Liệu Mỹ và đồng minh sẽ “phải gánh chịu một số đau đớn” khi tăng cường trừng phạt Nga

20:32 | 07/04/2022

1,571 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Reuters ngày 7/4/2022 có bài phân tích cho rằng trong khi Mỹ và các đồng minh tung ra các biện pháp cấm vận mới chống Nga, một thực tế trở nên rõ ràng là các lựa chọn cấm vận dễ dàng nhất hiện đã cạn kiệt và sự khác biệt rõ rệt đã xuất hiện giữa các đồng minh về các bước đi tiếp theo. Liên minh châu Âu (EU) đề xuất động thái đầu tiên nhằm kiềm chế ngành năng lượng của Nga là cấm nhập khẩu than Nga, nhưng các nước EU vẫn chia rẽ về động thái này, mặc dù biện pháp này có ít tác động hơn so với hạn chế nhập khẩu dầu và khí đốt của Nga, vốn quan trọng hơn nhiều đối với nền kinh tế của EU.
Liệu Mỹ và đồng minh sẽ “phải gánh chịu một số đau đớn” khi tăng cường trừng phạt Nga
Đường ống dẫn dầu tại kho dự trữ chiến lược SPR Bryan Mound của Mỹ, Freeport, Texas. Ảnh: Luke Sharrett/Bloomberg.

Mỹ và Nhóm G7 đồng minh đã công bố các biện pháp cấm vận mới đối với ngân hàng cho vay lớn nhất của Nga Sberbank, tiếp tục cô lập Nga ra khỏi hệ thống tài chính dựa trên đồng đô la Mỹ. Mỹ cấm người Mỹ đầu tư mới vào Nga, cấm Matxcơva thanh toán cho các chủ nợ bằng tiền trong các ngân hàng của Mỹ. Các quan chức Bộ Tài chính Mỹ nói rằng các lệnh cấm vận đang khiến Nga quay trở lại nền kinh tế khắc khổ, đóng cửa theo kiểu Liên Xô cũ những năm 1980.

Cấm vận hoàn toàn xuất khẩu dầu của Nga có thể dẫn đến giá dầu toàn cầu tăng vọt

Tuy nhiên, các biện pháp cấm vận của Mỹ vẫn cho phép Nga tiếp tục thu doanh thu từ xuất khẩu năng lượng. Hôm thứ Tư (6/4), phát biểu với các nghị sỹ tại Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện Mỹ, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho rằng các lệnh cấm vận áp đặt đối với xuất khẩu dầu của Nga có thể sẽ dẫn đến giá dầu toàn cầu "tăng vọt", có thể gây tổn hại cho Mỹ và các đồng minh, và chưa thể thực hiện các biện pháp hạn chế mạnh hơn nữa đối với năng lượng của Nga vì các đồng minh châu Âu phụ thuộc vào dầu khí của Nga.

Bộ trưởng Janet Yellen hy vọng các công ty dầu mỏ ở Mỹ và các quốc gia khác có thể tăng sản lượng trong 6 tháng tới, nhờ động lực giá dầu cao hơn, khi đó có thể cho phép áp đặt các hạn chế khắt khe hơn đối với dầu của Nga. Nga cung cấp khoảng 40% lượng khí đốt tự nhiên tiêu thụ của EU, mà Cơ quan Năng lượng Quốc tế đánh giá là hơn 400 triệu USD/ngày. EU nhận 1/3 lượng dầu nhập khẩu từ Nga, trị giá 700 triệu USD/ngày.

Sự chia rẽ ở châu Âu trở nên rõ ràng hơn

Giám đốc Kinh tế quốc tế của Hội đồng Quan hệ đối ngoại ở New York Benn Steil cho rằng Mỹ và các đồng minh đang ở thời điểm “phải gánh chịu một số đau đớn” mặc dù các đợt cấm vận ban đầu được đưa ra nhằm mục đích gây tổn hại cho Nga mà không phải phương Tây.

Liệu Mỹ và đồng minh sẽ “phải gánh chịu một số đau đớn” khi tăng cường trừng phạt Nga
EU chia rẽ trong vấn đề cấm vận năng lượng của Nga. Ảnh: AFP.

Mỹ đã và đang thúc đẩy các đồng minh châu Âu gây thêm "đau đớn" cho Nga trong khi cố gắng đảm bảo rằng liên minh chống Nga không xảy ra bất đồng, một sự cân bằng ngày càng trở nên khó khăn hơn. Một lệnh cấm vận tiềm năng đối với toàn bộ năng lượng của Nga sẽ chia rẽ châu Âu vì một số nước phụ thuộc nhiều hơn những nước khác. Theo Eurostat, khí đốt của Nga chiếm 75% kim ngạch nhập khẩu năm 2021 của 10 quốc gia là Áo, Bulgaria, Séc, Estonia, Phần Lan, Hungary, Litvia, Romania, Slovakia và Slovenia.

Sự chia rẽ ở châu Âu đã trở nên rõ ràng hơn trong tuần này. Sau khi Litva tuyên bố ngừng nhập khẩu khí đốt của Nga, Bộ trưởng Tài chính Áo Magnus Brunner đã lên tiếng phản đối lệnh cấm vận đối với dầu khí của Nga, nói với các phóng viên ở Luxembourg rằng điều này sẽ gây tổn hại cho Áo nhiều hơn Nga. Đức nhập khẩu 55% khí đốt từ Nga. Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner cho biết “việc cung cấp khí đốt của Nga không thể thay thế được”, việc cắt đứt “sẽ gây hại cho chúng tôi nhiều hơn cho nước Nga”.

Các chuyên gia cho biết châu Âu chỉ có thể thay thế một phần khí đốt nhập khẩu từ Nga bằng cách tăng cường nhập khẩu từ các nước khác, bao gồm cả khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) bằng tàu biển.

Liệu Mỹ và đồng minh sẽ “phải gánh chịu một số đau đớn” khi tăng cường trừng phạt Nga
EU thông qua lệnh cấm đối với than đá của Nga nhưng chưa sẵn sàng từ bỏ dầu và khí đốt. Ảnh: Baltics.News.

Reuters đưa tin, ngày 7/4, Liên minh châu Âu sẽ thông qua một lệnh cấm đối với than đá của Nga, có hiệu lực từ giữa tháng 8/2022, muộn hơn một tháng so với đề xuất ban đầu, sau áp lực từ Đức, nhà nhập khẩu than Nga chính của EU, muốn trì hoãn biện pháp này. Dầu và khí đốt, nhiên liệu nhập khẩu lớn hơn nhiều từ Nga vẫn chưa chịu ảnh hưởng.

Các biện pháp cấm vận đạt tới mức trần ở cả hai bờ Đại Tây Dương

Cựu quan chức tại Văn phòng Kiểm soát tài sản nước ngoài của Bộ Tài chính Mỹ Daniel Tannebaum cho rằng sự thiếu thống nhất trong việc hạn chế nhập khẩu năng lượng của Nga có nghĩa là sẽ bị hạn chế trong các lựa chọn để gia tăng áp lực hơn nữa.

Giám đốc Công ty tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group Clayton Allen cho rằng các biện pháp cấm vận đã đạt tới mức trần ở cả hai bờ Đại Tây Dương. Clayton Allen cho biết, để thúc đẩy một vòng cấm vận mới cứng rắn hơn, các quan chức Mỹ sẽ cần phải đưa ra một số đảm bảo với các nước châu Âu rằng thị trường năng lượng và nguồn cung có thể được ổn định để tránh khó khăn kinh tế nghiêm trọng. Một EU suy yếu về kinh tế sẽ không giúp được ai cả.

Trong tuần này, tại các cuộc họp Bộ trưởng Ngoại giao NATO và G7, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken dự kiến ​​sẽ thúc đẩy mục tiêu này để có thêm hành động ở Brussels. Thứ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Wally Adeyemo đã có các cuộc họp tương tự vào tuần trước tại London, Brussels, Paris và Berlin./.

Thanh Bình

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps