Liều thuốc thử cho du lịch biển

17:17 | 25/05/2017

3,272 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, mùa du lịch biển 2017 mới chỉ bắt đầu nhưng độ tăng trưởng so với cùng kỳ 2016 là 40%. Trong đó, chỉ tính riêng dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5, lượng khách du lịch biển đã đạt trên 5 triệu lượt. 

"Tuy doanh thu từ du lịch biển đang rất khả quan nhưng cùng với đó là những cảnh báo về điều kiện cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống nhà nghỉ, khách sạn và những điểm nghỉ dưỡng chưa đáp ứng được nhu cầu khi lượng khách tăng đột biến” - một chuyên gia về kinh tế ngành du lịch biển cảnh báo.

Bãi biển nào cũng đông nghịt người

Thống kê nhanh tại nhiều điểm du lịch biển nổi tiếng trên cả nước như Đồ Sơn (Hải Phòng), Sầm Sơn (Thanh Hóa), các bãi biển thuộc TP Đà Nẵng, Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu), Phú Quốc (Kiên Giang)… lượng khách du lịch đến từ nửa cuối tháng 4 và nửa đầu tháng 5-2017 đều tăng kỷ lục, có điểm tăng tới 200% so với cùng kỳ năm 2016.

lieu thuoc thu cho du lich bien
Bãi biển chật kín người, quá tải trong dịp nghỉ lễ 30-4 vừa qua

Theo Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, tổng lượng khách tham quan, du lịch tại Đà Nẵng trong 1 tháng qua đạt gần 1 triệu lượt, tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó khách quốc tế đạt 300.000 lượt, tăng 91,2%, khách nội địa đạt 700.000 lượt, tăng 26% so với cùng kỳ.

Theo Hiệp hội này, sở dĩ lượng khách đến du lịch Đà Nẵng nói chung và du lịch biển nói riêng tăng là do kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 cũng là thời điểm khai mạc Lễ hội Pháo hoa Quốc tế Đà Nẵng 2017 với chương trình nghệ thuật đặc biệt cùng nhiều hoạt động phụ trợ nên thu hút đông đảo cả khách trong nước và quốc tế.

Trong khi đó, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Hải Phòng cũng cho biết, chỉ trong 4 ngày cuối tháng 4, đầu tháng 5 đã có khoảng 350.000 du khách đến với bãi biển Đồ Sơn. Tại đảo Cát Bà, huyện Cát Hải, TP Hải Phòng, mới đầu mùa nhưng lượng khách du lịch biển cũng tăng cao gấp 1,5 lần so với năm trước.

Tín hiệu đáng mừng trên về du lịch biển cũng nhận thấy ở du lịch biển Quảng Ninh. Theo thông tin từ Sở Du lịch Quảng Ninh, từ đầu tháng 5 đến nay, ngành du lịch tỉnh này đã đón gần 500.000 lượt khách, tăng 47% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, khách lưu trú đạt 120.000 lượt, các khách sạn 3-5 sao đạt công suất hơn 95%. Thống kê của Sở Du lịch Quảng Ninh cũng cho thấy: Đã có 2.645 chuyến tàu xuất bến đưa hơn 71.500 lượt khách tham quan vịnh Hạ Long, trong đó khách du lịch quốc tế đạt gần 26.000 lượt.

Không chỉ các bãi biển có “thương hiệu”, lượng khách du lịch tăng đột biến, gây quá tải, mà các bãi biển ở 4 tỉnh chịu ảnh hưởng của sự cố môi trường biển như Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế mùa biển năm nay lượng khách du lịch cũng “đông vui” không kém.

Theo báo cáo của Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh, lượng khách du lịch đến các điểm tham quan, nghỉ dưỡng ở thời điểm này trên địa bàn tỉnh tăng 173% so với cùng kỳ năm 2016.

Các điểm hút khách nhất ở Hà Tĩnh là các bãi biển: Xuân Hải (huyện Lộc Hà), Thiên Cầm (huyện Cẩm Xuyên), Xuân Thành (huyện Nghi Xuân), Kỳ Xuân (huyện Kỳ Anh), Kỳ Ninh (thị xã Kỳ Anh)… Sôi động nhất trong dịp này là bãi biển Thạch Bằng khi đón hơn 20.000 khách du lịch đến nghỉ dưỡng, vui chơi.

Tại Quảng Bình, số khách tìm đến các bãi biển trong 1 tháng nay là hơn 100.000 lượt (tăng gần 70%) so với cùng kỳ năm 2016. Vào thời điểm nghỉ lễ, tất cả các khách sạn, nhà nghỉ tại tỉnh đều kín phòng, nhất là các khách sạn từ 3 sao trở lên. Lý giải việc này, Sở VH-TT&DL Quảng Bình cho biết: Thông điệp “Biển đã sạch và an toàn” khiến du khách yên tâm đến nghỉ dưỡng tắm biển và thưởng thức đặc sản biển.

“Tại biển Cửa Việt (Quảng Trị), hiện trung bình mỗi ngày có 1.000-3.000 khách đến vui chơi. Đặc biệt, trong ngày lễ, ngày nghỉ khách tập trung đến hơn 8.000 người. Đây là tín hiệu tích cực cho du lịch biển tại Quảng Trị sau hơn 1 năm xảy ra sự cố môi trường biển” - ông Nguyễn Văn Thạnh, Trưởng ban Quản lý bãi tắm Cửa Việt cho biết.

Vừa mừng, vừa lo

Theo chuyên gia lữ hành và du lịch quốc tế Ngô Minh Thắng, dù là các công ty du lịch hay người làm du lịch địa phương, số lượng khách đặt tour hay tự đi du lịch tăng là một tín hiệu tích cực đều đem đến một thứ đó là doanh thu và lợi nhuận. Đồng thời, đằng sau đó là việc thương hiệu của điểm đến được nâng cao.

“Nói khách tăng mà bảo là tín hiệu tiêu cực thì không đúng, nhưng thực tế dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 năm nay với số lượng khách tăng chóng mặt thực sự là một liều thuốc thử cho hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ ngành du lịch biển như các cơ sở di trú (nhà nghỉ, khách sạn), chất lượng dịch vụ và giá cả mặt bằng. Nhưng tất cả những gì chúng ta đã thấy như truyền thông miêu tả bằng 2 từ thất thủ!” - ông Thắng nói.

Đối với khách du lịch tại các bãi biển nổi tiếng trong dịp nghỉ lễ dài vừa qua là bị đội giá dịch vụ và chặt chém. “Nếu đi tour thì còn đỡ vì có giá cả trọn gói, nhưng tự tổ chức đi thì từ giá ăn, nghỉ và các dịch vụ trong các dịp đông khách bị đội giá là đương nhiên. Có nhiều phòng nghỉ tại khu vực Sầm Sơn (Thanh Hóa), Đồ Sơn (Hải Phòng) thậm chí ở những điểm du lịch không nổi tiếng như Quất Lâm (Nam Định), Tiền Hải (Thái Bình)… giá dịch vụ cũng tăng lên đến 200%” - chị Võ Thị Minh Thu, Giám đốc một công ty du lịch cho biết.

Vẫn theo chị Thu, do cơ sở hạ tầng ở nhiều bãi biển chưa đảm bảo (thiếu phòng hoặc không đáp ứng được nhu cầu theo yêu cầu của khách - PV), công ty của chị đã phải giãn tour, giảm tour trong thời gian gần đây. “Nhu cầu khách du lịch biển tăng theo mùa. Giờ đang vào mùa nhưng tình trạng quá tải liên tục dẫn dến tâm lý chán nản của khách thì sẽ ảnh hưởng đến việc lựa chọn nơi đến” - chị Thu phân tích thêm.

Đồng quan điểm với chị Thu, anh Trần Bình An, Trưởng điều hành Công ty Du lịch T.M cho rằng: Các doanh nghiệp lữ hành luôn tìm cách kích cầu và tạo ra những sản phẩm mới lạ, đa dạng cho nhóm du khách tàu biển với những chương trình tour đặc sắc; liên kết với các công ty dịch vụ, nhà hàng, khách sạn, cũng như các địa phương để giảm giá các dịch vụ, giá phòng, nâng cao chất lượng phục vụ cho du khách… Nhưng vào những dịp cao điểm, đông khách, chính công ty chúng tôi bị các nhà hàng, khách sạn từ chối dịch vụ. “Lý do là để các nhà hàng, khách sạn tìm cách tăng giá hay nói cách khác là tiện để “chặt chém” khách du lịch tự phát”.

Theo Tổng cục Du lịch, nằm trong chiến lược phát triển du lịch biển, hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, du lịch, nhất là hệ thống cơ sở lưu trú ven biển của nước ta đã được đầu tư phát triển. Tính đến nay, khu vực ven biển đã có hơn 1.400 cơ sở lưu trú cung ứng gần 50.000 buồng. Đồng thời đã hình thành 3 trung tâm du lịch biển có sức hút với khách quốc tế, gồm vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), Đà Nẵng, Nha Trang (Khánh Hòa) với những cơ sở lưu trú hiện đại 4-5 sao, có thể đón những đoàn khách đến nghỉ dưỡng và phát triển du lịch MICE (du lịch hội nghị, hội thảo).

Tuy nhiên, theo khuyến cáo của các chuyên gia, cần phải có những kế hoạch dự phòng trong thời điểm lượng khách tăng đột biến trong chiến lược dài hơi của ngành kinh tế biển nói chung, du lịch biển đảo nói riêng.

Ðến năm 2020 sẽ thu 200.000 tỉ đồng từ du lịch biển đảo

Ðề án “Phát triển du lịch biển, đảo và vùng ven biển Việt Nam đến năm 2020” của Bộ VH-TT&DL với mục tiêu là đến năm 2020, du lịch biển sẽ trở thành động lực của kinh tế biển Việt Nam. Du lịch biển đảo góp phần đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển và bảo đảm vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển, đảo, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm cho đất nước giàu mạnh. Ðề án cũng đề ra mục tiêu vào năm 2020, du lịch biển thu hút 22 triệu lượt khách quốc tế, 58 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ du lịch biển đạt 200.000 tỉ đồng.

An An