Chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa

Mạnh tay hơn nếu dịch bệnh kéo dài

18:00 | 31/03/2020

186 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - “Hiện tại, với những tác động ban đầu, các chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa đang phù hợp, nhưng nếu dịch bệnh kéo dài, có thể Nhà nước sẽ phải đưa ra những biện pháp mạnh tay hơn”, TS Nguyễn Đức Độ, Phó viện trưởng Viện Kinh tế tài chính - Học viện Tài chính, nhận xét.

Hàng loạt quyết định giảm lãi suất

Đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, mới đây Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã quyết định điều chỉnh các mức lãi suất kể từ ngày 17-3-2020.

Cụ thể, NHNN ban hành Quyết định số 418, giảm lãi suất tái cấp vốn từ 6%/năm xuống 5%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 4%/năm xuống 3,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng từ 7%/năm xuống 6%/năm; lãi suất chào mua giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở từ 4%/năm xuống 3,5%/năm.

manh tay hon neu dich benh keo dai
Mạnh tay hơn nếu dịch bệnh kéo dài

Tiếp đó là Quyết định số 419 về lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ 0,8%/năm xuống 0,5%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 5,0%/năm xuống 4,75%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tại quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô giảm từ 5,5%/năm xuống 5,25%/năm; lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do tổ chức tín dụng (TCTD) ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường.

Đối với lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng tiền đồng của TCTD đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế theo quy định tại Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30-12-2016, NHNN ban hành Quyết định số 420 giảm từ 6%/năm xuống 5,5%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng tiền đồng của quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô giảm từ 7,0%/năm xuống 6,5%/năm.

Quyết định số 421 áp dụng lãi suất đối với tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng VND là 1%/năm; lãi suất đối với tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc bằng VND là 0%/năm; lãi suất đối với tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ là 0%/năm; lãi suất đối với tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ là 0,05%/năm.

Quyết định số 422 áp dụng lãi suất đối với tiền gửi bằng VND của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô là 1,0%/năm. Lãi suất đối với tiền gửi bằng VND của Kho bạc Nhà nước là 1,0%/năm; lãi suất đối với tiền gửi bằng ngoại tệ của Kho bạc Nhà nước là 0,05%/năm; lãi suất đối với tiền gửi bằng VND của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam là 1,0%/năm.

Các chuyên gia khẳng định, đó là bước đi rất đúng đắn của NHNN phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính quốc tế cũng như kịp thời tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh trong nước. Việc giảm một loạt lãi suất điều hành sẽ giúp các tổ chức tín dụng cần vốn có thể vay trực tiếp từ NHNN với lãi suất thấp, không phải đi vay từ các ngân hàng khác hay huy động trên thị trường dân cư với lãi suất cao hơn.

Doanh nghiệp “dễ thở” hơn

Ngay sau chỉ đạo của NHNN, các ngân hàng thương mại (NHTM) đã đồng loạt điều chỉnh biểu lãi suất huy động vốn. Đáng chú ý, mặc dù NHNN không quy định trần lãi suất tiền gửi từ 6 tháng trở lên, vẫn giao cho các TCTD được tự quyết định dựa trên cơ sở cung - cầu vốn trên thị trường.

Cụ thể, lãi suất cao nhất tại ACB giảm từ 7,8%/năm xuống còn 7,45%/năm (kỳ hạn 18-24 tháng, từ 5 tỉ đồng trở lên). Với kỳ hạn 12 tháng, lãi suất giảm từ 7-7,3%/năm xuống còn 6,7-7%/năm. Với kỳ hạn 6 tháng, lãi suất giảm 0,2 điểm phần trăm, xuống 6,3-6,6%/năm.

Biểu lãi suất huy động Techcombank đã có 2 lần điều chỉnh kể từ đầu tháng 3-2020, hiện lãi suất cao nhất chỉ ở mức 6,5%/năm áp dụng cho khách hàng ưu tiên gửi từ 3 tỉ đồng trở lên kỳ hạn 18 tháng thay vì 7,2%/năm hồi đầu tháng. Lãi suất tất cả các kỳ hạn (trừ kỳ hạn 18 tháng) áp dụng cho khách hàng bình thường, độ tuổi dưới 50 tại Techcombank hiện đều dưới 6%/năm, thấp hơn cả mức lãi suất niêm yết của Vietcombank, VietinBank.

NamABank giảm 0,3 điểm phần trăm lãi suất ở các kỳ hạn 30 tháng đến 36 tháng, xuống còn 7,5%/năm. Các kỳ hạn 26 tháng đến 29 tháng giảm 0,2 điểm phần trăm, xuống 7,5%/năm. Tại kỳ hạn 12 tháng, lãi suất tiền gửi tại điểm giao dịch của NamABank giảm từ 7,99% xuống 7,8%/năm. Trong khi đó, biểu lãi suất gửi online chỉ thay đổi ở các kỳ hạn dưới 6 tháng, còn lại không thay đổi...

TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, nhận định: Sự vào cuộc cắt giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế trước ảnh hưởng của dịch Covid-19 của NHNN là một động thái cần thiết, tạo thêm nguồn lực tài chính cho các NHTM, đặc biệt là các NHTM lớn khoanh nợ, giãn nợ, cho vay mới để hỗ trợ doanh nghiệp đang gặp khó khăn về tài chính do dịch bệnh. Quyết định của NHNN cũng phát đi tín hiệu chỉ báo lãi suất có xu hướng giảm, hỗ trợ cho phục hồi kinh tế sắp tới khi dịch bệnh được kiểm soát, đẩy lùi.

TS Võ Trí Thành, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, cho rằng đây là bước đi cần thiết, thích hợp ở thời điểm hiện tại, thể hiện sự cẩn trọng của NHNN, bởi một mặt vừa bảo đảm ổn định vĩ mô, mặt khác vẫn tạo dư địa để tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khi dịch Covid-19 qua đi. NHNN giảm mạnh lãi suất tái cấp vốn cho thấy nhà điều hành sẵn sàng cung ứng nguồn vốn chi phí thấp hơn để các NHTM mạnh dạn cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay mới.

Chính sách tiền tệ quan trọng nhất bây giờ là đối với những khoản nợ cũ, những doanh nghiệp không có doanh thu dẫn tới không trả được nợ đúng hạn, ngân hàng hỗ trợ bằng cách giãn nợ, cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp. Nếu lãi suất có thể giảm bao nhiêu thì tốt bấy nhiêu, giúp doanh nghiệp giảm thiểu chi phí.

TS Nguyễn Đức Độ, Phó viện trưởng Viện Kinh tế tài chính - Học viện Tài chính, nhận định: Việc giảm lãi suất điều hành lần này của NHNN mạnh hơn so với những lần giảm trước và là động thái chính sách tích cực, đúng thời điểm, gián tiếp hỗ trợ cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay thanh khoản của các NHTM vẫn duy trì tốt, thị trường tiền tệ liên ngân hàng có lãi suất thấp, nên nếu “bơm” tiền ra lúc này thì nền kinh tế chưa thể hấp thụ được. Nhưng cũng cần phải nói thêm rằng, dư địa để NHTM có thể giảm thêm lãi suất không còn nhiều. Trên thị trường, không ít NHTM đã giảm lãi suất huy động vốn. “Tôi cho rằng, một phần do tác động từ chính sách của NHNN, nhưng phần nữa xuất phát từ việc tăng trưởng tín dụng hiện nay đang thấp” - TS Nguyễn Đức Độ nhận xét.

Đưa ra giải pháp cụ thể, TS Nguyễn Đức Độ cho rằng, nếu dự báo tăng CPI năm 2020 xoay quanh mốc 4% thì một số lãi suất sau khi điều chỉnh vẫn phải ở mức thực dương. Chính sách tiền tệ quan trọng nhất bây giờ là đối với những khoản nợ cũ, những doanh nghiệp không có doanh thu dẫn tới không trả được nợ đúng hạn, ngân hàng hỗ trợ bằng cách giãn nợ, cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp. Nếu lãi suất có thể giảm bao nhiêu thì tốt bấy nhiêu, giúp doanh nghiệp giảm thiểu chi phí.

“Cùng với chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa có thể xem xét giảm thuế, phí, tăng đầu tư công... Những chính sách này đều đúng hướng, có điều là liều lượng đã đủ chưa thì phải xem dịch bệnh sẽ diễn biến ra sao. Hiện tại, với những tác động ban đầu, các chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa đang khá phù hợp, nhưng nếu bệnh dịch kéo dài, có thể Nhà nước sẽ phải đưa ra những biện pháp mạnh tay hơn” - TS Nguyễn Đức Độ nhận định.

M.T

Minh Thúy

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps