Chương trình nghệ thuật giải trí cho thiếu nhi

Lượng có xứng với chất?

08:00 | 06/06/2018

224 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Mỗi khi đến hè, kết thúc năm học, các nhà hát, các đơn vị nghệ thuật lại tung ra nhiều chương trình dành cho thiếu nhi, đa dạng về thể loại, phong phú về cách thể hiện. Tuy nhiên, câu chuyện chất lượng vẫn là điều nhiều bậc cha mẹ băn khoăn khi lựa chọn chương trình cho con mình.  

“Ra quân” rầm rộ

Nhiều nơi trong cả nước đang tưng bừng tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí đa dạng, hấp dẫn nhân dịp Quốc tế Thiếu nhi 1-6 và hè 2018.

Nhà hát Tuổi trẻ đi tiên phong với 3 chương trình mới được khai màn từ ngày 20-5 gồm “Căn bếp đại chiến” (Đoàn kịch 1), “Niềm vui của đám gà nhà” (Đoàn kịch 2) và “Giấc mơ của nàng tiên cá” (Đoàn ca múa nhạc). Chương trình được dàn dựng với các tiết mục ca - múa - nhạc - kịch đặc sắc, chuyển tải những thông điệp tốt đẹp về tình bạn, tình thân, ngợi ca tinh thần dũng cảm, đức tính chăm chỉ, chịu khó học hỏi, lòng tự tin, sự chia sẻ và giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống.

Từ ngày 26-5, Nhà hát Kịch Việt Nam biểu diễn 3 vở diễn “Ăn quả trả vàng”, “Chuyện chàng dũng sĩ” và “Ngũ hổ tướng” đã được dàn dừng từ mấy năm trước…

Với sân khấu xiếc, Liên đoàn Xiếc Việt Nam thực hiện chương trình đặc biệt Thế giới hoạt hình trong khu rừng thần tiên với nhiều tiết mục xiếc thú voi, trăn, khỉ, chó, lợn, vẹt... cùng xuất hiện bên cạnh các nhân vật hoạt hình nổi tiếng: Công chúa tóc mây, mèo máy Doraemon, gấu Kungfu Panda... Các nghệ sĩ kết hợp khéo léo giữa xiếc thú, xiếc người và ảo thuật, pha chút hài hước, hợp thành câu chuyện hấp dẫn về thế giới muôn loài trong khu rừng thần tiên.

luong co xung voi chat
Một cảnh trong vở kịch “Giấc mơ của nàng tiên cá” (Nhà hát Tuổi trẻ)

Nhà hát Múa rối Thăng Long có 2 chương trình “Chào hè 2018” và “Thế giới của chúng em”. Nhà hát phục vụ khán giả vở múa rối tổng hợp “Đi phượt cùng bà lão đánh cá” (đạo diễn: NSND Nguyễn Tiến Dũng), một câu chuyện cổ tích được dàn dựng mới lạ, hiện đại, dí dỏm. Sau những tiếng cười sẽ là các thông điệp khuyến khích trẻ hướng thiện, biết yêu thương, quý trọng những tình cảm của người thân dành cho mình.

Tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ (Hà Hội), Đông Đô show phục vụ khán giả nhí vở kịch “Người hùng sân cỏ giải cứu biệt đội siêu khủng long”, gửi gắm tâm tư của những người làm nghệ thuật về vấn đề quyền trẻ em...

Bên cạnh các hoạt động nghe nhìn, nhiều điểm vui chơi dành cho thiếu nhi cũng được triển khai trong hè này như Bảo tàng Dân tộc học tổ chức những hoạt động tìm hiểu các trò chơi dân gian của nhiều quốc gia trên thế giới vào ngày 26 và 27-5…

Những “món” quen thuộc

Mặc dù số lượng các chương trình dành cho thiếu nhi trong dịp Quốc tế Thiếu nhi, kết thúc năm học… rất nhiều, song vẫn chủ yếu là những “món” đã quen thuộc với trẻ nhỏ như hài kịch, múa rối, ca múa nhạc, xiếc, tạp kỹ, hoạt cảnh…

Bên cạnh đó, các đơn vị hay dàn dựng những tiết mục đơn giản với những nhân vật quen thuộc như người máy, người nhện, công chúa Elsa, Bạch Tuyết... Vì thế, nhiều chương trình, tiết mục lặp lại về ý tưởng cũng như cách dàn dựng mà thiếu đi sự bất ngờ. Không chỉ vậy, các vở diễn phần nhiều vẫn nặng về gây cười, pha trò theo kiểu tấu hài, cốt truyện lỏng lẻo, lặp đi lặp lại, chưa kể một vở diễn thường thiếu nhi phải thêm vào múa, ca nhạc, kịch.

Chính vì sự nhập nhằng giữa các loại hình, không biết loại hình nào là chính trong vở diễn khiến vở diễn trở nên “hỗn loạn”, chắp vá. Nếu tình trạng này tiếp tục lặp lại, có thể các chương trình này sẽ bị chính các khán giả nhí quay lưng.

Về việc dàn dựng chương trình cho thiếu nhi, Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, NSƯT Chí Trung khẳng định: “Ở Nhà hát Tuổi trẻ, chúng tôi đã siết chặt hơn các chương trình. Bởi vì chúng tôi quan niệm, thời làm nhom nhem, bật đèn sáng cho trẻ em vào đã qua lâu rồi. Bây giờ ngay cả các con vào siêu thị chọn đồ, tự các con cũng chọn được đồ mình thích chứ đâu cần bố mẹ chọn nữa. Đó là một điều khác biệt rất lớn”.

NSƯT Đức Hùng cho rằng: Với sự thông minh, nhanh nhạy của trẻ em thời công nghệ số, làm chương trình nghệ thuật cho thiếu nhi không thể hời hợt, chỉ có hát, múa mà cần phải có sự đầu tư thích đáng để các em cảm nhận nhân vật mà mình đang xem trên sân khấu đúng như tưởng tượng của mình.

Nhà báo Đặng Diễm Quỳnh, Trưởng ban Tổ chức Liên hoan Thiếu nhi quốc tế 2018, nhận định: Đôi khi niềm vui thật sự của các em là những giây phút vui vẻ với bạn bè hơn là trình diễn trên sân khấu. Để có chương trình thật sự dành cho các em thì người lớn phải cố gắng giữ được sự hồn nhiên, trong trẻo của trẻ thơ, đừng để các em già trước tuổi.

Có thể thấy, sân khấu nghệ thuật dành cho thiếu nhi trong nhiều năm nay vẫn là câu chuyện thiếu những kịch bản đủ chất lượng. Về vấn đề này, NSƯT Chu Lượng - Phó giám đốc Nhà hát Múa rối Thăng Long cho biết: “Cái khó của nhiều đơn vị nghệ thuật hiện nay là tác giả viết kịch bản cho thiếu nhi không nhiều, chủ yếu là những tác phẩm dành cho người lớn”.

Nhiều năm nay, các chương trình nghệ thuật giải trí dành cho thiếu nhi vẫn theo mùa vụ và tập trung vào dịp hè. Thực tế đó cho thấy nhu cầu giải trí của trẻ em thực sự chưa được quan tâm đúng mức và chưa được đầu tư, xây dựng một cách bài bản. Ngược lại, các nghệ sĩ nếu không có được những tác phẩm hấp dẫn, thật sự có giá trị thì cũng khó có thể thu hút các em đến thưởng thức và yêu mến. Chính vì vậy, để các chương trình nghệ thuật giải trí không bị rơi vào tình trạng “ăn đong” hay “lặp lại” thì các nghệ sĩ phải nỗ lực hơn nữa để tạo cho trẻ thói quen thưởng thức những tác phẩm nghệ thuật chất lượng cao và phù hợp lứa tuổi.

Với sự thông minh, nhanh nhạy của trẻ em thời công nghệ số, làm chương trình nghệ thuật cho thiếu nhi không thể hời hợt, chỉ có hát, múa mà cần phải có sự đầu tư thích đáng để các em cảm nhận nhân vật mà mình đang xem trên sân khấu đúng như tưởng tượng của mình.

K.An

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.