Một bóng hồng bên vị tướng tài

20:32 | 20/10/2020

950 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Lâu nay, cứ đến mùa báo ân, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu cùng đồng đội lại tiếp tục cuộc hành quân trong thời bình trở lại chiến trường xưa, đi tìm đồng đội. Bên cạnh ông trong những chuyến đi, luôn có một bóng hồng lặng lẽ chăm sóc. Người phụ nữ dịu dàng, hiền thục nhưng lại toát lên vẻ đẹp tinh tế, uyên bác của nữ trí thức ấy chính là phu nhân Lại Thị Xuân, người vợ sống bên ông hơn 4 thập niên qua.
mo-t-bo-ng-ho-ng-ben-vi-tuo-ng-ta-i-1
Bà Lại Thị Xuân thời còn là sinh viên

Bà Lại Thị Xuân là một người kín đáo, luôn luôn từ chối khéo giới truyền thông và chỉ lặng lẽ ở bên ông trong những buổi lễ tân quan trọng. Khác với nhiều người phỏng đoán, rằng phu nhân Lại Thị Xuân chỉ làm trọn vẹn vị trí hậu phương vững chắc để vị tướng tài Nguyễn Huy Hiệu tập trung trí lực chỉ huy trong chiến trận và lãnh đạo, nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, bà Lại Thị Xuân không chỉ làm tròn bổn phận đó, bà còn là một bác sĩ giỏi.

Nhìn thần thái nhẹ nhõm, nét đẹp thanh thoát của bà Xuân bây giờ, ít ai tưởng tượng ra bà từng có một tuổi thơ khổ cực. Năm 1950, bà Lại Thị Xuân sinh ra trong một gia đình nghèo khó tại xóm 5, xã Hải Long, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Cha mẹ bà sinh 4 người con, bà là con út, khi bà Xuân lên 1 tuổi thì cha hy sinh, mẹ bà tần tảo nuôi 4 người con sống sót qua trận đói và dịch bệnh năm 1954. Tuổi thơ nhọc nhằn đó cho bà Xuân ý chí: phải học thật giỏi để vượt qua đói nghèo, phải học ngành y để chữa bệnh cứu người nghèo.

Cô bé Xuân nhỏ nhắn ngày ấy cần cù, siêng năng học tập, sáng dạ hơn so với bạn từ khi còn học vỡ lòng. Xuân học giỏi nhất môn toán. Vào học cấp III tại Hải Hậu, Xuân học rất tốt các môn tự nhiên. Kỳ thi tuyển Đại học năm 1968, chị Xuân đạt điểm cao và được cử du học tại Đại học Y khoa Ô-đét-xa (Liên Xô cũ). Suốt 7 năm học tập tại Liên Xô, chị Xuân luôn ý thức phải có kiến thức tốt để về phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Các giảng viên Nga và bạn bè các nước rất yêu quý cô sinh viên Việt Nam tên Lại Thị Xuân nhỏ nhắn, ngoan, cần cù và chịu khó học tập.

Ra trường, về nước, bà Xuân được phân công về làm việc tại Bệnh viện E Hà Nội. Nhờ tâm huyết với sự nghiệp chăm sóc sức khỏe con người, nên bà Xuân đã đóng góp tích cực xây dựng đơn vị xuất sắc, nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc thuộc lĩnh vực mình phụ trách, được đồng nghiệp và cấp quản lý trực tiếp tôn trọng, được bệnh nhân và nhân dân yêu quý. Bà đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú.

mo-t-bo-ng-ho-ng-ben-vi-tuo-ng-ta-i
Ảnh cưới Nguyễn Huy Hiệu và Lại Thị Xuân

Tướng Hiệu may mắn có được người vợ hiền thục, giỏi giang, phúc hậu. Ông cũng có những người con đã trưởng thành, và có cuộc sống riêng hạnh phúc. Đến lúc này, ông hoàn toàn có thể an tâm vui vầy bên con cháu. Ông chia sẻ rằng, để có một gia đình ấp áp, hạnh phúc trọn vẹn như vậy, trong lúc ông luôn bận rộn nhiệm vụ quân đội, thì công lao phần lớn do người vợ có tài quán xuyến của ông. Không lùi về phía sau, bà vẫn tiến bước cùng ông, phát triển sự nghiệp bản thân tốt đẹp, trong lúc vẫn quản lý chỉn chu việc nhà, chăm sóc dạy dỗ con cái nên người. Đó là một thành công của người phụ nữ, xứng đáng được tôn vinh.

Tướng Hiệu tự nhận mình là người may mắn khi có người bạn đời là bà Xuân. Hơn 40 năm hai người chung sống, dù cuộc sống trải qua nhiều thăng trầm cùng đất nước: chiến tranh, thời bao cấp khó khăn, thời kỳ đầu mở cửa kinh tế đầy thách thức hỗn mang, thì ông và bà luôn bên nhau, nuôi dạy con cái lớn khôn, học hành đến nơi đến chốn và có sự nghiệp riêng, con đường đi riêng. Đó là tài sản vô giá của gia đình.

mo-t-bo-ng-ho-ng-ben-vi-tuo-ng-ta-i-2
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu và phu nhân Lại Thị Xuân cùng các con cháu

Tướng Hiệu kể, bà Xuân chính là người bác sĩ riêng tốt nhất của ông. Ông ra vào trận mạc chiến đấu gian khổ, thậm chí đối diện cả với những hóa chất độc hại từ bom đạn, ít nhiều bị ảnh hưởng tới sức khỏe, nhưng nhờ bà Xuân luôn chăm sóc, tìm ra những công thức chế biến món ăn, thực đơn ăn cải thiện sức khỏe hàng ngày, mà ông còn giữ được sức lực, còn đi không biết mỏi cho đến nay. Khi nghỉ hưu, ông hạnh phúc nhất là được ở bên bà nhiều hơn, được bà tự tay nấu cho ông những món ngon giản dị. Món nào bà nấu ông cũng thích ăn.

Do bà có thời gian 7 năm học bên Nga, biết nấu những món truyền thống của Nga, đặc biệt là món xa-lát Nga mà ông và bạn hữu của gia đình rất thích thưởng thức. Đó là “món tủ” của bà Xuân. Còn tướng Hiệu, qua những năm tháng dài sống trong trận địa, ông lại thành thạo hai cách chế biến món ăn đơn giản là luộc và xào. Với người lính, điều kiện khó khăn ở chiến trường, tất cả mọi thức ăn chỉ có thể luộc và xào là tiện nhất. Vậy nên trong gia đình, bà Xuân làm nội trợ là chủ yếu. Còn tướng Hiệu lại có cách quan tâm vợ rất riêng, khi ông không trực tiếp vào bếp, đó là trong những buổi liên hoan cùng bạn hữu mà bà Xuân vắng mặt, thấy có món ngon mà điều kiện cho phép, ông đều sắp xếp để phần lại cho vợ.

Điều lớn nhất khiến tướng Hiệu luôn biết ơn vợ mình, đó là khi ông bận công tác tại đơn vị, hiếm khi có thời gian ở nhà, bà đã kiên tâm dạy dỗ các con ngoan ngoãn, học hành tử tế. Để có đàn con cháu ngoan và trưởng thành như hôm nay, công lao lớn là của bà Xuân. Ông quan niệm, hạnh phúc nhất của đời người, chính là con cháu phương trưởng, và có được sức khỏe tốt, được sống thanh thản cho đến cuối cuộc đời.

Tình yêu khi tuổi đã lớn, còn có nghĩa là bên nhau và luôn nghĩ cho nhau. Trong mọi việc ông làm, mọi điều ông nói và nghĩ, đều có dấu ấn của bà Xuân. Trong các chuyến đi ngoại giao, đi thực địa, hoặc đi thăm đồng đội, bà con các vùng quê, trong các chuyến đi làm từ thiện, tri ân đồng đội, tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường…, hình ảnh người phu nhân thanh lịch, nhẹ nhàng với nụ cười hiền tỏa sáng, đã trở thành một giá trị riêng của vị tướng trận mạc oai phong.

Đặng Thanh