Minh bạch giá thành, lỗ lãi rồi hãy tính tăng giá điện

10:58 | 23/10/2011

497 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nếu chưa công bố rõ kết quả kiểm tra giá thành sản xuất và các khoản đầu tư ngoài ngành của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) mà Chính phủ đồng ý đề nghị tăng giá điện thì sẽ tạo tiền lệ xấu cho DN Nhà nước. Không thể vì giá điện mà làm hỏng nỗ lực kiềm chế lạm phát hiện nay.

EVN đã bỏ ra 2.100 tỉ để đầu tư ngoài ngành.

Điện luôn rục rịch tăng giá

Sau lần tăng thứ nhất từ 1/3/2011 với mức 15,28%, việc tăng giá điện lần thứ hai trong năm nay, cụ thể là vào quý IV đã được rục rịch bàn luận từ nhiều tháng qua.

Với khoảng tăng từ 10-13%, có lẽ đây là mức "khiêm tốn” nhất của nhiều đợt EVN xin tăng giá điện. Hồi đầu năm nay, ba phương án xin tăng giá điện của EVN và Bộ Công Thương đề xuất tới Chính phủ là 18%, 26,3% và 30,3%.

Theo ước tính, nếu Chính phủ đồng ý cho tăng giá điện 13% so với mức giá điện bình quân hiện hành là 1.242 đồng/kWh, giá điện bình quân sẽ tăng lên tới 1.403 đồng/kWh. Nếu tăng 11%, giá điện bình quân sẽ ở mức 1.360 đồng/kWh.

Cơ chế giá điện được tự động điều chỉnh hàng quý đã được ban hành, song trên thực tế, Nhà nước vẫn kiểm soát giá và vấn đề giá điện hiện nay vẫn đang ở cơ chế xin – cho.

Không dễ để nhận ra, trong nhiều lần phát biểu về giá điện, một số nhà quản lý, hoạch định chính sách đang bật đèn xanh cho xu hướng tăng giá. Đó là việc Thứ trưởng Bộ Công Thương – Hoàng Quốc Vượng xác nhận, giá điện là giải pháp mấu chốt nhất để khắc phục tình hình tài chính tồi tệ của EVN tại cuộc họp báo về thị trường điện. Đó là khẳng định giá điện phải tăng 62% mới là "đủ” của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh, khi ông còn là Bộ trưởng Bộ Tài chính, đánh giá về đợt tăng giá điện hồi tháng 3.

Mới đây nhất, chủ trì họp báo Chính phủ hôm 26/9, ông Vũ Đức Đam, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cũng nói: "Giờ lạm phát như thế, xăng dầu và giá điện liệu có cho tăng không? Từ lâu, các mặt hàng thiết yếu, Nhà nước luôn bù lỗ cho DN, bán dưới giá thành. Chủ trương thực hiện lộ trình thị trường hóa giá điện sẽ phải tính toán để vẫn phải đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng ta còn có một mục đích quan trọng không kém là tiến tới hoàn thiện thể chế thị trường. Không thể nào nói vì lạm phát mà bao cấp, bù lỗ, bù giá mãi được!”.

Nhận định và kiến nghị về việc điều hành giá một số mặt hàng thiết yếu, trong đó có điện, báo cáo của Đảng ủy khối DN Trung ương về tình hình các tập đoàn, tổng công ty cho rằng: Chính phủ điều hành giá một số mặt hàng này chưa tiệm cận giá thị trường nên gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp, đồng thời, kiến nghị Chính phủ cho điều chỉnh giá bán theo lộ trình, tiến tới dỡ bỏ sự can thiệp của Nhà nước, đảm bảo tính tự chủ của doanh nghiệp.

Mới đây, Bộ Công Thương đã có thông tư hướng dẫn điều chỉnh giá điện theo 3 yếu tố đầu vào là tỉ giá, giá nhiên liệu và cơ cấu sản lượng điện. Nếu các yếu tố này thay đổi liên tiếp trong 3 tháng thì EVN được tự động điều chỉnh giá điện và báo cáo Bộ Công Thương.

Tuy nhiên, để kiềm chế lạm phát, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ đã yêu cầu không tăng giá điện từ nay đến cuối năm nên EVN chưa thể tự quyết việc điều chỉnh giá.

Lỗ vẫn ham đầu tư ngoài ngành

Theo báo cáo của Đảng ủy khối doanh nghiệp Trung ương, EVN đã không hoàn thành được kế hoạch năm và có mức tăng trưởng thấp. EVN là một trong bốn tập đoàn, tổng công ty dự tính có kết quả kinh doanh lỗ trong năm 2011, với mức lỗ sẽ là 11.669 tỉ đồng. Năm 2010, EVN lỗ 23.647 tỉ đồng và lỗ lũy kế đến tháng 6/2011 là 31.565 tỉ đồng.

EVN là đơn vị phải cắt giảm, điều chuyển vốn nhiều nhất đối với các dự án công trình chưa cần thiết, chưa cấp bách, kém hiệu quả, số tiền lên tới 12.572 tỉ đồng, chiếm tới 25% tổng vốn bị cắt giảm điều chuyển của tất cả các tập đoàn, tổng công ty (49.942 tỉ đồng của 633 công trình).

Tuy yếu kém, EVN là tập đoàn bỏ vốn đầu tư ngoài ngành lớn thứ 3 với số tiền 2.100 tỉ đồng, chiếm 2,8% vốn điều lệ và bằng 9% tổng vốn đầu tư ngoài ngành chính của 21 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước.

Lượng vốn mà EVN đầu tư bên ngoài chỉ xếp sau Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam và Tập đoàn Dầu khí trong khi đây là hai tập đoàn có tiềm lực mạnh về tài chính nhất cả nước hiện nay với mức tăng trưởng lợi nhuận lên tới 15-20%.

Lỗ nặng liên tiếp, rồi bị chính các tập đoàn Nhà nước khác như Tập đoàn Than và Dầu khí đòi khoản nợ lên tới 10.000 tỉ đồng, khiến EVN phải chọn giải pháp xin tăng giá điện.

Minh bạch giá thành rồi hãy tính chuyện tăng giá điện

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan thẳng thắn bày tỏ quan điểm: "Không nên tăng giá điện vào thời điểm này!”. Theo bà Lan, có ít nhất 2 lý do để thấy, đề nghị tăng giá điện của EVN chưa hợp lý.

Thứ nhất, đó là việc kiểm tra giá thành sản xuất kinh doanh điện của EVN đến này còn chưa hoàn tất và chưa có công bố rõ ràng về kết quả, trong khi, đây chính là cơ sở thực tiễn cần phải có cho mọi đề nghị tăng giá điện.

Bà Phạm Chi Lan phân tích: "Chính phủ đã yêu cầu phải rà soát giá thành điện từ lâu nhưng đến giờ phút này, tôi chưa thấy các bộ công bố kết quả kế hoạch này. Tại sao việc rà soát giá thành chưa xong EVN đã đề nghị tăng giá điện ngay? Xưa nay, các lý do tăng giá điện nhiều năm qua đều có nhắc một điểm lớn là giá thành bán điện cho dân thấp nhưng không có rà soát cụ thể.”

Bà Lan cho rằng nếu Chính phủ đồng ý cho tăng giá điện sẽ tạo tiền lệ xấu cho các DNNN khác. Quyết định không phù hợp sẽ càng khiến cho các DNNN trì hoãn quá trình minh bạch hóa các hoạt động kinh doanh của mình. Có thể nói, EVN thực chất đang như gây sức ép cho Nhà nước theo lập luận, nếu không cho tôi tăng giá thì tôi sẽ thua lỗ thêm, không trả được nợ và thậm chí có thể phá sản.

Bình luận thêm về sự thiếu minh bạch của EVN, bà Phạm Chi Lan nói: "Một trong các lý do xin tăng giá điện của EVN còn là cần thêm vốn để tập trung đầu tư các dự án nguồn điện, lưới điện, đảm bảo đủ nhu cầu cung ứng điện cho quốc gia. Vậy tại sao thiếu vốn như vậy, EVN lại mang hàng nghìn tỷ đồng đi kinh doanh ngành ngoài, tham gia cả chứng khoán, ngân hàng…? Để rồi, bắt người dân gánh chịu, bù đắp sự thua lỗ của mình bằng việc tăng giá điện?”

Có lẽ, Nhà nước cần tạo sức ép cho EVN. Nhà nước có thể yêu cầu EVN phải minh bạch giá thành sản xuất điện, minh bạch các lĩnh vực đầu tư kinh doanh ngành ngoài và phải bắt buộc EVN loại bỏ kinh doanh ngành ngoài. Trên cơ sở đó, Nhà nước mới thẩm định đề nghị tăng giá điện của EVN, sẽ xem xét có nên điều chỉnh giá bán điện không và nếu có thì ở mức nào, thời điểm nào? Nếu EVN không công khai công bố, không minh bạch giá thành thì sẽ không ra xem xét chuyện tăng giá điện.

Điểm thứ hai cần lưu ý là vấn đề lạm phát. Chúng ta đã có nhiều lần phải điều chỉnh mục tiêu lạm phát và giới hạn điều chỉnh lần gần đây là 18% còn đang được đánh giá là khó đạt. Chính phủ không thể vì một chuyện giá điện mà làm phức tạp thêm việc kiềm chế lạm phát.

Vì thế việc điều chỉnh tăng giá điện phải được xem xét một cách cẩn trọng. Đặc biệt, việc đánh giá tác động của tăng giá điện phải làm đến nơi, đến chốn. Vừa qua, các bộ đánh giá tác động hầu hết mới chỉ xem xét vòng một, đo lường mức ảnh hưởng trực tiếp tới CPI, tới các ngành sản xuất như thép, dệt may… Nhưng các mức tác động vòng một này thường rất thấp trong khi, tác động của giá điện ở vòng hai lan tỏa tới toàn hoạt động kinh tế xã hội mới là lớn.

"Trong vấn đề này, tôi đề nghị các bộ phải làm đến nơi, đến chốn, công tâm. Nếu các bộ ủng hộ DNNN, ủng hộ EVN thì chắc có lẽ, sẽ lờ đi việc đánh giá tác động vòng hai”, bà Lan nói.

Bà nhấn mạnh: "Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ đã nói, việc điều hành giá xăng sẽ vì lợi ích hơn 80 triệu dân chứ không thể vì lợi ích 11 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu. Tôi cho là giá điện cũng tương tự như vậy, không thể vì một mình EVN mà tăng giá điện”.

Diễn đàn kinh tế Việt Nam