống các công trình khí liên tục được mở rộng và hoàn chỉnh, quy mô ngày càng hiện đại.

Đến thời điểm hiện tại, công tác thăm dò, thẩm lượng tại Việt Nam đã phát hiện những mỏ khí lớn, có trữ lượng gấp hàng trăm lần mỏ khí 61 như mỏ Cá Voi Xanh, mỏ Kèn Bầu. Thế nhưng, việc đưa dòng khí thương mại đầu tiên vào khai thác ngày 19-4-1981 mãi là một mốc son đáng nhớ trong sự phát triển ngành công nghiệp khí Việt Nam.

Thanh Hiếu

DMCA.com Protection Status