Mạnh tay đầu tư chứng khoán khiến loạt doanh nghiệp "méo mặt"

06:47 | 25/07/2022

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Kết thúc 6 tháng đầu năm 2022, nhiều doanh nghiệp "tay ngang" đắng lòng báo lợi nhuận giảm mạnh, thậm chí là thua lỗ đậm vì mạnh tay đầu tư chứng khoán.

Đầu tư cổ phiếu SHB và TCB khiến lợi nhuận tại Nhà Đà Nẵng bị “nhấn chìm”

Trong quý 2/2022, CTCP Đầu tư Phát triển Nhà Đà Nẵng (mã: NDN) chỉ ghi nhận doanh thu thuần 1 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ gần 185 tỷ đồng. Đối với hoạt động cốt lõi là chuyển nhượng bất động sản, Công ty không ghi nhận bất kỳ khoản doanh thu nào.

Mặt khác, thành tích đầu tư trên thị trường chứng khoán của NDN cũng bết bát không kém. Theo đó, Công ty chỉ ghi nhận lãi 356 triệu đồng từ hoạt động đầu tư chứng khoán nhưng khoản lỗ trong kỳ lại hơn 52 tỷ đồng. Khoản lỗ từ đầu tư cổ phiếu khiến chi phí tài chính của Công ty đội lên gần 129 tỷ đồng, gấp 11 lần cùng kỳ.

Với sự suy giảm ở cả lĩnh vực bất động sản lẫn đầu tư chứng khoán, NDN lần đầu báo lỗ sau thuế trong một quý với 114 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi sau thuế gần 85 tỷ đồng. Khoản lỗ trong quý 2 kéo kết quả 6 tháng đầu năm lỗ gần 91 tỷ đồng (cùng kỳ lãi 133 tỷ đồng).

Theo báo cáo tài chính quý 2/2022, danh mục đầu tư chứng khoán của NDN tập trung chủ yếu ở 2 cổ phiếu là SHB và TCB. Tính tới cuối quý 2/2022, NDN đang ghi nhận giá trị đầu tư chứng khoán là 310,6 tỷ đồng, dự phòng giảm giá 90,5 tỷ đồng và giá trị tài sản hợp lý còn 220,4 tỷ đồng. Trong đó, đáng chú ý đầu tư 124,1 tỷ đồng vào cổ phiếu SHB và trích lập dự phòng 46,4 tỷ đồng; đầu tư 59,2 tỷ đồng vào cổ phiếu TCB và trích lập dự phòng 18,3 tỷ đồng; đầu tư 88,8 tỷ đồng vào cổ phiếu VHM và trích lập dự phòng 17,98 tỷ đồng…

Thêm nữa, trong 6 tháng đầu năm, Công ty đã thoái các khoản đầu tư vào cổ phiếu DGC, EIB, FLC, KBC, TTF …

Mạnh tay đầu tư chứng khoán khiến loạt doanh nghiệp
Danh sách các cổ phiếu được Nhà Đà Nẵng đầu tư tính đến ngày 30/6/2022. (Nguồn: BCTC quý 2/2022).

Licogi 14 đang lỗ gần 380 tỷ khi ‘chơi tất tay’ cổ phiếu DIG và CEO

Còn tại CTCP Licogi 14 (mã: L14) là doanh nghiệp hoạt động chính trong lĩnh vực xây dựng, sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng. Tuy nhiên từ năm 2021, L14 chuyển hướng sang hoạt động đầu tư tài chính nhiều hơn, phân bổ lượng lớn nguồn vốn vào đầu tư chứng khoán, ngày càng xa rời hoạt động kinh doanh cốt lõi. Vì vậy, kết quả kinh doanh của L14 trở nên gắn chặt hơn với diễn biến của thị trường chứng khoán.

Trong quý 2/2022, L14 đạt doanh thu thuần gần 88 tỷ đồng, tăng trưởng 45% so với cùng kỳ 2021. Tuy nhiên, hoạt động tài chính là mảng khiến tình hình quý 2 của L14 bị tổn thương nặng nề.

Theo đó, doanh thu từ hoạt động tài chính chỉ đạt hơn 7 tỷ đồng, trong khi chi phí tài chính nhảy vọt lên hơn 402 tỷ đồng, chủ yếu do ghi nhận dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh lên tới gần 380 tỷ đồng. Kết quả, L14 báo lỗ sau thuế tới hơn 346 tỷ đồng, và lỗ ròng tới gần 238 tỷ đồng.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, L14 đạt doanh thu hơn 116 tỷ đồng, tăng trưởng 41% nhưng lỗ sau thuế và lỗ ròng tới 234 tỷ đồng và hơn 176 tỷ đồng sau khi khấu trừ các khoản chi phí.

Với kế hoạch đặt ra trong ĐHĐCĐ 2022 là 569 tỷ đồng doanh thu và 254 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, có thể thấy việc hoàn thành kế hoạch năm 2022 của L14 đang trở nên xa xăm.

L14 cho biết nguyên nhân thua lỗ là vì doanh nghiệp phải trích lập dự phòng mảng đầu tư tài chính, trong bối cảnh thị trường chứng khoán diễn biến kém khả quan.

Mạnh tay đầu tư chứng khoán khiến loạt doanh nghiệp
Nguồn: BCTC quý 2/2022 tại L14

Trong phần thuyết minh BCTC quý 2/2022, L14 không nêu rõ danh mục cổ phiếu đang nắm giữ tính tới thời điểm 30/06/2022. Tuy nhiên, báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021 chỉ rõ, danh mục đầu tư của L14 gồm gần 7,8 triệu cổ phiếu CEO của Tập đoàn C.E.O và 2,9 triệu cổ phiếu DIG của Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp). Với giá gốc là hơn 486 tỷ đồng, khoản đầu tư này có mức lãi trạng thái gần 330 tỷ đồng.

Tại ngày 31/12/2021, công ty đang sử dụng margin hơn 130 tỷ đồng từ các công ty chứng khoán như Agriseco, SHS, VPS. Trong đó vay ký quỹ là 57,3 tỷ đồng và ứng trước tiền bán hơn 80 tỷ đồng.

Tuy nhiên, khi thị trường đảo chiều giảm sâu, toàn bộ lợi nhuận bốc hơi khi công ty không thực hiện chốt lời. Tại ngày 30/6/2022, danh mục chứng khoán kinh doanh có giá trị gốc là 688,5 tỷ đồng, giảm nhẹ 12 tỷ đồng so với cuối quý 1/2022. L14 đang dự phòng giảm giá chứng khoán gần 380 tỷ đồng. Đồng nghĩa là danh mục này đang lỗ số tiền như vậy, tương đương tỷ lệ lỗ 55% danh mục.

Vĩnh Hoàn lỗ hơn 60 tỷ khi đầu tư chứng khoán bất động sản KBC, NLG và DXS

Lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2022 tại Vĩnh Hoàn (mã: VHC) có vẻ ấn tượng hơn với hai doanh nghiệp trên nhờ đẩy mạnh xuất khẩu và giá bán cá tra tăng mạnh.

Cụ thể, 6 tháng đầu năm, Vĩnh Hoàn ghi nhận doanh thu thuần 7.494 tỷ đồng và lãi sau thuế 1.341 tỷ đồng, tăng tương ứng 81% và 241% so cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế tính đến cuối tháng 6 hơn 5.150 tỷ đồng.

Với kết quả này, công ty đã thực hiện được 58% kế hoạch doanh thu và 84% chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế năm 2022 sau 6 tháng.

Tại ngày 30/6/2022, Vĩnh Hoàn ghi nhận 1.659 tỷ đồng đầu tư tài chính ngắn hạn, chủ yếu là tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn (1.522 tỷ). Bên cạnh đó, doanh nghiệp sở hữu danh mục cổ phiếu gồm CTCP Đầu tư Nam Long (Mã: NLG), Đất Xanh Services (Mã: DXS) và Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (Mã: KBC) với giá trị gốc gần 200 tỷ đồng và đã phải trích lập dự phòng gần 63 tỷ đồng.

Mạnh tay đầu tư chứng khoán khiến loạt doanh nghiệp
Nguồn: Thuyết minh BCTC quý 2/2022 của Vĩnh Hoàn.

Cụ thể, Vĩnh Hoàn tăng mạnh đầu tư vào cổ phiếu NLG của Nam Long từ 24 tỷ lên 69 tỷ đồng và đang dự phòng giảm giá gần 24 tỷ đồng; duy trì khoản đầu tư 53.2 tỷ đồng vào cổ phiếu

DXS của Đất Xanh Services, tạm lỗ 35.5 tỷ đồng và mua mới cổ phiếu KBC trị giá 40 tỷ đồng, lỗ 17.7 tỷ đồng tính đến 30/06.

Bên cạnh những doanh nghiệp 'tay ngang' thua lỗ vì đầu tư cổ phiếu, nhiều công ty chứng khoán cũng báo lỗ kỷ lục do mảng tự doanh thua lỗ.

Đơn cử như CTCP Chứng khoán APG (mã: APG) công bố BCTC quý 2/2022 với doanh thu hoạt động tăng 118% so với cùng kỳ, song báo lỗ gần 77 tỷ đồng. Trong đó mảng tự doanh lỗ hơn 170 tỷ đồng.

Trường hợp tại Chứng khoán Bảo Minh (mã: BMS) báo lỗ sau thuế quý 2/2022 hơn 133 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi ròng hơn 128 tỷ đồng, mảng tự doanh lỗ 160 tỷ đồng.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Hoàng Long