Nặng tây y - nhẹ đông y

Làm gì để khắc phục?

21:34 | 01/07/2017

278 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hiện cả nước có 63 cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) chuyên khoa về y học cổ truyền, chưa kể các cơ sở khám chữa bệnh đa khoa.   

Có bảo hiểm cũng như không

Chị Nguyễn Thị Hoa (Long Biên, Hà Nội) đã 7 năm ròng cõng con đi gõ cửa hết các bệnh viện, kể cả những ông lang, bà mế để chữa bệnh bại não, nhưng bệnh tình của con vẫn không thuyên chuyển. Gần đây, gia đình chị Hoa chọn Bệnh viện Châm cứu Trung ương là hy vọng cuối cùng. Tuy nhiên, do bệnh tình của con chị Hoa phải điều trị lâu dài, hai vợ chồng chị lại đều đang bận công tác nên khó có thể cho con điều trị nội trú. Được các bác sĩ tư vấn, gia đình chị Hoa quyết định chọn phương án điều trị nội trú ban ngày cho con. Tuy nhiên, với hình thức điều trị này thì dù con chị Hoa có BHYT cũng vẫn không được hưởng chế độ. Bởi theo Luật BHYT sửa đổi thì những bệnh nhân chỉ điều trị 1/2 ngày sẽ phải chịu 100% viện phí.

lam gi de khac phuc
Bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Châm cứu Trung ương

Ở một trường hợp khác, chị Trương Thị Minh (ở Cần Thơ) cũng lặn lội mang con ra Bệnh viện Châm cứu Trung ương để điều trị bệnh. Trước đó, chị Minh cũng nhiều lần cho con điều trị tại bệnh viện tuyến tỉnh, rồi chuyển xuống Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM) để điều trị nhưng bệnh không thuyên giảm, chị quyết định vượt tuyến đưa con ra Hà Nội. Tất nhiên, với việc vượt tuyến này, dù có BHYT thì gia đình chị vẫn phải chi trả hoàn toàn viện phí.

Đây là 2 trường hợp có tham gia BHYT nhưng lại không được hưởng quyền lợi khi điều trị tại các bệnh viện khối y dược cổ truyền. Thực tế, từ khi Luật BHYT sửa đổi và Thông tư 40/2015 TTBYT quy định về thông tuyến trong BHYT của Bộ Y tế có hiệu lực thì nhiều bệnh viện khối y, dược cổ truyền vắng bóng bệnh nhân. Điều này, xảy ra ngay ở bệnh viện tuyến trên như Bệnh viện Châm cứu Trung ương.

Nguyên nhân là, theo Luật BHYT sửa đổi và Thông tư 40/2015 TTBYT về thông tuyến trong BHYT thì các bệnh nhân dù chuyển đúng tuyến nhưng nếu chỉ điều trị nội trú 1/2 ngày thì bệnh nhân vẫn phải chịu 100% viện phí. Đối với các bệnh nhân điều trị nội trú khi vượt lên tuyến Trung ương có thẻ BHYT thanh toán 40%, còn khi chuyển lên các bệnh viện tuyến tỉnh chỉ được thanh toán 60%. Trong khi, các bệnh viện tuyến dưới để tăng doanh thu cho bệnh viện thì họ cũng giữ bệnh nhân lại điều trị chứ ít khi ký giấy chuyển bệnh nhân lên tuyến trên. Các bệnh viện khối y dược cổ truyền với đặc thù riêng, thường là điều trị những bệnh mãn tính, không mang tính chất cấp cứu, nguy kịch nên việc giữ bệnh nhân lại hoàn toàn nằm trong quyết định của bác sĩ và bệnh viện. Điều này, vô tình gây khó cho bệnh nhân.

Bảo hiểm cũng “kêu”

Khi những vướng mắc để chế độ hưởng BHYT cho người dân chữa bệnh bằng y học cổ truyền còn chưa được giải quyết thì mới đây, trong cuộc hội thảo về “Một số khó khăn, vướng mắc trong khám chữa bệnh BHYT của các đơn vị trong lĩnh vực y, dược cổ truyền, ông Phạm Lương Sơn, Phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) đã phải thốt lên rằng: “Có rất nhiều bất cập trong khám, chữa bệnh BHYT y, dược cổ truyền cần phải được xem xét lại”.

Ông Sơn cũng chỉ ra những bất cập còn tồn tại trong khám chữa bệnh BHYT là cách ghi quy cách của dược liệu, vị thuốc tại kết quả đấu thầu không rõ ràng, gây khó khăn trong giám định giá thanh toán. Hoặc chi phí vị thuốc đề nghị thanh toán BHYT chênh lệch nhiều so với chi phí vị thuốc thực tế sử dụng. Ví dụ tại Bình Định, năm 2016, BHXH phát hiện và thu hồi số tiền chênh lệch gần 1 tỉ đồng do chênh giá thuốc thực tế xuất kho sau khi bào chế với giá thuốc đề nghị thanh toán BHYT. Chưa kể chất lượng thuốc y học cổ truyền chưa được giám sát chặt chẽ. Dược liệu trôi nổi, khó quản lý, giá thuốc không phản ánh chất lượng thuốc. Dược liệu chưa được đóng gói theo quy chuẩn, chưa có chứng nhận nguồn gốc xuất xứ. Theo Cục Quản lý y dược cổ truyền, mới chỉ có 10 doanh nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận.

Để tháo gỡ những vướng mắc trên, đại diện BHXH Việt Nam đề nghị Bộ Y tế cần sớm phối hợp với BHXH tổ chức các đoàn kiểm tra việc thực hiện khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền. Bộ Y tế cần có hướng dẫn cụ thể việc sử dụng, thanh toán đối với thuốc tự bào chế chất lượng, giá cả hợp lý, tăng cường kiểm tra, đánh giá chất lượng vị thuốc y học cổ truyền…

Luật BHYT sửa đổi và Thông tư 40/2015 TTBYT về thông tuyến trong BHYT thì các bệnh nhân dù chuyển đúng tuyến nhưng nếu chỉ điều trị nội trú 1/2 ngày thì bệnh nhân vẫn phải chịu 100% viện phí.

Huy An