Làm sao để đưa Hoàng Sa về gần hơn với đất mẹ?!

13:00 | 12/03/2016

1,164 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
 Quần đảo Hoàng Sa (thuộc TP Đà Nẵng) là núm ruột đang tạm thời xa đất mẹ; là nơi mà mọi người con đất Việt ngóng vọng hướng về. Hoàng Sa mãi mãi là của Việt Nam, đó là một chân lý hiển nhiên đúng. Đã hơn 42 năm kể từ ngày Trung Quốc cưỡng chiếm trái phép quần đảo này. Cũng kể từ ngày đó, phần đất máu thịt này chưa trở về với Tổ quốc... Vậy, chúng ta cần làm gì để đưa Hoàng Sa về gần hơn với đất mẹ, về gần hơn với con dân nước Việt?

Ông Đặng Công Ngữ (nguyên Chủ tịch huyện Hoàng Sa): Hoàng Sa cần hoàn chỉnh bộ máy hành chính, Đảng và dân cư

lam sao de dua hoang sa ve gan hon voi dat me

Ông Đặng Công Ngữ, Nguyên Chủ tịch huyện Hoàng Sa.

Để Hoàng Sa về gần hơn với đất mẹ, là một thực thể gắn với đất liền, trên cương vị 9 năm làm Chủ tịch huyện Hoàng Sa, tôi nghĩ sẽ cần hoàn thiện về hành chính và quản lý nhà nước. Hoàng Sa là một huyện của TP Đà Nẵng, và cũng như bao huyện, thị tại Việt Nam sẽ được quản lý theo Luật chính quyền địa phương. Nhưng Hoàng Sa đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép, chưa có bộ máy hành chính hoàn thiện, và quan trọng là dân không có. Đó là một đặc thù của Hoàng Sa. Một đơn vị hành chính hoàn thiện bắt buộc phải có dân.

Từ thời Nguyễn đã có chính quyền quản lý; năm 1969, việc kéo Hoàng Sa vào đất liền đã được khởi sự. Hoàng Sa lúc đó được định danh là xã Định Hải, thuộc xã Hòa Long, quận Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam. Do đặc trưng liên tục như vậy nên cần phải có quá trình, chi tiết và tỉ mỉ để đưa Hoàng Sa vào đất liền, cũng như có dân cư để có tính pháp lý. Đó là điều kiện để chúng ta quản lý lãnh thổ và là cái cơ bản nhất để quản lý đơn vị hành chính.

Vậy nên cần phải có những giải pháp để hoàn chỉnh việc này. Trong kỳ họp lần thứ 14 HĐND TP Đà Nẵng khóa VIII, nhiều đại biểu đã kiến nghị cho tách 2 phường Thọ Quang và Mân Thái (quận Sơn Trà) nhập vào huyện đảo Hoàng Sa. Theo quan điểm của tôi thì chỉ cần một phường cũng được. Đó là đặc thù của Hoàng Sa. Bây giờ, huyện Hoàng Sa đang trực thuộc quản lý của TP Đà Nẵng. Trước mắt, tách phường thuộc Đà Nẵng vào huyện Hoàng Sa đã, khi có dân thì có chính quyền để quản lý hộ tịch, hộ khẩu, tạm trú, tạm vắng… Khi hoàn thiện đầy đủ bộ máy chính quyền rồi thì mọi công dân Việt Nam, không phân biệt, có mong muốn là công dân Hoàng Sa sẽ được thực hiện quản lý tạm trú, hộ tịch…theo Luật Cư trú của Việt Nam.

Ngoài ra, chúng ta cũng phải đặt vấn đề Hoàng Sa là một quần đảo, chủ yếu phát triển kinh tế biển. Vì vậy cần phải có những công dân gắn quyền lợi trực tiếp của họ vào đó. Tức là những ngư dân, không những ở Đà Nẵng mà Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi… Họ vừa là công dân của huyện, vừa đánh bắt hải sản, làm ăn, tạo mối liên hệ ở ngư trường truyền thống của mình, bảo tồn hải sản và bảo vệ lãnh thổ.

Xét về mặt pháp lý, Quốc hội đã xác định Hoàng Sa là một huyện của Việt Nam. Về quản lý hành chính, lãnh thổ và dân cư, từ những đề xuất trên, cần chờ sự thông qua và quyết định của Bộ Nội vụ, Chính phủ và Quốc hội… Tôi cũng đã nhận được rất nhiều ý kiến rất hợp lý của nhiều người; đó là khi huyện đảo Hoàng Sa được có dân thì nên cho phép người Việt kiều, hoặc công dân nước ngoài nhập tịch. Và sau khi cho họ nhập tịch quê hương, chúng ta phải có cơ chế để tập hợp họ, tạo tiếng vang trong việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền với quốc tế. Tôi ví dụ, khi một người có 2 quốc tịch vừa ở Pháp, vừa ở Hoàng Sa, Việt Nam thì khi họ có tiếng nói sẽ có hiệu ứng rất lớn trong việc đấu tranh. Nếu đưa Hoàng Sa vào đất liền và lập chính quyền quản lý dân cư thì tôi sẽ sẵn sàng tham gia ứng cử.

Thực hiện được những việc đó, chủ quyền Hoàng Sa sẽ không chỉ có trong tâm tưởng của chúng ta, mà trở thành thực tế. Đồng thời, muốn kéo Hoàng Sa về gần hơn với đất mẹ, các hoạt động về về Hoàng Sa cần phải có thực chất. Việc tách phường để nhập vào Hoàng Sa chính là để quần đảo này có dân, sau đó là có đại biểu đại diện cho tiếng nói của nhân dân Hoàng Sa. Có những hoạt động thực chất như vậy, tính pháp lý về quản lý hành chính nhà nước hoàn thiện thì Hoàng Sa mới là thực thể hoàn chỉnh. Có dân, có lãnh thổ trên đất liền thì chúng ta càng có cơ sở pháp lý đấu tranh về chủ quyền của Hoàng Sa.

Trước đây, khi tôi làm Chủ tịch huyện Hoàng Sa, chúng tôi cũng đã có ý kiến về vấn đề này. Nhưng vì sự đắn đo, cân nhắc, chậm trễ nên đến bây giờ, việc này vẫn chưa được tiến hành. Thời điểm bây giờ, chúng ta cần phải tiến hành những việc này nhanh hơn, không thể chậm trễ. Hoàng Sa cần phải có dân, nếu như muốn kéo phần lãnh thổ thiêng liêng này về gần hơn với đất liền.

Ông Bùi Văn Tiếng (Chủ tịch Hội khoa học lịch sử, nguyên Trưởng Ban tổ chức Thành ủy Đà Nẵng): Phải có đại biểu đại diện cho huyện Hoàng Sa

lam sao de dua hoang sa ve gan hon voi dat me

Ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội khoa học lịch sử, nguyên Trưởng Ban tổ chức Thành ủy Đà Nẵng.

Ngày 17-2, tại hội nghị hiệp thương lần thứ nhất bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 14 và ĐB HĐND khóa 9 (nhiệm kỳ 2016 - 2021) do Ủy ban MTTQ TP Đà Nẵng tổ chức, tôi đã đề nghị hội nghị cơ cấu thêm một đại biểu thuộc UBND huyện Hoàng Sa. Sau khi lắng nghe ý kiến đó, nhiều ĐB khác cũng bày tỏ quan điểm đồng tình. Sau đó, 100% các đại biểu đến từ các hội, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội đã biểu quyết thống nhất phải có một đại biểu HĐND thành phố  diện cho huyện Hoàng Sa.

Cũng tại hội nghị này, ông Thái Thanh Hùng, Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh TP Đà Nẵng cho rằng, việc có một đại biểu của huyện Hoàng Sa sẽ góp phần đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, vừa nhắc nhớ về một phần đất máu thịt đã bị chiếm đóng.

Chúng ta luôn đấu tranh cho Hoàng Sa thì nhất thiết và cần phải cơ cấu một đại biểu cho huyện Hoàng Sa. Trước đây HĐND TP Đà Nẵng có một đại biểu quận Sơn Trà kiêm luôn đại diện cho huyện Hoàng Sa. Nhưng đây là thời điểm Hoàng Sa cần có đại biểu chính danh. Nếu phương án kéo Hoàng Sa vào đất liền bằng việc sáp nhập một số phường trên đất liền được phê chuẩn thì Hoàng Sa sẽ có dân, có những cử tri nữa. Trong bối cảnh đặc thù hiện nay, Hoàng Sa đang bị Trung Quốc tạm thời chiếm đóng, nghĩa là UBND huyện Hoàng Sa mới có Chủ tịch UBND chứ chưa có cử tri. Chính vì vậy, phương án tách phường tại quận Sơn Trà sáp nhập vào huyện Hoàng Sa sắp tới được Chính phủ và Quốc hội chấp thuận thì huyện Hoàng Sa sẽ có thêm cử tri và HĐND. Phương án này đã được trình cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét. Nếu được phê chuẩn thì khi đó Hoàng Sa sẽ trở thành một huyện gồm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và hai phường trên đất liền. Lúc đó, sẽ tiến hành hoàn chỉnh bộ máy hành chính, Đảng, HĐND...

Để tâm thức của người Việt luôn ghi nhớ quần đảo Hoàng Sa và ngày chúng ta mất quần đảo này thì vai trò của những người viết sử, làm giáo dục, giáo viên dạy lịch sử là vô cùng quan trọng... Với tư cách là một người nghiên cứu khoa học lịch sử, tôi thấy việc giáo dục ý thức, nhận thức về chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc đối với quần đảo Hoàng Sa cần phải bắt đầu sớm hơn, khi các em còn chập chững trên ghế nhà trường cho đến các bậc học sau này. Bộ môn lịch sử trong trường phổ thông, trường đại học có một vị trí cực kỳ quan trọng. Đó mới là cái lâu bền, lâu dài, căn cơ. Muốn trở thành cái nhạy cảm thường trực để từ đó có những hành vi đúng đắn và có những quyết tâm hết sức mạnh mẽ thì chỉ có thể bắt đầu sớm từ trường phổ thông.

Trách nhiệm của việc này thuộc về các nhà khoa học lịch sử, các nhà làm giáo dục, biên soạn sách giáo khoa... trong cả nước. Ngoài ra, cần có các hoạt động ngoại khóa, tất cả các hoạt động giáo dục trong và ngoài nhà trường. Trong sách giáo khoa lịch sử cần phải có những trang thể hiện rõ ràng các yếu tố thông tin về lịch sử, chủ quyền của Hoàng Sa. Hoàng Sa sẽ không bao giờ mất nếu như chúng ta luôn nhớ đến Hoàng Sa, thế hệ trẻ luôn nhớ đến Hoàng Sa.

Ông Nguyễn Minh Hùng (Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng): Những gì thuộc về lịch sử một cách rõ ràng thì người dân và thế hệ trẻ phải được biết

lam sao de dua hoang sa ve gan hon voi dat me

Ông Nguyễn Minh Hùng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng.

Muốn Hoàng Sa về gần hơn với đất liền, với Tổ quốc thì ngoài việc hoàn thiện bộ máy hành hành chính, thực thể chính quyền thì còn cần giáo dục về lịch sử, lãnh thổ, chủ quyền đến với học sinh, người dân và thế hệ trẻ. Là một người làm giáo dục, quan điểm của tôi về vấn đề này là trên góc độ giáo dục và đào tạo.

Gần đây, nhiều ý kiến yêu cầu những người biên soạn sách giáo khoa lịch sử, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải đưa lịch sử của cuộc chiến biên giới phía Bắc với Trung Quốc và cuộc hải chiến Hoàng Sa, các thông tin về quần đảo Hoàng Sa vào trong sách giáo khoa lịch sử. Trong 2 năm qua, Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng đã biên soạn hai cuốn tài liệu cho 2 cấp THCS và THPT có tên Lịch sử Đà Nẵng để đưa vào dạy trong các tiết chính khóa. Hai quyển sách này cũng như chương trình đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép đưa vào dạy trong khung chương trình lịch sử địa phương.

Cuốn sách này do tôi chủ biên,  được thẩm định, biên tập, in ấn bởi Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, sau đó phát hành đến các trường học; tổ chức một cách quy mô theo quy định hiện nay, được Ban Tuyên giáo thẩm định, có hội đồng phản biện kỹ lưỡng. Đà Nẵng đã soạn sách này theo trình tự thời gian.

Qua quyển sách, Hoàng Sa sẽ hiện ra theo từng thời kỳ qua các cứ liệu, theo chiều dài lịch sử trong từng giai đoạn. Có ý kiến cho rằng, cuộc chiến tranh biên giới 1979 chỉ xuất hiện trên sách giáo khoa trong 11 dòng là quá ngắn. Nhưng tôi cho rằng, đưa ngắn hay dài không quá quan trọng mà làm sao phải đưa đưa đúng, khơi đúng mạch nguồn lịch sử. Lịch sử có biết bao nhiêu sự kiện, nếu đòi hỏi sự kiện nào cũng đưa đầy đủ, đưa dài thì sách giáo khoa lịch sử sẽ dày cỡ nào.

Một bộ sách giáo khoa không phải cái gì cũng tập trung vào đó, thiếu cái gì là đưa vào hết. Sách giáo khoa không theo học sinh đi hết cả đời. Nó chỉ cung cấp những thông tin nền tảng. Như khi chúng ta đói thì ăn cái gì vào cũng thấy ngon nhưng khi đã no thì nhét cái gì vào cũng khó. Chúng ta không thể mang hết những kiến thức đó thuộc làu hết được. Nhà trường không phải là nơi cung cấp kiến thức chính mà đó là nơi hun đúc đam mê khoa học, kiến thức cơ bản để khơi dậy tri thức sau này.

Vì vậy, cần phải đưa các dữ liệu lịch sử một cách hợp lý, gọn gàng và phù hợp. Quá trình tiếp cận lịch sử là cả một đời chứ không phải một giai đoạn bởi quan điểm nhìn nhận lịch sử là ngày càng thay đổi, những cứ liệu ngày càng mở ra. Do đó, mình cung cấp cái đam mê để mỗi người tự tìm đến lịch sử. Do đó, sách giáo khoa chỉ như là một tài liệu mở. Theo tôi, để hiểu biết một cách đầy đủ về lịch sử, mà cao hơn nữa là ý thức của công dân đối với truyền thống lịch sử thì quan niệm cung cấp nhiều tài liệu rồi đưa cho các em học sinh học, thì nó cũng tốt, nhưng chưa đủ. Không đủ nếu chỉ cung cấp tài liệu và cho học sinh đọc, mà quan trọng phải trang bị niềm đam mê với lịch sử đất nước cũng như công cụ để các em tự tìm đến sự thật lịch sử.

 Ví dụ như chuyện đưa Hoàng Sa vào giảng dạy cho học sinh chẳng hạn. Đà Nẵng không dạy riêng một chương trình, bài giảng về Hoàng Sa mà đưa Hoàng Sa là một phần quan trọng, nổi bật trong chương trình. Ai đọc cũng có thể cảm nhận thấy. Lịch sử của Đà Nẵng kéo dài hơn 700 năm, và có rất nhiều nội dung có giá trị truyền thống lớn, có vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa nói riêng và các cuộc đấu tranh chống ngoại xâm nói chung. Việc này nhằm giúp học sinh ý thức được chủ quyền biển đảo cũng như toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

Bộ sách 2 cuốn về lịch sử Đà Nẵng này có tổng số 11 tiết học, trong đó 7 tiết cho cấp THCS, 4 tiết cho cấp THPT. Cuốn dành cho cấp THPT bắt đầu bằng bài một là “Đà Nẵng từ khởi thủy đến giữa thế kỷ 19”, bài hai là “Đà Nẵng giữa thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20”, bài ba là “Đà Nẵng trong cuộc vận động giải phóng dân tộc và kháng chiến chống thực dân Pháp”, bài bốn là “Đà Nẵng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và thời kỳ xây dựng đất nước từ năm 1975”. Cụ thể, trong bài một có phần quan trọng là Hoàng Sa thuộc về nước Đại Việt. Trong bài hai có phần nói về quần đảo Hoàng Sa dưới triều NguyễnTrang 51 có viết “Tháng 1-1974, Trung Quốc đã dùng lực lượng quân sự đánh chiếm các đảo phía Tây, xâm chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Bộ Ngoại giao Việt Nam Cộng hòa ra tuyên cáo kêu gọi các dân tộc yêu chuộng công lý và hòa bình lên án hành động xâm lược thô bạo của Trung Quốc, buộc Trung Quốc chấm dứt ngay hành động nguy hiểm đó và chính thức yêu cầu Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc xem xét hành động xâm phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa". Trong từng thời kỳ lịch sử của dân tộc, Hoàng Sa đều hiện ra rõ nét, chi tiết và được xâu chuỗi, gắn chặt vào các gian đoạn lịch sử đó.

Tôi hy vọng trong khung chương trình mới có nhiều thay đổi, không chỉ đưa thêm và đưa rõ về Hoàng Sa, Trường Sa mà phải xây dựng được lịch sử thành một bộ môn khơi dậy trong lòng học sinh một sự đam mê lịch sử nước nhà, tạo được cho mỗi con người có lòng yêu nước, gắn bó với dân tộc, yêu dân tộc của họ, từ đó họ mới tìm đến lịch sử. Muốn được như vậy trước hết phải giáo dục tình yêu quê hương, sống chết với quê hương Tổ quốc rồi mới đi đến yêu văn chương, lịch sử.

Theo tôi, những gì thuộc về lịch sử một cách rõ ràng thì người dân và thế hệ trẻ phải được biết.  Vấn đề quan trọng không phải là đưa dung lượng vào SGK dài hay ngắn, mà quan trọng là chúng ta đưa cái gì vào đó. Tất nhiên như lịch sử Đà Nẵng, chúng tôi đưa hải chiến Hoàng Sa và sự thật mất Hoàng Sa vào một cách rõ ràng vì đó là sự thật.

Nhưng hơn hết, Hoàng Sa hay Trường Sa đều của Việt Nam, mà Bộ Giáo dục và Đào tạo và NXB Giáo dục Việt Nam theo luật được phép ra một bộ sách giáo khoa chung, nhưng vẫn chưa chưa làm. Khi chúng tôi tự soạn bộ sách này, cũng có nhiều ý kiến nói rằng nhạy cảm lắm, ở cương vị, góc độ của chúng tôi làm sao soạn được sách nói về lịch sử với các chi tiết nhạy cảm như vậy, nhưng rồi chúng tôi vẫn phải làm.

Vì những gì thuộc về lịch sử một cách rõ ràng thì người dân và thế hệ trẻ phải được biết. Muốn Hoàng Sa về gần hơn trong tim mọi người, thì trước hết không được quên phần đất máu thịt ấy của Tổ quốc; mà một trong những cách đó là giáo dục về lịch sử, lãnh thổ, chủ quyền Hoàng Sa đến với học sinh, người dân và thế hệ trẻ.

Thanh Hiếu

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc