Lo ngại suy giảm kinh tế

11:28 | 04/06/2012

507 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hiện nay, thị trường vẫn tiếp tục kém sôi động, sức mua giảm, hàng tồn kho tăng cao. Các chuyên gia kinh tế lo ngại sức mua giảm kéo theo sự sụt giảm của sản xuất, kinh doanh, là dấu hiệu của suy giảm kinh tế.

Sức tiêu thụ hàng hóa giảm

Do sức tiêu thụ trong nước hạn chế, nên thị trường tiếp tục kém sôi động. Hiện nay, nhiều nhà máy sản xuất thép vẫn phải tiết giảm sản xuất, chỉ chạy 50 – 60% công suất. Bên cạnh đó, giá nguyên vật liệu, thép phế, giá khoáng sản, phế liệu nhập khẩu cho ngành thép đang có xu hướng tăng đã làm cho chi phí sản xuất tăng, buộc các doanh nghiệp thép phải giữ giá thành phẩm ở mức cao. Từ đầu năm đến nay, lượng hàng bán ra của các doanh nghiệp liên tục giảm, hàng tồn kho ngày càng chồng chất.

Cũng chịu sự tác động từ những khó khăn chung của nền kinh tế, thị trường điện máy vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc. Nhu cầu mua sắm các mặt hàng điện máy trong nước không cao do người dân thắt chặt chi tiêu. Các cửa hàng điện máy liên tục khuyến mãi nhưng vẫn rất vắng khách. Nhiều doanh nghiệp bán lẻ điện máy đã nỗ lực mở mạng lưới bán hàng ở các tỉnh với hi vọng tăng doanh số. Tuy nhiên, sức mua của nhóm hàng điện máy tại các tỉnh vẫn tiếp tục giảm khoảng 10 – 20 % so với trước đó. Tính chung từ đầu năm đến nay, sức mua các mặt hàng điện máy đã giảm từ 20 – 60%.

Tình hình tiêu thụ hàng hóa của hầu hết doanh nghiệp đều giảm so với cùng kỳ

Bà Lê Thanh Tâm – Phó Giám đốc Công ty Sài Gòn Food cho biết: Sức mua hiện rất yếu. Mặc dù, từ đầu năm đến nay công ty không tăng giá các mặt hàng và còn tổ chức nhiều chương trình khuyến mãi để thúc đẩy tiêu dùng nhưng doanh thu vẫn giảm 10 – 20% so với cùng kỳ. Sức mua giảm buộc công ty phải điều chỉnh kế hoạch sản xuất, giảm số lượng hàng hóa cung ứng để tránh tình trạng giam vốn quá nhiều ở hàng tồn kho và tìm cách mở rộng thị trường để tiêu thụ hàng hóa.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hải Đăng nhận định: Tình hình tiêu thụ hàng hóa của hầu hết các doanh nghiệp đều giảm so với cùng kỳ, tổng cầu của nền kinh tế giảm, tồn kho tăng cao. Nguyên nhân do người tiêu dùng thắt lưng buộc bụng để vượt qua giai đoạn kinh tế khó khăn. Giá cả một số mặt hàng đã giảm (giá gas, giá nông sản, giá phân bón…), tuy nhiên yếu tố này không tác động nhiều đến sức mua của thị trường trong nước.

Dấu hiệu suy giảm kinh tế

Chịu ảnh hưởng từ những khó khăn chung của nền kinh tế, chi phí sản xuất cao nhưng tiêu thụ sản phẩm chậm dẫn đến hầu hết các ngành công nghiệp đều có chỉ số sản xuất tăng rất thấp, trong khi đó hàng tồn kho tăng lên 35% so với cùng kỳ.

Kết quả khảo sát niềm tin tiêu dùng thực hiện cho quý I/2012 của hãng nghiên cứu Nielsen đã cho thấy, chỉ số niềm tin người tiêu dùng Việt Nam đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ năm 2010; 73% người tham gia khảo sát cho rằng hiện tại không phải là thời điểm thích hợp để mua sắm, 84% cho biết đã phải thay đổi thói quen mua sắm để tiết kiệm chi phí…, chỉ 49% người tiêu dùng tự tin vào tình hình tài chính cá nhân sẽ tốt trong năm nay. Những lo ngại lớn nhất của người tiêu dùng là về sự đảm bảo công việc; bức tranh chung của nền kinh tế; việc tăng giá lương thực, điện, gas, chất đốt và chi phí về y tế.

Sức mua giảm là một trong những dấu hiệu của suy giảm kinh tế

Các chuyên gia kinh tế cho rằng đã xuất hiện nhiều dấu hiệu của suy giảm kinh tế như: sản xuất kinh doanh đình đốn, doanh nghiệp giải thể tăng cao, nhập khẩu giảm đột ngột… Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đây chỉ là những dấu hiệu bước đầu cần tiếp tục đánh giá những dấu hiệu suy giảm kinh tế, nếu tình hình vẫn xấu thì phải nhanh chóng có điều chỉnh chính sách cho phù hợp để khắc phục tình trạng này. Trong thời gian tới cần có những chính sách đồng bộ về kinh tế vĩ mô và nỗ lực của doanh nghiệp mới có thể khắc phục được tình trạng tồn kho hàng hóa.

PGS TS Nguyễn Văn Trình – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế – Luật, ĐHQG TP HCM nhận định: Hiện nay, sức mua ở tất cả các thị trường đều rất trầm lắng. Sức mua giảm mạnh, hàng tồn kho tăng cao kỷ lục. Đây là vấn đề rất đáng lo ngại. Không phải giá giảm là giảm lạm phát mà có thể đó chính là giảm phát, dấu hiệu suy giảm kinh tế. Giá không tăng được là do không có sức mua.

Ông Cao Sỹ Kiêm – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng: Để kích thích tiêu dùng, làm tăng sức mua thì cần vận động doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào để giảm giá thành sản phẩm, hướng dẫn tiêu dùng, tập trung động tác mở rộng thị trường. Chính phủ cần hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, giảm tình trạng tồn đọng hàng hóa, kích thích sản xuất, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Mai Phương