Âm nhạc cuối năm

Lạm phát giải thưởng

10:15 | 11/01/2018

499 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Có thể thấy, hiếm có lĩnh vực nghệ thuật nào hằng năm có nhiều giải thưởng tôn vinh như lĩnh vực âm nhạc, đặc biệt trong dịp cuối năm. Tuy nhiên, các giải thưởng âm nhạc này có thực sự chất lượng hay không lại là vấn đề chưa thể trả lời chính xác.

Mùa giải thưởng

Có thể khẳng định, sự phát triển về số lượng của các sản phẩm âm nhạc đã kéo theo sự nở rộ của những giải thưởng âm nhạc. Và trong năm, “mùa giải thưởng” nở rộ nhất chính là thời điểm cuối năm cũ, đầu năm mới.

Khoảng 20 năm trước, khi nhạc nhẹ Việt Nam có sự phát triển rực rỡ nhất, làng nhạc Việt Nam chỉ có 1-2 giải thưởng tên tuổi. Những ca sĩ, nhạc sĩ được vinh danh chính là những người được khán giả yêu mến, tác phẩm nhận được nhiều quan tâm và cũng phản ánh đúng thị hiếu âm nhạc và đời sống âm nhạc lúc bấy giờ.

Tuy nhiên, một vài năm trở lại đây, các tờ báo uy tín, các đài phát thanh, đài truyền hình, những trang thông tin online, nghe nhạc online... đều tự tổ chức những giải thưởng riêng, dẫn đến sự bùng phát các giải thưởng âm nhạc. Có thể nhắc tới những giải thưởng âm nhạc như Làn sóng xanh, Zing Music Awards, Vpop Yan TV, Mai vàng, HTV Awards...

lam phat giai thuong
Ca sĩ Bảo Anh nhận giải MV của năm thuộc Yan Vpop 20 Music Awards 2016

Mặc dù số lượng giải thưởng cùng các chương trình vinh danh đang tăng dần theo từng năm, nhưng sự quan tâm của khán giả cũng như các nghệ sĩ lại đang có xu hướng giảm dần. Bởi rõ ràng, sự bùng phát của các giải thưởng âm nhạc chỉ thuần túy ở tính chất cơ học, chứ không đi liền với chất lượng các tác phẩm âm nhạc. Chưa kể tới việc, bên cạnh những giải thưởng và sự vinh danh, khán giả còn phải chứng kiến không ít những lùm xùm xung quanh việc mua giải, mua tin nhắn hay gian lận trong quá trình bình chọn... khiến cái nhìn đối với các giải thưởng âm nhạc ngày càng khắt khe hơn và niềm tin của người hâm mộ cũng ngày càng giảm sút.

Bên cạnh đó, đã từng có trường hợp những ca sĩ tên tuổi như Mỹ Tâm, Đàm Vĩnh Hưng, Quang Dũng... từ chối giải thưởng dành cho mình với lý do “đã từng nhiều lần đứng lên bục nhận giải thưởng rồi, giờ trao cơ hội cho những người khác”... Nói thế để thấy rằng, nhiều giải thưởng đang mất dần ý nghĩa tôn vinh những đóng góp mà chỉ như lễ tổng kết cuối năm với sự góp mặt của quá nhiều gương mặt cũ, thậm chí có người không có sản phẩm mới trong năm. Ngoài ra, việc nhiều nghệ sĩ từ chối giải thưởng dành cho mình, đồng nghĩa với việc họ không thấy giải thưởng ấy thực sự có ý nghĩa và cao quý với họ nữa.

Thiếu giải thưởng chuyên môn

Trong khi các bảng xếp hạng âm nhạc, những công ty truyền thông, đài truyền hình... “đua nhau” tổ chức các giải thưởng âm nhạc với nhiều “mảng miếng” khác nhau; thì đâu đó đang thiếu vắng những giải thưởng mang tính chuyên môn cao và được bình chọn bởi chính những người làm nghề.

Nhiều khán giả đặt câu hỏi về việc vắng bóng những giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Âm nhạc các địa phương... trên phương tiện truyền thông đại chúng. Bởi đa phần các giải thưởng này thường chỉ trong nhà biết với nhau, rất ít khi có cơ hội quảng bá để đông đảo công chúng biết tới.

Hay gần đây, giải thưởng “Cống hiến” do Báo Thể thao và Văn hóa tổ chức cũng đã từng được kỳ vọng có chất lượng cao, kéo gần khoảng cách giữa khán giả và những người làm chuyên môn nhờ vào lá phiếu của các nhà báo theo dõi mảng văn hóa. Và thực sự, “Cống hiến” là một trong những giải thưởng “thật” nhất trong làng nhạc Việt, nơi cả khán giả và nghệ sĩ đều cảm thấy xứng đáng.

Tuy nhiên, sau nhiều năm được đánh giá là thành công, thì đến năm 2017, giải thưởng “Cống hiến” đột ngột bị... mất mùa và thiếu vắng những cái tên, sản phẩm âm nhạc dấu ấn. Năm 2017, giải đã thêm năm hạng mục khác: Chuỗi chương trình của năm; Nghệ sĩ mới của năm; Bài hát của năm; Music video của năm và Nhà sản xuất của năm. Dưới góc độ thị trường, những hạng mục mới này thể hiện sự phát triển của thị trường nhạc số, sự lấn sân của các chương trình truyền hình thực tế âm nhạc và cả tầm quan trọng của các nhà sản xuất âm nhạc sau thành công của một ca sĩ hay album. Thế nhưng, chính điều này làm “Cống hiến” dần nhạt nhòa. Khi giải càng tiệm cận thị trường thì càng thiếu khác biệt so với các giải thưởng âm nhạc khác.

Có thể nói, trong bất kỳ lĩnh vực nào, giải thưởng đều mang giá trị tích cực nhằm tôn vinh và khuyến khích những sáng tạo và những cống hiến. Tuy nhiên, đối với âm nhạc, việc “nở rộ” các giải thưởng âm nhạc lại là điều không đáng mừng, thậm chí đáng lo. Nó cho thấy sự “vênh nhau” giữa thị hiếu và chất lượng nghệ thuật khi khán giả và các nhà chuyên môn vẫn chưa tìm được tiếng nói chung.

Tất cả những điều này đã và đang cho thấy sự “nở rộ” khó kiểm soát của các giải thưởng âm nhạc, không những khiến chất lượng của chính giải thưởng đi xuống, mà còn khiến khán giả và những nghệ sĩ chân chính cảm thấy ngao ngán.

Ca sĩ Đan Trường: “Tôi thấy lạ là có ca sĩ, nghệ sĩ trẻ đoạt giải hay vào top 3, top 5 đề cử nhưng khán giả không biết họ là ai, đi hát khi nào… Điều này khiến khán giả và nghệ sĩ ngày càng mất lòng tin vào các giải thưởng. Đó là lý do khiến tôi xin rút lui không tham gia tranh giải”.

K.An

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.