Thị trường hàng không Việt Nam

Luồng gió mới từ những “tân binh”

14:45 | 03/01/2020

524 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Năm 2019, thị trường chứng kiến ngành hàng không xuất hiện hàng loạt tân binh, phá vỡ “thế kiềng ba chân” của Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific. Đáng chú ý, sự xuất hiện những hãng hàng không mới mang đến nhiều sự mới mẻ, hành khách được hưởng lợi nhiều nhất.  

Những “tân binh” nhập cuộc

luong gio moi tu nhung tan binh
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn

Thị trường hàng không Việt bấy lâu nay vốn quen với sự “thống trị” của Vietnam Airlines hay Vietjet Air giá rẻ. Từ đầu năm 2019, thị trường đón thêm Bamboo Airways của đại gia Trịnh Văn Quyết. Các chuyên gia hàng không nhận định, với sự góp mặt của Bamboo Airways, thị trường hàng không sẽ có nhiều biến động, các hãng hàng không sẽ phải cạnh tranh mạnh mẽ khi “miếng bánh” thị phần bị chia nhỏ.

Bất ngờ hơn, nửa sau năm 2019, thị trường hàng không Việt Nam lần lượt có thêm 4 tân binh nhập “cuộc chơi” hàng không đến từ các tập đoàn kinh doanh du lịch, bất động sản…

Tháng 7/2019, Cục Hàng không Việt Nam cấp chứng nhận khai thác máy bay (Aircraft Operator Certificate-AOC) cho Công ty CP Hàng không lưỡng dụng Ngôi Sao Việt (Vietstar Airlines). Đây là hãng hàng không đầu tiên được cấp AOC thương mại cho máy bay phản lực thương gia tại Việt Nam. Vietstar Airlines sẽ cung cấp dịch vụ bay VIP cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Sau đó là Hãng hàng không Vietravel Airlines của Công ty CP Du lịch và Tiếp thị giao thông vận tải Việt Nam - Vietravel. Vietravel Airlines định hướng khai thác các đường bay phục vụ khách du lịch theo hình thức thuê chuyến (charter).

Tiếp đó là dự án thành lập Hãng hàng không Vinpearl Air của Tập đoàn Vingroup có tổng vốn đầu tư 4.700 tỉ đồng, dự kiến khai thác cả đường bay nội địa và quốc tế từ tháng 7-2020 và chọn Nội Bài làm sân bay căn cứ.

Ghi tên vào danh sách tân binh tiếp theo là Công ty CP Hàng không Thiên Minh khi đề xuất thành lập Hãng hàng không Cánh Diều (KiteAir), vốn điều lệ 1.000 tỉ đồng.

Mặc dù mới khai thác thương mại từ đầu năm 2019, nhưng đến nay, Bamboo Airways đang khai thác 33 đường bay nội địa và quốc tế, kết nối các thành phố lớn, điểm đến du lịch nổi tiếng tại Việt Nam và giữa Việt Nam với quốc tế. Bamboo Airways vận chuyển hơn 2 triệu lượt hành khách, thực hiện hơn 18.000 chuyến bay an toàn với tỷ lệ đúng giờ trung bình cao nhất toàn ngành hàng không Việt Nam 10 tháng năm 2019.

Khách hàng hưởng lợi

Hiệp hội Vận chuyển hàng không quốc tế (IATA) dự báo, thị trường hàng không Việt Nam phát triển nhanh thứ 5 thế giới, đạt 150 triệu lượt hành khách vào năm 2035.

luong gio moi tu nhung tan binh
Thị trường hàng không Việt Nam nửa cuối năm 2019 đón nhận nhiều “tân binh”

Trao đổi với phóng viên Báo Năng lượng Mới, GS.TS Từ Sỹ Sùa - chuyên gia giao thông - cho biết: “Ngày xưa chỉ những người có thu nhập cao mới đi tàu bay, còn hiện nay những người có thu nhập trung bình cũng có thể đi được. Đặc biệt, khi xuất hiện những hãng hàng không giá rẻ thì “miếng bánh” thị trường được mở rộng hơn, to hơn. Đứng trước thực trạng này, Nhà nước cần phải tạo sân chơi bình đẳng, lành mạnh, không phân biệt tư nhân hay Nhà nước để có sự cạnh tranh lành mạnh, hướng đến mục tiêu cuối cùng là người dân được hưởng lợi”.

Theo báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam, trung bình 10 tháng năm 2019, tỷ lệ bay đúng giờ của các hãng hàng không Việt Nam là 85,7%, cao hơn tỷ lệ trung bình của thế giới năm 2018 là 75-78%, trong đó Bamboo Airways đạt tỷ lệ bay đúng giờ cao nhất 93,9%.

GS.TS Từ Sỹ Sùa cũng nhấn mạnh, sự gia tăng nhiều hãng hàng không dẫn đến việc hành khách có nhiều sự lựa chọn, được phục vụ tốt hơn trong môi trường cạnh tranh. “Trong thị trường có nhiều phân khúc giống như một người dân có sự lựa chọn ở khách sạn 5 sao, 4 sao hay không có sao nào cả. Tôi muốn nhấn mạnh đến việc người dân được lựa chọn dịch vụ phù hợp với túi tiền và sở thích của mình” - ông Từ Sỹ Sùa nói.

Đại diễn Bamboo Airways cho biết, việc nhiều hãng hàng không tham gia vào thị trường buộc các hãng phải có những chiến lược kinh doanh riêng để thu hút hành khách, đặc biệt là chất lượng dịch vụ và giá cả.

“Khi có sự tham gia của nhiều hãng hàng không mới, người được hưởng lợi đầu tiên là hành khách. Ngoài ra, sự phát triển mạng bay và đội bay cũng sẽ phần nào đáp ứng được nhu cầu đi lại đang tăng cao của người dân. Có thêm hãng hàng không sẽ đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ, giúp cho hành khách có thêm sự lựa chọn đi lại, tăng thêm yếu tố thúc đẩy thị trường phát triển theo hướng tự do hóa, có tính cạnh tranh cao và phù hợp với xu thế phát triển chung của khu vực cũng như trên thế giới” - đại diện Bamboo Airways nói.

Cũng theo vị đại diện này, trong thời gian tới, Bamboo Airways sẽ chuẩn bị bài bản, đồng bộ về sản phẩm, dịch vụ, kỹ thuật, đội bay..., hạn chế tình trạng chậm, hủy chuyến, đồng thời kiện toàn bộ máy nhân sự giàu kinh nghiệm, đáp ứng đầy đủ yêu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao để mở rộng hoạt động…

Cần quản lý chặt chẽ

Tại Tọa đàm “Hàng không Việt Nam: Cơ hội và thách thức” tháng 12-2019, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Lê Anh Tuấn cho biết, sự phát triển của ngành hàng không đã góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, mở rộng giao thương quốc tế, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, giúp Việt Nam trở thành một điểm đến du lịch hấp dẫn trong con mắt bạn bè quốc tế.

Đặc biệt, trong khoảng 10 năm trở lại đây, thị trường vận tải hàng không Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, tốc độ tăng trưởng liên tục đạt trên 15%/năm. Một điều đáng ghi nhận là mặc dù duy trì tốc độ tăng trưởng cao nhưng hàng không Việt Nam không để xảy ra tai nạn gây tổn thất về người.

Lãnh đạo Bộ GTVT cũng nhận định, trong quá trình phát triển, mặc dù đã có những kết quả nhất định nhưng cũng còn rất nhiều vấn đề phức tạp nảy sinh, cả với cơ quan quản lý Nhà nước và với các doanh nghiệp kinh doanh hàng không. Làm thế nào để phát triển hàng không Việt Nam nhanh nhưng duy trì sự bền vững trong một thị trường cạnh tranh lành mạnh, đem đến cho người dân dịch vụ an toàn nhất, thuận tiện nhất, là điều mà cơ quan quản lý Nhà nước, trong đó có Bộ GTVT, luôn hướng tới.

Ở tầm vĩ mô, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo nhằm phát triển lĩnh vực hàng không theo đúng định hướng, bảo đảm an toàn bay, trong đó có chỉ đạo hồi tháng 6/2019 tại cuộc họp Thường trực Chính phủ.

Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ GTVT chỉ đạo đánh giá năng lực ngành hàng không và có biện pháp quản lý để phát triển tốt nhưng phải phù hợp với quy hoạch, năng lực cơ sở hạ tầng và nhân lực. Việc thành lập mới hoặc nâng quy mô của các hãng hàng không phải bảo đảm yêu cầu duy trì và nâng cao năng lực khai thác an toàn bay của các hãng hàng không, năng lực giám sát an toàn của cơ quan quản lý, khả năng cung ứng nhân lực đặc thù (phi công, kỹ sư, thợ máy sửa chữa và bảo dưỡng...) và khả năng đáp ứng của cơ sở hạ tầng hàng không. Thủ tướng cũng yêu cầu các hãng hàng không sau khi thành lập phải hoạt động theo đúng kế hoạch được duyệt, phải có sân bay căn cứ, không gây ùn tắc, quá tải tại một số sân bay.

Xuân Hinh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc