Diễn đàn Năng lượng - đầu tư và phát triển bền vững:

Lỗ hổng từ quy hoạch và chính sách giá

10:20 | 15/05/2013

633 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Ngày 9/5 tại Hà Nội, Bộ Công Thương phối hợp cùng Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) vừa tổ chức Diễn đàn “Năng lượng - đầu tư và phát triển bền vững”. Diễn đàn được kỳ vọng sẽ tập hợp thêm những góc nhìn mới, toàn diện và khách quan hơn đối với Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2050 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ cuối năm 2007.

Còn thiếu Quy hoạch tổng thể

Hơn 10 tham luận được chuẩn bị công phu đã thể hiện sự tâm huyết của các diễn giả, cũng là những nhà khoa học đầu ngành năng lượng. Hàng loạt vấn đề xung quanh việc cung cấp và sử dụng năng lượng; các giải pháp để Việt Nam đạt được sự phát triển bền vững vì mục tiêu phục vụ quốc gia, dân tộc; động viên các doanh nghiệp nỗ lực hơn trong phát triển kinh doanh gắn với việc tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường; sử dụng tiết kiệm và phát triển bền vững nguồn năng lượng trong tương lai... được mổ xẻ hoàn toàn khách quan và mang tính xây dựng cao. Tuy vậy, có một thực tế các diễn giả cũng như đại biểu đều “gặp nhau”: đó là ngành năng lượng Việt Nam đang thiếu đi một quy hoạch tổng thể.

Theo TS Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, các quy hoạch phân ngành điện, than, dầu - khí, năng lượng mới và tái tạo hiện nay được các ngành xây dựng riêng rẽ và rất chủ động, tức là từ khi còn chưa có chiến lược phát triển năng lượng quốc gia. Cho dù các phân ngành trên vẫn đảm bảo tốt việc cung cấp năng lượng cho nền kinh tế, nhưng nếu xét đến vấn đề an ninh năng lượng bền vững thì không ai dám chắc. Lo lắng đó cũng xuất phát từ sự thiếu đồng bộ và tính thống nhất chưa cao; tư liệu, số liệu phục vụ quy hoạch thiếu thống nhất, thiếu tin cậy, thiếu thẩm định, trong khi cơ cấu, tỷ lệ đầu tư hoàn toàn hợp lý giữa các phân ngành, giữa các giai đoạn quy hoạch.

Để đáp ứng Quy hoạch điện VII ngành điện chỉ biết trông chờ vào nhiệt điện than

Cũng theo TS Trần Viết Ngãi, sự chuẩn bị các loại nhiên liệu - năng lượng sơ cấp (vốn là đầu vào đầu ra của nhau) lại đang thiếu sự cân đối và sự tương quan hợp lý. Điển hình như lượng than chuẩn bị cung cấp cho các dự án nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) chạy than trong quy hoạch phát triển điện lực 2011-2020, tầm nhìn 2030 (Quy hoạch điện VII) đã ngoài tầm kiểm soát của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin). Bất hợp lý đã gây ra những lúng túng thật sự. “Để nâng công suất toàn hệ thống từ 27.000MW hiện tại lên 75.000MW (?!) như Quy hoạch vào năm 2020, ngành điện, than cùng các thành phần kinh tế còn lại phải hoàn thành một khối lượng công việc vô vùng lớn, gần như quá sức trong bối cảnh nền kinh tế chững lại bởi khủng hoảng.

Dự báo nhu cầu sử dụng điện vào năm 2020 là 300-362 tỉ kWh (tương đương GDP 200 tỉ USD - PV), sau khi tính toán các nguồn năng lượng tái tạo và thủy điện, ngành than phải cung cấp 67,8 triệu tấn than riêng cho các NMNĐ. Trong năm 2012, Vinacomin chỉ sản xuất được trên 40 triệu tấn, mà 40 triệu tấn ấy còn phải phục vụ nhiều thành phần kinh tế ngoài Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Hiện tại, tỉ suất đầu tư cho 1 triệu tấn than khoảng 200 triệu USD, mở một mỏ mới mất khoảng 5-6 năm. Một ví dụ nhỏ để thấy rằng Quy hoạch điện VII với mốc 2020 là quá sức với EVN và Vinacomin”, TS Trần Viết Ngãi tham luận tại diễn đàn.

Theo quan điểm của VEA, thời gian Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển điện lực hợp lý hơn cả phải là thời điểm sau khi quy hoạch phát triển các phân ngành năng lượng sơ cấp như than, dầu khí và quy hoạch phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo. Như vậy mới đảm bảo được độ tin cậy, đồng thời phải tổ chức xây dựng đồng bộ cùng một quãng thời gian 10 năm “đều” như nhau, có định hướng cho 10 năm tiếp theo.

Sớm thị trường hóa giá năng lượng

Như vậy, chỉ khi toàn bộ hệ thống năng lượng ổn định, an ninh năng lượng mới được đảm bảo. Theo TS Đoàn Văn Bình - Viện trưởng Viện Khoa học năng lượng (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), ở cấp độ vĩ mô, nếu xảy ra các nguy cơ mất an ninh năng lượng hoàn toàn có thể dẫn đến mất ổn định kinh tế, chính trị, ảnh hưởng nghiêm trọng đến trạng thái kinh tế - xã hội quốc gia, làm chậm hoặc ngăn chặn đà tăng trưởng kinh tế cũng như tiến bộ xã hội. An ninh năng lượng chỉ có thể đạt được nếu nhóm biện pháp: đảm bảo nguồn cung - đáp ứng nhu cầu hợp lý thông qua hệ thống sử dụng năng lượng. Như vậy, các phân ngành năng lượng phải sở hữu nội lực mạnh mẽ, chủ động hoàn toàn đầu tư, tài chính, nhân sự… và phần nào là giá thành thương phẩm. Ngày 20/4 vừa qua, Chính phủ đã đồng ý để giá than bán cho điện tăng thêm 27%, tuy vậy từng đó cũng mới chỉ bằng giá sản xuất sau kiểm toán của năm… 2011.

TS Trần Viết Ngãi dẫn chứng, trong khi giá điện khu vực dao động từ 8-9 cent/kWh thì chúng ta vẫn lẹt đẹt quanh mức 6,5 cent/kWh. Con số trên dẫn tới tình cảnh EVN lỗ triền miên, từ đó nợ ngược lại cả Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), Vinacomin hàng chục nghìn tỉ đồng. Nếu không tháo được nút thắt chính sách giá, hàng chục nhà máy điện BOT trong quy hoạch có nguy cơ... đắp chiếu. Đơn giản vì chẳng nhà đầu tư nước ngoài nào dám nhảy vào làm điện nếu chúng ta chỉ mua điện của họ với giá chỉ bằng 75-80% giá thành.

Trong khi đó, với tư cách là nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương phụ trách năng lượng, ông Đỗ Hữu Hào khẳng định, chúng ta đã khai thác gần hết thủy điện - nguồn “ngon” nhất và dễ đầu tư hiệu quả nhất. Để đáp ứng được Quy hoạch điện VII một cách tương đối, thì EVN chỉ có thể cậy nhờ vào điện than và điện khí. Năng lượng tái tạo, năng lượng mới chưa thể có “đất diễn” vào thời điểm hiện tại, chính sách thuế, chính sách giá chưa ủng hộ. “Nếu EVN cùng các thành phần khác trong nền kinh tế có kịp hoàn thiện tiến độ cho các NMNĐ thì Vinacomin cũng chẳng biết lấy đâu ra than mà đốt lò”, ông Đỗ Hữu Hào chia sẻ với tư cách người đồng chủ trì diễn đàn. Chúng ta có quy hoạch cứng, quy hoạch mềm. Quy hoạch cứng thì Nhà nước phải làm, còn quy hoạch mềm là đề tài gợi ý cho đầu tư nước ngoài cũng như các thành phần kinh tế khác. Vậy mà phần cứng còn lao đao thì ai dám lao vào phần mềm?”.

Tham dự diễn đàn với tư cách khách mời, TS Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho biết, khi đi thực tế nước ngoài, ông mới biết Chính phủ bạn hỗ trợ rất nhiều tiền cho hệ thống năng lượng. “Bao cấp thì Nhà nước hãy bao cấp toàn bộ, còn nếu quyết định thị trường hóa thì hãy để các trụ cột năng lượng tự quyết định giá thành sản phẩm của mình. Nếu nghi ngờ sự minh bạch, chúng ta hoàn toàn có thể mời các công ty kiểm toán độc lập và uy tín của quốc tế vào làm việc. Cái mà người dân cần là sự minh bạch chứ không phải giá than, giá xăng hay giá điện cuối cùng mà các doanh nghiệp đưa ra!”, TS Võ Trí Thành khẳng định. “Giá than, giá điện, giá xăng có thể cao hơn hiện tại nhưng nếu người tiêu dùng được tôn trọng, người nghèo được chia sẻ và các doanh nghiệp có trách nhiệm với xã hội thì tôi cho rằng thị trường hóa giá sản phẩm năng lượng là điều rất nên làm”.

Tùng Lê