Du lịch biển, đảo

“Mỏ quặng tiềm năng”(Kỳ 1)

14:37 | 08/02/2017

598 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Phấn đấu đến năm 2020, tổng thu từ du lịch biển đạt trên 200.000 tỉ đồng, tương đương 10 tỉ USD; tạo ra 600.000 việc làm trực tiếp và 1,1 triệu việc làm gián tiếp. Đấy là mục tiêu của đề án “Phát triển du lịch biển đảo và vùng ven biển Việt Nam đến năm 2020” của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL). Tuy nhiên…

Bài 1: Mới “bóc” được lớp ngoài “mỏ quặng”

Với mục tiêu trên, đề án hướng đến mục đích đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển và làm giàu từ biển. Góp phần quan trọng ở cả hai lĩnh vực: Bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển và thúc đẩy nền kinh tế phát triển.

mo quang tiem nangky 1
Lễ hội Cầu ngư Đà Nẵng, một sản phẩm du lịch được đưa vào phục vụ du khách. Ảnh:Thanh Hiếu

Một quốc gia có đến 3.260km bờ biển, trải dài từ Bắc vào Nam, với trên 125 bãi tắm đẹp được phân bổ đều khắp. Đặc biệt bãi tắm ở Đà Nẵng được Tạp chí Forbes bầu chọn là 1 trong 6 bãi tắm quyến rũ nhất hành tinh. Cũng là 1 trong 12 quốc gia có các vịnh đẹp nổi tiếng thế giới như: Hạ Long (Quảng Ninh); Lăng Cô (Thừa Thiên - Huế); Nha Trang, Cam Ranh, Vân Phong (Khánh Hòa); Ninh Vân (Nha Trang); Vĩnh Hy (Ninh Thuận); Xuân Đài, Vũng Rô (Phú Yên) Vịnh Hà Tiên (Kiên Giang)… Như những viên ngọc quý dát trên tấm lụa xanh mềm mại giữa đất trời.

Cùng với đó là hệ thống trên 3.000 hòn đảo lớn, nhỏ hầu như còn nguyên sơ đầy quyến rũ. Nước ta cũng ở vị thế thứ 27 trong tổng số 156 quốc gia có biển trên thế giới. Cũng là một trong các quốc gia có diện tích ven biển lớn nhất ở khu vực. Tài liệu của Đề án “Phát triển du lịch biển đảo và vùng ven biển Việt Nam đến năm 2020” nêu: “Trung bình cứ 100km2 diện tích đất liền ở nước ta có 1km bờ biển (tỷ lệ trung bình của thế giới là 600km2 đất liền mới có 1km bờ biển). Vùng lãnh thổ ven biển ở nước ta có tới 7/13 di sản thế giới; và 6/8 khu dự trữ sinh quyển; cùng nhiều vườn quốc gia và các khu bảo tồn thiên nhiên.

Vùng biển và thềm lục địa của nước ta cũng là vùng có nhiều tài nguyên thiên nhiên hết sức đa dạng. Dầu khí là một trong những tài nguyên có hàm lượng kinh tế cao; theo đánh giá, trữ lượng dầu khoảng 10 tỉ tấn và từ 250-300 tỉ m3 khí. Trữ lượng cá cũng rất phong phú khoảng 3 triệu tấn, cho phép hằng năm khai thác 1,2-1,4 triệu tấn… Với diện tích và vị trí địa lý thuận lợi về biển, nước ta được ví là “cửa ngõ” ở khu vực và trên thế giới…”.

Vẫn theo số liệu trong Đề án dẫn “Về mặt hành chính, nước ta có 28 tỉnh, thành phố ven biển, với diện tích tự nhiên là 126.747km2, dân số (năm 2010) là 37,2 triệu bằng 38,2% diện tích tự nhiên và 41,1% dân số cả nước…”. Đây là lợi thế to lớn trong chiến lược phát triển du lịch biển đảo. Và thực tế cho thấy, năm 2015, du lịch Việt Nam đón 7,943 triệu lượt khách quốc tế, tăng 0,9% so với năm 2014. Khách du lịch nội địa đạt 57 triệu lượt, tổng thu từ khách du lịch đạt 338.000 tỉ đồng. Trong đó tỷ lệ khách đến nghỉ dưỡng và du lịch biển là phần lớn. Năm 2016, ngành du lịch phấn đấu đón 8,5 triệu lượt khách quốc tế, tăng khoảng 6% so với năm 2015; phục vụ 60 triệu lượt khách du lịch nội địa, trong đó khách có sử dụng lưu trú đạt 31 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch đạt 370.000 tỉ đồng”. Song mới qua 11 tháng, lượng khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt 9.004.039, tăng 25,4% so với cùng kỳ năm 2015. Nhiều địa phương như: Hạ Long, Vân Đồn, Cô Tô (Quảng Ninh); Cát Bà, Đồ Sơn (Hải Phòng); Sầm Sơn (Thanh Hóa); Cửa Lò (TP Vinh - Nghệ An); Đà Nẵng; Hội An (Quảng Nam), Nha Trang (Khánh Hòa), Quy Nhơn (Bình Định), Phú Quốc (Kiên Giang)… khách du lịch tăng cao so với các địa phương khác trong cả nước.

Qua đây có thể thấy các trung tâm lớn, các địa phương ven biển có sức hút lớn đối với du khách cả trong và ngoài nước. Điều này khẳng định: Du lịch biển có vai trò đặc thù và có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch của cả nước. Du lịch biển phát triển không chỉ thúc đẩy sự phát triển của nhiều ngành kinh tế khác, khai thác thác hết tiềm năng, thế mạnh, tạo nhiều việc làm cho xã hội; mà còn góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước khi đánh giá về du lịch biển đảo Việt Nam đều khẳng định đây là quốc gia giàu tiềm năng, nhiều điểm đến hấp dẫn vào bậc nhất trong khu vực và trên thế giới. Nhưng đang thiếu rất nhiều thứ để ngành du lịch này “cất cánh”. Theo thống kê: Du lịch biển đảo đang chiếm tới 70% du khách quốc tế và 50% du khách nội địa, doanh thu chiếm tới 70% của toàn ngành. Nếu những bất cập, những thứ đang gọi là “thiếu” của du lịch biển đảo (chúng tôi trình bày ở bài sau) được khắc phục, thì sẽ mang lại hiệu quả hết sức to lớn về nhiều mặt.

mo quang tiem nangky 1
Đà Nẵng đầu tư xây dựng nhiều khách sạn hiện đại, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu lưu trú của du khách

Nghị quyết 09/NQ-TƯ ngày 9-2-2007 của Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, đề ra mục tiêu “Phấn đấu đến năm 2020 đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển đảo, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm cho đất nước giàu mạnh”. Vì vậy Chính phủ, mà trực tiếp là Bộ VH-TT&DL đã xây dựng đề án “Phát triển du lịch biển đảo và vùng ven biển Việt Nam đến năm 2020”, với những định hướng tổng hợp, toàn diện, với tinh thần đưa du lịch biển đảo thành ngành kinh tế mũi nhọn của kinh tế biển nói riêng và nền kinh tế đất nước nói chung. Góp phần đưa du lịch trở thành ngành công nghiệp “không khói” một cách đích thực, đóng góp xứng đáng vào tăng trưởng kinh tế, phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Có thể nói từ định hướng của Nghị quyết 09/NQ-TƯ ngày 9-2-2007 Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020. Đến đề án “Phát triển du lịch biển đảo và vùng ven biển Việt Nam đến năm 2020” của Bộ VH-TT&DL xác định tầm quan trọng về phát triển kinh tế biển, mà trong đó du lịch biển đảo là một trong những ngành được cho là mũi nhọn. Thực là “luồng sinh khí” tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong quy hoạch, đầu tư, bảo đảm cho việc khai thác có hiệu quả về tiềm năng, lợi thế, cũng như tạo sự liên kết chặt chẽ với các ngành kinh tế khác. Nhiều địa phương đã xây dựng cơ sở hạ tầng khang trang hiện đại, không chỉ đáp ứng nhu cầu cấp thiết về du lịch, mà còn làm thay đổi hẳn bộ mặt của xã hội.

Tuy nhiên, nếu ví du lịch biển đảo là một “mỏ quặng” quý, thì “mỏ quặng” ấy vẫn đang là “mỏ quặng tiềm năng”. Việc đưa vào khai thác “mỏ quặng” ấy vẫn đang hết sức sơ khai, nói một cách hình ảnh là: khai thác thác du lịch biển đảo như đang bóc lớp ngoài của “mỏ quặng”. Những con số được dẫn về kết quả thu hút du khách trong và ngoài nước đến với du lịch biển đảo tuy chiếm tỷ lệ cao, nhưng hoàn toàn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; chưa tương xứng với việc đầu tư của Nhà nước và các địa phương. Việc chưa “tương xứng” ấy không chỉ giới hạn ở mức độ tăng trưởng kinh tế, mà còn ảnh hưởng ở nhiều lĩnh vực khác, đặc biệt là lĩnh vực kết hợp kinh tế với quốc phòng trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước.

Bài toán đặt không phải để tìm lời giải đơn thuần, mà đòi hỏi phải có lời giải tối ưu, để du lịch biển đảo không tụt hậu so với chính yêu cầu của sự phát triển. Biến du lịch biển đảo thành động lực có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cả phát triển kinh tế, xã hội; trong cả bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển.

(Xem tiếp kỳ sau)

Đặng Trung Hội

Năng lượng Mới 582