Mệnh lệnh và tính khả thi

17:22 | 22/03/2011

644 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Từ năm 2010 đến nay, trong việc quản lý, điều hành nền kinh tế quốc dân đã xuất hiện khá nhiều mệnh lệnh hành chính không phù hợp với đặc trưng cơ bản của kinh tế thị trường và vì vậy những  mệnh lệnh ấy có phần… kém hiệu quả.

Trước hết, sau khi Luật Ngân hàng Nhà nước (NHNN) được thông qua, các Ngân hàng và Tổ chức Tín dụng (NH và TCTD) đã chính thức được thoát khỏi cái “vòng kim cô” về giới hạn lãi suất cho vay không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản, đã có khá nhiều công văn của NHNN yêu cầu các NH và TCTD hạ lãi suất cho vay tới mức 12% năm nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong kinh doanh và tăng trưởng kinh tế. Thế nhưng công văn, chỉ thị cứ ban hành, còn lãi suất tiền vay thì cứ tăng lên liên tục. Đầu năm 2011, đỉnh cao của lãi suất tiền vay đã là 25% năm!

Những ngày gần đây, với việc điều chỉnh tăng tỉ giá USD/VNĐ, tăng giá điện, giá xăng dầu, hàng loạt chỉ thị như không được tăng giá các hàng hóa, dịch vụ lại được ban hành. Song, tiếc thay, những chỉ thị đó dường như đã rơi vào… quên lãng, giá cả thị trường vẫn "vô tư” tăng đến chóng mặt.

Lãi suất tiền vay tăng lên liên tục

Rõ ràng, yêu cầu "không được tăng lãi suất”, "không được tăng giá”…, là những mệnh lệnh hành chính. Trong cơ chế kinh tế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp trước đây, những mệnh lệnh ấy đã có hiệu lực. Bởi lẽ, khi đó, mọi hoạt động kinh doanh đều do Nhà nước độc quyền. Song, trong nền kinh tế thị trường, những mệnh lệnh ấy đã không có hiệu lực và Nhà nước không thể phạt hay bắt giam bất kỳ ai không thực hiện những mệnh lệnh hành chính đó, vì trong kinh tế thị trường, quyền xác định giá bán hàng hóa đã được trả về cho người mua, người bán theo sự chi phối của những quy luật kinh tế khách quan. Hơn nữa, có lẽ ngay chính những người ban hành các mệnh lệnh hành chính ấy cũng thấy là vô lý. Chẳng hạn, điện là năng lượng quan trọng trong sản xuất và chi phí về điện chiếm tỉ trọng không nhỏ trong giá thành nhiều sản phẩm, nhưng tăng giá điện và yêu cầu không được tăng giá các sản phẩm khác có sử dụng điện trong sản xuất thì quả là một nghịch lý khó có thể chấp nhận. Cũng tương tự như thế khi tăng giá xăng nhưng lại "cấm” tăng giá cước vận tải, tăng tỉ giá USD/VNĐ nhưng yêu cầu không được tăng giá bán hàng nhập khẩu…, là những mệnh lệnh không có sức thuyết phục trong cuộc sống.
Vì thiếu cơ sở khoa học, vì không có sức thuyết phục trong cuộc sống, cho nên các mệnh lệnh hành chính được ban ra nhằm "ổn định giá”, "ổn định kinh tế vĩ mô” đã và đang trở thành những mệnh lệnh không có tính khả thi.

Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và đang trong quá trình phấn đấu để được công nhận là một nền kinh tế thị trường. Vì vậy, đã đến lúc cần chấm dứt việc sử dụng những mệnh hành chính để quản lý, điều hành nền kinh tế quốc dân.

Điều cần nghiên cứu và thực hiện ngay là điều hành nền kinh tế thị trường bằng những biện pháp kinh tế. Do đó, các cơ quan nhà nước không thể tiếp tục tư duy và làm theo cách cũ, tiếp tục các chính sách, chế độ đã trở thành lối mòn với sự hỗ trợ của những mệnh lệnh hành chính. Cần nhanh chóng vận dụng cơ chế thị trường, tránh các can thiệp làm méo mó giả tạo các tín hiệu thị trường.

Khi xảy ra lạm phát và suy thoái kinh tế vào năm 2008-2009, chúng ta cũng đã có hàng loạt mệnh lệnh hành chính. Và khi đó, hàng loạt yếu kém từ nội tại của nền kinh tế quốc dân đã được nghiên cứu và chỉ rõ như: các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước đã và đang được hưởng quá nhiều ưu đãi; các doanh nghiệp ở thế độc quyền đang không được kiểm soát; việc công khai, minh bạch, đối thoại thẳng thắn với cộng đồng doanh nghiệp về tác động của các chính sách đã không được tôn trọng… Song, rất đáng tiếc là những biện pháp nhằm khắc phục những yếu kém nêu trên đã không được nghiên cứu và triển khai thực hiện một cách nghiêm túc. Đầu năm 2011, những hiện tượng của đầu năm 2008 đã xuất hiện và lại có những mệnh lệnh hành chính tiếp tục được ban hành. Xin đừng quên là, lạm phát và suy thoái vào năm 2008-2009 được đẩy lùi là do tác động của gói kích cầu với khoảng 8 tỉ USD và sự phục hồi của nền kinh tế thế giới, không phải do tác động của các "mệnh lệnh”, các khẩu hiệu "quyết liệt”, "quyết tâm”… Vì vậy, để ngăn chặn đà lạm phát và dấu hiệu của suy thoái kinh tế vào năm 2011, không thể dựa vào những mệnh lệnh hành chính thiếu tính khả thi như đã và đang thực hiện.

Vũ Xuân Tiền

Luật gia

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc