Luật Đất đai sửa đổi sẽ tạo luồng sinh khí mới

12:54 | 06/11/2013

829 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trao đổi bên lề phiên thảo luận hội trường xung quanh Luật Đất đai (sửa đổi), Luật sư Trương Trọng Nghĩa, Đại biểu Quốc hội TP HCM đã đưa ra những nhận xét xác đáng về dự thảo Luật.

“Luật Đất đai, trước tiên phải tuân thủ Hiến pháp. Kế đó, luật phải cụ thể hóa những qui định cơ bản của Hiến pháp, trên tinh thần khắc phục yếu kém, bất cập trong chính sách pháp luật đất đai vừa qua, đã làm ảnh hưởng rất nhiều quyền lợi của người dân, gây ra những xáo trộn trong xã hội. Thậm chí có một vài trường hợp nhân dân phản ứng tiêu cực, bột phát, để lại thiệt hại xã hội, khiến người dân sụt giảm niềm tin vào chính sách pháp luật.

Cũng theo Luật sư Nghĩa, dự thảo Luật Đất đai sửa đổi phải tạo ra được luồng sinh khí mới cho công tác quản lý đất đai, sử dụng đất đai. “Cầm dự án Luật trong tay, làm sao người dân phải thấy nó chạm tới mình, người dân hài lòng vì họ thấy quyền lợi về đất đai của mình được bảo đảm một cách khách quan, công bằng.

Luật sư Trương Trọng Nghĩa, Đại biểu Quốc hội TP HCM.

Tuy nhiên, Luật Đất đai tự nó đã phức tạp, còn cá nhân tôi băn khoăn với người nông dân và đất đai của họ. Nông nghiệp rất quan trọng, người nông dân không chỉ làm ra lúa gạo nuôi dưỡng 90 triệu đồng bào mà còn đóng góp rất lớn cho xuất khẩu. Tuy nhiên, vì Luật Đất đai bất cập và việc thực thi bị bóp méo, và do có tiêu cực trong quản lý đất đai mà họ luôn chịu thiệt thòi, chèn ép. Tôi mong rằng, sau này Chính phủ tiếp tục thể hiện tinh thần chung của cả hệ thống chính trị là hài hòa lợi ích các bên. Vừa phát triển kinh tế, vừa đảm bảo an sinh – xã hội, đặc biệt là với người nông dân.

Theo Luật sư Nghĩa, để được giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất các tổ chức, cá nhân phải có dự án do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư hoặc Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định.

Các trường hợp chuyển mục đích sử dụng từ 10 héc ta đất trồng lúa trở lên, từ 20 héc ta đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng trở lên phải được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận hoặc Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng dưới 10 héc ta đất trồng lúa, dưới 20 héc ta đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng. Đối với các dự án sử dụng đất tại các xã biên giới, ven biển, hải đảo thì phải được sự chấp thuận bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Luật sư Nghĩa đồng tình với dự thảo Luật khi quy định cụ thể các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, phục vụ lợi ích quốc gia, công cộng, phát triển kinh tế - xã hội để hạn chế việc thu hồi đất tràn lan gây bức xúc, khiếu kiện trong nhân dân.

Việc thỏa thuận để chuyển nhượng, cho thuê, góp vốn bằng quyền sử dụng đất giữa hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất với nhà đầu tư chỉ thực hiện đối với những dự án không thuộc trường hợp Nhà nước trực tiếp thu hồi đất, thường là những dự án nhỏ, lẻ. Theo đại biểu, đây là thỏa thuận mang tính dân sự theo nguyên tắc bình đẳng trên cơ sở các quyền hợp pháp của người sử dụng đất, vì vậy không cần có cơ chế can thiệp bằng biện pháp hành chính của Nhà nước.

Về bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất, dự luật chỉnh lý theo hướng việc bồi thường phải đảm bảo bù đắp những thiệt hại cho người có đất do việc thu hồi đất gây ra như thiếu đất sản xuất, nhà ở, sản xuất bị gián đoạn, lợi nhuận bị giảm sút, cuộc sống, sinh hoạt bị ảnh hưởng như dự thảo là thích hợp - Luật sư Nghĩa nhận định. Nhà nước cần tạo điều kiện cho người có đất thu hồi có cuộc sống tốt hơn.

Lê Tùng