Lỗi cả “cứng” và “mềm”

07:00 | 08/01/2014

2,384 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Phần mềm tin học Earth Explorer có hình “lưỡi bò” phi lý đã được đưa vào trường học để dạy cho học sinh Việt Nam 5 năm nay mới bị phát hiện. Đây không phải chuyện nhỏ, không chỉ đơn thuần là môn học địa lý mà nó là công cụ để tuyên truyền chính trị!

Năng lượng Mới số 289

Tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông vốn trở thành vấn đề thời sự nóng bỏng suốt mấy năm nay. Đó cũng là cuộc đấu tranh căng thẳng kéo dài chưa biết được hồi kết ở khu vực, có tầm ảnh hưởng quốc tế. Cái “đường lưỡi bò” phi lý mà Trung Quốc vẽ ra trên bản đồ lãnh hải của họ vẫn đang gây bức xúc với các nước láng giềng, trong đó có Việt Nam. Trong khi toàn Đảng, toàn quân và toàn dân đang đấu tranh khẳng định chủ quyền vùng biển của Việt Nam, phủ nhận “đường lưỡi bò” của Trung Quốc thì ngành giáo dục lại để học sinh trung học cơ sở trong cả nước học môn địa lý có cả nội dung bản đồ có “đường lưỡi bò”.

Phần mềm tin học Earth Explorer có hình “lưỡi bò” phi lý đó đã được đưa vào trường học để dạy cho học sinh Việt Nam 5 năm nay mới bị phát hiện. Đây không phải chuyện nhỏ, không chỉ đơn thuần là môn học địa lý mà nó là công cụ để tuyên truyền chính trị! Vấn đề là bây giờ mới phát hiện ra thì mọi người muốn hỏi ngành giáo dục là “Tại sao cái “đường lưỡi bò” ấy lại du nhập được vào trường học?”.

Khi phát hiện ra, ngành giáo dục giải thích rằng, từ năm 2007, Bộ Giáo dục & Đào tạo triển khai bộ sách giáo khoa mới cùng với phần mềm tin học. Môn tin học có sách giáo khoa, được dạy kèm với các phần mềm tương ứng. Earth Explorer là một trong những phần mềm sử dụng kèm theo hướng dẫn sách giáo khoa. Có nghĩa là, khi chọn phần mềm Earth Explorer có hình “đường lưỡi bò”, những người làm sách và tuyển chọn phần mềm đã không hề kiểm soát nội dung.

Cách giải thích trên đây có điều chưa ổn. Nội dung một môn học mang ý nghĩa chính trị hết sức quan trọng như vậy mà không được kiểm duyệt chặt chẽ trước khi đưa vào giảng dạy là sao?

Lâu nay, ngành giáo dục đã có khá nhiều sơ suất về hình ảnh, nội dung liên quan đến chủ quyền quốc gia trong sách báo như in cờ Trung Quốc trong sách “Bé làm quen với chữ cái” dạy học sinh lớp 1 của NXB Đại học Sư phạm hoặc cuốn “Phát triển toàn diện trí thông minh cho trẻ” của NXB Dân Trí có in hình cổng trường cắm cờ Trung Quốc. Nhưng việc đưa phần mềm tin học có hình “đường lưỡi bò” vào nhà trường vừa qua là một sai phạm rất nghiêm trọng. Những lỗi ngớ ngẩn trong biên soạn sách giáo khoa về tự nhiên, xã hội đã là điều không thể chấp nhận được; nay lại là những lỗi về chính trị thì không thể tha thứ.

Chỉ đến khi sự việc bị phát giác, Bộ GD&DT mới chỉ đạo các trường loại bỏ nội dung này trong chương trình của học sinh THCS. Nhưng đó mới là phần ngọn. Từ cái bản đồ Earth Explorer thì ngoài việc chấn chỉnh hoạt động xuất bản ấn phẩm giáo dục, cái quan trọng hơn là ngành giáo dục cần phải có chương trình bổ sung kiến thức cho học sinh về địa lý, trong đó phân tích “đường lưỡi bò” do Trung Quốc vẽ ra là phi pháp, là xâm phạm đến chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam. Tất cả học sinh Việt Nam phải được học và nhận thức đúng đắn về chủ quyền quốc gia trên Biển Đông ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Ngành giáo dục có đội ngũ chuyên gia hùng hậu, dày dạn kinh nghiệm. Một cuốn sách giáo khoa, sách tham khảo dù là trong nước biên soạn hay dịch của nước ngoài đều phải qua các khâu biên tập, kiểm duyệt. Quy trình đó là bắt buộc. Và đối với việc biên tập sách thì càng phải làm thận trọng, tỉ mỉ hơn. Thế mà không hiểu sao, sách giáo khoa, tài liệu giảng dạy liên tục để sai sót? Đó là do chủ quan, tùy tiện hay vì trình độ non kém?

Còn một lỗ hổng nữa cần phải chấn chỉnh là trình độ chuyên gia công nghệ thông tin của Việt Nam. Những năm gần đây, nước ta ngày càng nhiều kỹ sư phần mềm được phong tặng danh hiệu Hiệp sĩ công nghệ thông tin. Thế nhưng không hiểu họ có trình độ thật sự không hay vì những lý do gì mà lại không làm được phần mềm cho môn địa lý như Earth Explorer lại phải để ngành giáo dục đi mua phần mềm loại này từ một công ty của Thượng Hải (Trung Quốc) về dạy cho học sinh Việt Nam? Chuyện những cái mà ta làm được nhưng cứ phải nhập khẩu từ nước ngoài cũng là một điều đáng nghi vấn về lợi ích nhóm mà không chỉ riêng ngành giáo dục mới có.

Suốt 5 năm qua, cứ tính sơ bộ thì cả nước đã có hàng triệu lượt học sinh được học cái phần mềm Earth Explorer ấy. Đã học thì trong đầu các em thấm sâu kiến thức về cái “đường lưỡi bò” ấy rồi. Sự hiểu biết hoàn toàn sai lệch về chủ quyền lãnh thổ trên biển của Tổ quốc là hậu quả vô cùng nguy hại đối với các em và với chính sách đối ngoại của Nhà nước. Sửa sai được nhận thức này đối với các em cũng là vấn đề lâu dài. Sai một ly đi một dặm. Mà tại sao ngành giáo dục cứ liên tiếp phạm sai sót như vậy nhỉ? Chưa giải quyết xong vụ việc này lại nảy sinh vụ việc khác.

Cũng cần phải chỉ ra rằng, chuyện “đường lưỡi bò” liên quan đến phần mềm tin học. Các chuyên gia giáo dục không kiểm soát hết được nội dung từ các tài liệu phần mềm. Nhưng tại sao những cuốn sách giấy trắng mực đen thì đó là phần cứng mà vẫn để sót lọt nội dung vô lý bị dư luận lên án? Và lật lại vấn đề, đã là nội dung đưa vào giảng dạy thì không thể giải thích đơn giản rằng nó là phần mềm thì không kiểm soát được hết. Người ta vẫn vì con trẻ như tờ giấy trắng, muốn vẽ lên đó cái gì là nó hằn sâu trong chúng những kiến thức khó phai mờ. Cái hay, cái dở, một khi đã được đưa vào chương trình giáo dục thì buộc học sinh phải tiếp thu nghiêm túc. Đó cũng là nguyên tắc của việc học. Các bậc phụ huynh thương con trẻ thời nay bị nhồi nhét quá nhiều kiến thức. Họ lại càng bức xúc khi con em mình phải học những nội dung phi giáo dục. Nỗi lo ấy có cơ sở bởi tương lai những công dân đất Việt bị tiêm nhiễm những kiến thức sai lệch, không dễ gì thay đổi được.

Những sai phạm mấy chục năm nay trong ngành giáo dục thì quá nhiều, có điều cần phải xem xét lại là hình thức kỷ luật đối với những sai phạm đó. Mỗi vụ việc sai trái bị phát hiện, dư luận ồn ào một thời gian rồi rơi vào quên lãng chứ không thấy ngành giáo dục thông báo hình thức xử lý kỷ luật đối với tập thể hay cá nhân vi phạm ra sao. Bao nhiêu thế hệ học sinh đã trở thành nạn nhân do những sáng kiến cải tiến, đổi mới của ngành giáo dục. Hậu quả đó rất lớn, không thể đo đếm được. Không loại trừ khả năng có người chủ mưu đưa nội dung phản chính trị vào trường học thông qua môn địa lý có “đường lưỡi bò”. Thế mà những sai lầm, thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng như trên không bị xử lý nghiêm minh thì làm sao bảo đảm được rằng, từ nay giáo dục sẽ không còn vi phạm? Và làm sao đủ sức răn đe những người làm sách tùy tiện, phản giáo dục như thế!

Không có biện pháp mạnh thì ngành giáo dục sẽ tiếp tục còn lắm chuyện tai tiếng về sự ngớ ngẩn, vô duyên và tiêu cực. Không thể đổ lỗi cho phần cứng với phần mềm!

Bùi Đức

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc