Lộ báo cáo mật về các biện pháp trừng phạt Triều Tiên

11:28 | 16/05/2013

531 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Theo báo cáo mật của nhóm các chuyên gia của Liên hợp quốc (LHQ), được Reuters công bố ngày 14/5, các biện pháp trừng phạt tổng thể của quốc tế được áp đặt với Triều Tiên đã làm chậm đáng kể chương trình vũ khí hạt nhân của nước này.

 

 

Vụ thử hạt nhân hồi tháng 2/2013 của Triều Tiên càng khiến quốc tế gia tăng các biện pháp cấm vận nước này

Báo cáo dài 52 trang có đoạn viết: "Mặc dù việc áp đặt các biện pháp trừng phạt không ngăn được Triều Tiên phát triển các chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo, song chắc chắn nó đã làm chậm đáng kể kế hoạch (phát triển hạt nhân của Triều Tiên). Việc áp đặt các biện pháp trừng phạt tài chính và lệnh cấm mua bán vũ khí đã cắt đứt các nguồn tài chính quan trọng, lâu nay vẫn được dùng để tài trợ cho các hoạt động nghiên cứu và thử nghiệm vũ khí của nước này".

Trong báo cáo được gửi đến Ủy ban Trừng phạt Triều Tiên của Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ, nhóm chuyên gia cũng đề nghị trừng phạt 3 thực thể và 12 cá nhân của Triều Tiên. Ba thực thể gồm Bộ Công nghiệp Năng lượng Nguyên tử mới được thành lập, Vụ Công nghiệp Vũ khí thuộc Ủy ban Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên (KWP) và Cục Phát triển Vũ trụ Nhà nước. Các cá nhân bị nhóm chuyên gia đề nghị đưa vào danh sách cấm vận gồm Bộ trưởng Năng lượng Nguyên tử (một khi được bổ nhiệm) và bốn quan chức cấp cao thuộc Vụ Công nghiệp Vũ khí. Nhóm chuyên gia cũng đề nghị đưa vào danh sách đen một công dân Kazakstan có tên Aleksandr Viktorovich Zykov và hai công dân Ucraina có tên Iurii Lunov và Igor Karev-Popov vì dính líu đến các thỏa thuận mua bán vũ khí liên quan tới Triều Tiên. Hiện chưa rõ HĐBA LHQ có thực thi các kiến nghị này hay không.

Báo cáo viết: "Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên vẫn tiếp tục thách thức cộng đồng quốc tế bằng một loạt hành động làm gia tăng quan ngại về các ý đồ của nước này". Nhóm chuyên gia cũng liệt kê vụ thử hạt nhân hồi tháng 2/2013 và các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên như những bằng chứng về sự vi phạm của Triều Tiên, khiến quốc tế ngày càng lo ngại về cách hành xử của Bình Nhưỡng. Báo cáo viết: "Triều Tiên vẫn tiếp tục nỗ lực nhập khẩu và xuất khẩu những mặt hàng liên quan đến vũ khí cũng như các chương trình hạt nhân và tên lửa. Không có thay đổi đáng kể nào về số lượng cũng như bản chất của những vụ việc mà nhóm chuyên gia đã điều tra trong thời gian lập báo cáo".

Các nhà ngoại giao Mỹ cho rằng Trung Quốc - đồng minh chính và là đối tác thương mại của Triều Tiên - tiếp tục đóng vai trò then chốt trong việc giúp Bình Nhưỡng né tránh biện pháp trừng phạt, mặc dù việc này không được đề cập một cách rõ ràng trong báo cáo. Bắc Kinh từng tuyên bố sẽ đẩy mạnh việc thực thi đầy đủ lệnh cấm vận mới nhất của LHQ được HĐBA phê chuẩn tháng 3/2013, tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ Trung Quốc sẽ giữ lời hứa được bao nhiêu. Vừa qua, Ngân hàng Trung Quốc đã đóng tài khoản của Ngân hàng Ngoại thương Triều Tiên - ngân hàng ngoại thương quốc doanh chính của nước này. Ngân hàng ngoại thương này cũng bị Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt hồi tháng 3/2013 sau khi bị Washington cáo buộc hậu thuẫn tài chính cho chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng. Việc đóng cửa tài khoản là bước đi quan trọng đầu tiên của một công ty Trung Quốc nhằm hạn chế những trao đổi thương mại với Triều Tiên.

Theo nhóm chuyên gia, các biện pháp trừng phạt tài chính của LHQ đang phát huy tác dụng. Các chuyên gia viết: "Chúng tôi tin chắc rằng các biện pháp trừng phạt tài chính trong nghị quyết nhìn chung đang được các ngân hàng lớn thực thi một cách hiệu quả. Tuy nhiên, trên thực tế cũng có những quan ngại là một số ngân hàng ở một số nước không có khả năng quản lý hiệu quả và không thể phát hiện cũng như ngăn chặn các hoạt động giao dịch của Triều Tiên", ám chỉ một trường hợp có liên quan đến Ngân hàng Congo thuộc nước Cộng hòa Congo.

Nh.Thạch (Theo Reuters) 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc