Mạng lưới điểm Xanh - "gươm" mới Mỹ đấu với Trung Quốc

13:36 | 22/11/2019

863 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Mỹ có thêm phương tiện ganh đua ảnh hưởng ở châu Á khi đưa ra sáng kiến Mạng lưới Điểm xanh.

"Mạng lưới Điểm Xanh là công cụ để Mỹ và các đồng minh cạnh tranh với Trung Quốc trên phương diện ảnh hưởng kinh tế ở châu Á", Derek Grossman, nhà nghiên cứu thuộc tổ chức Rand, Mỹ, nói với VnExpress về sáng kiến mới của Mỹ.

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross lần đầu công bố Mạng lưới điểm Xanh - Blue Dot Network (BDN) bên lề hội nghị cấp cao ASEAN ngày 4/11 tại Thái Lan. BDN do Cơ quan Đầu tư Tư nhân Hải ngoại Mỹ (OPIC), Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) cùng Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT) cùng khởi xướng và dẫn dắt.

Mạng lưới điểm Xanh -
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp châu Á - Thái Bình Dương 2019 ở Bangkok, Thái Lan, ngày 4/11. Ảnh: AFP.

Thông báo trên trang web OPIC cho biết BDN nhằm mục tiêu tăng cường hợp tác giữa khu vực công - tư, qua đó "thúc đẩy các tiêu chuẩn chất lượng cao, đáng tin cậy về phát triển cơ sở hạ tầng toàn cầu trong một khuôn khổ cởi mở và toàn diện". Sáng kiến này giống như con dấu chứng nhận tính minh bạch và chất lượng của các dự án cơ sở hạ tầng, giúp các nhà thầu, chính phủ và doanh nghiệp dựa vào đó để quyết định có tham gia dự án hay không.

Theo Grossman, cạnh tranh ảnh hưởng của Trung Quốc chủ yếu đến từ sáng kiến Vành đai, Con đường (BRI). Mỹ đang cùng Nhật và Australia thuyết phục các nước tham gia BRI hạn chế hợp tác với Trung Quốc, xem xét các lựa chọn khác đảm bảo hơn về mặt tài chính.

Sáng kiến BRI được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công bố vào năm 2013, với khuôn khổ hợp tác thương mại và cơ sở hạ tầng khổng lồ nhằm liên kết Trung Quốc với châu Âu, châu Phi và châu Á thông qua một loạt các cảng, đường sắt và đường bộ được Bắc Kinh tài trợ dọc theo các hành lang giao thương đường bộ và đường biển.

Hôm 5/11, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O'Brien nhấn mạnh sáng kiến BDN sẽ chống lại xu hướng hình thành những dự án "chất lượng không cao" đã khiến nhiều quốc gia rơi vào bẫy nợ, ám chỉ những phàn nàn từ Washington về các dự án được BRI tài trợ mà họ cho rằng đang phá vỡ chủ quyền cũng như sự ổn định tài chính của các quốc gia liên quan. Mỹ không phải nước duy nhất bày tỏ quan ngại về quỹ đầu tư cơ sở hạ tầng do Trung Quốc khởi xướng. Một số nước khác coi BRI là phần không thể thiếu trong chính sách "ngoại giao bẫy nợ" của Bắc Kinh khi mà họ từng không ít lần yêu cầu nhượng bộ hoặc đòi hỏi lợi ích từ những quốc gia không thể theo kịp tiến độ trả nợ.

Nói về khác biệt giữa BDN và BRI, Tiến sĩ Daniel Kliman, Giám đốc Chương trình an ninh châu Á - Thái Bình Dương, Trung tâm An ninh Mỹ mới (CNAS), cho rằng BDN nhằm thiết lập và củng cố các tiêu chuẩn để cơ sở hạ tầng ở châu Á được thực hiện một cách minh bạch, bền vững và thân thiện với môi trường. Mỹ và các nước đồng minh, đối tác đưa ra các tiêu chuẩn rõ ràng về cơ sở hạ tầng chất lượng cao, khuyến khích các nước hợp tác tốt hơn.

"Có thể BDN cũng tác động đến Trung Quốc, để Bắc Kinh cải thiện thực hiện các dự án", Kliman nói.

Theo Kliman, BDN được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc có tầm nhìn rõ ràng ở châu Á - Thái Bình Dương và thế giới. Bắc Kinh coi châu Á nằm trong "vùng ảnh hưởng của mình", các nước nhỏ hơn cần "chiều theo" lợi ích của Trung Quốc. Tầm nhìn này xa rời trật tự dựa trên luật lệ, nơi các nước có quyền bình đẳng.

"Sáng kiến Mạng lưới Điểm xanh của Mỹ hướng tới một tương lai của châu Á khác với mong muốn của Trung Quốc, theo cách mà khu vực này muốn", Kliman nói.

Do đó, Kliman cho rằng BDN sẽ mang lại nhiều thuận lợi cho các nước ở châu Á, xét về tầm nhìn khu vực.

Mạng lưới điểm Xanh -
Các tuyến đường trong sáng kiến Vành đai, Con đường của Trung Quốc. Ảnh: Asia Green.

Kliman phân tích một số dự án BRI có chi phí vượt mức dự kiến ban đầu, tác động xấu đến môi trường,chủ quyền của quốc gia. Các nước liên quan phải gánh nợ, không được chuyển giao công nghệ, lao động địa phương không được tham gia. Bên cạnh đó, Trung Quốc muốn là nước "đặt ra các tiêu chuẩn về công nghệ, thương mại", mang lại đặc quyền cho các công ty của mình. Dù Trung Quốc "cấp vốn nhanh cho các dự án" nhưng các nước cần tính đến tác động lâu dài.

"BDN hướng tới việc trở thành một lựa chọn khác, giúp các nước khắc phục các vấn đề tồn tại của BRI", Kliman nói.

Nêu thực trạng đầu tư cơ sở hạ tầng hiện nay ở châu Á - Thái Bình Dương, Tiến sĩ Jeffrey Wilson, Trung tâm Perth USAsia, Đại học Tây Australia, cho biết chính phủ nhiều nước cam kết đầu tư hàng tỷ USD, trong gói cam kết 1.000 tỷ USD, để xây dựng các dự án hạ tầng và kết nối trong khu vực nhưng thiếu nghiên cứu kỹ. Do đó, phần lớn các khoản đầu tư không hiệu quả, tác động xấu đến môi trường và một số trở thành "gánh nợ".

Theo Wilson, sáng kiến BDN hướng tới hỗ trợ cải thiện tính bền vững của các dự án, có thể giúp các nước châu Á - Thái Bình Dương thu hút vốn đầu tư từ cả tư nhân và các thể chế đa phương (như là các ngân hàng phát triển).

"Hiện còn quá sớm để đánh giá tác động của BDN với các nước ở châu Á. Cần có nhiều thời gian để xem BDN có khiến các nước giảm hợp tác trong BRI hay không", Grossman nói.

Theo VNE

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc