Liên minh tay ba ở Tam Giác Vàng (Kỳ 26)

07:00 | 12/01/2019

1,428 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Tại căn nhà của Chiến, nằm tại tỉnh Bò Kẹo, có Tiến, Quang, tên Tùng là kẻ đã giết ông Trí và hai gã vệ sĩ khác. Chiến chắp tay sau lưng đi lại lồng lộn như con thú bị thương, giọng rin rít qua kẽ răng...

>> Liên minh tay ba ở Tam Giác Vàng (Kỳ 25)

Nguyễn Như Phong

Ngày xưa ở đây có một cái hang, gọi là hang Na Long, trong một trận đánh, bọn không quân Mỹ đã thả bom trúng cửa hang. Lần thả bom đó chết nhiều lắm, có lẽ phải đến hơn ba trăm người cả bộ đội tình nguyện Việt Nam, rồi bộ đội Lào và cả thanh niên xung phong. Chính mẹ đã phải đi chôn cất những người chết ở trong hang. Mẹ không thể nào quên được những cô gái thanh niên xung phong Việt Nam, khi họ bị hơi ngạt, nóng quá họ đã xé hết quần áo, trên người các cô không còn mảnh vải che thân. Khi chôn không có quan tài, cũng chẳng có quần áo để liệm, mỗi một thi thể được bỏ vào một cái túi nilon loại bao gạo xanh của Trung Quốc, thế rồi xếp họ xuống hố bom và dùng máy ủi lấp đất lên. Sau này mẹ được biết là bộ đội Việt Nam chuyển hết hài cốt của những người đã hy sinh trong trận ấy đưa về Nghĩa trang Liệt sĩ Nậm Cắn.

Hôm sau, Hoàn lái xe đưa mẹ về Lào, họ đi theo đường qua cửa khẩu Nậm Cắn, đi đến đâu bà Bun cũng kể cho Hoàng nghe. Đến Noọng Hét bà bảo Hoàn dừng xe lại để bà ngắm nhìn Noọng Hét. Bà thấy Noọng Hét bây giờ thay đổi nhiều quá, nhà cửa san sát, không còn bóng dáng một cây thuốc phiện nào.

Bà bảo với Hoàn:
- Con biết không, ngày xưa cả thung lũng này toàn thuốc phiện đấy, người Mông ở đây trồng thuốc phiện nhiều lắm, có những lần mẹ hành quân đi qua đây, đói quá phải bẻ quả thuốc phiện lấy hạt nhai cho đỡ đói.

Hoàn ngạc nhiên hỏi:
- Hạt thuốc phiện ăn được hả mẹ?

Bà Bun cười:
- Nhựa thuốc phiện thì làm ma túy, nhưng hạt thuốc phiện đem rang lên ăn cũng ngon như ăn lạc vậy con à.

Hoàn hỏi:
- Nhưng có nghiện không mẹ?

Bà Bun lắc đầu:
- Không! Hạt thuốc phiện không gây nghiện. Ngày xưa, mẹ cứ phải đi nhặt quả thuốc phiện về bóc lấy hạt đem rang rồi giã ra trộn với muối, ăn nó cũng giông giống như muối vừng của Việt Nam vậy.

Hoàn cười:
- Ồ! Cái điều đấy bây giờ con mới được biết.

Xe đi đến bản Bang, bà Bun nói:
- Ngày xưa ở đây có một cái hang, gọi là hang Na Long, trong một trận đánh, bọn không quân Mỹ đã thả bom trúng cửa hang. Lần thả bom đó chết nhiều lắm, có lẽ phải đến hơn ba trăm người cả bộ đội tình nguyện Việt Nam, rồi bộ đội Lào và cả thanh niên xung phong. Chính mẹ đã phải đi chôn cất những người chết ở trong hang. Mẹ không thể nào quên được những cô gái thanh niên xung phong Việt Nam, khi họ bị hơi ngạt, nóng quá họ đã xé hết quần áo, trên người các cô không còn mảnh vải che thân. Khi chôn không có quan tài, cũng chẳng có quần áo để liệm, mỗi một thi thể được bỏ vào một cái túi nilon loại bao gạo xanh của Trung Quốc, thế rồi xếp họ xuống hố bom và dùng máy ủi lấp đất lên. Sau này mẹ được biết là bộ đội Việt Nam chuyển hết hài cốt của những người đã hy sinh trong trận ấy đưa về Nghĩa trang Liệt sĩ Nậm Cắn.

lien minh tay ba o tam giac vang (ky 26)

Chum đá bị vỡ ở Cánh đồng Chum.

Hai mẹ con đi đến thị trấn Phôn Xa Vẳn thì nghỉ lại, buổi tối nhìn thị trấn Phôn Xa Vẳn rực rỡ ánh đèn điện. Bà Bun nói với Hoàng:
- Thay đổi nhiều quá con ạ! Ngày xưa cả Cánh Đồng Chum này bạt ngàn cỏ gianh, bạt ngàn cây chó đẻ và đi đâu cũng thấy bom, thấy đạn, thấy mìn.

Hoàn bảo:
- Chiến tranh đã lùi xa hai mươi mấy năm rồi mẹ ơi. Thay đổi như thế này còn là chậm đấy.

Thế rồi Hoàn bảo:
- Mẹ ơi, mẹ con mình nghỉ lại đây một ngày, mẹ xem có ai là người quen không thì mẹ đi thăm đi.

Bà Bun suy nghĩ rồi nói:
- Ừ, mai mẹ con mình vào Công an tỉnh Xiêng Khoảng, mẹ hỏi thăm tìm một người, ngày xưa chú ấy cùng bộ đội, nhưng nghe nói sau này chú ấy chuyển về làm ở Công an tỉnh Xiêng Khoảng, hình như chú ấy là Phó giám đốc thì phải.

***

Hai mẹ con ngủ lại ở thị trấn Phôn Xa Vẳn một đêm. Tờ mờ sáng hôm sau bà Bun gọi Hoàn dậy. Trời rét căm căm.
Hoàn ngái ngủ bảo:
- Mẹ ơi, để lát nữa đã, trời vẫn còn tối thế này kia mà.

Bà Bun bảo:
- Con cứ dậy chuẩn bị đi, lát nữa mẹ con mình ra thăm Cánh Đồng Chum đã rồi sau đó về Công an Xiêng Khoảng.

Hai mẹ con ăn sáng xong, Hoàn lái xe đưa bà đi ra khu vực Cánh Đồng Chum. Cánh Đồng Chum bây giờ đã trở thành một khu du lịch, có hàng rào cẩn thận và có cổng ra vào. Người bảo vệ khu Cánh Đồng Chum rất ngạc nhiên khi thấy trời vẫn còm sớm như thế này mà đã thấy người đến tham quan. Anh ta hỏi bà Bun bằng tiếng Lào:
- Bà đến thăm sớm thế này chắc có việc gì?

Bà Bun nói bằng tiếng Lào:
- Ngày xưa tôi là bộ đội, tôi đã ở đây. Thời gian không được nhiều nên tôi muốn đi thăm sớm.

Anh ta đồng ý và mở cửa cho bà Bun và Hoàng vào thăm chum. Đến những chiếc chum to, Hoàng hỏi:
- Mẹ ơi, tại sao lại có những chiếc chum này? Và những cái chum này để làm gì?

Bà Bun bảo:
- Cho đến bây giờ mẹ được biết, những chiếc chum này chưa ai xác định được nó có từ bao giờ, nhưng chắc chắn nó phải có cách đây từ hàng ngàn năm rồi.

Hoàn nhìn quanh quất rồi nói:
- Lạ nhỉ, xung quanh đây không có núi đá, thế thì những chiếc chum này làm sao mà họ lại vận chuyển được về đây? Mỗi một chiếc chum to này con nghĩ nó phải nặng đến mấy tấn?

Bà Bun bảo:
- Đấy cũng là một bí ẩn của lịch sử con ạ. Cũng không hiểu, đời xưa người ta chở những chiếc chum này từ ở đâu đến đây mà xung quanh khu vực Cánh Đồng Chum này hoàn toàn không có núi đá và càng không có một loại núi đá nào giống như đá ở Cánh Đồng Chum này. Bà nhặt một mảnh đá ở một chiếc chum bị sứt lên và lấy một mảnh khác ghè bà bảo Hoàng:

- Con xem, đá này nó lại màu vàng nhạt, ngày xưa khi đánh nhau ở đây, đã có những lúc mẹ phải nhảy vào những chiếc chum này để nấp, tránh đạn bắn thẳng. Bộ đội tình nguyện Việt Nam hy sinh ở Cánh Đồng Chum này nhiều lắm con ạ. Rồi bà chỉ sang một ngọn núi ở phía xa xa còn ngập trong sương mù, núi kia là núi Phu Keng, trong chiến dịch giải phóng Cánh Đồng Chum, để tấn công lên đỉnh núi đấy, bộ đội Việt Nam hy sinh có tới cả trăm người. Nói xong, bà Bun dân dấn nước mắt, bà nói với Hoàn:

- Bộ đội tình nguyện Việt Nam hy sinh cho đất nước Lào nhiều lắm con ạ. Cũng không biết là có bao nhiêu người, mẹ biết rằng trong những khu rừng ở Lào và trên những con đường vẫn còn không ít hài cốt của bộ đội tình nguyện Việt Nam.

Hai mẹ con đi vào một cái hang rất to, Hoàn hỏi:
- Cái hang này cũng có từ lâu rồi hả mẹ?

Bà Bun gật đầu:
- Đúng, cái hang này cũng có từ lâu rồi, có lẽ nó có cùng thời với những chiếc chum. Có một giả thiết mà mẹ cho rằng có lý, đó là nơi đây là nơi chế tạo ra những chiếc chum này.

Hoàn ngạc nhiên:
- Chế tạo là thế nào hả mẹ?
- Có người nói với mẹ rằng, những chiếc chum này không phải tạc từ đá mà nó được những người thợ ở Lào trộn các loại đá, đất được nghiền nát, sau đó họ đưa vào trong hang này và nung lên. Chính vì thế mà những loại đá trên khắp Cánh Đồng Chum này không đâu có.

Hoàn hỏi mẹ:
- Mẹ ơi, chiếc chum này để làm gì? Con nghe nói ngày xưa có một giai thoại rằng, đây là những chiếc chum đựng rượu.

Bà Bun cười và bảo:
- Làm gì có chuyện những cái chum này đựng rượu, con xem những cái chum to bằng cái nhà kia thì đựng bao nhiêu rượu cho đủ? Theo mẹ, những chiếc chum này là của bộ tộc Lào Thơng, một bộ tộc người Lào có vóc dáng rất cao lớn và họ dùng những chiếc chum này để đựng hài cốt. Có thể khu vực Cánh Đồng Chum này, ngày xưa là khu nghĩa trang khổng lồ.
- Nhưng có thấy xương cốt ở đây không hả mẹ? Hoàn hỏi.

Bà Bun lắc đầu:
- Làm gì còn nữa, hàng ngàn năm trôi qua rồi thì làm gì còn xương cốt nào ở trong những cái chum này.

Đã hết nửa buổi sáng, bà Bun bảo Hoàn:
- Thôi bây giờ hai mẹ con mình về Công an tỉnh.

Trên đường đi về Công an tỉnh, nhiều lần Hoàng phải dừng lại để hỏi đường. Đến Công an tỉnh, bà Bun nói với người lính gác:
- Đồng chí cho tôi gặp Phó giám đốc là Khăm Tả.

Anh lính gác bảo:
- Bác ngồi chờ nhé, để cháu gọi điện xem thủ trưởng đang ở đâu. Thế rồi anh lính gác gọi điện thoại.

Bà Bun đang ngồi chờ thì thấy Khăm Tả đi ra. Bà Bun trông thấy Khăm Tả, bà đứng dậy, Khăm Tả nhìn bà Bun chằm chằm rồi nói:
- Thưa bác! Bác có phải bác Bun không?

Bà Bun bảo:
- Vâng, tôi Bun đây anh Khăm Tả. Ôi, anh có trí nhớ tốt thật đấy, bao nhiêu năm rồi không gặp lại thế mà anh vẫn nhận ra tôi.

Khăm Tả ôm lấy bà Bun:
- Trời ơi! Bao nhiêu năm rồi cháu mới lại được gặp bác, có lẽ là từ cái ngày mà cháu bị thương tưởng chết.

Khăm Tả hỏi thăm bà Bun rồi quay sang nhìn Hoàn và hỏi:
- Đây là con trai bác hay là ai đấy? Cháu nghe nói, bác có một người con.

Hoàn nói bằng tiếng Lào:
- Vâng! Tôi là con bác Bun đây.

Thượng tá Khăm Tả cười vui vẻ và bảo:
- Anh biết không, ngày xưa nếu không có bác Bun thì tôi đã chết rồi.

Thế rồi Khăm Tả kể cho Hoàn nghe. Sau một trận đánh anh vừa bị thương lại vừa bị sốt rét cấp tính và khi anh em ở trong đơn vị không thấy Khăm Tả thở nữa, họ đưa anh xuống nhà xác tiểu đoàn. Chẳng hiểu sao, đêm hôm ấy bà Bun không ngủ được, bà dậy đi xuống nhà xác. Bà lấy đèn pin dọi vào khuôn mặt của người lính đang nằm ở trên băng ca và bỗng nhiên bà thấy như mi mắt của anh ta vẫn còn động đậy, thế rồi bà bắt mạch, thấy mạch vẫn còn đập nhưng cực kỳ yếu, bà vội vàng gọi mọi người đến đưa anh trở lại bệnh xá rồi tiêm thuốc và lần đó Khăm Tả đã được cứu sống.

Khăm Tả kể lại chuyện cũ cho Hoàn nghe rồi bảo:
- Ôi bác Bun, nếu như không có bác phát hiện ra cháu còn sống thì hôm sau họ mang cháu đi chôn sống rồi.
Bà Bun cười rồi hỏi chuyện gia đình Khăm Tả. Trò chuyện được một lúc, đột nhiên Khăm Tả hỏi:
- Bác Bun này, bác và cậu Hoàn sang bên này là đi chơi hay có công việc gì?
Bà Bun nói ngay:
- Tôi đưa cháu về thăm quê, nhưng đồng thời cũng có việc đấy.

Hoàn đưa mắt nhìn mẹ, ra hiệu cho bà đừng nói gì. Bà bảo:
- Con không phải giữ bí mật với Khăm Tả. Mẹ biết Khăm Tả lắm và theo mẹ con cứ nói cho Khăm Tả biết luôn nhiệm vụ của con đi. Chắc chắn rằng khu vực Xiêng Khoảng này có không ít ổ nhóm buôn bán ma túy.

Hoàn nói với Khăm Tả:
- Báo cáo anh, không biết rằng, trên đã có chỉ thị cho anh chưa? Chúng tôi sang lần này là để tìm ra ổ nhóm buôn ma túy. Anh có nghe nói một người được mệnh danh là “lão Phật gia” ở đây không?

Khăm Tả nói ngay:
- Tôi lạ gì ông ấy, ông ấy tên là Chiến. Ngày xưa cũng là bộ đội, ông ấy chiến đấu ở Luông Pha Băng, sau đó bị thương rồi được người Lào cứu sống và ông ấy lấy vợ ở Lào. Bây giờ ông ấy giàu lắm, giúp đỡ rất nhiều người cho nên được mọi người gọi là “lão Phật gia”.

Hoàn hỏi:
- Có bao giờ anh được nghe về chuyện ông ta buôn bán ma túy không?
Khăm Tả gật đầu:
- Có, có… chúng tôi đã nghe, nhiều đối tượng buôn bán ma túy khi bị bắt có nói đến ông Chiến nhưng chẳng ai có được một chứng cứ nào mà chỉ toàn nói miệng thôi. Tôi nhớ, cách đây ít hôm ông ta còn về khu vực này và hứa sẽ đầu tư xây dựng một ngôi trường ở chỗ gần bản Áng.

Hoàn bảo Khăm Tả:
- Anh ạ, việc hôm nay, xin anh đừng tiết lộ cho ai biết.

Khăm Tả cười:
- Sao đồng chí lại phải nói như thế nhỉ? Tôi biết đồng chí sang đây cũng là vì nước Lào chúng tôi. Về việc này, tôi phải giúp đỡ đồng chí. Bây giờ thế này, đồng chí ghi lấy số điện thoại di động của tôi, có gì chúng ta sẽ gọi điện trao đổi với nhau. Thế rồi Khăm Tả lại rút ra đưa cho Hoàn một cái sim và nói, đồng chí lấy chiếc sim của Lào này mà dùng, có gì cứ gọi cho tôi nhé. Trưa nay bác Bun và Hoàng ở đây ăn cơm và ở lại chơi với chúng cháu, tối nay cháu sẽ nói với Giám đốc tiếp bác và Hoàn, mai hãy về Viêng Chăn.

Bà Bun bảo:
- Không, bác đến thăm cháu, thấy cháu như thế này bác rất mừng. Thôi công việc của thằng Hoàn chắc chắn là sẽ có nhiều việc các cháu phải giúp, còn bây giờ bác phải đi về Luông Pha Băng đây.

***

Tại căn nhà của Chiến, nằm tại tỉnh Bò Kẹo, có Tiến, Quang, tên Tùng là kẻ đã giết ông Trí và hai gã vệ sĩ khác. Chiến chắp tay sau lưng đi lại lồng lộn như con thú bị thương, giọng rin rít qua kẽ răng:
- Sao mà chúng bay làm ăn ngu đến như thế? Ai bảo chúng mày xuống tay với ông Trí, bây giờ chúng mày làm như thế này, tao biết ăn nói thế nào với gia đình người ta?

Quang nói lúng búng:
- Dạ thưa anh! Hôm anh bảo em, em cứ tưởng anh muốn…

Chiến ngắt lời:
- Muốn cái gì? Tao đã bảo mày phải làm mọi cách để cho ông ấy đừng nói, mày dùng tiền, dùng gái xích người ta vào với mình. Bây giờ chúng mày giết ông ấy rồi, vài hôm nữa bà vợ ông ấy ở Việt Nam làm đơn thưa với công an rằng, ông ấy đi sang đây do lời mời của tao thì tao biết ăn nói làm sao. Rồi nữa, còn cái thằng này, Chiến chỉ vào mặt Tùng:
- Tại sao mày để cho con Phượng trốn thoát, là thế nào?
Tùng ngồi cúi đầu không dám nói gì, hồi lâu sau hắn ngẩng đầu lên và nói:
- Dạ thưa anh, vì em nghĩ con Phượng là người của anh Quang.
Quang dậm chân:
- Mày câm mồm đi! Thế nào là người của tao? Tao đã bảo chúng mày rồi, làm thế nào cho nó khéo thì làm, đưa ông ấy về đây. Ai ngờ chúng mày lại giết người ta.
Chiến đi đi lại lại, nhìn hai tên với ánh mắt nảy lửa:
- Bây giờ chúng mày tính sao đây? Con Phượng mất tích rồi, không biết nó đi đâu. Tao dám chắc rằng, nó quá sợ vì chúng mày giết lão Trí cho nên nó đã bỏ trốn về Việt Nam. Bây giờ thằng Tùng, mày cho quân của mày về Việt Nam tìm ra tung tích con bà cô xem nó ở đâu và một việc nữa, chúng mày phải làm thế nào để cho người ta thấy rằng lão Trí đã trở về Việt Nam và mất tích ở đâu đó trên con đường từ cửa khẩu về nhà.
Quang gãi đầu:
- Thưa anh! Nếu như có được cuốn hộ chiếu đấy thì dễ nhưng bây giờ không có hộ chiếu thì biết làm thế nào.

(Xem tiếp kỳ sau)

N.N.P