Làm gì có chuyện bó tay doanh nghiệp

16:43 | 09/11/2012

811 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế đang được Quốc hội bàn thảo đã có ý kiến về đề xuất thay đổi quy định ân hạn nộp thuế 275 ngày đối với các doanh nghiệp (DN) nhập khẩu hàng, nguyên vật liệu về để sản xuất, gia công rồi xuất khẩu đã khiến các DN băn khoăn lo lắng.

Tại diễn đàn Quốc hội, đại biểu Trần Du Lịch (Đoàn TP HCM) cho rằng, chưa cần thiết phải thay đổi quy định này vì chi phí tài chính của DN thuộc 5 hiệp hội ngành hàng xuất khẩu sẽ tăng thêm 1,5 tỉ USD và chi phí giá thành xuất khẩu tăng 1,5%. Trong điều kiện cạnh tranh khó khăn như hiện nay, chúng ta đang cố gắng tháo gỡ khó khăn cho DN thì không có lý do gì chúng ta thay đổi một cái đang bình thường để gây khó khăn cho DN.

Đồng tình với ý kiến trên, đại biểu Vũ Huy Hoàng (Đoàn Lạng Sơn), Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, dù xuất khẩu năm 2012 tăng trưởng ở mức 18,9%, nhưng vẫn đang lo ngại không biết bằng cách nào để đạt được mục tiêu tăng 10% kim ngạch xuất khẩu trong năm 2013 do khó khăn đang diễn biến theo chiều hướng phức tạp. Với tình hình thực tế và khó khăn của DN, đề nghị Quốc hội chưa nên thay đổi quy định này.

Nhiều doanh nghiệp được miễn giảm gia hạn nộp thuế GTGT thu nhập doanh nghiệp

Tại các DN sản xuất hàng xuất khẩu, phản ứng về đề xuất bỏ ân hạn 275 ngày khá sôi nổi. Thậm chí còn có ý kiến cho rằng, hàng loạt DN thủy sản có nguy cơ thu hẹp sản xuất hoặc đóng cửa do bỏ quy định ân hạn đối với nguyên liệu nhập khẩu chế biến tái xuất. Dự thảo luật sửa đổi trong đó có đề nghị sửa đổi nội dung Điều 42 quy định về thời hạn nộp thuế phải có bảo lãnh của tổ chức tổ chức tín dụng. Theo các DN này, nếu Luật Quản lý thuế sửa đổi được thông qua và có hiệu lực thi hành, nhiều DN sẽ không còn vốn, hoặc bị giảm trừ hạn mức vốn vay để hoạt động khiến quy mô sản xuất bị thu hẹp và doanh thu, kim ngạch xuất khẩu sẽ bị giảm tương ứng.

Theo đó, trong ngành thủy sản, nguyên liệu trong nước chỉ chiếm không quá 50%. Theo các DN, nếu quy định này bị bãi bỏ thì DN sẽ thực sự gặp khó khăn do thiếu vốn sản xuất. Cá biệt, có chủ DN cho rằng, “người soạn thảo văn bản này hết sức xa rời người nộp thuế” vì nguyên liệu nhập khẩu đã tháo gỡ khó khăn cho DN rất cần được ân hạn. Tính ra từ thời điểm mở tờ khai hải quan tới lưu kho, sản xuất, bán hàng… đến lúc hoàn thuế phải mất từ 7 đến 8 tháng, nhanh nhất là 5 tháng rưỡi. Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, các DN chỉ nhập khẩu hàng hóa mà trong nước thiếu hoặc không sản xuất được. Các DN nhập cá ngừ, hải sản, tôm… nhưng có nhập con cá tra nào đâu?

Theo VASEP, dự thảo này đang tạo ra sự bất an và bức xúc của cộng đồng DN vì “đi ngược lại chủ trương khuyến khích sản xuất, xuất khẩu”. Nếu chính sách này được thông qua thì hạn mức tín dụng của các DN trong ngành sẽ giảm 20-40%, đồng nghĩa với việc giảm kim ngạch xuất khẩu 20-40% và nguy cơ lực lượng lao động trực tiếp phải giảm với tỷ lệ tương ứng. Ông Nguyễn Hữu Dũng còn bức xúc cho rằng, đây là chính sách không thể chấp nhận được trong thời buổi hiện nay. Ông Dũng đề nghị cơ quan chức năng công khai những doanh nghiệp vi phạm và tổng số thuế thất thu và số thuế mà các DN phải nộp. “Đừng giết nhầm còn hơn bỏ sót”, người soạn thảo chính sách chỉ muốn thuận lợi cho người ban hành chính sách thôi chứ không để ý gì đến những khó khăn mà DN thực thi chính sách đó gặp phải.

Dư luận cứ xôn xao lên khiến bạn đọc không khỏi lăn tăn chẳng hiểu thực hư thế nào? Tuy nhiên, nói đi thì cũng phải nói lại. Không phải ngẫu nhiên mà cơ quan soạn thảo có đề xuất này. Theo đó, lý do đề xuất việc bỏ thời hạn ân hạn thuế với các lô hàng nhập khẩu để chế biến tái xuất là thời gian qua có một số DN lợi dụng chính sách này để làm ăn gian dối, chây ỳ nộp thuế, sau đó bỏ trốn hoặc tự giải thể gây thất thu thuế cho Nhà nước. Quy định ân hạn hiện hành có thể dẫn đến sự bất lợi cho hàng hóa sản xuất trong nước so với hàng nhập khẩu, từ đó không khuyến khích sử dụng, tiêu dùng hàng nội địa.

Đại diện cho cơ quan soạn thảo, đại biểu Vương Đình Huệ (Đoàn Bình Định), Bộ trưởng Bộ Tài chính cho hay, về bản chất, Luật Quản lý thuế hiện hành và dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế đều cho phép cơ chế ân hạn thuế 275 ngày, duy chỉ có điều khác là theo dự thảo luật sửa đổi thì tất cả đều phải nộp phí bảo lãnh mới được ân hạn. Theo cơ quan soạn thảo, đưa ra quy định này là do có tới 20% số DN vẫn thường xuyên chây ỳ, vi phạm các điều khoản liên quan đến chấp hành nghĩa vụ thuế.

Cũng theo đại biểu Vương Đình Huệ, tổng giá trị kim ngạch nguyên vật liệu nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu năm 2011 khoảng 6,3 tỉ USD, trong số này chỉ có 2,1 tỉ USD phải chịu thuế nhập khẩu, còn phần lớn miễn thuế. Với mức thuế suất của khu vực ASEAN là 5% và ngoài ASEAN là từ 6-10% và nếu tính mức thuế suất bình quân 6% thì số thuế phải nộp chỉ có 126 triệu USD. Với mức bảo lãnh 0,05%/tháng tính trên số 126 triệu USD này thì không thể nào có con số chi phí tăng thêm 1,5 tỉ USD như phía hiệp hội ngành hàng nói.

Được biết, tính đến thời điểm tháng 9/2012, cả nước có 311.943 lô hàng nhập khẩu phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu và 5.752 lô hàng nhập theo hợp đồng gia công hàng xuất khẩu. Đến 15/9, vẫn còn 5.784 lô hàng nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất hàng xuất khẩu và 961 hợp đồng gia công xuất khẩu vẫn chưa tiến hành thanh khoản với số tiền quá hạn là 1.497 tỉ đồng, trong đó số DN bỏ trốn khỏi địa chỉ kinh doanh đã và đang bị khởi tố, không có khả năng thu hồi là 500 tỉ đồng. Tính ra so với tổng lượng hàng nhập thì không nhiều. Con sâu bỏ rầu nồi canh là vậy.

Đại biểu Trần Quang Chiểu (Đoàn Nam Định) cho rằng, quy định nộp thuế ngay hoặc ân hạn phải có bảo lãnh sẽ chống tình trạng chây ỳ nộp thuế. Quy định này nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong quản lý thuế, chống thất thu, chiếm dụng thuế ngân sách, nâng cao trách nhiệm người nộp thuế; ngăn DN ý thức chấp hành pháp luật chưa cao; bình đẳng các loại hình DN khuyến khích sản xuất hàng trong nước; phù hợp thông lệ quốc tế vì nhiều nước đều không cho nợ thuế… Phí bảo lãnh khoảng 0,05%/tháng và 0,29%/tháng với DN có và không có tài sản đảm bảo không ảnh hưởng nhiều đối với DN xuất khẩu như những kiến nghị của các hiệp hội ngành nghề.

Xem ra, nếu theo các ý kiến này thì khó thật. Phía này thì kêu bị cấm nhầm còn hơn bỏ sót và vống bằng được điều mà họ cho là nguy cơ thua thiệt. Phía kia lo thất thu, mất tiền mất người. Ai cũng có lý của mình. Việc bàn thảo dẫu chưa ngã ngũ nhưng cơ quan soạn thảo đã lắng nghe, đã có động thái sẽ nghiêm túc xem xét những ý kiến phản biện này.

Minh Nghĩa

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc