Lấp lánh đảo xa

07:00 | 15/02/2015

1,140 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đã hơn 50 năm kể từ khi có người ở. Thế nhưng, mãi đến những ngày cuối năm 2014, bà con trên thôn đảo Ninh Tân, xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) mới thoát cảnh “đom đóm tù mù”. Một dự án năng lượng mặt trời trị giá gần 5 tỉ đồng đã được tỉnh Khánh Hòa đầu tư, “ánh sáng khai trí”, mang mùa xuân đến sớm với bà con thôn đảo xa xôi, cách trở này…

Năng lượng Mới số 392

Xã 4 vùng trọng điểm

Từ TP Nha Trang, chúng tôi vượt gần 100km về hướng Bắc để đến thôn đảo Ninh Tân, xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa). Quốc lộ 1A đoạn này đang thi công mở rộng mịt mù bụi, mặt đường chi chít ổ gà, ổ voi. Chúng tôi đi qua cửa hầm phía nam của hầm đường bộ Cổ Mã, mới thông xe kỹ thuật, đây là hạng mục nằm trong dự án hầm đường bộ Đèo Cả với tổng giá trị đầu tư hơn 15.000 tỉ đồng. Khi dự án này hoàn thành, sẽ mở toang cánh cửa của xứ Trầm hương Khánh Hòa, kéo thôn đảo Ninh Tân gần hơn với đất liền.

Thôn đảo Ninh Tân yên bình trong nắng

Từ chân đèo Cổ Mã, rẽ về Đầm Môn, con đường mới mở rộng thênh thang bóng nhẫy dưới nắng, xẻ dọc theo những eo cát trắng phau. Bên trái là xanh ngắt biển Đại Lãnh hình bán nguyệt. Bên phải là vịnh Vân Phong trong vắt, một vịnh biển sâu và kín gió, ăm ắp tiềm năng kinh tế. Vượt qua chặng đường gần 20km là đến UBND xã Vạn Thạnh. Chúng tôi đến UBND xã vào cuối buổi chiều. Anh Trương Thái Hùng, Chủ tịch UBND xã Vạn Thạnh, dáng dấp như một ngư phủ bắt chặt tay chúng tôi, miệng cười rổn rảng trách đùa, các anh đến muộn quá, giờ này thì làm gì có ghe để ra Ninh Tân. Nói thì nói vậy, nhưng anh bấm máy cho công an xã, rồi quay lại nói với chúng tôi, ra đảo lúc này phải đi bằng bo bo (xuồng nhỏ, tốc độ cao - PV) cho nhanh. Trong lúc chờ anh em chuẩn bị, anh Hùng kể, gần chục năm nay đời sống bà con mới ổn định. Vạn Thạnh là xã vừa là bán đảo, vừa có hơn 30 đảo lớn nhỏ khác nhau, diện tích 128,77km2, dân số hơn 6.000. Xã có 6 thôn nhưng chỉ có 2 thôn đến được bằng đường bộ, 4 thôn đảo còn lại phải đi ghe. Và mới chỉ có 3 thôn có điện lưới, 3 thôn còn lại Nhà nước trang bị máy nổ và đường dây, bà con tự góp tiền mua dầu để chạy máy, trong đó có thôn đảo Ninh Tân mà chúng tôi sắp đến. 4 thôn đảo mùa nắng đều thiếu nước ngọt và còn thiếu gay gắt nữa là đằng khác. Anh Hùng bảo, Vạn Thạnh hội đủ 4 yếu tố: Vùng sâu, vùng xa, hải đảo và trọng điểm quốc phòng.

Vịnh Vân Phong nằm gần các tuyến hàng hải quốc tế, có mực nước sâu
20-27m, diện tích rộng, được đồi núi che chắn kín gió bốn phía, địa chất ổn định, ngay sau lưng là Quốc lộ 1A… Nhà nước đã quyết định cho xây dựng Dự án Cảng trung chuyển container quốc tế nằm trên địa bàn xã Vạn Thạnh. Được khởi động từ năm 2009, những tưởng dự án này sẽ đánh thức tiềm năng của vùng biển đang say ngủ này. Người Vạn Thạnh mường tượng ra một tương lai sáng, khi mà trên những chuyến hải trình vạn dặm, những tàu biển lớn cập cảng nơi đây, bốc xếp hàng và kéo theo đó là thương mại, dịch vụ phát triển theo. Thế nhưng tiến độ chậm chạp, chưa biết đến bao giờ mới thành hình hài đã gây không ít khó khăn cho người dân nơi đây. Đi cũng dở, mà ở cũng chẳng xong. Chỉ tay ra những bãi cọc đã nằm đó cả 4-5 năm, anh Hùng bảo, cứ thế này lúc khánh thành không khéo anh em mình chống gậy ra xem các chú à!

Điện - giấc mơ của người Ninh Tân

Chiếc bo bo lướt nhanh trên mặt vịnh, lúc thì như tên bắn, lúc thì giảm ga len lỏi qua những lồng, bè nuôi thủy sản san sát trên mặt biển. Thôn đảo Ninh Tân nằm trên đảo Hòn Lớn, cách UBND xã Vạn Thạnh khoảng 6 hải lý (khoảng 10km), đi ghe mất hơn 1 tiếng, đi bo bo khoảng 30 phút.

Ninh Tân yên bình đến lạ. Dăm ba nóc nhà mái ngói đỏ tươi bên cạnh những tấm pin năng lượng mặt trời sáng bóng, vài chiếc ghe nhỏ dập dềnh theo nhịp sóng. Có cảm giác rằng bước xuống thôn đảo này là thấy ăm ắp yên bình. Lũ trẻ chạy chơi dọc con đường bêtông ven biển, tay xách những vỏ tôm hùm to như cổ tay, đuổi nhau chí chóe. Ở Ninh Tân chúng tôi là người lạ, vì cũng lâu lâu mới có một người khách lên đảo, ở với nhau mấy chục năm, dân đảo còn lạ gì nhau. Tất cả cư dân đều biết chúng tôi là người lạ, nhưng tất cả đều thân thiện. Lũ trẻ chạy theo chúng tôi tíu tít, râm ran những câu hỏi ngây thơ. Người già thì nắm chặt bàn tay, khuôn mặt lô xô nếp nhăn, ánh mắt như cười.

Cuộc sống bà con đã đổi thay rất nhiều từ khi có điện

Nhà trưởng thôn Phan Thành Liêm nằm ngay chân sóng. Mấy tháng nay, đây là chỗ ăn nghỉ của cán bộ Sở Công Thương Khánh Hòa và anh em đơn vị thi công dự án năng lượng mặt trời cho thôn. Bên chén trà, chuyện về vịnh Vân Phong xinh đẹp, về thôn đảo Ninh Tân yên bình… cứ như bắp rang. Ông Liêm nói như khoe, nếu có cuộc thi về sự bình yên, thì Ninh Tân chắc đoạt “thủ khoa”, mấy chục năm nay dân trong thôn không có một lần cãi lộn, lại càng không có chuyện “đấm đá” gây sự, không có trộm cắp, tệ nạn. Ngủ không cần khóa cửa, xe đi về cứ để ngoài ngõ. “Bạn nhậu” lỡ có thiếu mồi “mượn nhau” vắng mặt con gà, con vịt, là mai mang trả liền. Vợ chồng nhà nào lỡ có to tiếng với nhau là thành “sự kiện” của cả thôn… Người Ninh Tân dường như không có quan niệm “nhà anh, nhà tôi”. Nhà ai có việc là cả thôn xúm vào giúp. Đêm hiền hòa, cánh đàn ông nổi lửa nướng cá nhậu lai rai, mồi là những con cá dò còn giãy đành đạch được bắt từ những bè nuôi tôm hùm, nuôi cá bớp. Những con cá dò này người dân thôn Ninh Tân không câu, cũng chẳng cần đánh lưới; lũ cá dò khi còn nhỏ, chui vào lồng nuôi hải sản qua các mắt lưới, ăn thức ăn của tôm hùm, cá bớp và sống luôn trong lưới, đến khi lớn không chui ra được nữa. Khi nào cần, bà con chỉ cần lấy vợt khua vài lượt là có cá ăn, bè nhà hết, sang bè hàng xóm…Ngày nối ngày, cuộc sống nơi đây rất đỗi hiền lành.

Trong tiếng lửa nổ lách tách và tiếng cụng ly keng keng, Trưởng thôn Liêm và bà con nơi đây kể chúng tôi nghe về Ninh Tân những ngày đầu mở đất. Người đầu tiên ra đảo khai lập cái thôn này là ông Nguyễn Đực, ông ra đây từ năm 1959, ông là Tiền hiền của đảo. Ngày ấy, ông Đực ra đảo khai hoang lập ấp, đảo chưa có bóng người, ông cắt tranh dựng nhà ở tạm, dân trong đất liền làm nghề trên biển, thấy khói ở trên đảo tấp vào mới hay trên đảo có người ở. Và rồi kể từ thời ấy, người tứ xứ đến sinh cơ lập nghiệp ở đây đến giờ. Được cái trên đảo dễ sống, cá tôm có sẵn, không sợ bị đói. Ông Tư Lập (57 tuổi) kể: “Tui ra đây từ trước giải phóng, năm 1978 tui đi bộ đội, ba năm sau thì về và ở riết từ đó đến giờ. Lúc tui ra đây, nhà cửa còn thưa thớt lắm. Lên núi chặt cây, lấy tranh về lợp nhà, ra biển bắt cá. Cứ vậy mà sống, thế mà cũng đã hơn 40 năm rồi”.

Trưởng thôn Phan Thành Liêm cho biết thêm, thôn đảo Ninh Tân có 101 hộ, 403 nhân khẩu, 4 đảng viên. Trên đảo có 3 cửa hàng tạp hóa, 4 giếng nước, xe đạp thì nhiều, xe máy chỉ có vài cái thôi. Trước đây, khi chưa có điện năng lượng mặt trời thì thôn đảo dùng máy nổ, mỗi tối được thắp sáng 2 tiếng, từ 18h30 đến 20h30. Qua giờ đó là toàn đảo tối om. Không may máy nổ bị hư, bị “pan bệ” bất ngờ là “bó tay”, phải chờ thợ từ đất liền ra sửa. Thiếu điện là thiếu đủ thứ, Ninh Tân ban ngày “hội nhập” với khắp nơi thông qua việc buôn bán hải sản, nhưng tối đến là “co cụm” lại. Người dân dường như không biết chương trình thời sự trên đài truyền hình, lại càng không được tiếp xúc với báo chí. Việc thiếu điện không chỉ kìm hãm Ninh Tân phát triển mà còn khiến việc học hành, khám chữa bệnh, các phong trào, các hoạt động sinh hoạt cộng đồng... ở Ninh Tân đều rất hạn chế.

Trong bữa rượu tiếp khách phương xa, bà con kể cho chúng tôi nghe có giai đoạn máy hỏng 2 tuần. 2 tuần ấy bà con sống như thời xa xưa, đi làm, đi biển cũng phải sấp ngửa 4 giờ chiều về nấu cơm, 5 giờ 30 cả nhà ăn cơm, rồi… đi ngủ! Hết mặt trời, cả thôn chìm trong bóng tối, chỉ còn lại là ánh sáng yếu ớt của những chiếc đèn dầu, lập lòe như đom đóm trong đêm. Chỉ mong có điện để mua chiếc tivi, cái đài cát-sét mà nghe thời sự, học cách làm ăn, mua cái tủ lạnh để làm đá bảo quản hải sản, hay nhỏ nhất là có cái bóng đèn thắp sáng cho con cháu học bài… Điện - là giấc mơ từ bao đời của người Ninh Tân.

Mùa xuân đến sớm

Dự án “Phủ điện thôn Ninh Tân bằng năng lượng pin mặt trời” do UBND tỉnh Khánh Hòa đầu tư, đơn vị thi công là Công ty CP Năng lượng Tuấn Ân, có trụ sở ở TP Hồ Chí Minh. Dự án này trang bị 60 bộ pin năng lượng mặt trời, mỗi bộ trị giá 72 triệu đồng, tổng mức đầu tư công trình gần 5 tỉ đồng, tổng công suất 21.000W.

Sau nhiều năm khảo sát, đến ngày 22/9/2014 thì chính thức khởi công, ngày 10/12/2014 đã hoàn thành. Anh Lê Hoàng Châu, Phó giám đốc Công ty CP Năng lượng Tuấn Ân cho biết: “Đây là dự án điện năng lượng mặt trời thứ 10 chúng tôi tiến hành lắp đặt trên cả nước. Mặc dù thi công trên đảo, gặp không ít khó khăn, nhưng do công tác khảo sát kỹ lưỡng, tính toán chi li. Toàn bộ thiết bị được lắp ráp tại TP Hồ Chí Minh, ra đảo chỉ thi công lắp đặt, nên đã tiết kiệm được nhiều thời gian. Chúng tôi đã dồn hết sức hoàn thành dự án trước tết để bà con có một mùa xuân trọn vẹn”.

Những đứa trẻ hồn nhiên trên đảo

Ninh Tân từ ngày có điện, đổi thay nhiều lắm. Trước đây, mỗi ngày Ninh Tân chỉ có điện 2 tiếng, hằng tháng mỗi hộ đóng 45.000đ để mua dầu và chỉ thắp được đúng 1 bóng điện. Trước ngày 10/12/2014, thiết bị điện gia dụng trên thôn chỉ duy nhất là bóng điện chiếu sáng. Bà con Ninh Tân gần như bị tách xa thông tin xã hội, đời sống chỉ quẩn quanh con gà, con cá… Cuộc sống của người dân trên thôn đảo này nhọc nhằn, vất vả bao đời nay là thế!

Ngày 10/12/2014 là một ngày đặc biệt với bà con trên đảo. Ông Trần Kim Sơn kể: “Ngày đầu có điện, vui lắm các chú ạ. Lần đầu tiên từ ngày tôi ra đây, sau 9 giờ tối mà đảo còn sáng đèn. Trước hôm có điện, tôi vào thị trấn Vạn Giã mua ngay tivi và giàn karaoke. Ngày có điện, hát đến 3 giờ sáng. Hát cho thỏa, hát mừng điện về”. Thực ra, kinh tế bà con trên đảo này không đến nỗi quá khó khăn, khi mà nguồn thu đem lại từ việc đánh bắt, nuôi trồng hải sản đem lại không ít. Trước đây, đảo không có tủ lạnh, không có tivi chỉ vì không có điện, chứ không phải bà con không đủ khả năng. Bây giờ có điện rồi, nguồn năng lượng mới là lực đẩy cuộc sống bà con đi lên. Trưởng thôn Phan Thành Liêm nói rằng, cứ như một giấc mơ. Điện về, nhận thức, sự hiểu biết của bà con Ninh Tân sẽ được nâng lên nhờ tiếp cận các thông tin qua báo, đài. Thông qua đó, những hộ nuôi trồng thủy sản và trồng trọt, chăn nuôi sẽ nắm bắt được những kiến thức cơ bản để áp dụng, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Điện về Ninh Tân, thầy và trò điểm Trường tiểu học Vạn Thạnh 2 có lẽ là người vui nhất. Sự học ở cái nơi xa xôi cách trở này vốn nhiều khó khăn, học sinh thì học lớp ghép, thầy cô thì kiêm nhiệm đủ thứ. Điện về, trường được ưu tiên lắp đặt 2 bộ pin năng lượng mặt trời và được kéo dây đến từng phòng học, phòng nghỉ bán trú của học sinh và thầy cô giáo. Chúng tôi đến thăm thầy trò tại điểm trường này, trò nhỏ Lương Văn Trực, học lớp 2 đang ngồi học bài trước ánh điện. Thầy giáo Nguyễn Quốc Bảo kể rằng, trước đây các cháu sau lên lớp phải nhanh chóng tắm rửa, ăn cơm rồi học bài ngay chứ không là điện cắt. Học hành mà cũng phải vội vàng, gấp gáp như “chạy lụt”, thương các cháu nhưng đành chịu. Thầy Bảo tâm sự: “Tôi ra đảo này đã hơn 6 năm, với hơn 2.160 ngày, ngày nào cũng như ngày ấy, cứ ăn tối xong, tôi và các đồng nghiệp, học sinh ngồi trò chuyện trong bóng tối. Thông tin với thế giới bên ngoài dường như bị cắt đứt…”. Thầy Võ Trọng Nhân thì nỗi niềm, nhiều khi lên lớp giảng bài, thấy các em tiếp thu chậm, kiểm tra bài hầu hết các em đều ngắc ngứ. Biết các em không thuộc bài tôi cũng không dám khiển trách, không có điện, bố mẹ lại đi ngủ sớm, khiển trách các em sao đành. Sự học ở đây quả lắm xót xa!

Ngày đầu tiên điện về, Chủ tịch xã Trương Thái Hùng đứng dưới những tấm pin năng lượng mặt trời, mường tượng về một ngày không xa, những thôn đảo còn lại của xã cũng sẽ được phủ điện. Anh bảo rằng: “Đây là một dự án hết sức ý nghĩa, đáp ứng lòng mong mỏi bấy lâu của người dân. Xã Vạn Thạnh ngoài thôn Ninh Tân được phủ điện, hiện vẫn còn 2 thôn đảo là Điệp Sơn và Ninh Đảo chưa có điện. Thôn Ninh Đảo hiện có 172 hộ dân với hơn 760 khẩu, thôn Điệp Sơn có 99 hộ với hơn 300 khẩu. Người dân 2 thôn này cũng đang rất mong “giấc mơ” về điện sớm thành hiện thực”.

Bình minh ở Ninh Tân đến sớm hơn những nơi khác, bởi Ninh Tân ở kề ngay Mũi Đôi - Hòn Đầu, điểm cực Đông trên đất liền của dải đất hình chữ S. Giờ đây, Ninh Tân đã có điện, nguồn năng lượng từ mặt trời, từ thứ ánh sáng vàng như mật. Điện về không chỉ thắp sáng vùng đảo, vùng biển; mà còn thắp sáng lòng người, thắp sáng tương lai của người dân nơi đây. Ánh điện lấp lánh nơi đảo xa là cầu nối kéo đảo nhỏ xích lại gần hơn với đất liền. Khi đặt bút viết những dòng cuối trong bài viết này, tôi vẫn còn nhớ như in lời Trưởng thôn Phan Thành Liêm nói với chúng tôi trước khi chúng tôi rời đảo về lại đất liền “Ninh Tân năm nay, mùa xuân đến sớm. Điện về, năm nay bà con sẽ ăn tết thật to”.

Phóng sự của Thanh Hiếu