Mở rộng đối tượng được vay vốn lãi suất trần 14%?

15:27 | 07/06/2012

437 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Mặc dù, cả Ngân hàng và doanh nghiệp đều mong muốn có sự hợp tác nhưng đến nay họ vẫn chưa gặp nhau. Nhiều lý do đã khiến tắc nghẽn “đường đến” giữa ngân hàng và doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp đề nghị mở rộng đối tượng được vay vốn với lãi suất trần 14%/năm để thêm nhiều doanh nghiệp tiếp cận với vốn vay lãi suất thấp.

Ngân hàng và doanh nghiệp chưa gặp nhau

Ông Nguyễn Ngọc Thắng – Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP HCM cho biết: Hiện nay, các Ngân hàng thừa tiền nhưng gặp khó khăn trong việc tìm kiếm khách hàng để cho vay vì hầu hết doanh nghiệp đều trong tình trạng có nợ xấu quá hạn hoặc nợ xấu cao, hàng tồn kho lớn, đầu ra khó khăn, chỉ số an toàn trong hoạt động của doanh nghiệp giảm đáng kể.

Bên cạnh đó, các Ngân hàng thẩm định cho vay dựa trên tài sản đảm bảo, chủ yếu là bất động sản nhưng hiện nay giá bất động sản giảm nên mức cho vay cũng giảm theo tài sản thế chấp. Do đó, nguồn vốn vay của doanh nghiệp bị giảm đáng kể trong khi nhu cầu vốn vay của họ lại cao hơn. Doanh nghiệp thiếu vốn lưu động để sản xuất kinh doanh.

Doanh nghiệp kiến nghị mở rộng đối tượng được vay vốn với lãi suất trần 14%

Cũng chính vì quá nhiều tiêu chuẩn để được Ngân hàng chấp nhận cho vay như đòi hỏi doanh nghiệp phải sản xuất kinh doanh hiệu quả, không có nợ xấu, có đầu ra… nên đến nay doanh nghiệp và Ngân hàng vẫn đang chờ đợi nhưng chưa thể gặp nhau.

Các Ngân hàng đề nghị Nhà nước sớm ban hành chuẩn “doanh nghiệp gặp khó khăn tài chính tạm thời” để các Ngân hàng thực hiện thống nhất việc cho các đối tượng trên vay vốn, tránh các rắc rối cho Ngân hàng khi bị kiểm toán, thanh tra. Đồng thời, Chính phủ nên cho phép thành lập các công ty mua bán nợ xấu nhằm tháo gỡ khó khăn nợ xấu gia tăng cho các tổ chức tín dụng, giúp doanh nghiệp có điều kiện tiếp tục quan hệ tín dụng với Ngân hàng.

Mở rộng đối tượng được của Thông tư 14?

Phía Ngân hàng và doanh nghiệp đều cho rằng nên mở rộng đối tượng được cho vay với mức lãi suất trần là 14%/năm theo Thông tư 14 của Ngân hàng Nhà nước. Hiện nay, có 4 lĩnh vực được ưu đãi theo Thông tư này là: Nông nghiệp nông thôn, sản xuất kinh doanh hàng xuất khẩu, doanh nghiệp vừa và nhỏ, ngành công nghiệp hỗ trợ. Các lĩnh vực không được khuyến khích thì lãi suất cho vay hiện khoảng từ 17 – 19%.

Trong 1 tháng thực hiện Thông tư 14, các Ngân hàng trên địa bàn TP HCM đã cho 651 doanh nghiệp vay vốn với tổng số tiền khoảng 7.000 tỉ đồng. Số doanh nghiệp được vay vốn lãi suất trần 14% cũng chẳng đáng là bao so với số lượng hơn 140.000 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.

Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM đề nghị, mở rộng lĩnh vực cho vay với lãi suất trần là 14% đối với một số lĩnh vực của bất động sản như hỗ trợ các nhà đầu tư bất động sản hoàn thiện sản phẩm cung ứng cho thị trường, giải quyết tồn kho sắt, thép, vật liệu xây dựng. Ngoài ra, giúp đối tượng cần mua nhà để ở tiếp cận được với nguồn vốn vay ngân hàng vì hầu hết những người mua nhà ở họ đều có kế hoạch tài chính rất rõ ràng nên Ngân hàng không sợ bị mất vốn.

Ông Nguyễn Văn Phước – Tổng Giám đốc Eximbank cho rằng, Ngân hàng cũng gặp khó khăn khi nguồn vốn không cho vay được

Theo ông Trương Văn Phước – Tổng giám đốc Eximbank, hiện nay, ngân hàng thừa vốn nên nếu không cho vay được thì cũng rất rủi ro, có khả năng hòa vốn hoặc lỗ. Do đó, Ngân hàng cũng chủ động giảm lãi suất cho doanh nghiệp nhằm giữ khách hàng. Ngân hàng Eximbank sẵn sàng lập gói 5.000 tỉ đồng để cho doanh nghiệp vay với lãi suất từ 13 – 14% vì hiện nay một khoản tiền thừa của Ngân hàng cũng đang gởi ở thị trường liên Ngân hàng với lãi suất chỉ từ 5 – 6%. Nếu cho doanh nghiệp vay với lãi suất 13 – 14% thì cũng đem lại lợi cho Ngân hàng.

Mai Phương