Lộ trình thanh toán qua điện thoại di động

11:22 | 13/11/2017

2,074 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Mấy năm nay, nhu cầu thanh toán qua điện thoại di động đã phát triển nhanh chóng ở nước ta. Chính phủ đang mong muốn phổ cập thanh toán di động, góp phần đưa tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương diện thanh toán ở mức thấp hơn 10% vào năm 2020.

Tuy nhiên, vẫn còn những rào cản chưa thể khắc phục trong một sớm một chiều nên cần một lộ trình thích hợp.

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh cho biết, để chuẩn bị cho cuộc cách mạng thanh toán qua điện thoại di động, cơ quan này đặt mục tiêu là đến năm 2020, toàn thị trường có ít nhất 300.000 POS (điểm chấp nhận thanh toán thẻ) được lắp đặt với số lượng giao dịch đạt trên 200 triệu giao dịch mỗi năm; 100% các siêu thị, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối hiện đại có POS.

Hiện nay, nước ta có 140 thuê bao di động/100 dân, gần 60 triệu thuê bao 3G và 4G với 99% số quận, huyện trên toàn quốc đã được phủ sóng 4G. Số thuê bao di động dự kiến sẽ tiếp tục tăng lên 80 triệu vào năm 2020. Đây là điều kiện lý tưởng để thúc đẩy thanh toán di động cũng như các dịch vụ tài chính và thương mại điện tử khác đến tất cả các vùng miền, đem lại lợi ích cho doanh nghiệp và tất cả người dân, thay đổi triệt để thói quen dùng tiền mặt như lâu nay.

Thanh toán qua điện thoại di động đang trở thành một xu hướng, kênh thanh toán mới, có tốc độ phát triển nhanh, phát huy hiệu quả. Vì thế, Việt Nam được đánh giá là thị trường giàu tiềm năng bởi tỷ lệ người dân tiếp cận với dịch vụ ngân hàng còn thấp.

lo trinh thanh toan qua dien thoai di dong

Cả nước hiện có 41 ngân hàng thương mại triển khai cung ứng dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động với số lượng, giá trị giao dịch tăng trưởng nhanh. Trong 9 tháng đầu năm 2017, số lượng giao dịch thanh toán qua điện thoại di động đạt trên 90 triệu giao dịch, với giá trị giao dịch đạt trên 423.000 tỉ đồng (tương ứng đạt 93% và 139% so với năm 2016). Đó là tín hiệu đáng mừng.

Một số ngân hàng thương mại đã bước đầu triển khai có hiệu quả các dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động để thanh toán tiền điện, tiền nước, cước phí điện thoại, viễn thông, truyền hình cáp, phí bảo hiểm và một số khoản thu khác. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng đã xem xét, chấp thuận cho 25 tổ chức không phải là ngân hàng được thực hiện cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, trong đó có dịch vụ Ví điện tử thông qua kênh Internet và điện thoại di động.

Các giải pháp thanh toán di động tại Việt Nam đang bước vào giai đoạn bùng nổ về số lượng, như: mPos, QR Pay, dịch vụ mobile banking, ví điện tử, các ứng dụng thanh toán không chạm như Samsung Pay… Tuy nhiên, các giải pháp này phần lớn mới xuất hiện trên thị trường và chưa có thương hiệu nào nổi tiếng thu hút người dân nên nó vẫn còn xa lạ với đa số người tiêu dùng.

Người tiêu dùng thấy rõ được việc sử dụng điện thoại để thanh toán thay cho các phương tiện khác là tiện lợi hơn và an toàn hơn vì nó hạn chế được việc mất cắp tiền và thông tin tài khoản cá nhân. Nhưng thói quen thanh toán bằng tiền mặt và sự xuất hiện của nhiều giải pháp thanh toán di động lại là những trở ngại cho người tiêu dùng và sự phát triển chung của thị trường, nhất là người tiêu dùng vẫn chưa có nhiều hiểu biết về các phương thức thanh toán mới và vẫn giữ thói quen chi tiêu bằng tiền mặt.

Một rào cản nữa là phần lớn dân số Việt Nam ở nông thôn, số lượng người không có tài khoản tại ngân hàng còn rất lớn và chưa được tiếp cận nhiều với các công nghệ thanh toán. Người dân phải có điện thoại thông minh và biết cách sử dụng mới có khả năng thanh toán qua di động. Đó là chưa kể đến sóng điện thoại có bảo đảm đủ khả năng cho điện thoại hoạt động liên tục không. Khi có trục trặc, lỗi kỹ thuật từ nhà mạng và ngân hàng, thời gian giải quyết phải nhanh chóng, không để kéo dài mấy ngày, thậm chí hàng tuần thì khách hàng sẽ vất vả chờ đợi và hỏng việc.

Tăng cường bảo vệ người tiêu dùng, an ninh, an toàn mạng cũng như năng lực quản lý, giám sát nhằm tạo điều kiện cho thanh toán qua điện thoại di động an toàn, hiệu quả là vấn đề mà các cơ quan chức năng cần phải làm ngay.

Theo khảo sát của World Bank thì nước ta đang có 65% người lớn gửi, nhận tiền ngoài hệ thống chính thức hoặc trả tiền học phí, tiền hóa đơn bằng tiền mặt. 6,2 triệu người lớn không tiếp cận được dịch vụ tài chính vì quá xa.

Kỳ vọng của chúng ta rất lớn nhưng với những rào cản nêu trên thì vẫn cần có lộ trình để tháo gỡ. Đúng như Jack Ma nói: “Tỷ lệ người sử dụng Internet, điện thoại di động ở Việt Nam rất lớn nên Việt Nam là một miền đất có rất nhiều cơ hội. Tuy nhiên, cơ hội lớn lao vẫn còn cho tất cả mọi người. Đừng cố gắng trở thành Alibaba hay AliPay. Sự khổng lồ vẫn còn triển vọng cho 30 năm tới, thời đại Internet mới chỉ vừa bắt đầu mà thôi”.

Bùi Đức

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc