“Lối thoát” cho quặng titan

23:23 | 07/10/2017

3,122 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Mới đây, Bộ Xây dựng đã có Văn bản số 2270/BXD-VLXD gửi Văn phòng Chính phủ về việc xuất khẩu tinh quặng ilmenite và quặng đuôi titan các loại tồn kho. Đây được xem là “lối thoát” cho ngành công nghiệp khai khoáng nói chung, các doanh nghiệp khai thác, chế biến quặng titan nói riêng.  

Xuất khẩu để gỡ khó

Trước đó, theo báo cáo tổng hợp từ các tỉnh Thái Nguyên, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Bình Định và Bình Thuận được Bộ Công Thương trình Chính phủ, đến ngày 31-7-2017, tồn kho tinh quặng đuôi ilmenite là 1.069.367 tấn; quặng đuôi titan hỗn hợp 174.949 tấn; tinh quặng đuôi zircon 1.997 tấn; các sản phẩm khác (bột zircon, rutil, monazit) 3.606 tấn.

Theo báo cáo, giá xỉ titan thế giới gần đây tăng, sản lượng của các nhà máy chế biến xỉ titan trong nước tăng trở lại nhưng không nhiều, cung lớn hơn cầu rất nhiều nên khối lượng tinh quặng ilmenite vẫn không tiêu thụ được hết trong nước, các doanh nghiệp tồn kho ngày càng cao.

loi thoat cho quang titan
Khai thác quặng titan ở Bình Thuận

Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, có vốn để tiếp tục duy trì sản xuất, trả nợ vay ngân hàng, các doanh nghiệp kiến nghị Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép xuất khẩu tinh quặng ilmenite và quặng đuôi titan tồn kho theo đề xuất của doanh nghiệp.

Hy vọng chế biến sâu

Được biết, tỉnh Bình Thuận được quy hoạch là “thủ đô” titan cả nước với trữ lượng hơn 600 triệu tấn, chiếm 92% trữ lượng titan trên toàn quốc. Từ trước đến nay, nguồn tinh quặng ilmenite quý hiếm chủ yếu xuất thô với giá trị thấp.

Để hạn chế việc xuất khẩu thô titan với giá trị thấp như lâu nay, Bình Thuận đã đưa vào quy hoạch hai khu vực chế biến sâu titan gồm: Khu công nghiệp Song Bình (250ha) ở huyện Bắc Bình và Cụm công nghiệp Thắng Hải tại huyện Hàm Tân (90ha).

Cuối năm 2013, Khu công nghiệp Song Bình được UBND tỉnh Bình Thuận phê duyệt quy hoạch và đã chính thức khởi công xây dựng. Đây là khu công nghiệp chế biến sâu titan lớn nhất và duy nhất của Việt Nam, chuyên chế biến sâu titan với 3 nhóm sản phẩm chính gồm xỉ titan, rutin nhân tạo, zircon mịn và siêu mịn; pigment (dioxittitan), các hợp chất zircon; titan xốp, titan kim loại và hợp kim titan.

Vào tháng 2-2015, tại Cụm công nghiệp Thắng Hải, Công ty CP Công nghiệp khoáng sản Bình Thuận (KSA) tổ chức lễ khởi công xây dựng nhà máy chế biến xỉ titan công suất 60 nghìn tấn/năm. Nhà máy chế biến xỉ titan được xây dựng trên diện tích 10ha với tổng vốn đầu tư 720 tỉ đồng. Việc ra đời nhà máy chế biến titan đầu tiên nằm trong quy hoạch chuyên sâu cho ngành titan từng được đánh giá là “cánh cửa đưa titan Bình Thuận đi ra thế giới”, không chỉ mang ý nghĩa lớn trong ngành công nghiệp chế biến sâu titan Việt Nam mà còn tạo nhiều công ăn việc làm cho người lao động, thu hút đầu tư FDI, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của Bình Thuận.

Nguyễn Kiên

  • el-2024