Macedonia: Cuộc đối đầu mới giữa Nga và phương Tây

07:00 | 21/05/2015

2,639 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Các cuộc tấn công khủng bố gây chết người và biểu tình đòi chính phủ phải từ chức rầm rộ trong những ngày qua ở Macedonia đang đẩy quốc gia vùng Balkan này đứng bên bờ vực một cuộc nội chiến. Những xung đột lợi ích giữa Nga và Mỹ tại khu vực Tây Balkan đang biến Macedonia có nguy cơ trở thành một Ukraine thứ hai.

Năng lượng Mới số 423

“Bóng ma” Maidan

Maidan là tên Quảng trường Trung tâm của thủ đô Kiev, Ukraine, cũng là nơi diễn ra cuộc biểu tình đầu tiên trong một chuỗi các cuộc biểu tình đòi Ukraine phải hội nhập với châu Âu diễn ra vào hôm 21/11/2013. Từ  là nơi biểu tình Maidan đã trở thành nơi người dân Ukraine chém giết lẫn nhau.

Sự kiện này đã trở thành dấu mốc mở đầu cho cuộc khủng hoảng ngày một trầm trọng ở Ukraine và một loạt diễn biến có ảnh hưởng to lớn đến cục diện thế giới. Chính quyền Yakunovych sụp đổ. Theo sau đó là sự kiện Nga sáp nhập Crimea và nội chiến ở miền Đông Ukraine, cướp đi sinh mạng của hàng chục nghìn người. Và vì những bất đồng trong cuộc khủng hoảng Ukraine trở thành một cái cớ để Mỹ và phương Tây tìm cách cô lập và áp đặt trừng phạt hà khắc với Nga, đẩy nền kinh tế của Moskva lâm vào cảnh cực kỳ khó khăn.

Macedonia: Cuộc đối đầu mới  giữa Nga và phương Tây

Biểu tình chống chính phủ ở Macedonia hôm 17/5/2015

Bây giờ, ở Macedonia, “bóng ma” Maidan đang rập rình ẩn hiện.

Hôm 17/5/2015, hơn 20.000 người Macedonia, trong đó có cả những người Albania - sắc tộc thiểu số ở Macedonia, đã tập trung tại trung tâm thủ đô Skopje, đòi chính phủ của Thủ tướng Nikola Gruevski phải từ chức, đồng thời tuyên bố sẽ tiếp tục “chiếm” đường phố đến chừng nào ông Gruevski ra đi.

Thực tế, tình hình tại quốc gia Balkan này đã trở nên nghiêm trọng từ 2 tuần trước khi có 22 người bị thiệt mạng trong một vụ đụng độ giữa cảnh sát và các phần tử thiểu số người gốc Albania tại thị trấn Kumanovo ở miền Bắc nước này. Chính phủ Macedonia xem đây là cuộc tấn công của “nhóm khủng bố nguy hiểm nhất ở Balkan”, trong khi phe đối lập cáo buộc chính phủ tìm cách lái dư luận khỏi cuộc khủng hoảng chính trị.

Phải nói thêm rằng, Kumanovo nằm cách biên giới giữa Macedonia với Serbia và Kosovo 10km. Nơi đây có đa phần người gốc Albania sinh sống. Chính tại đây năm 2001 đã nổ ra cuộc xung đột Macedonia - Albania. Cuộc xung đột kết thúc vài tháng sau đó bằng Thỏa thuận Ohrid và sự mở rộng đáng kể quyền của người gốc Albania. Do đó, sự cố này khiến người ta không thể “chờn vờn” nghĩ tới nguy cơ xảy ra một cuộc nội chiến ở Macedonia.

Đặc biệt, trước sự cố này, cuối tháng 4/2015, cũng tại khu vực biên giới Macedonia với Serbia và Kosovo, đã xảy ra vụ 40 người có vũ trang đeo mặt nạ và mặc quân phục gắn phù hiệu OVK (tên viết tắt của Quân đội Giải phóng Kosovo và Quân đội Giải phóng nhân dân, đã nhiều lần giao tranh với quân đội chính phủ Macedonia năm 2001) bắt 4 cảnh sát, tra tấn họ hơn 1 giờ đồng hồ rồi mới thả ra. Đáng chú ý, những kẻ tấn công này nói tiếng Albania và một trong số này đã tuyên bố đe dọa bằng tiếng Macedonia chưa thạo rằng: “Chúng tôi là người của OVK. Chúng tôi không cần Thỏa thuận Ohrid. Chúng tôi muốn có quốc gia của mình. Mọi người hãy đi khỏi đây nếu không muốn chết”.

Phương Tây giật dây?

Trước những diễn biến nghiêm trọng ở Macedonia, Liên minh châu Âu (EU) và NATO kêu gọi “điều tra minh bạch” trong khi Moskva cảnh báo về “những hậu quả nguy hiểm” của âm mưu tổ chức “cách mạng màu” ở quốc gia thành viên Liên bang Nam Tư (cũ). Moskva không ngần ngại cáo buộc “các nhà tổ chức phương Tây” đứng sau âm mưu này.

Trong chuyến thăm Serbia hôm 15/5/2015, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng thẳng thừng cáo buộc các cuộc tấn công khủng bố gây chết người gần đây tại Macedonia là một phản ứng đối với việc chính phủ quốc gia vùng Balkan này tham gia vào liên minh trừng phạt chống lại Nga. Theo ông Lavrov, EU đang cố gắng che giấu sự thực đằng sau vụ việc ở Macedonia, tránh không thừa nhận sự thất bại trong chính sách bình định khu vực Balkan của khối gồm 28 thành viên này. “EU không nên chơi trò “ném đá giấu tay” và cố thể hiện như không có liên can gì. Chúng tôi đang nghiêm túc xem xét những sự việc vừa qua ở Macedonia là kết quả của một âm mưu khủng bố được lên kế hoạch tốt”, ông Lavrov nói.

Những cáo buộc của người đứng đầu ngành ngoại giao Nga không phải không có cơ sở khi nhìn lại “vở kịch” mà Mỹ và phương Tây đã “diễn” ở Nam Tư, nhằm làm tan rã liên bang này và phá hoại ảnh hưởng truyền thống của Nga ở khu vực Balkan.

Vào thời điểm đó, đối với phương Tây, dù Liên bang Xôviết đã tan rã, nhưng nước Nga vẫn tiếp tục tồn tại và ngày một hùng mạnh. Kosovo, lúc đó thuộc Cộng hòa Serbia và Liên bang Nam Tư (cũ) đã trở thành đích nhắm để Mỹ thực hiện kế hoạch mở rộng NATO sang phía đông, đặt hệ thống phòng thủ tên lửa sát nách Nga.

Lợi dụng mâu thuẫn nội bộ nói trên của Kosovo, Mỹ và phương Tây thậm chí đã “bắt tay” và sử dụng Quân đội giải phóng Kosovo (KLA) - vốn nằm trong danh sách các tổ chức khủng bố của Mỹ. Vụ giết hại 45 “dân thường” Albania ở ngôi làng Racak, Kosovo tháng 1/1999 chính là cái cớ để các bộ máy tuyên truyền của Mỹ và phương Tây lu loa về cái gọi là “tội ác chống lại loài người” của lực lượng Chính phủ Nam Tư, sục sôi kêu gào Mỹ phải hành động để đảm bảo một thỏa thuận hòa bình giữa Serbia và người thiểu số Albania, bảo vệ những người dân vô tội. Hòa bình đâu không thấy, chỉ thấy NATO vin vào cái cớ đó để đưa máy bay không kích Nam Tư, bất chấp sự phản đối của Liên Hiệp Quốc.

Và 10 năm sau chiến dịch xâm lược Nam Tư của NATO, sự cắn rứt lương tâm đã buộc bác sĩ pháp y người Phần Lan Helena Ranta thú nhận trong cuốn tự truyện rằng, cô bị người đứng đầu của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) tại Kosovo là William Walker và Bộ Ngoại giao Phần Lan gây áp lực để viết báo cáo sai sự thật về những gì xảy ra ở Kosovo. Trong khi đó, sự thật là, lực lượng Chính phủ Serbia chỉ chống lại những kẻ khủng bố Albania, không nhằm vào dân thường mà cũng hoàn toàn không có bất cứ thường dân nào thiệt mạng trong “vở kịch Racak” đó.

Dẫu sao, sự cũng đã rồi. Ngày 17/2/2008, Kosovo tuyên bố độc lập. Chương cuối trong quá trình tan rã của Liên bang Nam Tư cũ khép lại, nhưng lại là sự mở màn nguy hiểm cho một cuộc vẽ lại bản đồ thế giới của những thế lực lớn với những quốc gia không đủ sức tự vệ và bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ.

Trong hoàn cảnh của Macedonia hiện tại, nhà phân tích chính trị Dusan Janjic cho rằng, đại bộ phận người Albania ở Macedonia không muốn bất ổn, vì họ khá thoải mái với các chính sách và có nhiều “chân” trong chính quyền, nhưng các “vị khách” chiến binh mới là vấn đề và có thể là ngòi nổ cho các cuộc xung đột sắc tộc. Ông Janjic nhận định, các cuộc tấn công khủng bố tương tự như Kumanovo sẽ tiếp tục và đang ngày càng trở nên gắn liền với ý tưởng về một cái gọi là “Greater Albania” (tạm dịch: Vì một Albania lớn hơn). Không loại trừ đụng độ có thể lan sang miền Nam Serbia, nơi có người Albania sinh sống.

“Đó hoàn toàn rõ ràng là một chương trình “Ukraine hóa vùng Balkan”. Nó khá giống với cách mạng “mùa xuân Arập” và khủng hoảng Ukraine” - ông Janjic nói.

Còn nhà phân tích chính trị Sinisa Malus thì bình luận: Đó không chỉ là tuyến đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ, vì Mỹ không có lợi khi Macedonia trở thành cửa ngõ cho khí đốt Nga vào Balkan. Những ai thấy trong các sự kiện này dấu vết của Mỹ, hãy lưu ý tới thực tế âm mưu tổ chức Maidan ở Macedonia trùng với chuyến đi tới Skopje của Đại sứ Mỹ Jesse Bailey, người đã làm việc lâu năm ở Thổ Nhĩ Kỳ và có quan hệ rộng trong khu vực. Tây Balkan đã trở thành nơi xung đột lợi ích giữa Washington và Moskva”.

Ánh Nguyệt