Xử phạt hành vi vi phạm về môi trường

Luật chưa đi vào cuộc sống - Vì sao?

07:05 | 21/07/2018

805 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Nghị định số 155/2016/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường chính thức có hiệu lực từ tháng 2-2017 với nhiều quy định mới, trong đó nhiều vi phạm sẽ bị xử phạt cao gấp 10 lần. Tuy nhiên, sau hơn 1 năm thực thi, quy định này chưa thực sự đi vào cuộc sống. Phóng viên Báo Năng lượng Mới đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Văn Thức, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) về vấn đề này.  

PV: Ông đánh giá thế nào về kết quả thực hiện Nghị định 155?

luat chua di vao cuoc song vi sao

Ông Hoàng Văn Thức: Nghị định 155 đã tạo sự chuyển biến tích cực đối với doanh nghiệp và người dân. Đối với doanh nghiệp, khung và mức phạt cao, hình thức phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả nghiêm khắc (ngoài bồi thường thiệt hại, khắc phục các vi phạm, có thể buộc phải dừng hoạt động...) đã buộc các doanh nghiệp phải quan tâm hơn đến công tác bảo vệ môi trường, hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục còn thiếu theo quy định; quan tâm đầu tư và vận hành thường xuyên hệ thống xử lý chất thải đạt QCVN; thu gom, quản lý, xử lý chất thải... Ý thức bảo vệ môi trường của doanh nghiệp và người quản lý, chủ doanh nghiệp được nâng lên, nhờ đó, môi trường tại các khu công nghiệp, khu vực sản xuất, kinh doanh từng bước được cải thiện.

Đối với người dân, việc quy định thẩm quyền lập biên bản và xử phạt các vi phạm về xả thải tại các khu vực đô thị, khu dân cư, khu vui chơi, giải trí... cũng đã góp phần nâng cao ý thức và nhận thức về thu gom, phân loại, xử lý rác, giữ gìn vệ sinh môi trường ở các khu đô thị, khu dân cư, nơi công cộng.

PV: Theo phản ánh của một số địa phương, việc thực hiện Nghị định 155 còn một số khó khăn như: chưa có quy định xử lý với hành vi không thực hiện quan trắc, giám sát môi trường; các căn cứ để xử phạt đều phụ thuộc vào kết quả quan trắc, trong khi đó, phương tiện, thiết bị, lực lượng giám sát, thực thi pháp luật còn hạn chế... Ông nhận xét thế nào về những ý kiến đó?

Ông Hoàng Văn Thức: Khi triển khai thi hành Nghị định 155, nhiều địa phương đã phản hồi là nghị định chưa quy định xử phạt hành vi không quan trắc, giám sát môi trường. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, theo tinh thần Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành, hiện nay chỉ bắt buộc quan trắc, giám sát đối với chất thải và yêu cầu phải báo cáo giám sát chất thải.

Trong Nghị định 155, nhóm hành vi vi phạm về xả thải có khung và mức phạt rất cao, đây là hành vi gây ô nhiễm, chỉ có thể được phát hiện, xử lý khi có kết quả đo đạc, quan trắc. Các vi phạm gây ô nhiễm có tính thời điểm, thời gian xảy ra ngắn, muốn phát hiện được thì cần phải có các số liệu quan trắc, phân tích các thông số môi trường. Do đó, không còn cách nào khác là phải sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật mới có thể phát hiện và xử lý vi phạm. Điều này có phần khó khăn đối với những địa phương có nguồn ngân sách hạn hẹp, chưa có đủ điều kiện để trang bị phương tiện, thiết bị đo.

luat chua di vao cuoc song vi sao
Các bạn trẻ vận động mọi người cùng tham gia nhặt rác
Trong Nghị định 155, nhóm hành vi vi phạm về xả thải có khung và mức phạt rất cao, đây là hành vi gây ô nhiễm, chỉ có thể được phát hiện, xử lý khi có kết quả đo đạc, quan trắc. Các vi phạm gây ô nhiễm có tính thời điểm, thời gian xảy ra ngắn, muốn phát hiện được thì cần phải có các số liệu quan trắc, phân tích các thông số môi trường.

Hiện nay trong toàn ngành tài nguyên và môi trường đã hình thành 63 trung tâm quan trắc, phân tích môi trường thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong cả nước. Ngoài ra, trong toàn quốc có hàng trăm trung tâm, phòng phân tích thí nghiệm tại các bộ, ngành, viện nghiên cứu, trường đại học đủ điều kiện để quan trắc phân tích môi trường, trong đó có nhiều phòng phân tích đạt chuẩn quốc tế. Với lực lượng đội ngũ, trang thiết bị kỹ thuật như vậy, hoàn toàn có thể giám sát, thực thi tốt công tác bảo vệ môi trường nếu chúng ta biết phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống.

Bộ TN&MT đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt Đề án kiện toàn tổ chức bộ máy và tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ quản lý bảo vệ môi trường từ Trung ương đến địa phương giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn 2030, trong đó có việc tăng cường trang thiết bị cho công tác thanh tra, kiểm tra công tác bảo vệ môi trường. Đề án này sẽ được triển khai trong thời gian tới.

PV: Nghị định 155 có nhiều nội dung liên quan đến hành vi của người dân như: vứt rác bừa bãi, hút thuốc nơi công cộng... cũng bị xử phạt. Nhưng thực tế, đến nay sau 1 năm, dường như những quy định này vẫn chỉ “nằm trên giấy”.Vì sao vậy, thưa ông?

Ông Hoàng Văn Thức: Qua theo dõi thực hiện Nghị định 155 chúng tôi cũng nhận thấy, việc xử phạt đối với hành vi vứt rác bừa bãi, hút thuốc nơi công cộng, xả thải không đúng quy định... hiệu quả chưa cao. Nguyên nhân chính là do lực lượng được giao thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường ở các phường, xã theo Nghị định 155 còn thiếu kinh nghiệm, nể nang và chưa mạnh dạn lập biên bản vi phạm hành chính; UBND cấp phường, xã chưa giao nhiệm vụ bảo vệ môi trường cho các tổ chức, cá nhân có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính để họ đủ điều kiện thực hiện quyền lập biên bản vi phạm hành chính theo Nghị định 155.

luat chua di vao cuoc song vi sao
Thu gom rác thải sinh hoạt không phân hủy dọc 4 km bãi biển Thùy Vân (Vũng Tàu)

Cùng với đó, có quy định nhưng chưa khả thi. Ví dụ như ở nước ngoài thường cắm biển báo “khu vực hút thuốc”, nếu hút ngoài khu vực được hút thuốc là vi phạm, tuy nhiên, ở nước ta thì ngược lại, cắm biển báo “cấm hút thuốc”, nên không thể cắm biển cấm hút thuốc ở tất cả nơi công cộng. Vì vậy, khó xử phạt hút thuốc lá nơi công cộng, mặc dù pháp luật đã có quy định. Hoặc nếu có xử phạt đối với hành vi vứt rác bừa bãi, xả thải không đúng quy định cũng chưa có quy định chế tài để xử phạt, nên khó cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt.

Đặc biệt, nhận thức của người dân về những quy định pháp luật về bảo vệ môi trường nói chung và về các quy định tại Nghị định 155 còn chưa cao.

PV: Theo ông, để Nghị định 155 thực sự đi vào cuộc sống cần phải triển khai các giải pháp gì?

Ông Hoàng Văn Thức: Theo tôi, cần triển khai đồng bộ các giải pháp.

Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến rộng rãi, đa dạng hóa nội dung và phương thức tuyên truyền các quy định về bảo vệ môi trường, các hành vi vi phạm, khung và mức phạt theo Nghị định 155 để người dân và doanh nghiệp biết và thực hiện tốt nhằm hạn chế bị phạt.

luat chua di vao cuoc song vi sao

Tiếp tục rà soát sửa đổi, bổ sung những bất cập, vướng mắc để tạo thuận lợi cho người có thẩm quyền thi hành nhiệm vụ ở cơ sở và bảo đảm chế tài cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường đối với cá nhân.

Bên cạnh đó, UBND cấp xã, phường cần có quy định cụ thể về thời gian, địa điểm thu gom, phân loại, tập kết rác trên địa bàn để người dân thực hiện và làm cơ sở để xử phạt các hành vi vi phạm. UBND cấp xã, ban quản lý vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên... cần có quyết định giao nhiệm vụ bảo vệ môi trường cho những người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường (trong đó phân công rõ trách nhiệm, phạm vi... của từng cá nhân) để tạo hành lang pháp lý cho những cá nhân đang thi hành nhiệm vụ bảo vệ môi trường đủ thẩm quyền lập biên bản vi phạm về bảo vệ môi trường theo quy định của Nghị định 155.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

luat chua di vao cuoc song vi sao
Theo Nghị định 155 thì nhóm hành vi vi phạm về xả thải có khung và mức phạt rất cao

Luật sư Đặng Xuân Cường - Văn phòng luật sư Trương Anh Tú, Đoàn luật sư Hà Nội: Luật chưa bước ra khỏi văn bản

luat chua di vao cuoc song vi sao

Nghị định 155/2016/NĐ-CP thay thế Nghị định 179/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đã tăng mức xử phạt với các hành vi xả rác ra môi trường lên rất nhiều lần. Tuy nhiên, có một thực tế không thể phủ nhận là, kể từ khi Nghị định 155 có hiệu lực cho tới nay, tình trạng xả thải ra môi trường của người dân hầu như không có chuyển biến. Trước thực trạng đó, tôi cho rằng, các quy định trong văn bản pháp luật chưa bước ra khỏi văn bản để đi vào đời sống.

Theo tôi, việc thiếu công cụ để thực thi chỉ là một trong các nguyên nhân chủ quan dẫn tới tình trạng trên. Về tổng thể, tôi cho rằng có 3 nguyên nhân cơ bản dẫn tới tình trạng đó:

Thứ nhất, về nguyên nhân khách quan, mặc dù pháp luật đã có quy định gọi tên cụ thể hành vi vi phạm nhưng để phát hiện và xử lý được những hành vi vi phạm này là rất khó khi chúng ta chưa huy động được quần chúng nhân dân tham gia vào “mặt trận” phát hiện và tố giác những hành vi xả rác ra môi trường. Bên cạnh đó, nhận thức của đa phần người dân về bảo vệ môi trường, giữ gìn mỹ quan đô thị vẫn còn rất hạn chế.

Thứ hai, chúng ta chưa có một lực lượng chuyên trách để phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm.

Thứ ba, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan tới việc đấu tranh với những hành vi xả thải ra môi trường chưa hiệu quả. Điều này được thể hiện ở việc thời lượng dành cho các hoạt động tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông về ý thức giữ vệ sinh chung nơi công cộng chưa còn hạn hẹp. Các biện pháp tuyên truyền kết hợp với việc thông tin về hành vi vi phạm và chế tài xử phạt vừa thiếu vừa chưa hiệu quả. Biểu hiện rõ nét nhất cho việc này là hầu như trong 1 năm kể từ khi thực hiện Nghị định 155/2016/NĐ-CP, chưa có thông tin nào về việc xử phạt hành vi xả rác bừa bãi, ném tàn thuốc hay đi vệ sinh nơi công cộng được phát giác và đưa tin.

Để khắc phục các nguyên nhân đó, chúng ta cần có một đợt tổng kết, đánh giá nghiêm túc về việc thực hiện Nghị định 155 trong 1 năm vừa qua, nhằm tìm nguyên nhân và đưa ra giải pháp khắc phục. Ngoài ra, việc tiếp thu học hỏi kinh nghiệm của một số nước đã làm tốt công tác này và vận dụng phù hợp với thực trạng của Việt Nam là vô cùng quan trọng.

Chị Đào Thu Trang (Ba Đình, Hà Nội): Thực tế cuộc sống không thay đổi

luat chua di vao cuoc song vi sao

Tôi có nghe thông tin về tăng mức xử phạt với các hành vi vi phạm về môi trường lên gấp 10 lần qua truyền thông, báo chí, nhưng trong thực tế cuộc sống thì không thấy gì thay đổi.

Ngõ nhà tôi sáng sáng có họp chợ, cứ mỗi sáng đi làm, vừa ra khỏi cổng, điều đầu tiên thấy là mùi hôi tanh từ những hàng bán cá tươi. Chiều đi làm về, một đống rác thải to của chợ án ngữ ngay đầu ngõ và cách đó vài trăm mét là chỗ vứt rác tự phát của một số gia đình gần đây cũng là một đống rác to, dù ngay trên tường có treo biển “cấm vứt rác ở đây”.

Cùng với đó, bên trong ngõ là dòng kênh Tô Lịch chạy qua, nhiều hộ gia đình đã xả thải sinh hoạt trực tiếp ra đây khiến dòng kênh vốn đã ô nhiễm càng thêm ô nhiễm, bốc mùi nghiêm trọng, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân xung quanh nhưng chưa từng có ai bị xử phạt.

Không chỉ có thế, hằng ngày tôi đi làm qua con đường gốm sứ vẫn thấy cảnh có người đi vệ sinh ngay trên con đường gốm sứ này. Hình ảnh đó rất phản cảm, có lúc tôi định dừng xe chụp ảnh và gửi cơ quan chức năng, thế nhưng cũng rất khó, có khi mình dừng xe được thì họ cũng “xong việc” rồi. Tôi cũng chưa từng thấy ai bị xử phạt vì hành vi này.

Nghị định 155/2016/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường chính thức có hiệu lực từ tháng 2-2017 với nhiều quy định mới.

So với các nghị định trước, Nghị định 155 đã tăng mức phạt lên nhiều lần đối với các hành vi vi phạm về vệ sinh nơi công cộng. Cụ thể, các hành vi như vứt đầu mẩu và tàn thuốc lá không đúng nơi quy định bị phạt từ 500.000 đến 1 triệu đồng; tiểu tiện, đại tiện bậy bạ phạt 1-3 triệu đồng; xả rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng phạt 3-5 triệu đồng; xả rác sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt trong khu vực đô thị mức phạt 5-7 triệu đồng.

Theo Nghị định, thẩm quyền xử phạt là UBND các cấp, công an xã, phường, thị trấn và cán bộ trật tự công cộng đang thi hành nhiệm vụ liên quan đến bảo vệ môi trường tại các khu đô thị, khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng.

Theo báo cáo của Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, sau khi Nghị định 155 được thực thi, các cơ quan quản lý Nhà nước về môi trường trên địa bàn Hà Nội đã thanh tra, kiểm tra tại 2.161 cơ sở, xử lý vi phạm hành chính 588 cơ sở với tổng số tiền phạt trên 16,5 tỉ đồng.

An Yên

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc