Mở thêm nhiều tuyến buýt nhanh và tăng lượt xe chạy

16:06 | 17/01/2012

1,089 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
  Để giải quyết những vướng mắc trong công tác triển khai kế hoạch đổi giờ làm, giờ học trên địa bàn Hà Nội, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội đã mở thêm nhiều tuyến xe buýt nhanh và tăng cường lượt xe buýt cũng như mở rộng khung giờ cao điểm trong nội đô Hà Nội...

Kéo dài giờ cao điểm

Sáng ngày 17/1, Sở GTVT Hà Nội đã họp thảo luận về phương án điều chỉnh dịch vụ vận tải hành khách công cộng theo phương án điều chỉnh giờ học, giờ làm trên địa bàn thành phố Hà Nội. Cũng tại buổi hội thảo này, đại diện các trường học, các sở, ban ngành cũng như các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội cũng có mặt để đóng góp ý kiến vào phương án đổi giờ học, giờ làm sắp tới.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội.

Tại buổi họp, ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội khẳng định: “Chúng tôi sẽ tăng chuyến, lượt và tổ chức thêm 6 tuyến buýt nhanh để đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân khi giờ học và giờ làm thay đổi từ 1/2”.

Theo đó, Sở GTVT đã căn cứ kết quả khảo sát các nhóm đối tượng trong phương án đổi giờ làm giờ học mới, Sở GTVT Hà Nội sẽ điều chỉnh giãn cách giờ chạy xe cao điểm buổi sáng là 60 phút và buổi chiều thêm 60 phút. Cụ thể, giờ cao điểm buổi sáng mới sẽ bắt đầu 6h đến 9h (giờ cao điểm buổi sáng cũ là từ 6h30 đến 8h30), giờ cao điểm buổi chiều bắt đầu từ 16h30 đến 19h30 (giờ cũ là 16h30 đến 18h30).

Với khung giờ cao điểm mới này, sẽ giảm thời gian giãn cách giữa các lượt từ 10 phút xuống 7 phút, từ 15 phút xuống 10 phút/lượt. Bên cạnh đó, Sở GTVT Hà Nội cho biết sẽ mở thêm 6 tuyến buýt nhanh. Cụ thể các tuyến buýt nhanh gồm: 01; 19; 20; 22; 34; 38. Các tuyến buýt nhanh này sẽ tăng thêm tổng cộng 37 lượt/ngày.

Mở thêm xe buýt nhanh, tăng lượt xe chạy

Từ kết quả khảo sát, tính toán về lộ trình, về số lượt, Sở GTVT cho biết, các tuyến buýt nhanh này có thể phục vụ từ 10 đến 20 trường đại học, học viện, cao đẳng và các trường dạy nghề và các trục đường có lưu lượng phương tiện cá nhân cao. Kinh phí để tổ chức tăng chuyến, tăng lượt của các tuyến buýt nhanh là 13 tỉ đồng/năm.

Sở GTVT cũng cho biết thêm, trong thời gian tới sẽ điều chỉnh giãn cách thời gian chạy xe vào giờ cao điểm của 17 tuyến xe buýt thêm 60 phút vào buổi sáng và buổi chiều. Các tuyến, gồm: 01; 03; 04; 36; 38; 05;13; 28; 31; 33; 50; 24; 25; 35; 16; 39; 19.

“Nguyên tắc điều chỉnh cao điểm sáng từ 6h đến 9h, cao điểm chiều từ 16h30 đến 19h30, còn các khung giờ còn lại vẫn giữ nguyên. Chúng tôi sẽ đảm bảo năng lực phục vụ các cán bộ công chức, viên chức cả Trung ương và Hà Nội, vì thời gian bắt đầu làm việc từ 8h và kết thúc vào 17h” – ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết.

Sẽ mở thêm 6 tuyến xe buýt nhanh trong thời gian tới.

Để thực hiện tốt nhất việc đổi giờ làm, giờ học theo lịch mới, Sở GTVT Hà Nội cũng đã đề nghị các trường triển khai đến toàn bộ sinh viên, học sinh về quy định điều chỉnh giờ học, giờ làm để sinh viên, học sinh chủ động trong việc đi lại. Đồng thời các sở, ngành sớm có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, giám sát và tổ chức thực hiện việc chỉnh giờ học giờ làm cho các đơn vị và đối tượng do mình quản lý.

Đối với Công an Thành phố Hà Nội, tập trung tổ chức điều chỉnh việc hướng dẫn, phân luồng tổ chức giao thông phù hợp với giờ học và giờ làm mới. Điều chỉnh đèn tín hiệu phù hợp.

Ngoài ra, để việc đổi giờ làm giờ học được thực hiện tốt nhất, Sở GTVT Hà Nội cũng yêu cầu các đơn vị vận tải công cộng triển khai phương án điều chỉnh biểu đồ, điều chỉnh giờ chạy và tăng chuyến, lượt của các tuyến buýt nhanh.

Sẽ từng bước tháo gỡ khó khăn

Cũng trong hội nghị này, một số đại biểu đại diện cho một số trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp đóng trên địa bàn Hà Nội cũng bày tỏ những khó khăn, vướng mắc của trường mình khi việc thay đổi giờ học, giờ làm đi vào thực tiễn. “Trường chúng tôi, hiện tổ chức 3 ca học sáng – chiều – tối. Nếu trường chúng tôi áp dụng việc đổi giờ học, giờ làm này thì sẽ bị đè lên khung giờ học của ca chiều và tối. Chính vì vậy, trường chúng tôi xin áp dụng phương án đổi giờ học, giờ làm này vào buổi sáng, còn khung giờ chiều không thể áp dụng” – bà Bùi Thị Ngân, Phó hiệu trưởng Trường đại học Công nghiệp Hà Nội chia sẻ.

Bà Bùi Thị Ngân – Phó hiệu trưởng Trường đại học Công nghiệp Hà Nội chia sẻ khó khăn đơn vị mình tại hội thảo.

Cũng đồng quan điểm với Trường đại học Công nghiệp Hà Nội, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng bày tỏ quan điểm rằng: Trong phương án đổi giờ học, giờ làm được chính phủ phê duyệt thì nhóm 1 của phương án chịu nhiều thay đổi nhất. Sở GTVT nên có phương án tính toán cho hợp lý.

Trái ngược với quan điểm của hai đại biểu trên, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng: Đề án đã được chính phủ phê duyệt thì chúng ta phải làm. Các đơn vị có khó khăn riêng thì cùng nhau tháo gỡ và khắc phục.

Thiên Minh – Mạnh Kiên