"Ma men” sau tay lái - Phải chặn từ gốc

07:00 | 30/05/2019

248 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Đã có quá nhiều cái chết oan uổng bởi những “ma men” sau tay lái dù những chiến dịch tuyên truyền “Đã uống rượu bia thì không lái xe”, hay không thiếu những chế tài xử phạt. Phải chăng, những giải pháp đó mới chỉ là xử lý phần ngọn, còn cái gốc - hạn chế sử dụng rượu bia; kiểm soát, ngăn chặn trước khi sự việc xảy ra; giám sát người thi hành công vụ... - vẫn chưa xử lý được? Phóng viên Báo Năng lượng Mới đã trao đổi với PGS.TS Trương Văn Vỹ, chuyên gia xã hội học, xung quanh vấn đề này.

PV: Thưa ông, mới đây nhất là 2 người phụ nữ trong hầm Kim Liên, trước đó là chị lao công trên đường Láng, tại Hà Nội, họ đều chết vì những kẻ say rượu lái xe gây ra. Ông chia sẻ gì về những vụ việc như thế?

ma men sau tay lai phai chan tu goc

PGS.TS Trương Văn Vỹ: Vài năm trước, tôi nhớ ngành giao thông đã có một thống kê rằng, khoảng 60 - 70% số vụ tai nạn giao thông xuất phát từ người uống rượu bia nhưng vẫn điều khiển các phương tiện giao thông. Con số đó hiện tại vẫn không ít đi, bằng chứng là nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra liên tiếp trong thời gian qua bởi những “ma men” sau tai lái. Tôi vẫn ám ảnh vụ chiếc container ở Long An càn qua hàng chục xe máy và gây chết nhiều người và tài xế được xác định là dương tính ma túy, nồng độ cồn trong máu rất cao. Có tin rằng, anh ta điều khiển chiếc xe điên ấy và gây tai nạn sau khi nhậu nhẹt trong một bữa tiệc.

Tai nạn giao thông đã là nỗi ám ảnh với xã hội. Tai nạn gây ra bởi những tài xế mà đầu óc đang bị dẫn dắt bởi cơn say càng khủng khiếp hơn, hậu quả của nó để lại cho xã hội bao giờ cũng rất nặng nề.

PV: Những khẩu hiệu như “Đã uống rượu bia thì không lái xe” hay “Say xỉn lái xe là tội ác”… đã xuất hiện từ rất lâu và ngay cả những đứa trẻ cũng có thể dễ dàng nhớ được. Nhưng dường như những thông điệp đó chưa đủ làm thức tỉnh nhiều người cầm lái?

PGS.TS Trương Văn Vỹ: Những khẩu hiệu không có gì mới. Vừa qua, có một chiến dịch truyền thông mạnh mẽ về những thông điệp này sau những vụ tai nạn chết người ở Hà Nội. Người ta nhắc lại thông điệp đó như thể là một điều tích cực chứng tỏ sự bức xúc của xã hội đối với tình trạng tài xế say xỉn đã diễn ra ngày càng nhiều.

Theo báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trong quý I/2019, toàn quốc xảy ra 4.030 vụ tai nạn giao thông, làm chết 1.905 người, bị thương 3.141 người. Trong đó có 7 vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, làm chết 29 người, bị thương 29 người, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Bao giờ cũng vậy, các giải pháp truyền thông hay xử phạt cũng chỉ có tác dụng làm giảm những tiêu cực chứ không thể nào ngăn chặn hoàn toàn, đó là một thực tế. Truyền thông về không lái xe khi uống rượu bia cũng vậy, nhưng đó vẫn là một phương pháp tích cực để góp phần làm giảm thiểu tình trạng những “ma men” sau tay lái. Những chiến dịch truyền thông đó sẽ tác động đến ý thức của cánh tài xế và thúc đẩy thay đổi hành vi. Và theo tôi, đây vẫn là một phương pháp không thể thiếu song song với các chế tài xử lý của pháp luật.

PV: Hiện tại, các hình thức xử phạt hành vi say rượu lái xe khá đầy đủ, thậm chí khá nặng như tước bằng lái, phạt tù, nhưng sự răn đe đó không thể ngăn cản nhiều người say rượu lái xe. Ông nghĩ sao về điều này?

PGS.TS Trương Văn Vỹ: Như tôi đã nói, những hành vi sai lệch thì luôn có biện pháp, có những biện pháp rất cực đoan, nhưng điều đó chỉ làm giảm bớt phần nào tội phạm thôi. Như với tội phạm ấu dâm, hiếp dâm, từ thời trung cổ người ta đã có hình phạt cao nhất là cắt “của quý”. Nhưng không vì thế mà tội phạm này ngừng xuất hiện.

Cũng như tuyên truyền, sự răn đe của pháp luật là rất cần thiết và cần nghiên cứu tăng cường hình phạt để giảm bớt hành vi bất chấp pháp luật, tính mạng con người của những “ma men” sau tay lái.

Ở đây tôi muốn nhấn mạnh đến ý thức của con người, cụ thể là làm sao đánh vào ý thức của người lái xe để họ thấy rằng, việc điều khiển phương tiện khi đã sử dụng rượu bia là rất nguy hiểm và có thể sẽ gây ra những hậu quả nặng nề với bản thân và mọi người.

ma men sau tay lai phai chan tu goc
Hiện trường tai nạn tại đường hầm Kim Liên

Và, muốn tác động đến ý thức thì có những bước như: Thứ nhất là cung cấp thông tin cho họ biết sử dụng rượu nguy hiểm nào, gây tai nạn, thiệt hại, đau khổ cho xã hội ra sao? Hai là tăng cường các biện pháp, chế tài nghiêm khắc hơn. Cuối cùng là sự kiểm soát bằng những chính sách của Nhà nước. Trong đó, công tác tuyên truyền tôi vẫn cho là quan trọng.

PV: Thưa ông, khi người ta đã say rượu rồi, đã mất khả năng kiểm soát hành vi thì mọi thông điệp truyền thông, mọi sự răn đe đều trở nên vô nghĩa. Cho nên có ý kiến cho rằng, vấn đề tuyên truyền, xử phạt chỉ là phần ngọn, cái gốc là làm sao cách ly người say với phương tiện, như quy định nơi bán rượu bia thì không có bãi đỗ xe như nhiều nước đang làm chẳng hạn. Ông có đồng tình với ý kiến đó?

PGS.TS Trương Văn Vỹ: Đây là một biện pháp ngăn chặn từ xa khá hữu hiệu và để làm được điều đó, không chỉ có ngành giao thông mà phải là sự vào cuộc của toàn xã hội. Có thể việc hạn chế tiếp cận phương tiện giao thông đối với người uống rượu bia bằng mọi hình thức sẽ tác động tới thói quen, lựa chọn của mọi người khi quyết định sử dụng rượu bia. Chỉ khi người ta ngại sử dụng rượu bia khi còn phải di chuyển sau đó thì mới hạn chế được một cách hiệu quả tai nạn giao thông do rượu bia.

ma men sau tay lai phai chan tu goc
Và đường Láng thời gian gần đây
Để các giải pháp ngăn chặn “ma men” lái xe đạt hiệu quả cao nhất cần tăng cường giám sát cả hai phía, thực thi luật và chấp hành luật. Cụ thể, ngoài tăng cường biện pháp, chế tài đối với tài xế say rượu vẫn lái xe thì cần thiết phải tăng cường trách nhiệm đối với đội ngũ thi hành công vụ.

Trước đây, tôi sang Đức, thấy họ có cách quản lý tài xế rất hay là quy định giờ lái xe và kiểm soát chặt chẽ bằng hệ thống điện tử. Tài xế xuất phát giờ nào, ở đâu đều phải đăng ký lên hệ thống và cảnh sát sẽ theo dõi trên đó. Tài xế chỉ được lái xe trong khoảng thời gian quy định, sau đó phải nghỉ ngơi rồi mới tiếp tục cầm lái chứ không có tình trạng muốn lái bao nhiêu giờ cũng được. Không riêng Đức, theo tôi biết, cách làm này đã được nhiều quốc gia áp dụng và khá hiệu quả.

Tôi nghĩ sắp tới chúng ta cần quản lý theo kiểu hiện đại như thế. Đó là làm sao có cơ chế kiểm soát cánh tài xế, nhất là tài xế xe tải đường dài một cách chặt chẽ hơn. Còn xử phạt để răn đe thì cần thiết nhưng đó là cách làm sau khi sự việc đã xảy ra rồi. Cách tốt nhất vẫn là phải làm sao ngăn chặn ngay từ trước khi những hậu quả có thể xảy ra.

Ngăn chặn từ trước, từ xa phải có các biện pháp từ vi mô đến vĩ mô. Trước hết là chính sách của Nhà nước để kiểm soát chung, kế đến là nơi quản lý tài xế và cuối cùng là bản thân tài xế.

PV: Cũng có ý kiến cho rằng, chuyện xin - cho giữa tài xế và cảnh sát giao thông một số nơi vẫn tồn tại nên cánh tài xế nhờn luật. Cho nên, ngoài giám sát tài xế thì cũng cần tăng cường giám sát đối với đội ngũ thi hành pháp luật. Ông có nghĩ như vậy không?

PGS.TS Trương Văn Vỹ: Rõ ràng, để các giải pháp ngăn chặn “ma men” lái xe đạt hiệu quả cao nhất cần tăng cường giám sát cả hai phía, thực thi luật và chấp hành luật. Cụ thể, ngoài tăng cường biện pháp, chế tài đối với tài xế say rượu vẫn lái xe thì cần thiết phải giám sát, tăng cường trách nhiệm đối với đội ngũ thi hành công vụ.

PV: Gần đây, dư luận tranh cãi về việc cảnh sát giao thông chặn ngay quán rượu để xử lý “ma men”, nhiều người đồng tình nhưng cũng không ít ý kiến phản ứng. Quan điểm của ông về cách làm này thế nào?

PGS.TS Trương Văn Vỹ: Chúng ta hoàn toàn có thể thấy được ưu điểm của biện pháp này, đó là giúp ngăn chặn những “ma men” ngay từ đầu, trước khi họ điều khiển phương tiện giao thông và có thể gây ra những sự cố, tai nạn đáng tiếc sau đó. Nhiều nước cũng có nhiều cách kiểm soát người uống rượu bia tham gia giao thông ngay trước quán rượu, đó là chuyện bình thường.

ma men sau tay lai phai chan tu goc
Logo “Đã uống rượu bia thì không lái xe” trên tay và ngực áo những người đến viếng tang chị Đinh Thị Hải Yến - 1 trong 2 nạn nhân vụ tai nạn ở hầm Kim Liên

Có một số người vẫn còn hơi lấn cấn cách thức thực hiện, song tôi cho rằng đó là biện pháp hiệu quả, là cách làm quyết liệt để ngăn chặn những hậu quả có thể xảy ra tiếp theo do những “ma men” gây ra.

PV: Nói đến rượu bia, không thể không nói đến thói quen uống rượu bia vô độ của nhiều người hiện nay. Phải chăng nếu chỉ tập trung vào xử phạt tài xế say rượu mà không có biện pháp kiểm soát việc uống rượu bia của người Việt thì sẽ khó có thể giải quyết triệt để tai nạn giao thông do rượu bia gây ra, thưa ông?

PGS.TS Trương Văn Vỹ: TP HCM đã đề xuất áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu bia để kéo giảm lượng tiêu thụ, tăng thu ngân sách và giảm bớt những hậu quả do tác động của rượu bia đối với xã hội, trong đó có tai nạn giao thông. TP HCM cũng từng đề xuất việc cấm buôn bán và uống rượu bia sau 22 giờ. Đó là những giải pháp hành chính, đánh vào kinh tế, để kiểm soát việc lạm dụng bia rượu. Điều đó rất cần thiết, dẫu khó làm và thực tế là chúng ta chưa làm được.

Không ở đâu mà rượu bia lại mua dễ dàng như nước ta, cũng hiếm có nơi mà độ tuổi nào cũng có thể tiếp cận bia rượu như Việt Nam. Chỉ với một ít tiền, người ta đã có thể tổ chức uống đến say xỉn bởi không ở đâu rượu bia lại rẻ đến như vậy…

Tôi không thấy ở đâu mà người uống rượu bia nhiều như chúng ta, lúc nào đi qua hàng quán cũng đông nghịt người, bất kể giờ giấc nào. Sự nhậu nhẹt vô độ ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội, sức khỏe con người. Sau mỗi dịp lễ, Tết, người ta lại thống kê có bao nhiêu người nhập viện vì nhậu say đánh nhau, bao nhiêu người chết vì tai nạn, vì bia rượu... Một đất nước chỉ gần 100 triệu dân nhưng mức tiêu thụ rượu bia luôn đứng trong top đầu châu Á thì khủng khiếp quá.

Hậu quả của rượu bia để lại là rất nặng nề nhưng chúng ta chưa có cách nào kiểm soát được nó. Không ở đâu mà rượu bia lại mua dễ dàng như nước ta, cũng hiếm có nơi mà độ tuổi nào cũng có thể tiếp cận bia rượu như Việt Nam. Chỉ với một ít tiền, người ta đã có thể tổ chức uống đến say xỉn bởi không ở đâu rượu bia lại rẻ đến như vậy…

Đó là những vấn đề mà những nhà xã hội, nhà hoạch định chính sách cần nghiêm túc nhìn nhận và đưa ra những giải pháp quản lý, kiểm soát hiệu quả.

PV: Cảm ơn ông đã chia sẻ!

Chuyên gia kinh tế - Tiến sĩ Huỳnh Thanh Điền: Cần đánh thuế thật nặng với rượu bia

ma men sau tay lai phai chan tu goc

Rượu bia là mặt hàng không thể cấm sử dụng nên cần có biện pháp hạn chế bằng cách tăng thuế. Nếu chỉ khuyến khích người dân ít uống rượu bia không thôi thì không có tác dụng nhiều bằng việc đánh thuế cao, tăng giá bán. Bên cạnh đó, việc này còn giúp tăng nguồn thu ngân sách.

Một quốc gia đang phát triển mà một năm chi tới hàng tỉ USD để tiêu thụ đến hơn 4 tỉ lít bia là quá mức. Mặt khác, việc lạm dụng rượu bia đã xảy ra quá nhiều hệ lụy đối với xã hội, điển hình là tai nạn giao thông, rất nhiều vụ tai nạn giao thông có dính dáng đến rượu bia. Bên cạnh đó, nhiều vụ việc gây mất an ninh trật tự xã hội cũng có liên quan đến rượu bia…

Hiện tại, nhiều nước trên thế giới đã áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng có cồn. Ở Singapore, các loại rượu đều chịu mức thuế tiêu thụ đặc biệt 88 đôla Singapore/lít (1,5 triệu đồng). Đặc biệt, Malaysia là quốc gia áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với bia cao thứ hai thế giới, sau Na Uy, với mức thuế là 7,4 ringgit/lít (42.000 đồng/lít) cộng thêm 15% thuế giá trị gia tăng.

Tại Thái Lan, sau các vụ tai nạn liên quan tới tình trạng say xỉn tăng liên tục những năm gần đây, Chính phủ đã buộc phải áp dụng nhiều biện pháp, trong đó có thuế rượu bia.

Cụ thể, năm 2017, Thái Lan áp dụng luật thuế mới, theo đó mỗi chai rượu nhập khẩu có giá hơn 1.000 baht (730.000 đồng) sẽ chịu thuế trên 110 baht (80.000 đồng). Đối với rượu sản xuất nội địa, mức thuế được áp dụng là 25 baht/chai (18.000 đồng/chai).

Trong khi đó, thuế đánh lên mỗi lon bia là hơn 0,5 baht (365 đồng), nhưng thuế đánh mỗi chai bia hơn 2,66 baht (1.940 đồng). Đối với các loại bia có giá cao hơn, mức thuế sẽ giảm còn từ 0,99-2 baht (723-1.460 đồng) mỗi chai hoặc lon.

Lê Trúc

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc