Lật tẩy mánh kiếm tiền của các tổ chức khủng bố

07:15 | 13/03/2015

1,277 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trung tuần tháng 2 vừa qua, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ) đã thông qua một nghị quyết nhằm ngăn chặn nguồn tài chính của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và các lực lượng khủng bố khác.

Đồng thời, LHQ cũng cảnh báo về làn sóng hợp tác với các tổ chức tội phạm trên thế giới mà các lực lượng khủng bố đang tiến hành. Theo đó, IS nói riêng và các tổ chức khủng bố nói chung có ít nhất 5 nguồn tiền phi pháp.

Những khoản tài trợ lớn

Báo cáo của các cơ quan tình báo Mỹ và phương Tây khẳng định, cho đến nay, mặc dù liên tục thực hiện các hoạt động tấn công khủng bố đẫm máu, song IS và mạng lưới khủng bố Al-Qaeda vẫn liên tục nhận được những nguồn tiền tài trợ lớn từ nhiều quốc gia trên thế giới. Những khoản tiền tài trợ này được chuyển qua nhiều tài khoản ngân hàng khác nhau.

Riêng tại Ngân hàng HSBC, nơi đang bị điều tra về việc giúp khách hàng trốn thuế, người ta cũng phát hiện thấy có tới 20 nhà tài trợ cho mạng lưới Al-Qaeda, trong đó có nhiều tên tuổi của giới tỉ phú Arập Xêút.

Thông tin này hoàn toàn trùng khớp với lời khai của một thành viên Al-Qaeda là Zacarias Moussaoui. Tên này hiện đang thụ án tù chung thân tại Mỹ vì tội âm mưu giết công dân nước này.

Zacarias khai rằng, hơn 10 quan chức cấp cao của Hoàng gia Arập Xêút là những nhà tài trợ cho khủng bố và nổi bật nhất trong số này là Hoàng tử Turki al-Faisal, Hoàng tử Bandar bin Sultan, Hoàng tử Alwaleed bin Talai. Những người này thường chuyển tiền cho mạng lưới khủng bố Al-Qaeda thông qua các tổ chức hoạt động từ thiện hoặc các tổ chức phi chính phủ…

Chính phủ Iraq đã tìm thấy bằng chứng về việc IS buôn bán nội tạng là các thi thể bị thiếu thận hoặc các bộ phận khác và những vết rạch phẫu thuật trong những ngôi mộ tập thể.

Trong khi đó, Bộ Tài chính Mỹ lại tiết lộ về việc một nhà băng ở Bahamas đã thiết lập đường dây tín dụng tối mật hỗ trợ các cuộc tấn công khủng bố của Al-Qaeda.

Suốt một thời gian dài, dưới sự quản lý của thương nhân Hồi giáo sống tại Thụy Sĩ, Youssef M.Nada, nhà băng Bahamas đã bí mật cung cấp tín dụng cho phụ tá hàng đầu của trùm khủng bố Osama bin Laden. Ngoài ra, còn có Ngân hàng Al Shamal Islamic Bank, Quỹ đầu tư Tabaa…

Riêng đối với IS, nguồn tiền tài trợ có từ Al-Qaeda và các tổ chức khủng bố khác. Giám đốc Viện Thống nhất Hoàng gia Qatar Michael Stephens cho biết, năm 2012 và 2013, một số cá nhân giàu có ở Qatar và nhiều quốc gia vùng Vịnh khác đã đưa hàng túi tiền mặt đến Thổ Nhĩ Kỳ để từ đó bí mật chuyển sang cho các thủ lĩnh cấp cao của  IS ở Iraq, Syria.

Nhưng nguồn tài trợ này đã giảm trong năm 2014 và giờ chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ nhất trong tổng thu nhập chảy vào túi tiền của IS. Tuy nhiên, ông Michael Stephens cũng lưu ý rằng, một số nhóm Hồi giáo như Liwa al-Tawhid, Ahrar al-Sham, Jaisah al-Islam sau khi tự giải tán, đã gia nhập IS và mang theo cả nguồn tài chính được ủng hộ sang cho IS. Đây cũng chính là lý do khiến IS ngày càng trở nên mạnh hơn.

Hồi tháng 10/2014, Bộ Tài chính Mỹ đã công bố thông tin cho thấy, mỗi tháng, IS nhận được ít nhất 2 triệu USD cho "các hoạt động quân sự" từ một nhà tài trợ tại Qatar.

Người trực tiếp nhận món tiền này là thủ lĩnh cấp cao của IS Tariq bin al-Tahar al-Harzi, từng phục vụ trong tổ chức "Thế giới của những chiến binh đánh bom liều chết".

Tổ chức này còn có thêm sự ủng hộ tài chính của hai nhân vật khác là Ibrahim al-Bakr (37 tuổi), mang quốc tịch Qatar, từng có quan hệ thân thiết với một số thành viên cấp cao của chi nhánh mạng lưới Al-Qaeda ở Pakistan.

Một thủ lĩnh khủng bố toàn cầu khác có tên gọi là Omar al-Qatari (người Jordan), từng bị bắt giữ khi đang cố bay tới Qatar với hàng ngàn USD trong túi cũng là nhà tài trợ thường xuyên của IS.

Tên này hiện đang bị giam trong một nhà tù ở Liban nhưng vẫn điều hành một mạng lưới thông tin giữa các tù nhân mang tư tưởng cực đoan với các thành viên của nhóm Jabhat al-Nursa và chi nhánh mạng lưới khủng bố Al-Qaeda tại Syria.

Nguồn thu nhờ buôn cổ vật

Cách thứ hai mang lại nguồn tiền lớn cho các tổ chức khủng bố chính là việc buôn bán cổ vật. Đây là dạng thức buôn lậu thông dụng nhất sau ma túy và vũ khí với doanh thu đạt khoảng 6 tỉ USD/năm.

Cảnh sát Tây Ban Nha đã phát hiện và đập tan một băng nhóm buôn bán cổ vật Ai Cập, bắt giữ 4 người Ai Cập và 1 người Tây Ban Nha.

Trong số những hiện vật bị thu giữ, có nhiều món đồ trị giá tới 300.000 USD. Lợi nhuận của việc buôn bán đồ cổ này được chuyển cho các tổ chức thánh chiến ở Trung Đông, trong đó có cả IS.

Đại diện lực lượng cảnh sát ở thành phố biển Valencia, nơi thu giữ các cổ vật cho biết, đường dây buôn bán cổ vật này đã hoạt động nhiều năm nay.

Chúng thường xuyên đưa các cổ vật quý, hiếm từ Alexandria tới châu Âu và bán cho các nhà sưu tập cá nhân trên thị trường đen.

Vào thời điểm mà đường dây này bị phát hiện, một tàu chở hàng cũng đang mang tới cảng Valencia một container với 30 món đồ cổ khác nhau trị giá gần 400.000 USD có nguồn gốc từ thành phố lớn nhất của Syria là Aleppo.

Rất nhiều cổ vật đã bị IS và Al-Qaeda đánh cắp và bán ra chợ đen.

Thông tin này của Cảnh sát Tây Ban Nha thực sự đã khiến nhiều quốc gia lo ngại bởi lẽ, IS đang chiếm một vùng đất rộng lớn ở Iraq và Syria, nơi cũng có nhiều cổ vật.

Một quan chức tình báo Anh từng nói với The Guardian rằng, chỉ riêng ở al-Nabuk, một khu vực đồi núi phía tây thủ đô Damascus  của Syria, IS đã có trong tay 36 triệu USD khi bán các cổ vật có niên đại lên đến 8.000 năm.

Chưa hết, tình hình bất ổn ở một số quốc gia như Ai Cập, Libya… đang tạo cơ hội lớn cho những tổ chức Hồi giáo cực đoan kiếm tiền bằng cách đánh cắp cổ vật. Tình trạng này đã khiến Hội đồng Bảo an LHQ hôm 12-2 phải thông qua một nghị quyết cấm mua bán cổ vật của Syria, đồng thời tái khẳng định lệnh cấm mua bán các phẩm vật nghệ thuật của Iraq có từ cách đây một thập niên.

Dòng tiền từ thị trường đen về dầu thô

Cùng với lệnh cấm về buôn bán cổ vật, Hội đồng Bảo an LHQ cũng đã ra nghị quyết cấm các hành động mua bán dầu thô với IS nhằm siết chặt gọng kìm chặt đứt "cỗ máy kiếm tiền khổng lồ" này của IS. Từ tháng 10/2014, dù đã nắm được đường đi từ những thùng dầu do IS khai thác, song đến nay, Mỹ vẫn chưa thể ngăn chặn ngay được nguồn cung tài chính này của IS.

Mỹ còn tiếp cận một cách thức khác là siết chặt kiểm soát vùng biên giới của Thổ Nhĩ Kỳ - Syria và vùng biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Iraq. Nhưng việc này cũng không hề đơn giản.

Một biện pháp khác cũng đã được chính quyền Washington thực hiện là đánh bom các giếng dầu và nhà máy lọc dầu mà IS đang kiểm soát ở tỉnh Raqqa và Dier Ezzour...

Howard Shatz, một nhà kinh tế học cấp cao tại Cơ quan Nghiên cứu RAND Corporation nhận định, cách duy nhất để ngăn chặn khả năng khai thác dầu của IS là phá hủy các giếng dầu mà nhóm này đang sở hữu hoặc giành lại các vùng đất mà IS chiếm đóng.

IS hiện đang kiểm soát khu vực rộng lớn ở miền Đông Syria, nắm giữ gần 60% hệ thống sản xuất dầu mỏ của nước này. Từ ngày 24/6/2014, do chiếm giữ thêm nhiều mỏ dầu  trên vùng lãnh thổ hơn 240km2 và Nhà máy lọc dầu Baiji cùng một phần đường ống dẫn dầu Kirkuk-Ceyhan, IS đã thiết lập một mạng lưới buôn lậu dầu rất tinh vi và thu về tới 3 triệu USD/ngày.

Quy trình này bao gồm việc khai thác rồi xử lý sơ dầu; sau đó, chúng chất lên xe tải hoặc tàu hay thậm chí dùng la để chuyển các thùng dầu thô này tới Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan, Iran.

Tại 3 quốc gia này, IS lại có một mạng lưới khác giúp lọc dầu thô và tạo ra các sản phẩm tinh chế hơn rồi chuyển những thùng dầu đã qua xử lý này ra nước ngoài.

Khoản lãi do kinh doanh người

Theo báo cáo mà Đại sứ Iraq tại LHQ Mohamed Ali Alhakim cung cấp tại phiên họp của Hội đồng Bảo an LHQ hôm 17/2, Chính phủ Iraq đã tìm thấy bằng chứng về việc IS buôn bán nội tạng là các thi thể bị thiếu thận hoặc các bộ phận khác và những vết rạch phẫu thuật trong những ngôi mộ tập thể.

Báo cáo của một cơ quan thuộc LHQ hồi tháng 12/2014 cũng cho hay, ước tính khoảng 1/10 trong tổng số 2 tỷ USD thu nhập mỗi năm của IS có được là do buôn bán nội tạng người vì một quả thận trên thị trường đen đã có giá dao động từ vài ngàn đến hàng chục ngàn USD.

Để thực hiện việc này, IS đã thuê các bác sĩ phẫu thuật từ nước ngoài đến làm việc tại thị trấn Mosul, Iraq. Những bác sĩ này có nhiệm vụ duy nhất là tháo rời nội tạng người và đóng hộp bảo quản cho quá trình vận chuyển.

Các nội tạng này được cho là của những tay súng thiệt mạng hoặc bị thương nặng và những nạn nhân mà IS bắt cóc được.

Không chỉ buôn nội tạng, IS còn có mạng lưới buôn người mà theo số liệu từ Văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ (OHCHR) cung cấp thì có đến hơn 25.000 phụ nữ và trẻ em thuộc các cộng đồng tôn giáo thiểu số bị tổ chức khủng bố cầm tù, cưỡng bức hay bán thông qua thành phố Raqqa của Syria.

Ngoài ra, IS còn thu về hàng triệu USD tiền chuộc của một số chính phủ châu Âu sau khi bắt cóc nhiều con tin phương Tây. Chẳng hạn như vụ thả tự do cho phóng viên ảnh Peter Theo Curtis hồi năm ngoái.

Mặc dù Chính phủ Mỹ và gia đình Curtis từ chối trả tiền chuộc nhưng anh này lại được Qatar chi 4 triệu USD để được thả tự do cùng với 13 nhà tu hành khác bị bắt cóc. Số tiền này được Qatar đưa cho nhóm Jabhat Al-Nursa rồi từ đó được chuyển cho IS.

Đầu năm 2014, khi bắt cóc và đòi tiền chuộc 4 phóng viên người Pháp, 2 người Tây Ban Nha, IS cũng đã nhận được hàng triệu USD. Chỉ riêng năm ngoái, IS đã kiếm được 50 triệu USD nhờ vào hoạt động bắt cóc đòi tiền chuộc.

Còn đối với mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda, từ tháng 10/2012 khi thủ lĩnh Al-Qaeda Ayman al-Zawahi phát đi lời kêu gọi tất cả tay chân trên thế giới thực hiện chiến dịch bắt cóc người phương Tây để đòi tiền chuộc, đến nay, tổ chức này đã thu được gần 200 triệu USD.

Các tổ chức khủng bố khác như Boko Haram ở Nigeria, al-Shabab ở Somalia cũng thu được hàng triệu USD trong khi phiến quân Aby Sayyat ở Philippines lấy được 1,5 triệu USD tiền chuộc từ người nhà con tin.

Và tiền có nhờ săn vật quý hiếm

Ngoài ra, các tổ chức khủng bố còn thu được 10 tỉ USD/năm nhờ săn và buôn bán động vật quý hiếm. Phóng viên tờ The Independent Sunday đã có một bài phóng sự về nguồn tiền này của các tổ chức khủng bố và cho hay, việc đánh bắt các loài thú hoang đã khiến hàng chục loài có nguy cơ tuyệt chủng.

Phóng viên này cũng khẳng định, Al-Qaeda là tổ chức khủng bố có tham gia nhiều nhất vào hoạt động buôn bán này.

Những năm trước, chúng thường nhận được lợi nhuận do buôn bán động vật quý hiếm từ hai nhóm Hồi giáo cực đoan là Harakat ul-Jihad-Islami-Bangladesh (HUJI-B) và Jamaat-ul Mujuhedin Bangladesh (JMB), vốn chỉ huy các hoạt động buôn bán động vật quý hiếm ở châu Phi.

Những nhóm dân quân Hồi giáo này có căn cứ ở Bangladesh và mở rộng các căn cứ của chúng dọc theo đường biên giới dài 2.500km sát với Ấn Độ.

Chúng liên hệ làm ăn buôn bán với những người buôn sản phẩm động vật quý hiếm trái phép địa phương và thuê những người săn bắt tại Kaziranga cũng như ở nhiều khu bảo tồn thiên nhiền và những khu rừng ở Nepal, Myanmar và Thái Lan.

Chúng thu mua sừng hươu, ngà voi, da thú và các sản phẩm từ động vật hoang dã với mục đích tăng quỹ mở rộng hoạt động trên khắp thế giới. Chẳng hạn như hổ thường bị giết để lấy xương nấu cao ở Mong La, phía Bắc Myanmar. Rượu ngâm cao hổ cốt được bán với giá từ 40 USD đến 100 USD/chai.

Tại Brazil, những chú vẹt có bộ lông màu xanh nước biển được bán với giá 90.000 USD và hiện thế giới chỉ còn có 960 con; sừng tê giác cũng có giá khoảng 34.000 USD…

Một sừng tê giác nhỏ, những chiếc đuôi hoặc tai gấu có thể bán được với giá 30.000 USD tại thị trường châu Á, châu Âu, Bắc Mỹ; một tấm da hổ lớn có thể có giá 15.000 USD. Những bộ óc khỉ, mật gấu, xạ hương, những bộ xương hổ, chân voi, tai, sừng và răng đều có giá trị tương đương...

Theo An ninh Thế giới