Luận bàn về nhân tài và sử dụng nhân tài (Bài 1)

10:06 | 27/08/2013

2,125 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chưa bao giờ vấn đề cất nhắc và sử dụng nhân tài lại được nói đến nhiều như hiện nay. Cũng chưa bao giờ tại các cơ quan, đặc biệt là các cơ quan hành chính khó tuyển nhân tài như hiện nay.

Hàng năm số lượng sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng ngày càng nhiều. Rồi theo thống kê, Việt Nam là nước có số lượng Giáo sư, tiến sĩ nhiều vào loại bậc nhất Đông Nam Á...  

Nhưng các nơi vẫn than vãn về việc không tuyển được nhân tài?

Tại sao lại có chuyện như thế này? Và tại sao nhiều cơ quan đặt ra các chính sách, chế độ riêng nhằm thu hút người tài về làm việc nhưng vẫn không tuyển được?

Thật ra bấy lâu nay chúng ta vẫn còn lẫn lộn giữa hai khái niệm “người giỏi” và “người tài”.

Những sinh viên tốt nghiệp đại học đạt danh hiệu thủ khoa, rồi những người có bằng nọ cấp kia, học hàm, học vị này khác nhưng mới chỉ là những người có kiến thức và cũng chỉ có thể coi đó là những người “học giỏi”.

Lễ tuyên dương thủ khoa xuất sắc thành phố Hà Nội năm 2013.

Nhưng học giỏi không chắc đã có tài. Nhiều khi người học giỏi chỉ là những con mọt sách, mọt chữ và chỉ biết áp dụng một cách máy móc những mớ kiến thức khuân mẫu đã được học. Đó không được gọi là người tài. Những người này có thể làm giỏi một công việc đơn thuần theo những con đường mà người khác vạch ra mà không biết sáng tạo, không biết nghĩ ra cái mới, không biết vận dụng cái mới. Xã hội chúng ta hiện nay đang có quá nhiều những loại người như vậy - những  người thừa bằng cấp nhưng thiếu trí tuệ.

Vậy “người tài” là người như thế nào?

Người tài là người biết suy đoán, biết vận dụng những kiến thức mà mình học được vào hoàn cảnh thực tiễn và công việc, có những suy nghĩ mới, ý tưởng mới, tạo ra cách làm mới và dĩ nhiên sẽ mang lại hiệu quả mới.

Nói một cách ngắn gọn, người tài phải là người phải biết nghĩ ra cái mới. Cái mới đó có thể là trong chính trị, trong quản lý, trong nghiên cứu… Những người tài luôn luôn có những suy nghĩ độc đáo và không đi theo khuôn mẫu sẵn có và với họ, kiến thức học được trong nhà trường chỉ là cơ sở ban đầu, việc học ở trường đời mới là chính. Vì vậy, không ít người học hành chẳng đến đầu đến đũa, chẳng lắm bằng, nhiều cấp nhưng những thành công của họ buộc xã hội phải nhìn nhận rằng họ là người tài.

Trên thế giới cũng vậy, không ít những doanh nhân nổi tiếng lại có quá khứ học hành chẳng mấy đáng tự hào.

Có một điều dễ nhận thấy để phân biệt người tài và người học giỏi: đó là người có tài thường có ý chí hơn người học giỏi rất nhiều, và đặc biệt là họ không bao giờ biết lùi bước trước khó khăn.

Xã hội chúng ta đang lâm vào cảnh “thừa thầy thiếu thợ”.

Thật ra thầy cũng chẳng thừa, đặc biệt là thầy có tâm, có đức, có tài thì vẫn đang rất thiếu mà chỉ thừa những loại thầy có bằng cấp, nhưng chẳng sử dụng được vào việc gì.

Sở dĩ có chuyện người giỏi, người tài chưa được trọng dụng một cách xứng đáng, vấn đề chưa phải là chuyện đãi ngộ, lương bổng mà ở chỗ là chúng ta không tôn trọng đúng mức người tài, không tạo điều kiện cho người tài được phát huy.

Người ta có thể dễ dàng tôn vinh một anh thợ giỏi có sáng kiến cải tiến kỹ thuật nhưng người ta lại sẵn sàng dè bỉu, chê bai một lãnh đạo có phong cách quản lý mới, độc đáo, dám làm dám chịu. Lý do của  tình trạng này là vì chúng ta hiểu chưa đúng hoặc làm không đúng về cơ chế lãnh đạo tập trung dân chủ, chế độ tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách.

Khi đã nói về chế độ lãnh đạo tập thể thì rõ ràng vai trò của cá nhân đã bị làm lu mờ và không được đặt đúng chỗ. Người ta sẵn sàng nói rằng cách làm ấy là do Thường vụ Đảng ủy, do tập thể ban lãnh đạo đã suy nghĩ bàn bạc tập thể và có nghị quyết. Khi làm một việc gì đó nếu thành công thì người ta dễ dàng nói rằng nhờ tập thể  đã có những quyết định chủ trương sáng suốt, chứ không mấy khi thừa nhận rằng có được thành công này như ngày hôm nay là do đồng chí A hay B. Còn khi thất bại thì dĩ nhiên người ta sẽ đổ trách nhiệm cho người đứng đầu. Đây thực sự là hòn đá tảng ngăn cản những người có thực tài phát huy tối đa năng lực và trí tuệ của mình.

Một điều nữa mà những người học giỏi và những người tài khó được sử dụng ấy là vì quan điểm sử dụng cán bộ theo kiểu “tuần tự nhi tiến”. Việc sắp xếp, lựa chọn cán nhiều khi không phải do năng lực thực sự mà chỉ đơn thuần là theo chủ nghĩa lý lịch, theo bề dày công tác và bên cạnh đó không thể không nói đến những mối quan hệ bên trong.

Trong những ngày này toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đang vui mừng chúc thọ Đại tướng Võ Nguyên Giáp 103 tuổi. Ông là một vĩ nhân, là danh tướng được cả thế giới thừa nhận về tài năng, đức độ. Nhắc đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp không thể không nhắc đến chiến công chấn động địa cầu - chiến thắng Điện Biên Phủ.

Năm 2014, chúng ta sẽ kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ và người ta sẽ còn phải viết nhiều, nói nhiều về một quyết định lịch sử của Đại tướng - ấy là chuyển từ phương châm “Đánh nhanh, thắng nhanh” sang “Đánh chắc, tiến chắc”. Về quyết định này, nếu như Đại tướng không có sự quyết đoán, mà phải chờ ý kiến của tập thể lãnh đạo, rồi họp bàn lên xuống thì sự thể sẽ ra sao? Trong rất nhiều trường hợp, chân lý không thuộc về đám đông và lịch sử cũng đã chứng kiến những cá nhân đã làm thay đổi vận mệnh của cả một quốc gia, một dân tộc… Những người có khả năng như vậy là những người tài, thiên tài và họ xứng đáng được gọi là “NHÂN TÀI”.

Người học giỏi có thể đỗ đạt đến Thủ khoa, hoặc nhiều bằng, nhiều cấp nhưng họ không có tài thì là chuyện ai cũng thấy. Tài năng là thứ trời cho, là thiên bẩm chứ không phải là thứ cứ ngồi mài đũng quần trên ghế nhà trường mà có được.

Cho đến nay, không hiểu đã có ai dám thống kê ra trong khoảng 5 năm trở lại đây thôi trong số những người đỗ đạt Thủ khoa đã có bao nhiêu người hoàn thành được công việc đang làm xứng đáng với danh Thủ khoa của mình.

Có một điều dễ nhận thấy nhất ở các Thủ khoa hiện nay là khi có được danh Thủ khoa thì đã quên mất rằng bổn phận đầu tiên của mình là phải lao vào làm việc, phải cống hiến hết sức mình trước là để đền đáp công ơn cha mẹ nuôi nấng, dạy dỗ, sau là để trả ơn nhà trường, đất nước và biết hy sinh cái tôi để xây dựng đất nước. Đằng này, vừa nhận được cái danh Thủ khoa thì họ đã nghĩ rằng mình phải nhận được mức lương thế nọ, mức đãi ngộ thế kia. Đây là những suy nghĩ sai lầm. Trong cách làm ăn như hiện nay, càng ngày xã hội càng trọng dụng những người có tài, chứ không phải trọng dụng những người có danh hão – hay nói gọn là người ta sẽ trọng dụng những người làm được việc. Sẽ không có lãnh đạo nào chịu nổi một người mới được vinh danh Thủ khoa, “học chưa hay, cày chưa thạo” nhưng đã đòi đãi ngộ.

Cho nên, việc các Thủ khoa ra trường bị thất nghiệp hoặc không được sắp xếp đúng vị trí của mình cũng là điều dễ hiểu. Tất nhiên, cung cách quản lý, tạo điều kiện cho những người giỏi, người tài làm việc ở xã hội ta hiện nay đang có quá nhiều vấn đề.

Chúng tôi sẽ nói tới trong những bài viết sau.

Như Thổ

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc