Lo trước cho mùa lễ hội 2014

11:00 | 17/12/2013

852 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Các công tác định hướng, chỉ đạo, đề xuất, kiến nghị cho việc tổ chức, quản lý mùa lễ hội 2014 đang được thực hiện. Nhưng nhìn vào những nhận định, đánh giá về mùa lễ hội 2013 cùng những chỉ đạo bước đầu hiện nay của ngành văn hóa, lại thấy khó để đảm bảo mùa lễ hội 2014 sẽ hạn chế được nhiều tái diễn và phát sinh tiêu cực.

Năng lượng Mới số 283

Nhắc lại còn… “nóng” nguyên!

Tổng kết công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2013, Bộ VH-TT&DL nhìn nhận đã có nhiều dấu hiệu tích cực, khả quan về diện mạo lễ hội nước nhà, nhất là mảng lễ hội dân gian. Thế nhưng, nhìn lại những phản ánh của báo chí về tiêu cực, bất cập, biến tướng lễ hội năm qua, nhiều người không khỏi lo lắng cho mùa hội tới. Nhất là những lễ hội dân gian diễn ra với mật độ dày đặc trong mấy tháng xuân.

Và ngay cả ý kiến của lãnh đạo Cục Văn hóa cơ sở, cũng chỉ ra nhiều hạn chế tồn đọng hoặc phát sinh của nhiều lễ hội trong năm. Trong đó, ngay ở công tác tổ chức, điều hành thì có những lễ hội chưa được triển khai đúng kế hoạch, sự phối hợp và trách nhiệm của các cơ quan địa phương chưa cao. Cục trưởng Phạm Văn Thủy nhận xét, ở một số lễ hội, an ninh trật tự chưa tốt, vẫn còn trộm cắp, móc túi, cờ bạc trá hình, ăn xin, xóc thẻ, lên đồng, khấn thuê trọn gói… Càng đáng chê trách là sự “lạm phát” hòm công đức, khay tiền dầu đen tại nhiều điểm thờ tự và sự thiếu thống nhất, “ba bè bảy bối” trong việc thu chi nguồn tiền này.

Lễ hội Đống Đa

Lại thêm cảnh lộn xộn, nhếch nhác trong việc sắp xếp dịch vụ hàng quán và việc tiếp nhận công đức, hiện vật, trang trí đồ thờ không đúng truyền thống. Phó chánh thanh tra Bộ VH-TT&DL Phạm Xuân Phúc ví dụ, có nơi gắn bia ghi những người công đức lên tường, nhiều người còn sống, rồi lại đặt bát hương phía trước, vậy là người sống lễ người sống! Có nơi ban quản lý di tích cấm đưa hàng quán vào bán trong khu vực 1 của di tích, nhưng địa phương lại ký giấy cho vào. Ở đền Bà Chúa kho - Bắc Ninh, hàng bán trong sân đền. Ở di tích Côn Sơn - Hải Dương, hàng quán đóng mái che vào tận sát tường chùa… Phó cục trưởng Vương Duy Bảo đưa ra một số biểu hiện tiêu cực mới trong lễ hội: Đặt giả hòm công đức như ở lễ hội xuân Núi Bà Đen - Tây Ninh, dịch vụ đổi tiền lẻ giá cao ở hầu hết các di tích. Cùng với đó là việc bày bán nhiều đồ chơi bạo lực như súng, kiếm, đao… tại các gian hàng trong lễ hội…

Thêm cơ sở để xử lý

Trong hội nghị trực tuyến tổng kết công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2013 mới đây, nói về mùa lễ hội 2014, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Huỳnh Vĩnh Ái đề nghị, do mỗi địa phương vốn có những điểm khác nhau trong truyền thống, hoạt động lễ hội cần chọn những mũi nhọn đột phá cho tốt với chủ trương hàng đầu là đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản cho nhân dân, cho xã hội. Bên cạnh đó, ông Ái cũng nêu ra băn khoăn về xu thế xã hội hóa mạnh mẽ trong việc tổ chức lễ hội hiện nay, dẫn tới yêu cầu phải cân đối giữa việc xã hội hóa, đóng góp của xã hội vào di tích, lễ hội với việc bảo tồn đúng giá trị.

Mới đây, ngày 5/12/2013, Bộ đã có công văn gửi các sở VH-TT&DL về việc tăng cường công tác quản lý tổ chức hoạt động lễ hội năm 2014. Theo đó, Bộ yêu cầu cấp sở thực hiện tốt vai trò tham mưu cho địa phương, có giải pháp khắc phục để không tái diễn những tiêu cực trong mùa lễ hội 2014, đảm bảo an ninh trật tự và an toàn cho người dân tham dự lễ hội, tăng cường kiểm tra chuyên ngành và liên ngành, tăng cường tuyên truyền bằng nhiều hình thức về giá trị lịch sử văn hóa của di tích, ý nghĩa của lễ hội, bổ sung các bảng, biển hướng dẫn du khách chấp hành các quy định…

Cho cụ rùa "ăn tiền" ở Văn Miếu

Chỉ đạo của Bộ có một số điểm nhấn mạnh vào chỉ đạo việc rà soát hệ thống trang thiết bị phòng chống cháy, nổ; không cho du khách đốt vàng mã và hạn chế tối đa việc thắp hương trong nội thất các công trình di tích; sắp xếp hợp lý hàng quán dịch vụ, bãi trông giữ phương tiện; không cho phép bán hàng hóa, dịch vụ trong khu vực bảo vệ I của di tích; hạn chế tối đa hàng quán kinh doanh vàng mã, đổi tiền lẽ, bán thực phẩm tươi sống…; hướng dẫn nhân dân đặt tiền lễ đúng nơi quy định, bố trí lực lượng thu gom tiền lễ kịp thời; không để rác thải tồn đọng; xây dựng, nâng cấp hệ thống nhà vệ sinh công cộng; đảm bảo vệ sinh môi trường… Ông Phạm Xuân Phúc cho rằng, năm nay công tác thanh tra sẽ có thêm cơ sở pháp lý là các văn bản gần đây của Bộ, những vi phạm nếu tái diễn sẽ bị xử lý sát sao hơn, như việc bán hàng xâm phạm khu vực I, treo cờ hội cao hơn cờ Tổ quốc, đốt mã bừa bãi…

Nhưng xử lý đến đâu?

Liên quan đến việc tổ chức lễ hội, cuối năm 2013 và đầu 2014, có lẽ sẽ có thêm những văn bản, nhiều chương trình hoạt động chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của ngành văn hóa tại các địa phương. Có điều là như thực tế những năm qua, công việc này ở tầm vĩ mô vẫn luôn được thực hiện đều đặn, nhưng việc áp dụng, thực hiện chỉ đạo tại các địa phương dường như vẫn có một khoảng cách, một độ “vênh”. Và công tác tổ chức, quản lý lễ hội diễn ra rất nhiều khi không đạt được như mong muốn, vừa tái phát những tiêu cực đã “quen mặt”, vừa nảy sinh những biến tướng, vấn nạn mới.

PGS.TS Trần Hữu Sơn - Giám đốc Sở VH-TT&DL Lào Cai mặc dù nhìn nhận, lễ hội đã có những chuyển biến tốt hơn, họp tổng kết lễ hội hiện nay không còn nóng bỏng như mấy năm trước, nhưng đọc các văn bản, chỉ thị vẫn thấy có sự áp đặt. Ông Sơn cho rằng: Nên cụ thể trong chỉ đạo chứ đừng chung chung. Ví dụ như phải quan tâm đến vấn đề an toàn thực phẩm, phải nghiên cứu kỹ để xác định được rõ ràng hơn về các loại hình lễ hội, từ đó mới quản lý di tích, lễ hội được tốt hơn. PGS.TS Trần Lâm Biền phàn nàn về những hạn chế trong nhận thức về lễ hội của đội ngũ cán bộ các địa phương, cơ sở. Ông nói: “Lễ và hội là một cặp phạm trù thống nhất chứ đâu phải như quan niệm rất thô thiển hiện nay, cho rằng lễ là cúng bái, hội là vui chơi. Không hiểu lễ hội thì chỉ có giết chết lễ hội mà thôi!”.

Thực tế, chủ trương, chỉ đạo thì nhiều, nhưng hiện thực hóa, phát huy hiệu quả bằng các biện pháp khả thi và linh hoạt tại các lễ hội ở các địa phương thì vẫn còn là thách thức. Và phải chăng công tác quản lý, giám sát lễ hội còn nặng về hình thức đã lây lan từ trên cho đến tận cơ sở? Khiến cho ở nhiều lễ hội, đại diện các ban, ngành địa phương tham gia vào chỉ đạo, tổ chức thì rất nhiều, chương trình, kế hoạch được xây dựng kín kẽ, chặt chẽ, nhưng những hình ảnh lộn xộn, nhếch nhác, những biểu hiện dị đoan, coi thường pháp luật và quy định của lễ hội, những vụ việc mất an ninh trật tự… vẫn xuất hiện thường trực. Mùa lễ hội mới lại sắp bắt đầu, không hiểu tới đây, ngành văn hóa sẽ “khám” trước ra sao để “tiên liệu” những nguy cơ tái phát “bệnh” cũ hay nảy sinh “bệnh” mới? Đồng thời “sản xuất” ra thêm được những “phương thuốc” khả quan nào cho việc phòng “mầm bệnh” từ gốc rễ và triệt tiêu ngay khi “bệnh” lên đến ngọn?

Xuyên Sơn